Đấu giải công ty tôi còn run bần bật, thế mới biết game thủ chuyên nghiệp vững thế nào

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/07/2016 0:00 AM

Tâm lý không tốt luôn khiến một game thủ từ chỗ là một siêu nhân, một thanh niên đeo quang gánh cân team trở thành một phế nhân

Chả là hôm vừa rồi, công ty tôi tổ chức một giải đấu CS 1.6 cho các đội tuyển phong trào, cũng là một cách để anh em làm quen với nhau, giúp thêm gắn bó đoàn kết. Chẳng gì thì cũng từng một thời mang gear ra chơi game hết quán này đến phòng máy khác, cũng từng là một người tự nhận mình chơi game chẳng đến nỗi nào, không phải gosu này nọ, nhưng ít nhất cũng không chết chay làm gánh nặng cho đồng đội trong mỗi trận đấu, tôi cũng xung phong tham gia cùng vài người đồng nghiệp trong cùng chỗ làm.

Trước khi đăng ký, anh em ai cũng tự nhủ, kinh nghiệm mấy năm trời dán mắt vào màn hình máy tính vẩy chuột mua súng rush B chắc cũng phải đem lại thành tích gì đó. Dù không thể so sánh mình với những tên tuổi đình đám của làng CS, mà chắc chắn là không bao giờ có thể, nhưng chúng tôi cũng thầm có được một phần tự tin nhất định.

Lý do là, ngày nào vào server chung của cả công ty cũng toàn thấy 500 anh em mua súng ra chiếm chợ màn italy, cứ lúc nào lỡ đi vòng cổng sau hay chui tọt lên hầm rượu là bị e hèm nhắc nhở ngay. Như thế này thì làm gì có chiến thuật gì mà phải lo, cứ ngồi nhà tập kê với mấy bài chiếm site đơn giản, ném smoke che cửa ném flash chống rush thì kiểu gì chả có cửa vào vòng sau, không lo làm team lót đường dù rằng cả 7 anh em chúng tôi còn chưa bao giờ chơi cùng nhau một trận competitive nào để hợp ý cả.

Ấy là chưa kể, từ hồi CS:GO ra mắt, anh em cũng gần như quên bẵng CS 1.6, map khác, cách chơi cũng có rất nhiều thứ khác biệt, mà đầu tiên chính là cảm giác súng. Tôi vẫn nhớ ngày xưa hitbox CS 1.6 vừa to vừa dễ bắn, chỉ có spray control là cần làm quen lại. Vào tập bắn cũng chẳng có vấn đề gì, khi được chỉ lại gần hết những chỗ kê, chỗ đục, hay bài smoke flash đã quên từ rất lâu.

Lúc ấy tự tin lắm.

Thế nhưng đến khi vào giải, được đóng vai một game thủ chuyên nghiệp tham dự tournament trong một ngày, chúng tôi mới nhận ra, để trở thành “dân pro”, thì kỹ năng và vài câu nói khích lê tinh thần không bao giờ là đủ. Đến lúc đó, tôi mới thấy nể phục những game thủ chuyên nghiệp mà chúng ta hâm mộ biết bao.

Vấn đề đầu tiên chính là thời gian. Trong một bộ phim nào đó mà tôi trót quên tên, có nhân vật đã từng nói “Thời gian đánh bại mọi thứ”. Chính việc phân bố thời gian không hợp lý đã khiến cho tôi cùng đồng đội gặp phải rất nhiều vấn đề. Từ việc máy móc trục trặc, cho tới thời gian biểu giải đấu không đều đặn, nghĩa là chúng tôi có lúc phải chơi hai trận liên tiếp, nhưng có lúc lại được nghỉ một khoảng thời gian quá dài, tất cả đã ảnh hưởng rất lớn tới thành tích thi đấu tại giải đó.

Kế đến, thứ quyết định 60% thành bại một trận đấu, không phải kỹ năng và chiến thuật, mà lại chính là tâm lý. Ở những trận đấu đầu tiên, chưa bao giờ đấu với bất kỳ đối thủ nào, chúng tôi cứ mặc định bản thân là chiếu dưới, thong thả mà chơi, thủng đâu đánh đó. Thế nhưng hóa ra không phải. Đối thủ rất dễ bắt bài, và thậm chí là có kỹ năng yếu hơn hẳn chúng tôi.

Đọc đến đây bạn có thể nghĩ rằng chúng tôi tự tin thái quá, dẫn tới thua cuộc vì khinh địch. Thực tế là không. Đôi khi một thất bại phải nhận lấy là tổng hòa của rất nhiều lý do: Đồng đội không hiểu ý, tâm lý yếu, áp lực với đồng đội, và những người hâm mộ đang theo dõi live stream trực tiếp,… Trận thua của chúng tôi cũng bắt nguồn từ những lý do như vậy.

Tâm lý không tốt luôn khiến một game thủ từ chỗ là một siêu nhân, một thanh niên đeo quang gánh cân team được cả hội trường hò reo cổ vũ, trở thành một phế nhân, ra chết chay đọc vị trí đối phương đúng theo nghĩa đen. Và để trở thành một người có tâm lý vững vàng tham gia những trận đấu eSports, đôi lúc những người chuyên nghiệp còn phải là những kẻ máu lạnh theo đúng nghĩa đen, không quan tâm tới bất kỳ sự chê bai nào, cũng không thể phát điên khi những người đồng đội xử lý không tốt dẫn tới việc blame nhau được.

Hãy lấy ví dụ SofM nhé, “cậu em” mới nổi của chúng ta đang thi đấu ở phương trời xa Tổ quốc, và chính điều này đã biến cậu trở thành một ngoại binh bị chú ý, theo dõi hết mức có thể. Chỉ cần sai lầm là sẽ bị ném đá không thương tiếc. Nhưng cậu vẫn cùng đội tuyển của mình giành lấy những chiến thắng trước nhiều đối thủ đáng gờm.

Thứ ba chính là thể lực. Ăn ngủ không điều độ cũng chính là những lý do nhiều game thủ không tìm được thành công. Nhiều người nói rằng game thủ là những kẻ không chịu ăn ngủ, chỉ thích dán mắt vào màn hình chơi game. Thực tế là, với những trận đấu căng thẳng như dây đàn, thì cơ thể của những người chuyên nghiệp cũng cần có được chế độ dinh dưỡng cũng như nghỉ ngơi khoa học hết mức có thể, để có được phong độ tốt nhất. Ai dám nói vận động viên eSports không cần được quan tâm như những vận động viên thể thao truyền thống nào?

Giải đấu thì đã qua, nhưng tôi chưa thể ngừng nghĩ về nó, và nghĩ tới mức độ vững vàng của rất nhiều game thủ chuyên nghiệp mà tôi yêu mến. Hóa ra, để trở thành một người như vậy, chỉ có riêng kỹ năng chắc chắn không thể nào là đủ.