Pháp Luật & Bạn Đọc | 13/12/2020 09:38 AM
Rượu bia gây hại cho sức khoẻ con người, đó là điều không còn gì phải bàn cãi. Nhưng một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Y học Anh (BMJ) cho biết có 3 độ tuổi trong cuộc đời mà khi đó, tác hại của bia rượu tới cơ thể còn bị khuyếch đại lên gấp bội.
Đối với từng cá nhân, tránh sử dụng bia rượu quá mức trong những giai đoạn này của cuộc đời rõ ràng là một chiến lược để được một sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, nghiên cứu còn có thể giúp các nhà hoạch định chính sách hướng đối tượng cụ thể trong các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục người dân về tác hại của bia rượu.
Theo đó, rất nhiều quan niệm thường ngày về rượu bia chúng ta nghĩ có thể không đúng. Chẳng hạn như uống rượu điều độ, một chén một ngày ở người già vẫn có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Và những người trẻ nghĩ rằng còn trẻ là còn có thể uống được là một sai lầm, bởi rượu bia có thể làm teo não và suy giảm chức năng thần kinh ngay trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Đây là 3 độ tuổi trong đời mà bia rượu có thể tàn phá sức khỏe của bạn khủng khiếp nhất
Nghiên cứu được xuất bản dưới dạng một bài xã luận được viết bởi các nhà khoa học đến từ Anh và Úc bao gồm Louise Mewton, Briana Lees và Rahul Tony Rao. Mewton và Rao là hai nhà khoa học có chuyên môn sâu trong linh vực nghiên cứu về lão hóa não. Trong khi đó Lees chuyên nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và ảnh hưởng của chất kích thích đến sức khỏe.
Cùng với nhau, ba nhà khoa học đã đọc lại và tổng hợp phần lớn các nghiên cứu hiện có về cách thức rượu bia có thể ảnh hưởng đến não và cơ thể trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Như bạn có thể hình dung, tiếp xúc với rượu bia đặc biệt có hại trong giai đoạn phát triển sớm nhất của đời người, bắt đầu từ khi bào thai còn trong bụng mẹ. Phụ nữ sử dụng rượu mạnh trong khi mang thai có khả năng làm tăng tỷ lệ trẻ sinh ra bị suy giảm thần kinh trong suốt cuộc đời, cũng như nguy cơ mắc nhiều dạng dị tật bẩm sinh khác — một tình trạng được gọi là FASD hay rối loạn thai nhi do rượu.
Nhưng không chỉ uống rượu mạnh, các tác giả nghiên cứu bây giờ cho biết ngay cả khi uống rượu nhẹ và vừa phải trong khi mang thai cũng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe não bộ của đứa trẻ sinh ra sau này.
Thật trớ trêu, đây là độ tuổi nằm ngoài kiểm soát của tất cả chúng ta. Vì vậy, để có một thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn, các nỗ lực giáo dục tuyên truyền về tác hại của bia rượu cần tập trung vào đối tượng là những người mẹ đang mang thai có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm dụng hoặc vì một lý do nào khác phải tiêu thụ bia rượu.
Các đặc điểm nhận dạng điển hình trên khuôn mặt một đứa trẻ bị mắc FASD do người mẹ lạm dụng bia rượu trong thời kỳ mang thai.
Giai đoạn nguy hiểm thứ hai trong đời người liên quan đến tác hại của bia rượu là tuổi vị thành niên. Nghiên cứu chỉ ra thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi thường bắt đầu sử dụng rượu bia. Và một khi uống, chúng thường uống quá chén vì thích khẳng định mình.
Các bữa tiệc liên quan đến bia rượu ở độ tuổi vị thành niên thường nằm ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ, bên cạnh nguy cơ tai nạn giao thông, các nhà khoa học cho biết sử dụng bia rượu trong giai đoạn này của đời người còn có liên quan đến việc giảm khối lượng não, kết nối tế bào thần kinh và suy giảm chức năng nhận thức.
Cũng vì lý do đó, thanh thiếu niên cũng là một đối tượng cần được nhắm mục tiêu đặc biệt trong các chính sách giáo dục về tác hại của bia rượu. Các chiến lược tiếp cận đến nhóm đối tượng này cần rất tinh tế, bởi các hình thức giáo dục về tác hại của bia rượu mang tính truyền thống như khẩu hiệu, nhắc nhở trong trường lớp, tại gia đình… thường ít có tác dụng với thanh thiếu niên, hoặc không tiếp cận được đến nhóm đối tượng cần thiết.
Ngược lại, các loại hình quảng cáo bia rượu lại thường được thực hiện rất tinh tế, bắt mắt và dễ tiếp cận để định hình hành vi người tiêu dùng thanh thiếu niên như thông qua các video viral trên mạng xã hội hoặc nhân viên tiếp thị trực tiếp tại quán bar, nhà hàng…
Một quảng cáo rượu viral trên mạng xã hội trước đây tiếp cận được rất nhiều đối tượng là thanh thiếu niên.
Cuối cùng, giai đoạn thứ 3 trong cuộc đời mà chúng ta không nên sử dụng bia rượu là từ tuổi 65 trở ra, các nhà khoa học cho biết. Mặc dù tình trạng lạm dụng bia rượu thường ít xảy ra hơn ở người lớn tuổi, nhưng nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều rượu trong thời gian dài của cuộc đời có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức khi về già.
Mặc dù vậy, các tác giả thừa nhận có một số nghiên cứu phát hiện ra sử dụng rượu ở mức độ nhẹ có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe não bộ ở người lớn tuổi. Nhưng họ nhấn mạnh các loại nghiên cứu quan sát này có những hạn chế của chúng nên chưa chắc đã đúng. Đồng thời một số nghiên cứu khác gần đây đã gợi ý rằng không có mức độ sử dụng rượu bia nào được coi là "lành mạnh" — chỉ là mức độ rủi ro của chúng thấp hơn mà thôi.
Chẳng hạn, một nghiên cứu ở Nhật Bản đăng trên tạp chí Cancer nằm 2019 cho thấy uống rượu ở mức điều độ, chẳng hạn như 1 ly rượu mỗi ngày trong 10 năm hoặc 2 ly rượu mỗi ngày trong 5 năm cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên 5%.
Vì vậy, các tác giả nghiên cứu mới cho thấy chúng ta còn cần phải làm rất nhiều việc để có thể tìm ra mức độ ảnh hưởng chính xác của bia rượu tới sức khỏe. Điều này sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách có các chiến lược tốt hơn trong việc tuyên truyền và giáo dục người dân, hạn chế tác hại của bia rượu.
Đối với những người đang sử dụng bia rượu, cắt giảm mức độ tiêu thụ là điều nên làm bất kể lứa tuổi của họ, các nhà nghiên cứu cho biết. "Điều này có thể làm tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống bằng cách giảm tỷ lệ mắc chứng rối loạn thai nhi do rượu, phát triển nhận thức thần kinh không tốt ở tuổi vị thành niên và chứng sa sút trí tuệ trong cuộc sống sau này".
Tham khảo Gizmodo