Điểm nhấn khiến Arrival trở thành phim viễn tưởng đình đám nhất đầu năm 2017

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 07/01/2017 04:00 PM

Arrival là tựa phim viễn tưởng đình đám về người ngoài hành tinh mà bạn không nên bỏ qua.

Sau thành công của Prisoners hay gần đây là tác phẩm về đề tải tội phạm ma túy Sicario, đạo diễn người Pháp – Canada Denis Villeneuve tiếp tục đem tới cho khán giả một bộ phim "nặng đô" khác mang tên Arrival. Lấy chủ đề quen thuộc về không gian mà những năm qua từng được Gravity, The Martian hay Interstellar khai thác khá thành công, Arrival là một mảng màu hoàn toàn khác khi khắc họa câu chuyện đầy nhân văn và đậm tính khoa học mà trung tâm là giáo sư ngôn ngữ Louise Banks (Amy Adams). Kịch tính, đẹp mắt và mang hơi thở triết lý, Arrival đưa khán giả du hành vào một thế giới nơi thời gian – không gian trở thành tương đối, còn giao tiếp là chìa khóa của sức mạnh.

Mẫu mực về hình ảnh - Giàu có về kiến thức

Arrival - Giao tiếp hay là chết - Ảnh 1.

Nguyên tác của Arrival là cuốn truyện ngắn Story of Your Life của tác giả Ted Chiang xuất bản năm 1998. Sau gần 2 thập kỉ, câu "chuyện đời" ấy được chuyển thể lên màn ảnh, trung thành với hầu hết những chi tiết trong truyện. Arrival đem tới một biến cố với quy mô toàn cầu: 12 tàu không gian xuất hiện tại 12 địa điểm trên toàn thế giới khiến lãnh đạo các nước bối rối không biết mục đích của "chúng" là gì.

Tại Mỹ, nơi một tàu hạ cánh tại bang Montana, người ta đưa tới nhà ngôn ngữ học Louise Banks (Amy Adams) với hy vọng cô cùng đồng sự là nhà vật lý học Ian Donnelly (Jeremy Renner) sẽ tìm ra cách để giao tiếp với người ngoài hành tinh. Những mô thức giao tiếp đầu tiên được kết nối khi Louise, Ian và hai sinh vật ngoài hành tinh bảy chân (hetapod) cùng nhau trao đổi từ vựng cơ bản. Tuy nhiên quá trình giao tiếp bị đặt dưới áp lực khổng lồ về thời gian và chính trị. Trong khoảng thời gian nghiên cứu vất vả nhất, Louise đã thấy những ảo giác xen lẫn ký ức về đứa con gái chết vì bệnh ung thư của mình.

Arrival - Giao tiếp hay là chết - Ảnh 2.

Xuyên suốt Arrival không phải là những trận chiến đối đầu long trời lở đất giữa con người và người ngoài hành tinh. Đây cũng là một trong những điểm thú vị đã tách bạch tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve khỏi những bộ phim sci-fi nhan nhản từ trước tới giờ. Lấy ý tưởng về UFO và du hành thời gian, nhưng giống như những phi thuyền của loài hetapod, Arrival luôn neo đậu trong thế giới của loài người. Một bộ phim tập trung vào con người, khai thác tính nhân văn và vẻ đẹp của giao tiếp bằng sự xuất hiện của một giống loài khác đòi hỏi nhân loại phải tư duy lại về thứ ngôn ngữ chúng ta đang dùng.

Tác phẩm như một thế giới song song phản chiếu những câu hỏi mà loài người vẫn đau đáu: Chúng ta luôn luôn hướng kính thiên văn ra ngoài vũ trụ hòng tìm kiếm câu trả lời về sự đơn côi của loài người, nhưng liệu một ngày "họ" tới thăm, con người đã đủ sẵn sàng? Sự lúng túng trong cách giải quyết giữa các chính phủ, đường hướng đối ngoại thiếu thống nhất giữa những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc cho thấy nhân loại có thể dễ dàng đánh mất cơ hội như thế nào nếu như không thể giao tiếp được với nhau.

Arrival - Giao tiếp hay là chết - Ảnh 3.

Arrival thu hút khán giả bằng hành trình khám phá vẻ đẹp của giao tiếp. Cả bộ phim là câu chuyện tiến sĩ Louise dạy hai sinh vật bảy chân… biết nói và ngược lại. Đó cũng là những mẩu đối thoại đầy yêu thương giữa cô và đứa con gái bé bỏng, là những trao đổi đầy nguyên tắc giữa Louise và Đại tá Weber (Forest Whitaker), là sự tái phát hiện tiên đề Sapir-Whorf rằng đặc tính của một ngôn ngữ có ảnh hưởng đối với những suy nghĩ quen thuộc của những người nói ngôn ngữ đó.

Sự đa nghĩa vốn được coi như đặc tính giàu có của ngôn ngữ thì nay cản trở những giống loài khác nhau hiểu được bản chất của nhau. Tuy nhiên, một khi những rào cản này được gỡ bỏ trên con đường đi tới thấu hiểu, tri thức mà chúng ta nhận được vượt xa sức mạnh của vũ khí. Tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến nhất trên toàn cầu hay ngôn ngữ trò chơi được dùng để giao tiếp giữa người và máy tính đối với với thứ chữ tượng hình của sinh vật ngoài hành tinh trong Arrival chỉ như gam màu đơn sắc so với một bức tranh sinh động.

Vẻ đẹp của Arrival còn nằm ở những khung hình đẹp đến mẫu mực dưới bàn tay của quay phim Bradford Young. Ấn tượng đầu tiên về phi thuyền người ngoài hành tinh – đen bóng và khổng lồ lặng yên giữa thung lũng Montana với cỏ xanh và mây trắng đổ xuống như thác được đặc tả bằng cú máy dài (long take) chắc chắn sẽ ghi dấu trong lòng người xem rất lâu sau này.

Tương tự như vậy, cảnh phim đoàn thám hiểm đặt chân xuống phi thuyền ngoài hành tinh với những cú lia máy tròn và trung tâm là một mảng sáng giữa bốn bề tối hun hút đem lại ấn tượng cho khán giả, gợi nhớ bộ phim Signs (2002). Nếu như đại cảnh hiện tại giữa con người và UFO mang tới trải nghiệm choáng ngợp, thì những mảng ký ức (flashback) của Louise lại giàu có về thanh điệu và màu sắc theo một cách ấm áp. Sống động và hiển hiện, đây trở thành mạch phim phụ của câu chuyện trong Arrival – hòa lẫn vào cuộc sống thực tại của nhân vật chính.

Sân khấu để Amy Adams tỏa sáng

Có đến hai nhân diện cùng tồn tại trong con người nhân vật Louise Banks. Bề ngoài cô là một nữ chuyên gia luôn nhỏ nhẹ, bình tĩnh và khẽ run rẩy trước những biến cố xảy ra trước mắt. Trong thâm tâm, Louise phải đối mặt với cơn giông bão của riêng mình – những mảnh ghép hồi ức về đứa con đã mất dần dần bị bẻ cong trong một thực tại mà khái niệm thời gian thông thường đã không còn đủ năng lực để giải thích.

Đạo diễn Villeneuve dành nhiều thời lượng trên màn ảnh tập trung vào khuôn mặt của Amy Adams, cho thấy sự tĩnh tại trong diễn xuất của cô cũng như khai thác được những biểu hiện tinh tế nhất trên gương mặt của người đẹp này. Từ đôi mắt sáng màu luôn mở to tới mái tóc đỏ và gò má đầy đặn rất trắng tới giọng nói tiết chế, Louise Banks hiện lên thánh thiện như một viên ngọc giữa không gian giông tố của một thế giới hỗn loạn chỉ chờ chực bùng nổ.

Chúng ta trải nghiệm thứ mà Louise thấy, cái chạm tay đầu tiên vào lớp vỏ tàu kì lạ là của Louise, cái nhìn cận cảnh đầu tiên với những sinh vật ngoài hành tinh cũng là của cô. Amy Adams là người hùng của cả bộ phim, khéo léo sử dụng cái tĩnh của mình để kéo khán giả lại gần và là nền tảng chắc chắn cho người dẫn truyện khái quát lên một phần quan trọng trong mạch phim.

Arrival - Giao tiếp hay là chết - Ảnh 6.

Trong khi đó, người đồng sự của Louise là nhà vật lý Ian Donnelly do nam diễn viên Jeremy Renner đảm trách lại có vẻ lép vế so với nữ cộng sự của mình. Suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, Ian gần như đóng vai chân chạy cho Louise mà hầu như không có đóng góp đáng kể nào ngoại trừ một phát hiện gần cuối phim. Diễn xuất của Jeremy Renner rơi vào tình trạng đơn điệu, thậm chí so với một Đại tá Weber nghiêm khắc do Forest Whitaker thủ vai, anh còn nhạt nhòa hơn mặc dù thời lượng xuất hiện của Weber không là bao.

Arrival có lẽ không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Denis Villeneuve nhưng là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất trong thời gian gần đây. Động cơ đến Trái Đất của sinh vật ngoài hành tinh vẫn chưa thực sự được sáng tỏ, một số nhân vật còn mờ nhạt, chi tiết nhóm người nổi loạn do xem quá nhiều tin tức dường như không cần thiết; bỏ qua những điều này Arrival là một câu đố thú vị với cái kết đầy duyên nợ và bất ngờ cần phải giải đoán bằng cả tình cảm và lý trí.

Giống như nhiều tác phẩm bậc thầy khác, giá trị hiện thực của Arrival nằm ở thông điệp cho thế giới ngày nay: về tầm quan trọng của giao tiếp, làm thế nào để vượt qua được sự chia rẽ văn hóa và hiểu lầm để có thể tồn tại như một giống loài thống nhất.