Dịch vụ xin lỗi hộ: Điều không tưởng lại ăn nên làm ra ở Nhật Bản

Minh Phương  Trí thức trẻ | 24/07/2022 08:52 PM

Bỗng một ngày có người lạ mặt trông dữ tợn chặn đường của bạn. Rồi bạn nhận ra bản thân mình đã bị quan sát một thời gian…

"Lần theo dõi lâu nhất mà anh phải thực hiện là bao lâu?", Kurokawa ngồi trong lều nhìn vào vô định, tay cầm điếu thuốc đang hút dở, suy nghĩ một lúc. "Hai ngày thì phải," Kurokawa nói với giọng lưỡng lự, như thể anh cũng không chắc chắn và điều mình nói: "Nếu anh đợi đủ lâu thì cuối cùng cũng sẽ tìm được người cần tìm thôi".

Kurokawa không giải thích lý do vì sao anh lại chọn phỏng vấn trong một căn lều bỏ hoang ở giữa vùng nông thôn Shizuoka, cách trạm xe buýt gần 40 phút đi bộ qua một đường hầm. Công ty của anh – cũng là chủ đề của cuộc phỏng vấn – vốn dĩ không có văn phòng. Căn lều mà anh sở hữu chỉ có vài chiếc ghế dài kê quanh một chiếc bàn nhỏ, thêm một chiếc bàn làm việc và thế là chẳng còn không gian cho thứ gì khác nữa.

 Dịch vụ xin lỗi hộ: Điều không tưởng lại ăn nên làm ra ở Nhật Bản  - Ảnh 1.

Thật kỳ lạ khi Kurokawa muốn phỏng vấn ở đây. Một quán café ở Tokyo sẽ thích hợp hơn nhiều. Không thiếu chỗ tốt hơn nơi này. Nhưng có vẻ căn lều khiến anh thoải mái hơn. Anh ngồi thư giãn trên chiếc ghế dài và rút thêm một điếu thuốc nữa.

Công ty của Kurokawa có cách thức để tìm "mục tiêu" của họ: Thu thập một số thông tin về đối tượng như nơi làm việc hay địa chỉ nhà rồi sau đó ngồi và chờ đợi.

Hẳn bạn sẽ không muốn thấy một người với khuôn mặt có đường nét thô và hơi dữ dằn như Kurokawa đậu xe trước cửa căn hộ của mình. Nhưng anh không đến để gây sự. Điều mà anh làm là xác định và dồn mục tiêu của mình vào một góc và rồi… nói lời xin lỗi.

 Dịch vụ xin lỗi hộ: Điều không tưởng lại ăn nên làm ra ở Nhật Bản  - Ảnh 2.

Kurokawa là người sáng lập và quản lý Shazai-daikou – một công ty có dịch vụ đi xin lỗi hộ. Công ty này được mở cửa vào năm 2014. Hiện nay, Kurokawa đang quản lý một đội ngũ gồm 120 "nhân viên xin lỗi" rải rắc khắp Nhật Bản , từ Hokkaido đến Kagoshima. Cách thức hoạt động của công ty rất độc đáo.

Kurokawa sẽ nhận yêu cầu xin lỗi qua điện thoại hoặc thông qua biểu mẫu gửi trên trang web của mình. Dường như khách hàng của anh được chia thành 2 loại cơ bản: một là những công ty cần xin lỗi khách hàng đang giận dữ, hai là người "không chung thuỷ" có nhu cầu xin lỗi vợ hoặc chồng mình.

Khách hàng cần giải thích nguyên nhân của lời xin lỗi và nói ra khu vực cần đến để thực hiện hành động này. Hầu hết nhân viên sẽ đến tận nơi để nói lời xin lỗi nhưng gọi điện thoại cũng có thể là một lựa chọn.

 Dịch vụ xin lỗi hộ: Điều không tưởng lại ăn nên làm ra ở Nhật Bản  - Ảnh 3.

Tuỳ theo từng trường hợp, Kurokawa sẽ giao nhiệm vụ cho nhân viên phù hợp nhất. Người đó sẽ đóng giả làm nhân viên của công ty cần đi xin lỗi hoặc người yêu cũ của người bạn đời không chung thuỷ. Với những thông tin được khách hàng cung cấp, nhân viên sẽ bắt đầu quá trình quan sát đối tượng.

Khi đối tượng xuất hiện, nhân viên sẽ sử dụng cách thức xin lỗi trang trọng và cực đoan nhất của Nhật Bản. Họ sẽ quỳ gối xuống kiểu dogeza để quỳ lạy trước mặt của đối tượng. Theo Kurokawa, đối tượng sẽ thường bị bất ngờ đến mức luôn chấp nhận lời xin lỗi của nhân viên và không muốn làm to chuyện.

"Công ty này thật sự không bình thường," Kurokawa tự nhận xét.

 Dịch vụ xin lỗi hộ: Điều không tưởng lại ăn nên làm ra ở Nhật Bản  - Ảnh 4.

Không như những quốc gia khác, ý tưởng thuê ai đó đóng giả người khác để đưa ra lời xin lỗi không quá lạ lùng ở Nhật Bản. Hoặc ít nhất là nó đã trở nên đủ phổ biến để khiến cho vài công ty mọc thêm trong vài năm vừa qua và cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, Kurokawa cảm thấy tự hào khi anh nói công ty của mình là nơi duy nhất cam kết độc quyền về thương mại xin lỗi. Các công ty khác sẽ kết hợp dịch vụ xin lỗi với một loạt các dịch vụ khác.

"Nhưng một người chuyên nghiệp thực sự sẽ chỉ đi xin lỗi thôi," người theo chủ nghĩa thuần tuý Kurokawa giải thích.

Anh nói về nguồn gốc của những công ty này bắt nguồn từ bộ phim có tên là Shazai Oosama (The Apology King - tạm dịch: Vua xin lỗi) được ra mắt vào năm 2013. Bộ phim hư cấu xoay quanh những "chuyên gia xin lỗi" với nhân vật chính kiếm sống bằng cách dạy người khác cách đi xin lỗi. Đây dường như là nguồn cảm hứng cho công ty của Kurokawa để anh thành lập công ty vào một năm sau đó.

"Có nhiều người không có wajutsu (tài ăn nói). Khi gặp rắc rối, họ sẽ không có khả năng giải quyết ổn thoả mọi việc. Nhưng những nhân viên của tôi đều ăn nói rất giỏi. Hơn thế nữa, họ còn rất đáng sợ." Theo Kurokawa, trở nên đáng sợ là kỹ năng quan trọng nhất mà các nhân viên của anh có được.

Anh ngả người ra phía sau, dựa vào chiếc bàn nhỏ trong căn lều bỏ hoang: "Tôi biết mà, trông tôi rất đáng sợ phải không?"

Không rõ đây là câu hỏi tu từ hay anh đang thực sự muốn nghe câu trả lời, nhưng anh vẫn nhấn mạnh: "Tôi hay nhân viên của mình cũng đều trông như yakuza (mafia Nhật Bản) vậy."

Đối với Kurokawa, một lời xin lỗi thành công dường như là sự hoà trộn giữa sự nhún nhường và sự đe doạ.

Một mặt, nhân viên sẽ "phủ phục" dưới chân của đối tượng khiến họ cảm nhận được thành ý của lời xin lỗi. Mặt khác, nhân viên ấy cũng mang khuôn mặt dữ tợn đủ để khiến đối tượng nhanh chóng nói câu "Không sao đâu, không sao nữa rồi" và rời đi ngay sau đó.

 Dịch vụ xin lỗi hộ: Điều không tưởng lại ăn nên làm ra ở Nhật Bản  - Ảnh 5.

Kurokawa khẳng định rằng lời xin lỗi của nhân viên mình luôn thành công 100%. Các đối tượng thường quá sợ hãi bởi những người trông như mafia đến nỗi không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận lời xin lỗi.

Khi được hỏi cách anh tìm thấy những yakuza ăn nói ngọt ngào này, Kurokawa nói anh không hề tìm họ mà là ngược lại. Mọi người liên hệ để làm việc thông qua trang web của anh. Anh sẽ xem xét đơn đăng ký của họ, sắp xếp một cuộc phỏng vấn và đánh giá liệu họ có đủ tài ăn nói và kỹ năng cần thiết hay không.

Tất cả nhân viên đều làm việc toàn thời gian. Họ có tình yêu dành cho công việc của mình. Tất nhiên, đây không phải là công việc tình nguyện. Với khối lượng công việc đủ lớn, hợp đồng diễn xuất này sẽ mang lại lợi nhuận khá cao.

"Dù thế nào thì họ thật sự rất yêu công việc này. Đây không phải là công việc bình thường. Nó đòi hỏi rất nhiều sự tự tin."

Dù chấp nhận đi xin lỗi cho những người phạm phải những sai lầm, Kurokawa bất ngờ nói về một trường hợp khiến anh cảm thấy không thể vượt quá ranh giới đạo đức của bản thân.

"Có một yêu cầu xin lỗi mà tôi đã từ chối. Đó là một bác sĩ đã phẫu thuật cho bệnh nhân nhưng ca mổ đã không thành công. Bệnh nhân ấy đã tử vong. Họ muốn có người đứng ra xin lỗi gia đình bệnh nhân. Nhưng sao có thể làm thế chứ? Chúng tôi không có ai có thể diễn xuất như thể đó là lỗi của mình được. Đến trước gia đình của bệnh nhân và giả vờ như thể mình là bác sĩ phẫu thuật đã gây ra lỗi lầm. Điều đó gần như là một tội ác vậy."

Câu chuyện của anh giống như một đoạn kết hay cho toàn bộ cuộc phỏng vấn ngày hôm ấy. Kurokawa mỉm cười và đứng dậy, đầu gần như chạm vào trần nhà.

"Được rồi," chàng trai mang ngoại hình của một xã hội đen nói, "Tôi sẽ đưa cậu ra trạm xe buýt."

Tham khảo: Tokyo Weekender


https://cafef.vn/dich-vu-thue-dan-giang-ho-di-xin-loi-ho-dieu-khong-tuong-lai-an-nen-lam-ra-o-nhat-ban-20220721160003538.chn