Đập hộp chuột chơi game hầm hố G.Skill Ripjaws MX780

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/09/2016 04:34 PM

G.Skill là một thương hiệu không mới tại Việt Nam, tuy nhiên giới game thủ chủ yếu biết đến hãng với tư cách là nhà sản xuất bộ nhớ RAM

Tuy là lần đầu tiên bước chân vào thị trường phụ kiện chơi game, G.Skill đã gây ấn tượng khá mạnh với dòng chuột RipJaw MX780. Mức giá 1,6 triệu đặt nó vào phân khúc cao cấp, thế nhưng hàng loạt những ưu điểm về thiết kế và độ tuỳ biến được G.Skill trang bị theo cảm nhận cá nhân của mình thì vẫn giúp cho MX780 trở thành một trong những dòng chuột chơi game có mức giá hợp lý nhất mà bạn có thể mua được lúc này.

Vị trí của G.Skill MX780 trong thị trường chuột chơi game Việt Nam

G.Skill là một thương hiệu không mới tại Việt Nam, tuy nhiên giới game thủ chủ yếu biết đến hãng với tư cách là nhà sản xuất bộ nhớ RAM. MX780 là dòng chuột chơi game đầu tiên của G.Skill, kết hợp với bàn phím KM780 mà Tinh Tế đánh giá cách đây không lâu, để tạo thành bộ phụ kiện dành cho các game thủ. Tại Việt Nam, MX780 thuộc phân khúc chuột chơi game cao cấp (nhưng không phải là cao cấp nhất) với giá bán lẻ tham khảo vào khoảng 1,6 triệu đồng.

Ở thị trường chuột chơi game, có một điều rất hài hước là mỗi khi một hãng linh kiện máy tính chuyển sang phụ kiện thì y như rằng sản phẩm đầu tay sẽ "lấy cảm hứng" từ một sản phẩm đã nổi danh từ trước (của hãng khác). G.Skill MX780 cũng không phải ngoại lệ khi bạn sẽ thấy nó giống đến 90% Razer Ouroboros về thiết kế, chỉ khác đôi chút về chất liệu và màu sắc. Mặc dù vậy, Razer Ouroboros nằm ở phân khúc cao hơn rất nhiều (giá bán lẻ hiện tại khoảng trên 3 triệu) và xét về mặt tính năng thì cũng vượt trội hơn so với MX780. Thế nhưng nếu bạn không đòi hỏi những tính năng quá xa xỉ, G.Skill MX780 có thể xem là sự thay thế rất tốt với những tính năng thiết yếu mà giá chỉ khoảng phân nửa so với chú chuôt "siêu cao cấp" của Razer.

Thiết kế kim loại hầm hố, 8 nút bấm, độ tuỳ biến cực cao

Như mình đã nói ở trên, thiết kế của MX780 gần như không khác gì so với Razer Ouroboros nên độ hầm hố cũng chẳng hề kém cạnh. Ngôn ngữ thiết kế mang đậm chất hiện đại, với các chi tiết góc cạnh mạnh mẽ. Lợi thế của MX780 là được hãng sử dụng 2 tông màu chủ đạo là đen với bạc (độ tương phản cao), kết hợp đèn LED RGB càng giúp dễ tôn lên vẻ bắt mắt của chuột. Trong khi đó Razer sử dụng tông đen với một số chi tiết bạc nên tổng thể có phần đầm hơn, tuy nhiên cá nhân mình đánh giá thì vẫn tinh tế hơn MX780. Điều mình thích nhất chính là việc G.Skill sử dụng nhôm trong thiết kế đem lại sự chắc chắn khi cầm.

Điểm nhấn trong thiết kế của MX780 (và Razer Ouroboros) là khả năng tuỳ biến cực cao. Đây là dòng chuột thiết kế theo kiểu ambidextrous, tức là dân thuận tay phải hay tay trái đều xài được tốt. MX780 thậm chí còn cho phép bạn thay cạnh hông của chuột để gắn thêm "cánh" vào tuỳ bạn thuận tay nào. Mục đích của nó là tạo ra điểm tựa cho ngón tay cái, đem lại cảm giác rê chuột thoải mái hơn (tránh trường hợp ngón tay bạn rê theo chuột trên mặt bàn/tấm lót. Chẳng hạn bạn thuận tay phải thì nên gắn phần cánh bên trái và ngược lại. Phần hông chuột được gắn bằng nam châm, giúp bạn có thể dễ dàng thay đổi khi cần. Khi gắn vào, nó hít rất chặt và không lung lay. Nói chung là lúc sử dụng bạn sẽ không gặp trở ngại nào.

G.Skill kèm theo bộ sản phẩm một cây "vít" nho nhỏ, bạn có thể dùng nó để chọt vô cái lỗ bên dưới chuột và điều chỉnh độ cao của lưng. Một lần nữa, điều này cũng góp phần đem lại sự thoải mái chất cho cổ tay của bạn trong quá trình sử dụng.

Điều khá thú vị là mặc dù có khá nhiều chi tiết bằng kim loại, trọng lượng của G.Skill MX780 chỉ vào khoảng 111g. Hãng cho bạn thêm 2 cục nặng nữa, mỗi cục với trọng lượng 4,5g. Như vậy bạn có thể điều chỉnh trọng lượng của chuột lên tối đa 120g. Có thể vẫn chưa đủ thoả mãn những bạn thích chơi chuột nặng, nhưng nhìn chung thì tương đối ổn.

Cảm biến laser 8200 dpi, thay đổi nhanh 5 cấp độ nhạy, 8 nút bấm, dây lưới

Ngoại trừ thiết kế với những điểm ưu việt giống như Razer Ouroboros và chất liệu cao cấp, trải nghiệm mà MX780 đem lại là những gì bạn có thể mong đợi ở một chú chuột chơi game.

MX780 là chuột có dây, mà khi nhắc đến chuột có dây cao cấp thì lẽ hiển nhiên là phải có dây lưới chống đứt và USB mạ vàng (cho có màu vàng).

Nói về số nút bấm thì MX780 có đến 8 nút, bạn có thể gán chức năng tuỳ ý. 2 nút trái phải của chuột đều dùng switch Omron với 20 triệu lần nhấn, và có thể được gán lại tác vụ tuỳ thích bằng phần mềm. Kinh nghiệm của mình là thường thì đối với những dòng chuột chơi game cao cấp dùng switch Omron thì bạn đừng nên quan tâm đến tuổi thọ của phím bấm thì thường những linh kiện khác sẽ tiêu trước. 2 nút chuột trái phải và nút cuộn thì nói chung bấm nảy khá sướng, cuộn mượt mà; không có gì đáng để than phiền. Tuy nhiên 4 nút bên hông (2 trái, 2 phải) thì hành trình từ lúc bấm cho đến khi kích hoạt hơi dài so với gu của mình.

Cảm biến mà G.Skill sử dụng trong MX780 là Avago ADNS9800. Đây là cảm biến laser với độ nhạy từ 100-8200 dpi. Chuột tích hợp bộ nhớ bên trong, cho phép bạn lưu lại 5 cấp độ nhạy và thay đổi nhanh bằng nút giữa (phía dưới nút cuộn). Cũng cần lưu ý là tất cả các cảm biến laser, bao gồm cả Avago ADNS9800, đều có hiện tượng gia tốc nên tốc độ mà bạn rê chuột với tốc độ di chuyển trên màn hình đôi lúc sẽ không đồng nhất. Đối với MX780 thì hiện tượng này rất nhẹ, cá nhân mình thì dù cảm thấy nhưng vẫn không đến mức khó chịu. Nếu bạn không thích chuyện gia tốc thì tốt nhất là nên tránh chuột laser, dùng chuột quang là tốt nhất.

Nên hay không nên lựa chọn G.Skill MX780?

Chuột máy tính là một trong những thứ dễ xài nhất, dù giá của nó có rẻ hay đắt thì bạn vẫn có thể dùng để chơi game được. Thế nhưng để có một chú chuột được tối ưu về độ chính xác và có thiết kế tối ưu để dùng trong thời gian dài thì đó là lúc chuột chơi game vào cuộc, đó là chưa kể đèn đóm màu mè bắt mắt. Và nếu đó là điều bạn cần, dĩ nhiên bạn sẽ phải trả số tiền lên đến cả triệu đồng.

Với mức giá 1,6 triệu, thật ra nếu xét về mặt trải nghiệm G.Skill MX780 mang lại chưa chắc đã tốt hơn những dòng chuột giá rẻ hơn như Razer DeathAdder, Steelseries Kinzu,... Vấn đề ở chỗ không phải ai trong chúng ta cũng biết mình cần gì. Thuận tay phải hay trái là điều dễ xác định, nhưng bạn thích dpi cao hay thấp, liệu việc thay đổi nhanh độ nhạy có mang lại trải nghiệm tốt hơn (súng nhắm dùng độ nhạy x dpi, súng máy dùng độ nhạy y dpi,...), lưng chuột cao hay thấp,... Nói chung là rất nhiều yếu tố nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn.

Đó là lý do mà những dòng chuột cao cấp như G.Skill MX780 ra đời với sự tuỳ biến cực cao. Thay vì mua một con chuột và làm quen với nó, không hợp thì bán đi (hoặc cất đi) rồi mua con khác; MX780 cho phép tuỳ biến "phần nào" thiết kế của nó để phù hợp với gu của bạn, hoặc giúp bạn tìm kiếm phong cách phù hợp nhất với mình. Đó là lý do mà mức giá 1,6 triệu tuy hơi cao nhưng vẫn rất hợp lý với những tính năng mà MX780 mang lại. Dĩ nhiên là trừ vấn đề gia tốc của chuột laser, nếu bạn không thích điều này thì MX780 và gần như là tất cả chuột laser đều không phài dành cho bạn.

(Tham khảo Tinh Tế)