- Theo Trí Thức Trẻ | 22/06/2017 04:00 PM
Hiện nay có rất nhiều hoài nghi về phong độ hiện tại của C9 vì sau ba tuần thi đấu, họ chỉ đứng ở vị trí thứ 5 với hiệu số 3-3. Trái ngược hoàn toàn với một C9 vô cùng mạnh mẽ ở giải mùa xuân. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn với Impact - cựu tuyển thủ vô địch thế giới và là người đi đường trên của của C9.
Nghe nói trong giai đoạn nghỉ giữa giải mùa hè và mùa xuân bạn đã có một kỳ nghỉ dài. Bạn đã đi những đâu trước khi trở về với C9?
Tôi đã đi du lịch khắp nơi, ăn những món ngon và tận hưởng thời gian bên gia đình và bạn bè. Tầm khoảng giữa tháng 5, tôi bắt đầu chơi lại xếp hạng đơn để luyện tập vì đội tuyển thường bắt đầu chuẩn bị trong khoảng thời gian này, tôi tiếp tục luyện tập tiếp sau khi quay lại Bắc Mỹ.
Ray đã thi đấu thay tôi trong tuần đầu vì tôi chưa tập luyện nhiều cùng đội tuyển, sau ba ngày luyện tập thì tôi quay trở lại thi đấu. Khá thất vọng vì tôi không thể thi đấu tốt, dường như mọi thứ ban đầu có vẻ ổn nhưng sau đó lại có vấn đề.
Ray thi đấu khá ổn nhưng vẫn chưa đủ
Đối với một tuyển thủ chuyên nghiệp, việc đảm bảo sức khỏe là cực kỳ quan trọng. Nhất là khi bạn đã thi đấu chuyên nghiệp rất lâu rồi, bạn có thấy thoải mái khi nghỉ dài như vậy không?
Tôi có hơi lo lắng và sợ rằng trình độ kỹ năng của mình sẽ tụt giảm. Chuyện đó cũng thường hay xảy ra mà. Khi thi đấu thì tôi thường nghĩ về trận đấu chứ không lo lắng vì nó. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa và luyện tập nhiều hơn.
Tới giờ thì Impact đã 22 tuổi với kinh nghiệm 5 năm thi đấu chuyên nghiệp
Có rất nhiều người tò mò về quan hệ giữa bạn và Ray, nhiều người cho rằng đó là quan hệ thầy trò hoặc là anh em. Bạn nghĩ gì về quan hệ giữa mình và Ray?
Chúng tôi thường chia sẻ hiểu biết về trò chơi với nhau, mục tiêu của cả hai là hợp tác chứ không phải cạnh tranh. Đúng là tôi có kinh nghiệm nhiều hơn Ray nhưng quan hệ thầy trò thì hơi quá. Tôi có kinh nghiệm là vì lớn tuổi và thi đấu lâu hơn thôi. Với tôi thì quan hệ anh em là chuẩn nhất.
Impact đã giúp đỡ Ray rất nhiều
Với kinh nghiệm là một tuyển thủ luôn giữ phong độ thi đấu ổn định nhiều năm trong suốt sự nghiệp, bạn thường làm gì để giữ vững tâm lý?
Tôi thấy việc xác định được mục tiêu rõ ràng là quan trọng nhất. Bạn cần phải có ý chí thì mới tập trung vào điều mình đang làm được. Mục tiêu của tôi là thi đấu tốt ở giải quốc tế, không chỉ ở Bắc Mỹ, nên tôi mới có thể thi đấu tốt ở CKTG được. Tôi không muốn cứ thế thi đấu rồi nhận lương, tôi muốn thi đấu với mục tiêu cải thiện bản thân. Đó là cách tôi giữ vững tâm lý. HLV Kkoma cũng giúp đỡ tôi rất nhiều nữa.
Impact và Kkoma tại CKTG 2016
Kkoma đã giúp bạn thế nào?
Trước khi tôi tới Bắc Mỹ, anh ấy từng nói với tôi rằng: “Em đừng nghĩ nhiều về việc người khác đang làm gì, cứ tập trung vào bản thân mình trước đi. Khi nào làm tốt chuyện của mình thì em hãy nghĩ tới việc giúp người khác. Em làm tốt thì đồng đội của em mới làm tốt được.” Anh ấy luôn đảm bảo rằng tôi tập trung vào việc của mình. Trước kia tôi hay đóng góp ý kiến cho đồng đội lắm nhưng sau đó anh ấy đã giúp tôi giảm bớt điều đó và tập trung vào việc của mình. Điều này vô cùng hữu ích.
Đối với bạn thì việc giảm bớt lỗi hoặc là không phạm lỗi có ý nghĩa thế nào?
Điều đó có nghĩa là bạn rất giỏi. Mục tiêu ban đầu của tôi là không mắc lỗi, ít nhất là bản thân tôi không mắc lỗi. Tất nhiên cả đội thì vẫn có thể mắc phải điều đó. Ai cũng có sai lầm cả, những đội tuyển mạnh thì họ ít mắc phải hơn thôi. Nó rất quan trọng. Không phải là vấn đề bạn thi đấu có tốt hay không vì khen thế nào thì cũng sẽ mắc lỗi, chẳng có ai hoàn hảo cả. Tôi nghĩ việc một HLV tập trung giúp các tuyển thủ giảm bớt lỗi sẽ tốt hơn là ngồi chỉ ra xem ai làm tốt ai làm không tốt. Tất nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là không mắc lỗi nhưng giảm được lỗi thì cũng tốt lắm rồi.
Đến thanh niên này còn mắc lỗi cơ mà…
Với kinh nghiệm của bạn thì điều gì là quan trọng nhất đối với một đội tuyển?
Tôi nghĩ đó là sự ham muốn được thi đấu. Tất cả các thành viên phải có sự ham muốn được cải thiện bản thân và đặt ra mục tiêu cùng nhau. Khi nói tới thể thao, tôi thấy sự chăm chỉ và lòng nhiệt tình là quan trọng nhất. Chăm chỉ cũng tốt nhưng phải có lòng nhiệt huyết nữa thì mới có thể cố gắng và tìm được động lực để cố gắng.
Khi nói tới lòng nhiệt huyết, bạn nghĩ đó là thứ mà một người có thể tìm được hay đó là thứ mà sinh ra đã có?
Tất nhiên là có thể tìm được rồi. Đối với một tuyển thủ thì lòng nhiệt huyết là thứ bắt buộc phải có. Nhiều người ở Bắc Mỹ nói rằng “Kiểu gì Hàn Quốc chả vô địch CKTG” nhưng có phải tuyển thủ nào cũng từ bỏ cơ hội tới CKTG đâu. Bản thân Bắc Mỹ có thể tới bán kết, thậm chí là chung kết nếu chăm chỉ. Tôi nghĩ nếu tuyển thủ không suy nghĩ cá nhân mà nghĩ làm sao để cả đội giành được chiến thắng thì sẽ tốt hơn nhiều.