Đau thay cho game thủ mất trắng bộ game giá 220 triệu, hóa ra dịch vụ nước Mỹ cũng đầy bất cập

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/02/2017 10:00 PM

Sau mọi nỗ lực yêu cầu bưu cục Mỹ giải quyết đều thất bại, game thủ này chỉ còn biết trao giải thưởng cho ai tìm được bộ game của mình.

"Sính ngoại" là một thuật ngữ chỉ những người luôn cho rằng mọi thứ từ hàng hóa, đồ tiêu dùng, dịch vụ... ở nước ngoài luôn tốt hơn nhiều so với quê nhà. Đây rõ ràng là một suy nghĩ lệch lạc, bởi ngay cả ở một quốc gia phát triển như Mỹ thì vẫn tồn tại những bất cập khiến người dân không khỏi bức xúc. Câu chuyện ngày hôm nay của một game thủ đến từ USA là một ví dụ.

Byuu - một nhà sưu tầm các tựa game NES và SNES mới đây vừa nhận được một vố đau khi sử dụng dịch vụ chuyển phát của USPS - bưu cục chính thức của nước Mỹ. Cụ thể thì kiện hàng bao gồm 100 băng game SNES mà Byuu đã tiêu tốn tới hơn 10,000 USD (tương đương 220 triệu đồng) để mua từ một người sưu tầm khác ở châu Âu đã bốc hơi không chút tăm tích mặc cho những nỗ lực khiếu nại của anh với ban quản lý USPS nhằm tìm lại "kho báu" này.


Hình ảnh cuối cùng của bộ 100 băng trò chơi SNES trước khi chúng được vận chuyển đi.

Hình ảnh cuối cùng của bộ 100 băng trò chơi SNES trước khi chúng được vận chuyển đi.

Trong số 100 băng trò chơi đó, có những tựa game rất hiếm với giá thành dễ dàng lên tới cả nghìn USD nếu như đem rao bán trên những chợ điện tử như Ebay hoặc Amazon. Một vài ví dụ như: Castlevania IV, Castlevania: Vampire's Kiss, First Samurai, The Firemen, Demon's Crest, Mega Man 7, Mega Man X, Mega Man X2, Mega Man X3, Ninja Warriors. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc kiện hàng của Byuu "biến mất" một cách bí ẩn.

Ngoài mục đích sưu tầm, sở dĩ Byuu chịu bỏ ra tới 10,000 USD để mua hàng trăm băng trò chơi SNES cổ điển đó là bởi anh muốn thực hiện việc bảo tồn chúng dưới dạng kĩ thuật số. Đại khái dự án của Byuu giống như việc xây dựng một bảo tàng nhưng thay vì trưng bày hiện vật, anh sẽ lưu giữ lại các tựa game dưới dạng dữ liệu máy tính.

Mặc dù chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy file ROM của những tựa game kể trên để chơi trên giả lập nhưng hầu hết chúng đều có sự chỉnh sửa nhất định so với bản gốc về màu sắc, âm thanh thậm chí còn có cả logo của các nhóm hacker đã trích xuất chúng từ băng gốc. Chính vì lý do này mà bộ băng game mà Byuu đặt mua mới có giá trị cao như vậy đối với giới sưu tầm.

Sau khi mọi nỗ lực hợp tác với USPS thất bại, Byuu đã phải dùng đến giải pháp là trao giải thưởng cho bất kì ai tìm thấy kiện hàng của mình, dù vậy xem ra cách này không khả quan cho lắm bởi chắc chắn chúng không bị thất lạc ngẫu nhiên mà đã có bàn tay mờ ám của ai đó. Những cá nhân này sẽ chẳng dại gì xuất đầu lộ diện để chuốc lấy nguy cơ gặp rắc rối với cảnh sát.

>> Vừa ẵm giải xong, game thủ mất ngay hơn 60 triệu chỉ vì phát ngôn xằng bậy