- Theo Trí Thức Trẻ | 19/09/2016 03:03 PM
Sau hai mẫu card RX 480 và RX 470 tương ứng với phân khúc cao cấp và tầm trung. AMD nhanh chóng hoàn thiện dòng card Polaris với phiên bản giá rẻ RX 460 dành cho game eSport với thiết kế hài hòa giữa hiệu năng và chi phí, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho đa số người dùng.
RX 460 cũng một trong những GPU đầu tiên của AMD được sản xuất theo quy trình 14nm, kiến trúc đồ họa Polaris và đặc biệt mức công suất tiêu thụ chỉ 75W, hứa hẹn hiệu suất cao hơn khoảng 1,3 lần nếu tính trên mỗi watt điện năng tiêu thụ so với Radeon R7 260X.
Trong bài viết, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu kỹ hơn về sức mạnh của AMD RX 460 qua mẫu card Sapphire cùng các công cụ benchmark tiêu chuẩn và một số tựa game phổ biến hiện nay để thấy được sự thay đổi so với thế hệ cũ. Sản phẩm có giá tham khảo 3,55 triệu đồng, bảo hành 3 năm.
Thiết kế
Điểm nhấn trong thiết kế kỹ thuật RX 460 là mức tiêu thụ điện năng chỉ 75W nên có thể lấy nguồn trực tiếp qua khe PCI Express x16 trên bo mạch chủ. Tuy nhiên trên thực tế, mẫu card của Sapphire đã được ép xung sẵn trước khi xuất xưởng nên có thêm đường nguồn +12V PCIe 6 chân. Vì vậy bạn không phải lo lắng công suất yêu cầu của card vượt quá khả năng cấp nguồn tối đa (75W, theo lý thuyết) của khe PCI Express như với mẫu card tham chiếu RX 480 của AMD vừa qua.
Về kích cỡ, card chỉ dài 22,1 cm tức khoảng 2/3 so với tiêu chuẩn nên phù hợp với nhiều cỡ thùng máy khác nhau, nhất là dạng thùng mini-ITX nhỏ gọn. Điều này sẽ mang lại không gian làm việc rộng rãi và gọn gàng hơn. Bộ tản nhiệt Dual-X kết hợp giữa 2 quạt làm mát cỡ 90 mm và 2 heatpipe giúp việc truyền dẫn nhiệt nhanh hơn lên các lá nhôm xếp ken dày bên trên, giữ nhiệt độ GPU luôn ở mức thấp khi hoạt động.
Nói thêm về tản nhiệt Dual-X thì Sapphire đã chuyển sang sử dụng dạng cấp nguồn tiếp điểm cho quạt tản nhiệt, giúp việc vệ sinh bụi bẩn và dễ dàng thay thế khi hỏng hóc. Cánh quạt được thiết kế nhằm tăng hiệu suất tải gió cùng bộ đệm bi có tính ổn định cao, chất lượng và thời gian sử dụng dài hơn khoảng 85% so với quạt dùng đệm trượt (sleeve bearing).
Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm HDMI 2.0, DisplayPort 1.4 và DVI-D. Thông qua các kết nối tiêu chuẩn tiên tiến, RX 460 có khả năng xuất tín hiệu hình ảnh, âm thanh dạng nén lẫn không nén qua cổng HDMI với độ phân giải 4K, tần số qét 60Hz hoặc 4K HDR @120Hz qua DisplayPort.
Bên cạnh đó, Nitro RX 460 OC còn được trang bị hệ thống LED nền RGB, có thể tùy chỉnh thông qua phần mềm TriXX OC với nhiều profile khác nhau, mang lại hiệu ứng đẹp mắt và thể hiện cá tính.
Công nghệ, tính năng kỹ thuật
Như chúng ta đã biết, bộ đôi RX 480 và 470 lần lượt được AMD thiết kế hướng đến nhu cầu chơi game ở độ phân giải 1440p hoặc 1080p mà vẫn đạt ngưỡng tối ưu 60 fps (khung hình mỗi giây) với đồ họa chất lượng cao nhất.
Xét về hiệu năng, dù không thể sánh hai mẫu GPU trên nhưng RX 460 vẫn tạo được ấn tượng tốt trong thể loại game MOBA hoặc eSport khi đạt khoảng 100 fps với chất lượng đồ họa cao nhất. Riêng các game offline truyền thống cũng vượt mức 30 fps và thậm chí đạt ngưỡng 60 fps nếu giảm chất lượng đồ họa xuống một bậc.
Sơ đồ khối nhân đồ họa Polaris 11
Về mặt kỹ thuật, Sapphire Nitro RX 460 OC sử dụng nhân đồ họa Polaris 11 (tên mã Baffin), có 16 CU (compute unit hay cụm xử lý tính toán) với tổng số bộ xử lý dòng (stream processing unit) là 896 bộ xử lý bề mặt hình ảnh (texture unit) và 16 ROP unit (chỉ số render output hay còn gọi raster operations pipeline). Card cũng được trang bị 4GB bộ nhớ đồ họa GDDR5, xung nhịp (mem clock) 1.750 MHz và giao tiếp bộ nhớ 128 bit.
Do được ép xung nhẹ trước khi xuất xưởng nên xung nhịp GPU cao hơn mức tiêu chuẩn AMD công bố. Cụ thể xung mặc định của GPU là 1.175 MHz so với mức tiêu chuẩn 1.090 MHz và có thể đạt 1.250 MHz khi tăng tốc. Như vậy, hiệu năng sản phẩm sẽ tốt hơn một chút, năng lực xử lý đồ họa và số khung hình trong game cũng cao hơn so với bản tiêu chuẩn của AMD.
Cấu hình thử nghiệm
Để đánh giá sức mạnh mẫu Nitro RX 460 OC của Sapphire, Tinhte xây dựng cấu hình thử nghiệm tương xứng dựa trên nền tảng Haswell-E với bo mạch chủ Asus X99 Deluxe, CPU Intel Core i7-6950X Extreme Edition, bộ nhớ DDR4 Adata XPG Z1 16GB, bus 2.400MHz, SSD Intel 730 480GB chạy ở RAID 0 và nguồn Cooler Master RS-C50 1250W.
Bên cạnh những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng là 3DMark và Heaven Benchmark 4.0, Tinhte cũng kiểm thử khả năng chiến game ở độ phân giải Full HD và QHD (2.560 x 1.440 pixel). Quá trình thử nghiệm, hệ thống chạy với thông số thiết lập mặc định của nhà sản xuất và kết quả các phép thử chỉ được ghi nhận sau ba lần test.
Đánh giá hiệu năng
Kết quả bên dưới cho thấy hiệu năng Nitro RX 460 OC đủ để chinh phục tất cả phép thử theo kịch bản xây dựng ở độ phân giải full HD cùng mức thiết lập đồ họa tối đa. Ở khía cạnh game thủ, mẫu card Sapphire hoàn toàn đáp ứng các tựa game online phổ biến trên thị trường như Dota 2, League of Legends, Counter Strike: Global Offensive hoặc Word of Tank với số khung hình trung bình khoảng 90 fps (khung hình/giây).
Với game offline, tuy không đạt được ngưỡng tối ưu 60 fps mà game thủ hướng đến nhưng card vẫn tạo ấn tượng tốt khi vượt xa mức chuẩn 30 fps, dù phải hạn chế bật tính năng khử răng cưa hoặc tắt một vài hiệu ứng đồ họa nâng cao ở một số tựa game nặng.
Cụ thể với Rise of the Tomb Raider, phiên bản hỗ trợ DirectX 12 và được làm lại từ bản game cùng tên ra mắt người dùng vào năm 2013. Cấu hình thử nghiệm đạt đến 49,1 fps ở độ phân giải Full HD, thiết lập đồ họa Medium và giảm còn 30,9 fps khi đẩy chất lượng đồ họa lên mức cao nhất.
Tương tự Ashes of the Singularity cũng là một trong những tựa game đầu tiên hỗ trợ đồ họa DirectX 12. Nitro RX 460 OC tỏ ra “khá đuối” khi kết quả cao nhất chỉ đạt 26,5 fps và thấp nhất là 20,5 fps; tức dưới ngưỡng cơ bản để game có thể chạy mượt mà.
Trong khi đó Batman: Arkham Knight, dù sử dụng engine đồ họa Unreal 3 cũ kĩ nhưng vẫn là tựa game có chất lượng đồ họa đẹp và không hề thua kém những tựa game mới khác. Cấu hình thử nghiệm đạt trung bình 47 fps và giảm còn 41 fps với thiết lập đồ họa High.
Riêng The Witcher 3: Wild Hunt và Doom 2016 mình chỉ ghi nhận kết quả chứ không đưa vào bài viết. Cần thời gian kiểm chứng sự nhất quán, ổn định và đáng tin cậy trước khi dùng làm công cụ benchmark.
Trở lại với phép thử quy chuẩn là 3DMark Fire Strike, cấu hình thử nghiệm đạt 5.300 điểm tổng thể, trong đó Graphic đạt 5.647 điểm và CPU là 24.378 điểm. Tương tự trong phép thử TimeSpy dùng được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, hệ thống đạt 2.026 điểm, trong đó chip Core i7-6950X đạt 10.660 điểm và đồ họa RX 460 là 1.773 điểm.
Xét riêng về điểm đồ họa thì Nitro RX 460 OC chỉ bằng khoảng phân nửa so với Asus Strix RX 470 mình từng thử nghiệm. Điều này cũng bình thường vì xét ở khía cạnh kỹ thuật, RX 460 được xây dựng dựa trên nhân đồ họa cấp thấp Polaris 11 với 896 bộ xử lý dòng, giao tiếp bộ nhớ 128 bit. Trong khi đó RX 470 sử dụng nhân đồ họa Polaris 10 tương tự RX 480, tổng bộ xử lý dòng là 2.048 và bộ nhớ 256 bit.
Với Heaven Benchmark, phép thử đồ họa có nhiều nét tương đồng với 3DMark nhưng nhấn mạnh công nghệ Tessellation, khả năng dựng hình của Sapphire RX 460 đạt 46,1 fps và giảm còn 23,4 fps khi thiết lập chất lượng đồ họa Extreme. Xem chi tiết kết quả bên dưới.
Nhiệt độ, công suất tiêu thụ
Như đề cập trên, thiết kế card dựa trên kiến trúc mới là GCN 4.0 nên có khả năng kiểm soát tốt hơn mức tiêu thụ điện năng trong khi vẫn đạt được hiệu suất như mong muốn. Chính vì vậy, không chỉ có hiệu năng cao hơn mà RX 460 còn có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn Radeon R7 260X.
Cụ thể ở chế độ không tải, nhiệt độ GPU dao động ở mức 44 độ C, mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm là 135,3W, tính theo trị số trung bình cộng. Trong phép thử đồ họa 3DMark và game, nhiệt độ GPU lên đến 84 độ C và mức công suất cao nhất là 276,6W. Nếu so với hai phiên bản Asus RX 470 và AMD Radeon RX 480 mình từng thử nghiệm thì nhiệt độ này được xem là cao nhưng ngược lại, lượng điện năng tiêu thụ thấp hơn.
Tổng quan sản phẩm
Tuy chưa đạt được những kỳ vọng của người dùng nhưng kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy Sapphire Nitro RX 460 OC có hiệu năng tương đối tốt, đủ chơi mượt các game thể loại MOBA hoặc eSport với số khung hình trung bình khoảng 90 fps với chất lượng đồ họa cao nhất. Riêng các game offline truyền thống cũng vượt mức 30 fps và có thể đạt ngưỡng 60 fps nếu giảm chất lượng đồ họa xuống một bậc.
Cũng cần lưu ý một vấn đề thường gặp của các GPU AMD mới là không phát huy được hết sức mạnh vốn có do thiết kế trình điều khiển (driver) chưa tối ưu cho sản phẩm. Chẳng hạn với Sapphire RX 460, mình đã mất khá nhiều thời gian kiểm thử tính ổn định của các phiên bản driver khác nhau trước khi lấy kết quả chính thức dùng trong bài viết.
Ưu điểm
Tỷ suất hiệu năng/giá hấp dẫn.
Trang bị 4GB RAM GDDR5.
Chơi tốt game ở độ phân giải Full HD với chất lượng đồ họa cao
Khuyết điểm
Tản nhiệt chưa thật hiệu quả.
Theo Tinhte.