Tổ Quốc | 10/11/2022 05:13 PM
Đạo diễn Việt Tú: "KOSMIK Concert là 1 cuộc cách mạng về biểu diễn sân khấu, phản ánh đầy đủ tư duy sáng tạo của SpaceSpeakers trong nền công nghiệp âm nhạc"
“Nếu các bạn, tôi và chúng ta đều là những người trưởng thành từ Hip-hop, đi ra ánh sáng từ Hip-hop thì ngay bây giờ hãy tận hưởng giây phút này. Giây phút mà giấc mơ trở thành hiện thực.” - Đây là điều mà đạo diễn Việt Tú đã chia sẻ với chúng tôi bằng tông giọng cực kỳ hào hứng khi nói về KOSMIK Live Concert 2022 - “siêu concert" kỷ niệm 11 năm thành lập của “đế chế Hip-hop" số 1 Việt Nam SpaceSpeakers.
Đã có rất nhiều thông tin được đưa ra liên tục khiến nhiệt độ của KOSMIK Concert ngày càng nóng lên. Dàn nghệ sĩ “đỉnh chóp", những bản hit sẽ được phối mới qua “bàn tay phù thuỷ" của producer Hoàng Touliver cùng các anh em Slim V, Tín Lê hay việc những tấm vé xịn xò đã được gửi đến tay dàn Hoa hậu, nghệ sĩ cực hot cùng nhiều hạng vé sold-out đã khiến hàng nghìn khán giả mong chờ đến ngày được chứng kiến 1 bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn. Nhưng cho đến nay, vẫn còn 1 thông tin khiến nhiều khán giả vẫn còn rất thắc mắc mà có lẽ chỉ đạo diễn Việt Tú - Creative Director của KOSMIK Concert mới có thể giải đáp. Đó chính là KOSMIK Concert sẽ phá vỡ những định nghĩa thông thường về sân khấu, đây là concert đầu tiên được thể hiện theo hình thức IMMERSIVE - nhập vai đầy mới mẻ và thách thức mà ekip khẳng định rằng điều này là CHƯA TỪNG CÓ tại Việt Nam.
Vậy cụ thể IMMERSIVE Concert nghĩa là gì, ý tưởng này có quá táo bạo, đầy rủi ro và liệu đạo diễn Việt Tú cùng SpaceSpeakers đang “ấp ủ" mang đến cho khán giả điều gì đây? Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với đạo diễn Việt Tú - một trong những đạo diễn sự kiện/sân khấu hàng đầu Việt Nam. Anh là người đứng sau hàng loạt chương trình đình đám như Gala WeChoice Awards, Đẹp Fashion Show, Liveshow Nhật Thực (Hà Trần) cùng loạt liveshow của các nghệ sĩ Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương…
- Đạo diễn Việt Tú và concert kỷ niệm 11 năm của SpaceSpeakers - Đây có thể nói là 1 lời giải rất hợp lý cho bài toán “Hip-hop Concert" và 2 bên đã cùng nhau giải bài toán này như thế nào?
Cách đây vài năm, SpaceSpeakers nói với tôi rằng họ mong muốn sớm có 1 concert. Tôi cũng muốn làm concert cho họ bởi tôi cũng xuất thân từ đường phố, từ Hip-hop và Underground. Đây có thể gọi là một giấc mơ chung. Với sự xuất hiện của Rap Việt, sự lên ngôi của Hip-hop và Underground thời gian qua, giấc mơ ấy lớn dần lên và đến một ngày khi concert ấy tới, họ muốn đặt concert ấy vào tay tôi. Tôi đã nói: “Chúng ta sẽ thực hiện concert ấy chỉ với 1 đầu bài duy nhất: Hãy làm một cuộc CÁCH MẠNG về biểu diễn sân khấu. Làm sao để concert ấy phản ánh đầy đủ tư duy sáng tạo của tất cả chúng ta, tư duy âm nhạc của SpaceSpeakers trong nền công nghiệp âm nhạc”. Và đó là khởi nguồn của KOSMIK 2022.
- Đạo diễn Việt Tú đã từng đạo diễn các liveshow, concert của rất nhiều nghệ sĩ Vpop như Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Hà Trần… Việc làm concert cá nhân cho 1 nghệ sĩ khác biệt như thế nào so với làm 1 concert chung cho 11 nghệ sĩ của SpaceSpeakers?
Tôi nghĩ điều này có thể là thách thức với người khác, còn đối với tôi thì không. Là một người nghe nhạc chứng kiến dòng lịch sử của nhạc Việt, tôi chỉ thấy có 1 khó khăn trong việc làm concert cho SpeakSpeakers đó là: họ có quá nhiều hits để chọn.
Điều bối rối ấy thể hiện ở bản demo 1 mà Touliver gửi cho tôi. Thực sự chúng tôi phát hoảng lên vì nó quá dài. Nghe concept thì hay lắm, 3 chương quá khứ, hiện tại, tương lai, đường phố, ko gian, vũ trụ… nhưng khi chúng tôi bật nhạc lên nghe cùng nhau, chúng tôi chỉ nhìn nhau và không biết nói gì cả.
SpaceSpeakers biểu diễn rất nhiều nhưng chủ yếu là các set riêng biệt chứ họ chưa bao giờ đưa tất cả vào 1 tổng thể. Chúng tôi hiểu rằng tất cả phải làm việc cùng nhau. Hàng ngày chúng tôi cùng nhau nghe nhạc, điều chỉnh flow, lắng nghe các nghệ sĩ ở trong cuộc để họ phản hồi, cả nhóm cùng phải ngồi nghe với nhau để gỡ các mối chỉ. Chúng tôi nhận ra rằng bản thân các nghệ sĩ mới là người hiểu set của mình nhất. Và cho đến bây giờ tôi thấy rất hào hứng, nó thật sự rất thú vị và hãy đón chờ những set nhạc mà các bạn chuẩn bị được nghe.
- Anh cân đối việc phân chia sân khấu, thời lượng và làm nổi bật cá tính của cả 11 nghệ sĩ SpaceSpeakers như thế nào?
Tôi nghĩ điều này giống như là làm HLV của Real Madrid vậy. Bạn có 11 cầu thủ toàn siêu sao, mỗi cầu thủ ở 1 vị trí và làm thế nào để hài lòng cả 11 cầu thủ thì đấy là câu chuyện không chỉ về chuyên môn đơn thuần, mà là câu chuyện về quan hệ giữa con người với con người, cách lắng nghe và dàn xếp các vấn đề. Tôi dành phần lớn thời gian để nói chuyện với mọi người, chúng tôi họp với nhau rất nhiều. Một số người có vấn đề về phần biểu diễn, số khác thì vấn đề trang phục, một vài thành viên là vấn đề về thời lượng…Làm việc nhóm cho họ thấy 1 bức tranh chung mà họ là 1 phần trong đó thì họ sẽ cảm nhận được sự kết nối, họ nhận ra rằng vị trí của họ trong chương trình đã được sắp xếp hợp lý và nghệ sĩ được tôn trọng.
Mọi người thường so sánh vị trí của Giám đốc sáng tạo hay Tổng đạo diễn của tôi giống như 1 HLV bóng đá. Tôi bảo gì bạn làm nấy, cũng là 1 trường phái nhưng theo tôi đánh giá thì đấy là trường phái cổ điển. Những HLV hiện đại như Carlo Ancelotti của Real Marid, cách ông ấy làm là lắng nghe. Carlo có nói 1 câu rất hay là: “Tôi không có gì để dạy họ về đá bóng cả, tôi chỉ đơn giản là làm cho họ cảm thấy hạnh phúc ở trên sân bóng”. Và tôi ở trong concert này của SpaceSpeakers cũng đang làm điều tương tự. Tôi không thể bảo họ cách hát sao cho hay được, việc tôi làm chỉ để cho họ cảm thấy hạnh phúc, cho họ cảm giác được lắng nghe, tôn trọng, là một mảnh ghép mà họ còn thiếu. Khi họ có 1 người thủ lĩnh chương trình hiểu mình, cùng văn hoá với mình, không bắt họ phải tô son trát phần quần áo màu mè trên sân khấu, hiểu họ từng chân tơ kẽ tóc, từ nền văn hoá mà từ đó họ bước ra, bộ quần áo họ mặc có thông điệp gì… thì tôi nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc để tất cả cùng hợp tác với nhau. Đấy là cách mà tôi làm.
- KOSMIK concert được chia thành 3 chapter quá khứ, hiện tại, và tương lai. Nhiều người nói rằng quá khứ, hiện tại và tương lai của SpaceSpeakers đều do Hoàng Touliver “gánh". Anh có đồng ý với điều này?
Tôi sẽ tiếp tục lấy bóng đá làm ví dụ. Mỗi đội bóng đều có 1 siêu sao. Như Real Madrid có Ronaldo, Barcelona là Messi, MU là David Beckham… Tôi nghĩ đội bóng nào cũng cần 1 thủ lĩnh và bất kì nhóm nào cũng cần 1 người leader. Touliver có tố chất của 1 người thủ lĩnh, 1 thủ lĩnh trong âm nhạc. Giống như trước đây, ban nhạc Anh Em có anh Anh Quân - rất ít nói, thường im lặng, nhưng tiếng nói về mặt chuyên môn thì không ai có thể phủ nhận được. Và họ giữ được nhóm tổ chức của mình đi với nhau hàng chục năm. Tôi tin rằng Touliver có tố chất ấy và điều này được tất cả SpaceSpeakers thừa nhận. Bạn có thể hỏi bất kì ai, trước mặt hay sau lưng thì câu trả lời vẫn thế. Không thể dí súng vào mặt người ta nói rằng “anh phải tôn trọng tôi đi, anh phải lắng nghe tôi". Đây cũng là 1 điều may mắn của SpaceSpeakers. Ngay từ đầu họ đã có 1 ngọn cờ để đi theo, 1 tiêu chí để thống nhất và quan trọng là có 1 platform để tất cả đứng chung để cùng tạo ra 1 thương hiệu rất phù hợp với cách mà nền công nghiệp âm nhạc hiện đại vận hành.
- Vậy anh nghĩ thế nào về quá khứ - hiện tại - tương lai của Hip-hop Underground Việt Nam nói chung?
Chúng ta đang ở vùng trũng của thế giới, chắc chắn một điều là chúng ta phải đi theo thế giới. Các bạn nhìn thấy tất cả đều tuần tự tịnh tiến hết. Đầu tiên là âm nhạc cổ điển, jazz, pop - rock… Tất cả đều đã có vị trí riêng. Hip-hop Việt Nam phát triển khá muộn so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, nhưng giờ đây nó cũng đã có 1 vị thế nhất định. Nó sẽ giống như tất cả những trào lưu trước đây, có thời Pop lên ngôi, Rock lên ngôi và giờ là Hip-hop. Nhưng rồi sẽ có 1 trào lưu mới xuất hiện, on-trend rồi lại thay thế Hip-hop. Nhưng đến lúc đấy, Hip-hop đã là 1 nguồn năng lượng được số đông khán giả công nhận.
Nếu các bạn, tôi và chúng ta đều là những người trưởng thành từ Hip-hop, đi ra ánh sáng từ Hip-hop thì ngay bây giờ hãy tận hưởng giây phút này. Giây phút mà giấc mơ trở thành hiện thực. Giấc mơ từ thời của chúng tôi - những người ở thế hệ 7x, những đứa trẻ mặc quần thủng, quần rách tả tơi trượt ván ở tượng đài Lê-nin rồi nghe băng Hip-hop trên đài phát thanh rè rè. Năm 1989 là lần đầu tiên có hạng mục “Album nhạc Rap xuất sắc”, lúc đó bố mẹ đều hỏi con cái mình là “nhạc này là nhạc quái gì vậy?”, nhạc gì không có giai điệu, chỉ nói trên 1 nền beat rất kích động về các vấn đề rất gai góc thì giờ đây, Hip-hop ngày càng trở nên thương mại hoá. Trên thế giới, có 3 trong số rất nhiều tỷ phú đến từ ngành công nghiệp biểu diễn là các nghệ sĩ Hip-hop: Kanye West, Jay Z và Rihanna. Tôi hy vọng rằng các nghệ sĩ Hip-hop, Underground của Việt Nam sẽ phát triển theo con đường tương tự và sẽ trở thành trụ cột chính trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.
Tất nhiên là phụ thuộc vào các nghệ sĩ rất nhiều, rằng họ có làm được hay không, họ có kiên định với con đường của mình hay không, có gặp may mắn hay không? Nhưng như hiện tại đã là quá tốt rồi, hiện tại đã rất khác với ngày xưa khi Hip-hop chưa được thừa nhận bởi xã hội. Trở thành một dòng nhạc chính thống và trụ cột mới trong nền công nghiệp âm nhạc Việt chính là tương lai của Hip-hop.
- KOSMIK Live Concert của SpaceSpeakers được ekip giới thiệu rằng đó sẽ là 1 “concert nhập vai" hay IMMERSIVE Concert - Đây là 1 khái niệm rất mới tại Việt Nam, đạo diễn Việt Tú hãy chia sẻ thêm về mô hình concert này để khán giả có thể hiểu đúng: Thế nào là IMMERSIVE Concert?
IMMERSIVE (Nhập Vai) là khái niệm rất phổ biến trong game. Khi bạn chơi game, thường sẽ có một cảm giác, một góc nhìn như được hoá thân vào nhân vật đó đúng không? Tôi muốn làm điều tương tự với concert này (với đối tượng khán giả GA).
Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, hẳn mọi người đều đã quá quen thuộc với khái niệm Metaverse cùng các công cụ hỗ trợ như kính thực tế ảo. Từ lúc đó tôi đã nghĩ rằng: Tại sao mình không làm một cái gì đó mới với sân khấu truyền thống?
Trong các chu kỳ sáng tạo của tôi kể từ 2002 với “Nhật Thực 1”, Live concert Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Đẹp Fashion Show… Mỗi chu kỳ tôi đều làm một cuộc cách mạng về khái niệm với sân khấu biểu diễn truyền thống. Từ đó ta có thể phá bỏ những rào cản về không gian biểu diễn. Sân khấu có 1 ma lực rất hấp dẫn, nó như 1 cái hộp đen ảo thuật. Mình có thể thò tay vào nó và làm cho mọi thứ biến đổi chỉ trong vài phút. Tôi cũng hy vọng mình làm được điều tương tự trong KOSMIK của SpaceSpeakers lần này.
Chúng ta cứ hình dung như thế này, với 1 sân khấu truyền thống, vật lý, khán giả sẽ rất thụ động. Họ nhìn từ dưới nhìn lên, hoặc là nhìn từ ngang vào, trên dưới trái phải nhưng bản chất, đấy vẫn là 1 hình thức thưởng thức thụ động. Còn lần này, tôi muốn khán giả GA là một phần của câu chuyện. Thậm chí tôi còn nghĩ đến việc là chúng tôi sẽ xin lại tất cả những fancam của khán giả ở mọi góc nhìn để tạo ra 1 thứ thực sự là IMMERSIVE ngay cả trong cách quay, cách dựng hình và cách làm bố cục của chương trình.
Nói ngắn gọn lại, câu trả lời của tôi: Với KOSMIK, nhập vai ở đây không chỉ là việc nghệ sĩ nhập vai mà là khán giả cũng phải nhập vai. Tôi muốn họ ở trong âm nhạc của SpaceSpeakers và SpaceSpeakers ở trong 1 không gian có âm nhạc, có khán giả tương tác với họ. Ở đó không có giới hạn hay rào cản nào về vật lý. Đó là 1 hình thức biểu diễn rất thách thức, rất khác thường, và nó tiêu tốn của chúng tôi rất nhiều nơ-ron thần kinh để có thể biến giấc mơ trở thành hiện thực.
- Trên thế giới đã có những nghệ sĩ nào thực hiện thành công concept này và nó có khác biệt gì so với các concert áp dụng công nghệ Hologram, thực tế ảo, 3D hay 4D?
Việc đặt thành 1 khái niệm là concert âm nhạc IMMERSIVE thì tôi nghĩ trên thế giới chưa có. Vài hãng game đã sử dụng hiệu ứng lên avatar của các nghệ sĩ nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi bạn đeo 1 chiếc kính thực tế ảo, và bạn chỉ được xem cái nhân dạng avatar của nghệ sĩ thôi. Còn nếu đúng nghĩa 1 concert nhập vai thật, thì tôi thấy là chưa có. Nó có ở đâu đó một vài nhóm nghệ sĩ mang tính chất thể nghiệm với khán giả ở trong 1 không gian hẹp. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi là những người đầu tiên ở Việt Nam, và là 1 trong nhóm ít nghệ sĩ trên thế giới có thể làm được concert nhập vai như thế này.
- Hình ảnh mô phỏng sân khấu của concert đã nhận một vài ý kiến chỉ ra rằng nó giống với “floating stage" mà Kanye West đã thực hiện tại The Life of Pablo tour. Có hay không việc trùng lặp ý tưởng?
Chính tôi cũng đã ở buổi trình diễn đó của Kayne và chứng kiến “floating stage" đó. Rất kì vĩ và rất cách mạng. Đấy là lần đầu tiên mà 1 nghệ sĩ chỉ trình diễn trên 1 sân khấu bay và đó cũng gọi là 1 trong những manh nha về “immersive”. Nhưng tôi nghĩ Kanye West không định làm “immersive” và không gọi đó là nhập vai. Những gì khán giả thấy trong hình demo show của chúng tôi, thì đó đúng là 1 cái stage trên đầu khán giả. Nhưng đó không phải là cả chương trình, nó là một công cụ trong một phần của chương trình như các hiệu ứng khác.
Sân khấu bay đã xuất hiện rất nhiều tại các chương trình trên thế giới chứ không chỉ của Kanye West, nhưng Kanye West đã làm nó trở thành iconic. Tôi thấy tất cả những gì khán giả nói là đúng, và tôi rất muốn mời họ đến concert lần này của SpaceSpeakers để xem những gì chúng tôi làm có phải là “floating stage” ko.
Câu chuyện thứ 2 tôi cũng thấy khán giả phản hồi, đấy là hologram với hình ảnh iconic của Eric Prydz tại Tomorrow Land - phi hành gia. Trong chương trình của tôi có hologram, có làm cả giả lập 3D nhưng nó không phải là key chính của show diễn lần này. Mà nó là 1 phần, là công cụ, là hình thức thể hiện. Cũng từ câu chuyện này mà tôi thấy rằng mình đã đúng khi cách đây vài năm tôi có trả lời phỏng vấn: càng ngày các nghệ sĩ làm sáng tạo phải đối mặt với 1 thực tế, rằng họ sẽ không phải là người duy nhất nắm được các bí kíp về dàn dựng thông qua đặc quyền được xem được tiếp cận với các show diễn hiện đại trên thế giới, điều đó thuộc về tất cả mọi người, thậm chí con tôi 18 tuổi có khi còn xem nhiều thứ hơn tôi và các đồng nghiệp của mình.
Giống như câu chuyện trước đây khi chúng ta muốn quay phim, muốn làm 1 video, chúng ta cần có cả 1 đoàn phim là đặc quyền riêng của những người làm nghề. Còn bây giờ, 1 em bé, hay 1 đứa trẻ con, cũng có thể có 1 kênh TikTok của riêng mình. Đó thực sự là thách thức của những nhà sáng tạo chuyên nghiệp khi sự cập nhật của khán gỉa ngày một lớn. Tôi cũng thật sự rất mong rằng càng nhiều khán giả càng tốt, hãy đến concert KOSMIK để chứng kiến những gì mà tôi làm với khái niệm mà chúng tôi đặt ra.
- Mô hình sân khấu tương tác này đòi hỏi sự phối hợp không chỉ của đội ngũ sản xuất hiện trường âm thanh ánh sáng đạo cụ, các nghệ sĩ biểu diễn mà còn cần cả sự hợp tác của khán giả. Điều khiển cả trăm nghìn khán giả như vậy liệu có quá mạo hiểm không?
Tôi nghĩ là trên thế giới, khán giả cũng sẽ gặp thách thức với hình thức này. Nó rất mới và mọi người sẽ phải thích nghi với nó.
Chúng tôi có sự tính toán, phối hợp của rất nhiều bộ phận. Từ các nghệ sĩ, từ tôi, từ đơn vị sản xuất, từ các đơn vị phối hợp về an ninh rồi từ đơn vị vận hành sân khấu. Họ là những người cho chúng tôi những thông số rất quan trọng mà chúng tôi phải tuân thủ để đảm bảo sự kiện diễn ra không chỉ hay, sôi động, sáng tạo mà còn phải an toàn trong bối cảnh có rất nhiều sự kiện đông người mà không được quản lý chặt chẽ. Đấy là điều chúng tôi đặt lên hàng đầu. Thoải mái nhưng phải an toàn cho những người tham dự.
- Khán giả cần chuẩn bị những gì để giúp đạo diễn Việt Tú và SpaceSpeakers tổ chức thành công concert nhập vai tương tác đầu tiên tại Việt Nam?
Một tâm hồn đẹp. Sau đó là một bộ quần áo đẹp. Concert này chúng tôi dự tính gần 3 tiếng. Với các bạn GA thì nên đi giày trệt để không bị mỏi chân, không nên đeo ba lô vì bạn sẽ làm giảm diện tích, gây bất tiện cho những người xung quanh. Nên tuân theo mọi quy định về đồ ăn đồ uống, không được sử dụng các chất kích thích…bản thân âm nhạc trong show diễn này đã là rất kích thích rồi, bạn không cần phải dùng bất kì thứ gì khác. Có rất nhiều bản hit, âm nhạc, không gian của buổi tối đó sẽ mang chúng ta đến một buổi tối của khám phá những cảm xúc mà chúng ta chưa từng trải nghiệm.