- Theo Trí Thức Trẻ | 15/02/2021 09:29 AM
Jujutsu Kaisen hiện tại vẫn đang là một trong những anime nổi đình đám hiện nay. Tác phẩm là sự dung hòa từ yếu tố hành động, hài hước thường thấy ở thể loại Shonen hiện hành, nhưng cũng không ngại đưa vào yếu tố đen tối, ghê rợn và máu me của chất kinh dị. Dàn nhân vật từ chính cho tới phụ đều để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cũng là một thành công mà studio MAPPA có thể tự hào.
Không dừng lại ở đó, Jujutsu Kaisen cũng lồng ghép rất nhiều chi tiết như một cách quảng bá, tôn vinh nét văn hóa của xứ sở Mặt Trời Mọc. Đó còn là bối cảnh như sự hòa trộn giữa nét cổ kính lẫn hiện đại trong lịch sử của Nhật Bản. Vì vậy, hãy cùng nhau điểm qua một vài chi tiết thú vị được Jujutsu Kaisen đưa vào câu chuyện để tôn vinh giá trị văn hóa của Nhật Bản nhé!
10. "Chào mừng bạn đến với Tokyo"
"Chào mừng bạn đến với Tokyo" (Welcome To Tokyo!) là câu nói hay dùng khi chào đón những ai đặt chân tới Tokyo, thủ đô của Nhật Bản. Không chỉ riêng gì du khách quốc tế, mà ngay cả dân bản địa từ những nơi khác cũng rất thích được một lần tới thành phố nhộn nhịp, hiện đại nhưng cũng không kém phần xô bồ như Tokyo.
Tokyo là một trong những biểu tượng quốc gia của Nhật Bản với rất nhiều địa điểm như khu Harajuku, tháp Tokyo, Shibuya và còn nhiều nơi khác nữa. Trong Jujutsu Kaisen, Itadori Yuji với Nobara đều cảm thấy cực kì hào hứng khi được tới Tokyo.
9. Bối cảnh trường học tái hiện chính xác một chi tiết từ lịch sử Nhật Bản
Trong Jujutsu Kaisen, Cao đẳng Kỹ thuật Lời nguyền Thủ đô Tokyo là một công trình được dựa theo hình mẫu của các ngôi chùa trong Phật giáo. Chi tiết này được lấy cảm hứng từ thời Edo, khi tồn tại trường lớp được đặt trong khuôn viên chùa gọi là Terakoya (trường chùa).
Terakoya rất nổi tiếng vào thời kỳ này khi được trông coi bởi các sư thầy và Samurai. Sau này, chúng được thay thế dần bởi trường học hiện đại quản lý theo mô hình nhà nước.
8. Tái hiện sự đối lập vùng miền
Nhật Bản tồn tại sự đối lập trong văn hóa, lối sống và thậm chí đến mức từng có mối thù địch với nhau giữa hai vùng Kansai (nay là Kinki) với Kanto. Kansai có Osaka, nơi được nhiều người đánh giá là thân thiện, cởi mở và đồ ăn rất hợp khẩu vị. Còn Kanto, với trọng tâm là thủ đô Tokyo thì đa dạng hơn về văn hóa, ẩm thực nhưng mọi người nơi đây lại khá dè đặt và giữ một khoảng cách nhất định với người lạ.
Khi đưa vào trong Jujutsu Kaisen, tính đối lập này được thể hiện trong buổi giao lưu thường niên giữa hai nhánh chị em trực thuộc Cao đẳng Kỹ thuật Lời nguyền, nhánh Tokyo và nhánh Kyoto (Kyoto cũng thuộc vùng Kansai). Người xem ở Nhật Bản có thể nhìn ra được dụng ý của nhà sản xuất khi muốn tái hiện một nét đặc trưng của Nhật Bản, thêm vào đó là yếu tố hành động.
7. Tái hiện chính xác phong tục làm đám tang của Thần Đạo (Shinto)
Với Jujutsu Kaisen, studio MAPPA luôn đầu tư một cách chỉn chu, chăm chút cho từng chi tiết kể cả nhỏ nhất. Chính vì vậy, series này được nhiều người xem anime đánh giá rất cao. Ngay từ tập phim đầu tiên, studio MAPPA đã tái hiện một trong những phong tục của đạo thần (Shinto). Đó là trong lễ tang của người ông, Itadori đã thực hiện theo phong tục của đạo thần, khi cậu dùng đôi đũa để gắp xương của ông vào một chiếc hũ đựng tro cốt.
Đây là khoảnh khắc nhẹ nhàng tái hiện một phần trong văn hóa tín ngưỡng của Nhật Bản, nhất là khi tiễn đưa người đã khuất. Ai sinh ra rồi cũng đến lúc trở về với đất mẹ, nhưng họ sẽ không bao giờ bị lãng quên trong con tim của những người ở lại.
6. Thể hiện quan điểm về khái niệm tâm linh so với phương Tây
Việc bị một thế lực mang tính tâm linh, huyền bí nào đó xâm chiếm cơ thể thường hay được lồng ghép như một chi tiết đặc trưng trong anime. Như là Kurama được phong ấn bên trong Naruto, hay Kyo trong anime Fruits Basket là vật chủ của một quỷ miêu. Còn nếu nhìn sang đời thật, các thể lực tâm linh theo tín ngưỡng của phương Tây sẽ bị trục xuất hoàn toàn ra khỏi cơ thể hoặc đồ vật theo nghi thức trừ tà.
Ở Jujutsu Kaisen lại thể hiện một quan niệm rất khác của Nhật Bản về những vấn đề như vậy. Theo văn hóa dân gian của Nhật Bản, con người thường sẽ làm bùa may mắn, rửa tay trước khi vào chùa chiền. Ngoài ra còn là phong ấn thế lực tâm linh tà ác để giam giữ, không cho chúng thoát ra ngoài. Chính vì vậy, mà Itadori Yuji đã thực hiện giao kèo với Sukuna thay vì để cho vua nguyền hồn ra khỏi cơ thể cậu.