1. Chiếc điện thoại di động thương mại đầu tiên.
Cuộc gọi di động đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi Martin Cooper - nhân viên Motorola vào năm 1973 từ New York. Ông gọi điện cho đối thủ lớn nhất của mình: "Tôi gọi cho Joel Engel - đối thủ và là nhân viên của AT&T. Lúc đó AT&T là công ty lớn nhất thế giới. Chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ ở Chicago. Họ coi chúng tôi chỉ như một con bọ trên lưng voi vậy".
Cooper nói với BBC: "Tôi nói: "Joel, Marty đây. Tôi đang gọi cho anh bằng điện thoại di động - một chiếc điện thoại di động thực thụ". Phía đầu dây bên kia im lặng. Tôi đoán anh ta đang nghiến răng tức giận".
Cuộc gọi Cooper thực hiện là từ mẫu thử nghiệm Motorola DynaTAC - chiếc điện thoại 10 năm sau trở thành điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới. DynaTAC được FCC thông qua năm 1983 và ra mắt năm 1984 với giá 3995$ - khoảng 9000$ hiện nay do lạm phát.
DynaTAC là biểu tượng công nghệ thập kỷ 80. DynaTAC được Gordon Gekko sử dụng trong Wall Street và Patrick Bateman sử dụng trong America Psycho. DynaTAC được biết tới với tên "điện thoại Zack Morris" vì nhân vật trong phim Saved by the Bell sử dụng điện thoại này.
Cuộc điện thoại đầu tiên ở Anh là năm 1985. Nhà hài kịch Ernie Wise gọi từ Luân Đôn đến văn phòng của Vodafone ở Newbury, Berkshire.
2. Smartphone đầu tiên.
Chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới xuất hiện ở Hội nghị Không dây thế giới tại Florida năm 1993. Đó là mẫu điện thoại kiêm PDA có màn hình cảm ứng LCD, nặng hơn 450g và được cung cấp bởi BellSouth Cellular.
Báo chí nói về chiếc smartphone này như sau: "Simon được thiết kế bởi IBM và có vẻ ngoài như một chiếc điện thoại thông thường nhưng mang đến cho bạn nhiều tính năng hơn chỉ là đàm thoại. Bạn có thể sử dụng Simon như thiết bị không dây, máy nhắn tin, thiết bị thư điện tử, đặt lịch, danh bạ, máy tính và bản phác thảo. Simon có giá 899$".
Simon chỉ được sản xuất 2000 bản và giờ đây chiếc máy này trở thành một mẫu máy để sưu tập. Microsoft có một trang web giới thiệu về Simon, bạn có thể tham khảo tại
đây.
3. Giới hạn tin nhắn 160 kí tự.
Có rất nhiều giả thuyết về người sáng tạo ra tin nhắn. Tin nhắn được phát triển vào khoảng cuối thế kỷ 20, và người tạo ra SMS - dịch vụ nhắn tin ngắn trên di động - là German Friedhelm Hillebrand.
Hillebrand làm việc cho một nhóm GSM. Ông đã nghĩ ra ý tưởng về tin nhắn 128-byte gửi qua mạng di động và giới hạn 160 ký tự mỗi tin nhắn cũng chính do ông nghĩ ra vào năm 1985. Hillebrand đếm số ký tự, con số, dấu cách và dấu câu trên một trang giấy. Mỗi câu dài khoảng 1 đến 2 dòng đều có dưới 160 ký tự.
Hillebrand quyết định 160 là "con số hoàn hảo". Và với thực tế là bưu thiếp và điện tín cũng thường có ít hơn 150 ký tự, nhóm GSM đặt ra
chuẩn mực 160 ký tự cho tin nhắn vào năm 1986. Sau đó các nhà mạng và các máy di động đều áp dụng chuẩn mực này/
Ngày nay bạn có thể gửi tin nhắn nhiều hơn 160 ký tự, nhưng chuẩn mực này vẫn được áp dụng với Twitter. Mạng xã hội này giới hạn 140 ký tự cho mỗi tweet và 20 ký tự cho username.
4. Vấn đề kẹt phím.
Vấn đề kẹt phím là khi mà điện thoại để trong túi tự động quay số gọi đến số máy khác. Đây là vấn đề thường gặp với mọi người sử dụng điện thoại. Với những người sử dụng thông thường đó chỉ là vấn đề nhỏ nhưng với các số dịch vụ khẩn gấp thì vấn đề này nghiêm trọng hơn nhiều. Một số bang ở Mĩ số lượng "cuộc gọi ma" kiểu này chiếm đến 70% số cuộc gọi đến 911. Ở Anh con số này là 11.000 "cuộc gọi ma" mỗi ngày.
Tại sao số "cuộc gọi ma" đến 911 và 999 lại nhiều thế? Đó là do dù người sử dụng có khóa bàn phím thì cuộc gọi đến 911 và 999 vẫn được thực hiện để đề phòng trường hợp khẩn cấp thực sự. Thực tế các mẫu điện thoại trước đây đều tự động thực hiện cuộc gọi đến số khẩn cấp khi phím số 9 và phím gọi được ấn, hoặc khi 2 phím số được ấn cùng lúc.
Hiện nay các nhà sản xuất điện thoại đã bỏ chức năng nay, tuy nhiên vấn đề kẹt phím vẫn xảy ra. Năm ngoái 2 kẻ trộm ô tô bị nghe thấy khi điện thoại của 1 trong 2 tên gọi đến 911. Hồi tháng 5 năm nay một tên buôn lậu ma túy bị bắt giữ vì điện thoại của hắn gọi đến số cảnh sát khi đang thực hiện vụ buôn lậu. Một kẻ bị truy nã ở Maine cũng đã bị tóm vì điện thoại của hắn liên tục gọi đến số cảnh sát.
5. Điện thoại di động đắt nhất thế giới.
Công ty trang sức Anh Stuart Hughes là công ty tạo ra chiếc
điện thoại đắt nhất thế giới. Phiên bản iPhone 4 "Hồng kim cương" có giá 5 triệu bảng Anh (tương đương 8.184.968,42$ - khoảng 167 tỷ đồng).
Với khoản tiền khổng lồ ấy, bạn sẽ có một chiếc iPhone 4 với hơn 500 viên kim cương tổng trọng lượng hơn 100 carat, biểu tượng quả táo Apple hồng bằng vàng với 53 viên kim cương và 1 viên kim cương hồng 7,4 carat ở phím Home. Ngoài ra bạn còn được một viên kim cương 8 carat đi kèm để thay thế cho viên màu hồng.
6. Cây giả
Bạn có ngạc nhiên vì không thấy nhiều trạm thu phát sóng điện thoại ở Mĩ không? Thực tế có đến hơn 2 triệu trạm thu phát sóng điện thoại nhưng chúng đều được ngụy trang. Trong thành phố, các cột thu phát sóng thường được ngụy trang thành các biển báo, đồng hồ, cột điện thoại, ống thoát nước...
Một trong những cách độc đáo nhất là ngụy trang cột thu phát sóng thành... cây giả bằng nhựa. Trang web Fraud Frond đặc biệt ưa thích các cây giả này. Thậm chí có cả một nhóm trên Flick về các cây giả này. Nhiếp ảnh gia Robert Voit mở hẳn một cuộc triển lãm về chủ đề này.
Fraud Frond bình luận: "Ít người biết đến các cây giả này vì nó được ngụy trang rất khéo. Nhưng nếu để ý một chút bạn sẽ gặp rất nhiều cây giả kiểu này".
7. Các căn bệnh liên quan đến điện thoại
Bạn có biết rằng có khá nhiều các căn bệnh mà điện thoại gây ra cho tinh thần chúng ta không? Các căn bệnh phổ biến nhất là: Bệnh sợ gọi và nhận cuộc gọi, sợ không liên lạc được khi điện thoại hết pin hoặc ngoài vùng phủ sóng, tưởng rằng điện thoại đổ chuông khi thực tế là không, sợ điện thoại gây hại cho não,...
8. Phát minh ra hộp thư thoại
Scott Jones - nhà nghiên cứu 26 tuổi ở MIT là người đầu tiên phát minh ra hộp thư thoại năm 1986. Có lẽ hiện nay ít người dùng đến hộp thư thoại, nhưng thời bấy giờ thì hộp thư thoại thực sự là một phát minh tuyệt vời. Tưởng tượng bạn cần chuyển thông tin cho người khác khi họ đang ở nước ngoài... Hộp thư thoại thực sự rất hữu ích cho công việc thời bấy giờ.
9. Ký hiệu
Ngay cả ngôn ngữ của con người cũng bị ảnh hưởng bởi điện thoại. Đôi khi bạn sẽ bắt gặp những ký hiệu số như 2665 hay 4663. Ý nghĩa của các con số này ư? Hãy nhìn vào bàn phím điện thoại. Ấn 2665 bạn sẽ có từ "book" hoặc "cool", còn 4663 sẽ là "home" hoặc "good". Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng số điện thoại theo tên hãng để giúp người sử dụng dễ nhớ hơn.
Hiện nay cách này không còn phổ biến nữa bởi các mẫu smartphone QWERTY đang tràn ngập trên thị trường.
10. Điện thoại bán chạy nhất thế giới
Gần đây Apple tuyên bố hãng đã bán được 100 triệu
iPhone, nhưng số lượng ấy chỉ đứng thứ 5 mà thôi. Chiếc điện thoại bán chạy nhất thế giới là
Nokia 1100. Ra mắt năm 2003, chiếc điện thoại đơn giản của Nokia này đã bán được 250 triệu chiếc trên toàn thế giới. Đứng thứ 2 và 3 là Nokia 3210 và 3310, còn thứ 4 là Motorola RAZR.