Hai năm trước, Microsoft công bố Windows 10 sẽ tương thích với các vi xử lý ARM, bao gồm dòng chip Snapdragon của Qualcomm xuất hiện trên các điện thoại di động. Điều này đã mang đến cho Microsoft một cơ hội hoàn hảo để giới thiệu một chiếc Surface Pro lý tưởng: một chiếc máy tính mỏng, nhẹ, luôn kết nối mạng thông qua LTE tích hợp, và có thời lượng pin ấn tượng. Microsoft quả thực đã tung ra nhiều mẫu Surface kể từ thời điểm đó, bao gồm một vài mẫu có LTE, nhưng chưa có mẫu nào được trang bị chip ARM thay cho những vi xử lý Intel vốn đòi hỏi nhiều điện năng hơn hẳn.
Đáp lại kỳ vọng này, Samsung ra mắt Galaxy Book 2. Chiếc máy tính 2-trong-1 này về cơ bản không khác gì Surface Pro: một chiếc tablet với bàn phím tháo rời được cùng một cây bút cảm ứng, chạy hệ điều hành Windows 10 hoàn chỉnh. Nhưng Book 2 còn là một trong những chiếc PC luôn kết nối được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 850.
Về mặt lý thuyết, Book 2 chính là chiếc Surface Pro mà mọi fan của loại máy tính này luôn tìm kiếm: một chiếc máy tính siêu gọn nhẹ, luôn kết nối, có thể trụ vững một ngày dài với chỉ một lần sạc. Nhưng, cũng như nhiều trường hợp trước đây, những thứ trên lý thuyết không phải lúc nào cũng sát với thực tế.
Ưu điểm:
- Mỏng, nhẹ
- Pin trâu
- LTE tích hợp
- Kèm bàn phím và bút
Nhược điểm
- Windows 10 trên ARM vẫn gặp vấn đề liên quan tính tương thích phần mềm
- 4GB RAM quá hạn chế
- Vi xử lý không đủ mạnh để đáp ứng những tác vụ nặng
Nếu chỉ nhìn lướt qua, Galaxy Book 2 hầu như không thể phân biệt được với Surface Pro. Đây là một chiếc tablet mỏng, với chân đế tích hợp có thể điều chỉnh nhiều góc độ, bàn phím kết nối từ tính với cạnh dưới máy, và một cây bút cảm nhận áp lực để viết và vẽ. Book 2 có kích thước gần như tương tự với Surface Pro, nặng chỉ 0,79kg (chưa tính bàn phím).
Một điểm khác biệt giữa Book 2 và Surface Pro là màn hình: Book 2 có màn hình cảm ứng Super AMOLED 3:2, 12-inch, sắc nét và rực rỡ. Màn hình này đủ sáng để sử dụng ngoài trời, và nhỏ hơn một chút so với Surface Pro, nhưng bạn sẽ không để ý đến sự khác biệt về kích cỡ bởi mọi chú ý sẽ đổ dồn vào... viền màn hình khổng lồ - lớn hơn cả viền màn hình vốn đã lớn của Surface Pro!
Những điểm khác biệt khác có thể tìm thấy ở hai bên cạnh máy: Book 2 có 2 cổng USB-C (đều có thể dùng để sạc máy), và một cảm biến vân tay ở góc trên bên phải sau màn hình. Với một chiếc laptop, nhận diện khuôn mặt thông qua camera sẽ tốt hơn cảm biến vân tay, nhưng dù sao cảm biến này cũng nhanh và đáng tin cậy.
Samsung đã trang bị cho Book 2 các dải loa được tinh chỉnh bởi AKG ở các cạnh máy; tuy nhiên chúng lại nghe không mấy hay ho, có phần kém sống động. Các loa này đáp ứng tốt như cầu gọi điện video, nhưng xem phim hay nghe nhạc thì không được tốt lắm.
Bên trong hộp máy còn bao gồm một bàn phím full-size với đèn nền và trackpad lớn. Bàn phím này khá tốt và dễ gõ, nhưng bề mặt nhựa của nó không thể so được với bàn phím Alcantara của Surface Pro. Tất nhiên, Microsoft không bán kèm bàn phím theo máy mà đòi hỏi người dùng bỏ thêm 159 USD để mua.
Điều tương tự cũng xảy ra với bút S-Pen của Book 2: nó đầy đủ chức năng, cảm nhận áp lực hoàn hảo, nhưng chất liệu hoàn thiện và thiết kế của bút S-Pen cũng không thể bì kịp với bút cảm ứng của Microsoft. Nhìn chung, nếu xét đến sự chênh lệch giá giữa hai thiết bị (Surface Pro với LTE, bàn phím và bút sẽ có giá cao hơn hàng trăm USD so với Book 2), chúng ta có thể tạm chấp nhận những yếu điểm này trên Book 2.
Bên trong, mọi thứ hơi khác một chút. Như đã đề cập ở trên, Galaxy Book 2 loại bỏ vi xử lý Intel truyền thống và thay bằng Qualcomm Snapdragon 850 - một phiên bản được tinh chỉnh lại của Snapdragon 845 vốn xuất hiện trên nhiều smartphone hiện nay - được thiết kế đặc biệt dành cho các máy tính Windows. Chip này đi kèm với RAM 4GB và bộ nhớ trong 128GB - bạn không thể chọn một cấu hình nào khác trên Book 2!
Cấu hình Samsung Galaxy Book 2
- Màn hình cảm ứng Super AMOLED 12-inch, độ phân giải 2.160 x 1440 pixel
- Vi xử lý Qualcomm Snapdragon 850
- RAM 4GB, bộ nhớ trong 128GB
- Camera sau 8mpx, camera trước 5mpx
- 2 cổng USB-C, 1 khe thẻ microSD, jack headphone 3.5mm
- Kích thước: 11.32-inch x 7.89-inch x 0.3-inch
- Khối lượng: 0.8kg chưa tính bàn phím
- Windows 10 Home (chạy S Mode)
- Giá: 999 USD.
Book 2 là một trong những thiết bị đầu tiên ra mắt với chip 850. Nếu từng sử dụng những chiếc PC luôn kết nối dùng chip Snapdragon 835 trước đây, bạn có lẽ phần nào đoán ra vấn đề: tính tương thích ứng dụng của dòng chip ARM này cực kém, và hiệu năng cũng không mấy ấn tượng, nếu không muốn nói là ì ạch và...rất ức chế.
Chip 850, dù đã được cải thiện so với đời trước, vẫn không thể thoát khỏi định mệnh. Galaxy Book 2 được cài sẵn Windows 10 với S Mode, tức bạn chỉ có cài đặt các ứng dụng trong Microsoft Store mà thôi. Nhưng ngay cả khi đã cài đặt được những ứng dụng bạn cần, bạn có lẽ sẽ gặp kha khá vấn đề khi chạy vì chúng không tương thích với nền tảng ARM. Một số ứng dụng như LastPass thậm chí còn không thể khởi chạy - chúng crash ngay khi vừa nhấp chuột vào! Nếu là người dùng dễ tính, bạn sẽ ậm ừ cho qua chuyện và kiên trì tìm phần mềm thay thế. Còn nếu hơi nóng tính một chút, bạn sẽ muốn ném ngay chiếc laptop gần nghìn đô qua cửa sổ và nuối tiếc vì sao mình không chọn một chiếc MacBook Air cũng ngang giá đó ngay từ đầu. Chip ARM có lẽ sẽ cần thêm rất, rất nhiều thời gian trước khi có thể hoạt động hoàn hảo và khiến người dùng gật gù tán thưởng trên một chiếc máy tính Windows.
Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy những hạn chế của Book 2. Máy hoạt động tốt với các tác vụ nhẹ, đơn giản thường ngày, nhưng ngay khi bạn thử chạy nhiều tác vụ cùng lúc, hay chuyển qua lại giữa một trình duyệt web đang mở hàng tá tab và các ứng dụng email, Slack, Word..., Book 2 sẽ bắt đầu có dấu hiệu khựng lại. Slack lag và gây bực bội đến mức bạn sẽ muốn xóa ngay ứng dụng desktop và chuyển sang dùng ứng dụng nền web cho đỡ nhọc công!
Book 2 cũng sẽ giật, treo khi chuyển qua lại giữa các desktop ảo hay đơn giản là mở menu Start và tìm kiếm bằng Cortana. Có lẽ RAM 4GB là nguyên nhân gây ra điều này - chiếc smartphone Galaxy Note 9 của Samsung thậm chí còn có nhiều RAM hơn chiếc máy tính của họ - nhưng khả năng cao Book 2 rơi vào tình cảnh khốn đốn như thế này còn bởi vi xử lý ARM của máy đã nhanh chóng bị quá tải.
Một điểm cộng nhỏ nhoi cho Book 2 là nó chạy rất êm, vì chẳng có chiếc quạt nào cả, và rất mát ngay cả khi chạy nhiều tác vụ. Pin máy cũng tuyệt vời: dù không đạt đến 20 tiếng như Samsung khẳng định, bạn có thể dùng nó cả ngày làm việc và về đến nhà an toàn mà không cần quan tâm đến chuyện cắm sạc. Chưa bao giờ có một chiếc PC chạy chip Intel nào làm được điều này.
Tổng thể, trải nghiệm sử dụng Samsung Galaxy Book 2 là...khá khó chịu. Nó có thiết kế tốt, siêu gọn nhẹ, pin trâu, có LTE tích hợp, giúp nó có tiềm năng trở thành một cỗ máy làm việc di động. Nhưng không may là Book 2 lại bị bóp chết bởi chính nền tảng vi xử lý và sự thiếu hụt trầm trọng RAM, khiến bạn muốn tập trung làm việc hiệu quả cũng không được. Nếu bạn chỉ thực hiện một vài tác vụ nhẹ nhàng đơn giản ở văn phòng, hiệu năng Book 2 đủ đáp ứng, nhưng nếu bạn lướt web rất nhiều trong khi sử dụng các ứng dụng công việc khác, Book 2 sẽ sớm khiến bạn nản lòng.
Samsung có lẽ đã tiến rất gần đến việc tạo ra một chiếc máy tính trong mơ, nhưng Book 2 đơn giản là không có đủ chất chuyên nghiệp để bất kỳ ai có thể sử dụng làm máy chính cho công việc thường ngày.
Tham khảo: TheVerge