Đây là những cách trừng phạt người chơi gian lận độc đáo nhất mà các nhà phát hành game từng áp dụng

Hải Stark  - Theo Helino | 19/06/2018 10:43 AM

Một số tựa game đã đưa ra cách để trừng phạt những người chơi cố tình gian lận rất sáng tạo và làm cho người chơi cảm thấy hổ thẹn vì những gì đã làm.

Gian lận chẳng phải hành vi tốt đẹp gì trong game, nhưng vẫn có rất nhiều người chơi sẵn sàng gian lận, phá hỏng trải nghiệm mà nhà sản xuất muốn đem lại cho người chơi, vì họ thích thế và việc gian lận khiến họ có cảm giác “qua mặt” được nhà sản xuất. Thường thì với những tựa game có người chơi gian lận, cách mà các nhà phát triển “trừng phạt” người chơi gian lận phổ biến nhất là ban – nhưng với những game offline thì sao? Và kể cả với game online, ban không phải lúc nào cũng là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, một số tựa game đã đưa ra cách để trừng phạt những người chơi cố tình gian lận rất sáng tạo và làm cho người chơi cảm thấy hổ thẹn vì những gì đã làm.

Gian lận trong The Witcher 3: Wild Hunt? Hãy sẵn sàng đối đầu với con quái vật mang tên Chort!

Có quá nhiều thứ để làm trong The Witcher 3: Wild Hunt và có vô vàn cách kiếm tiền trong game, đến mức gian lận là điều gì đó rất thừa thãi, ấy nhưng vẫn có rất nhiều game thủ chọn gian lận – vì nó dễ hơn và nhanh hơn. Vào đầu game, tại White Orchard, có một cánh đồng đầy bò và người chơi có thể giết chúng rồi bán da của chúng để kiếm tiền. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì đã chẳng nên chuyện. Vấn đề là đàn bò này sẽ tự động hồi sinh sau 1 tiếng (thời gian trong game), vì vậy, cách kiếm tiền trở nên quá đơn giản, tìm một đống lửa, cho thời gian chạy nhanh 1 tiếng và quay lại tàn sát những chú bò tội nghiệp, lặp đi lặp lại như vậy và nghiễm nhiên người chơi có một khoản tiền lớn mà chả cần cày cuốc làm quest gì cả.

CD Projekt Red, sau khi biết về chuyện này, đã quyết định phải làm gì đó để cảnh tỉnh người chơi không nên gian lận. Và trong bản update sau đó, nếu người chơi tiếp tục thực hiện hành động này, một con quái vật hình bò tên là Chort sẽ xuất hiện và hành người chơi ra bã. Với trang bị và level ở giai đoạn đầu của game, gần như người chơi chẳng có hy vọng sống sót khi đối đầu với con quái vật level 27 này. Chưa hết, nếu ai đó may mắn triệt hạ được nó thì ngay lập tức, một con nữa sẽ xuất hiện! Và cứ tiếp tục như thế mãi, nếu không muốn chết lên chết xuống, tốt nhất người chơi nên dừng việc gian lận này và chơi game một cách trung thực.

Gian lận trong The Stanley Parable? Hãy sẵn sàng bị giam cầm… 100 tỷ tỷ năm!

Trong tựa game The Stanley Parable, người chơi sẽ vào vai nhân vật chính Stanley, khám phá một tòa nhà văn phòng trống rỗng để tìm hiểu mọi người ở đây biến đi đâu. Trong quá trình chơi game, người chơi sẽ gặp một người dẫn chuyện sẽ cố gắng bắt chuyện với bạn để… dẫn chuyện (tất nhiên rồi). Nhưng người chơi có thể cứ kệ ông ta và đi khám phá tự do.

Và nếu người chơi sử dụng một hệ thống các mã cheat thì ngay lập tức, game sẽ đưa người chơi thẳng đến một căn phòng có tên là The Serious Room, chỉ có một cái bàn gỗ và cánh cửa khóa kín. Và sau đó, người dẫn chuyện sẽ xuất hiện và cho người chơi một bài diễn thuyết dài dằng dặc về… cái bàn, sau đó sẽ giảng giải cho người chơi một bài học về việc bạn đã “không hề tôn trọng trật tự mà trò chơi đưa ra”. Và hình phạt cho bạn là bị giam trong căn phòng đó… một trăm tỷ tỷ năm!

Và chớ dại mà thử sử dụng một cheat code nào nữa, vì hình phạt sẽ tăng lên… vô hạn năm! Nghĩa là bạn đã bị kẹt ở đó mãi mãi, cách duy nhất đó là… restart game.

H1Z1 bắt người chơi gian lận phải công khai xin lỗi trên Youtube

H1Z1 là một game battle royale, nơi cả trăm người chơi chiến đấu với nhau để tìm ra người thắng cuộc. Sẽ là một ván đấu căng thẳng – nhưng cũng rất vui vẻ, nếu tất cả đều chơi đẹp và công bằng. Ấy thế nhưng, vấn nạn cheat và hack luôn lan tràn trong những game online, và H1Z1 không ngoại lệ.

Kết quả thường gặp là người gian lận sẽ bị ban, vào tháng 5/2015, Daybreak, công ti vận hành H1Z1 đã ban một lúc 23837 người chơi vì gian lận! Nhưng xem ra nặng tay như vậy là chưa đủ để cảnh tỉnh những người chơi khác. Vì vậy, Daybreak quyết định dùng một phương pháp khác. Chủ tịch công ty – John Smedley đã đăng tải trên Twitter rằng họ sẽ sẵn sàng gỡ ban cho bất cứ người chơi nào công khai xin lỗi. Người nào muốn được gỡ ban, sẽ phải thừa nhận hành vi sai trái của mình, chân thành xin lỗi, công khai trên Youtube. Sau đó, họ sẽ được gỡ ban.

Cách này là một cách khá hay và thực sự có ích với người chơi nào… lỡ dại. Nhưng thực tế thì cách này không hiệu quả lắm với H1Z1 vì nhiều người chơi không chịu thừa nhận hành động sai trái của họ. Xem ra việc ban người chơi gian lận vẫn là cách duy nhất có hiệu quả.

Gian lận trong Guild Wars? Bạn sẽ bị “đồ sát” công khai rồi bị ban thẳng cẳng

Guild Wars là một game bối cảnh thế giới fantasy, MMORPG và có đôi nét giống World of Warcraft. Nhưng hãy lưu ý, những người tạo ra Guild Wars không thích những kẻ gian lận lắm đâu.

Từ năm 2010, nhà sáng lập của game – ArenaNet bắt đầu công cuộc ban những người chơi sử dụng bot và hack để thắng các trận đấu dễ dàng hơn. Nhưng ArenaNet không chỉ đơn thuần là ban người chơi, mà trước đó, họ dạy những kẻ gian lận một bài học bằng cách… “đồ sát” người chơi ấy trong game. Cách của họ là gửi một con quái vật to bự có tên là Dhumm – còn được gọi là Thần Chết, mà đúng nhìn giống Thần Chết thứ thật – đến “xử lý” những người chơi gian lận. Con quái vật này chỉ xuất hiện để xử lý người chơi gian lận, nên mọi người chơi khác đều hiểu lý do tại sao nó xuất hiện. Vừa bị “đồ sát” một cách nhục nhã trong game, vừa bị ban, chắc hẳn ai muốn gian lận trong Guild Wars đều phải cân nhắc lại.

Đừng có dùng autofire khi chơi Metal Gear Solid, vì game biết hết đấy!

Metal Gear sẽ không còn là Metal Gear nếu thiếu đi món gia vị “phá vỡ bức tường thứ tư” (một thuật ngữ chỉ năng lực phá vỡ ranh giới thật - ảo khi các nhân vật tưởng tượng tự ý thức được bản thân họ không có thật, điển hình cho năng lực này là thánh lầy Deadpool của Marvel). Một số pha phá vỡ ranh giới nổi tiếng của series Metal Gear là khi tên trùm Psycho Mantis đọc các file save game của bạn và nói lại cho bạn, hay khi Zero trong Metal Gear Solid 2 bảo bạn “tắt ngay chiếc console đi”.

Trong phần game Metal Gear Solid, trường đoạn Revolver Ocelot tra tấn Solid Snake, người chơi phải nhấn nút trên controller liên tục để giữ cho Snake sống sót, và vì vậy, rất nhiều người chơi đã nghĩ đến việc sử dụng autofire để không phải nhấn nút liên tục. Nhưng tất nhiên Konami đã nghĩ đến điều này, và “nói” cho Ocelot biết. Bằng chứng là trước khi tra tấn Snake, Ocelot quay mặt vào camera và chỉ tay vào người chơi rồi nói: “Đừng có nghĩ đến việc sử dụng autofire, ta biết hết đấy!”

Tất nhiên đó không phải một lời đe dọa suông. Nếu người chơi vẫn cố tình sử dụng autofire, thanh thời gian sẽ bị rút cạn, rồi sau đó thanh HP cũng vậy và bạn không có cách nào để ngưng điều ấy. Có nghĩa là game over, và bạn phải load lại điểm checkpoint trước đó. Và nếu bạn không lưu trò chơi ở một điểm nào gần đó, xin chia buồn, vì bạn sẽ phải chơi lại những đoạn chưa lưu.

Gian lận trong Crusader: No regret, bạn sẽ bị tám con trùm “hội đồng”

Crusader: No regret là một game hành động top-down (góc nhìn từ trên xuống) ra mắt năm 1996, và các nhà phát triển của game cũng chẳng thích thú gì những mánh khóe gian lận của người chơi. Các devs của game đã đoán rằng kiểu gì người chơi cũng sẽ thử dùng cheat code của phần game gốc Crusader vì hai game có cùng engine, cho nên họ đã cho người chơi một bất ngờ… không thú vị cho lắm.

Ngay sau khi người chơi thử dùng một cheat code cũ, một bảng thông báo hiện lên ngay tức khắc, nói rằng tất cả cheat code đã được đổi, nhân vật của người chơi sẽ bị chuyển đến một căn phòng đặc biệt. Tại đó, tám con trùm với vũ khí hạng nặng với những cỗ máy mecha to đùng xuất hiện cùng một lúc và tấn công người chơi.

Gần như không một ai có thể sống sót khi bị “hội đồng” bởi tận tám con trùm, nhưng giả sử có ai đó may mắn sống sót khi liên tục chạy vòng vòng để những con trùm bắn vào nhau, không dễ một chút nào, và nhất là nếu thành công, thì thành công đó cũng vô nghĩa. Bởi vì nếu cả tám con trùm bị hạ, nhân vật của người chơi sẽ… nổ tung ngay sau đó. Nói tóm gọn thì nếu dùng cheat code sai trong game, kiểu gì bạn cũng chết. Vì vậy, tốt nhất là đừng dùng cheat code, hoặc nếu có dùng thì hãy nhớ… dùng đúng cheat code.

Max Payne 3 sẽ bắt những kẻ gian lận phải chống lại nhau

Tựa game Max Payne 3 có chế độ chơi multiplayer, và tất nhiên hacker và cheater đầy rẫy như bất kỳ một game có multiplayer nào khác. Nhưng tất nhiên cha đẻ của tựa game – Rockstar Studios không ngốc. Và cách của họ rất chi là kỳ lạ: muốn cheat? Thoải mái, miễn sao tránh xa những người chơi khác.

Nghe qua thì có vẻ hơi khó hiểu, nhưng thực chất đây là một đòn khá đau của Rockstar nhắm tới những người chơi gian lận. Trong một thông báo vào năm 2012, Rockstar thông báo rằng những người chơi gian lận dưới bất kỳ hình thức nào (hack, dùng bot, hoặc thậm chí chỉ là mod) trong phần chơi multiplayer sẽ bị chuyển đến một nơi gọi là “Cheater’s Pool” – một địa điểm riêng biệt, cách xa những người chơi khác. Và ở đó, những người chơi gian lận chẳng thể làm gì ngoài việc… đấu lại nhau, và với việc dùng hack hay cheat thì một trận đấu như thế kéo dài đến bao giờ… có trời mới biết.

Cách làm này của Rockstar xem ra rất cao tay: muốn gian lận? Cứ thoải mái, nhưng gian lận thì chơi với gian lận thôi nhé!

Chớ dại mà sử dụng cheat code của Doom trong game Heretic, bạn sẽ hối hận đấy

Nghe qua thì chắc nhiều người thắc mắc: Doom với Heretic thì liên quan gì khi đây là hai game khác nhau? Về cơ bản, Heretic là một game Doom với phù thủy và phép thuật thay cho súng và quỷ dữ, và trên hết, Heretic chạy trên engine của Doom. Vì thế, một lẽ thường tình là nhiều người chơi sẽ thử dùng cheat code của game Doom trong Heretic, bởi vì hai game có cùng engine mà lại.

Và đó là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi vì nếu dùng cheat code của Doom trong Heretic, game sẽ phá hủy nhân vật của bạn – theo đúng nghĩa đen luôn. Ví dụ bạn dùng cheat code IDDQD, trong Doom là mã kích hoạt “God mode”, khiến bạn bất khả chiến bại, thì trong Heretic, game cho bạn đi gặp “God” luôn – nghĩa là nhân vật sẽ chết ngay lập tức! Thế chưa là gì, vì game còn móc mỉa bạn bằng một thông báo sau đó: “Cố gắng gian lận hả? Giờ xem đi, tèo rồi đó!”

Một ví dụ khác, nếu dùng cheat code IDKFA, trong Doom, bạn sẽ có tất cả vũ khí, thì trong Heretic, bạn sẽ… mất toàn bộ vũ khí, thứ duy nhất còn lại là một cây gậy gỗ mà với nó, bạn chả đánh đấm được gì hết.

Tuy nhiên, khá buồn cười khi chính Heretic cũng có cheat code của riêng nó, và dùng những cheat code này thì chẳng có vấn đề gì cả. Rõ ràng là các devs của game tỏ ra chả mấy quan tâm nếu bạn có cheat hay không, nhưng đã cheat thì hãy… cheat cho đúng!