Đánh giá phim Jason Bourne - Hành động kịch tính, chân thực đến từng chi tiết

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/07/2016 03:28 PM

Jason Bourne đã có sự trở lại khá ngoạn mục với những cảnh phim vô cùng chân thực, mang đậm chất hành động kịch tính, hứa hẹn những thành công cho cả các phần tiếp theo.

Nếu bạn là một fan hâm mộ kì cựu của thể loại phim hành động thì chắc hẳn sẽ chẳng còn xa lạ gì với cái tên Jason Bourne, một series kinh điển xoay quanh cuộc hành trình của một điệp viên CIA. Phim đã từng gắn bó với tên tuổi của nam diễn viên Matt Damon trong 3 phần đầu tiên ra mắt từ năm 2002 đến 2007.

Phần thứ 04 mang tên The Bourne Legacy không gây được mấy thiện cảm với người xem khi diễn viên chính đã được thay đổi và chuyển sang cho Jeremy Renner (anh chàng đóng Hawkeye trong Avengers đó...) và điều này càng khiến cho các fan hâm mộ khao khát được thấy sự trở lại của Matt Damon trong vai Jason Bourne trên màn ảnh rộng hơn bao giờ hết. Đáp lại sự kêu gọi của fan hâm mộ, Matt Damon đã phát biểu rằng: "Tôi sẽ chỉ quay lại đóng Jason Bourne nếu như đạo diễn Greengrass chịu tham gia".

May mắn thay, sau 10 năm chờ đợi thì cuối cùng, đạo diễn Paul Greengrass và Matt Damon cũng đã tái hợp cùng nhau để chúng ta có được siêu phẩm hành động Jason Bourne (2016).

Có lẽ lan man về lịch sử của series này như vậy là quá đủ rồi, chúng ta hãy cùng nhau đánh giá chi tiết về Jason Bourne - phần phim thứ 4... "xịn" trong loạt phim hành động đình đám cùng tên này.

Nối tiếp phần The Bourne Ultimatum (2007), hiện tại Bourne (Matt Damon) đang lưu lạc khắp nơi. Những khoảng trống trong kí ức của Bourne khiến anh không thể tìm được bình yên trong cuộc sống và một lần nữa, Bourne đã quyết định sẽ quay trở về để truy tìm những bí ẩn trong quá khứ. Tuy nhiên, để làm được điều này, Bourne sẽ phải đối đầu với tổ chức mà mình từng phục vụ - CIA bởi những điều anh muốn biết cũng chính là những tài liệu tuyệt mật mà CIA cần phải che giấu.

Cốt truyện chính của phim thoạt nghe tưởng chừng không có gì là phức tạp nhưng trên thực tế thì bạn sẽ phải theo dõi phim từ đầu đến cuối, không ngừng nghỉ mới có thể hiểu rõ được từng chi tiết, từng sợi dây liên kết giữa các nhân vật với nhau.

Các tình tiết chậm rãi chỉ diễn ra trong khoảng vài phút đầu tiên nhưng ngay sau đó, khán giả sẽ bị cuốn vào một cuộc hành trình dồn dập với tốc độ cao đủ để khiến bạn không thể dời mắt khỏi màn hình. Cảnh phim được chuyển khá nhanh với câu chuyện được diễn ra theo nhiều chiều hướng, xoay quanh nhiều tuyến nhân vật nên nếu không tập trung, bạn sẽ rất dễ bị lạc lối trong mê cung cốt truyện của Jason Bourne.

Cảm giác xem phim sẽ giống như khi bạn chơi trò chơi xếp hình với những mảnh ghép rối rắm khiến bạn khó có thể mường tượng ra được bức tranh toàn cảnh và phải tự hỏi anh chàng này làm cái quái gì vậy? Anh ta muốn biết điều gì? Nhân vật mới này là ai?... Những câu hỏi như vậy cứ liên tục xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim để rồi tất cả cùng được trả lời trong đoạn kết như một sự bùng nổ khiến cho người xem cảm thấy vô cùng thích thú.

Một điểm nhấn khá đáng chú ý trong phim đó là các cảnh hành động vẫn giữ nguyên được bản sắc của các phần phim về anh chàng điệp viên Jason Bourne trước đây, đó là đảm bảo và đề cao tính chân thực. Trong phim, bạn sẽ không thấy Bourne của chúng ta sử dụng các món "đồ chơi" công nghệ cao, không thấy anh ta xông vào giữa một đám đông và "cân" cả thế giới...

Tất cả những cảnh hành động đậm "hư cấu" mà bạn từng thấy trong phim về James Bonds hay Mission Impossible đều sẽ không có trong Jason Bourne. Thay vào đó, hình ảnh người điệp viên, người sát thủ trong phim lại được khắc họa một cách chân thực với nét tinh quái khi biết dụ lực lượng đối phương rời xa mục tiêu mình cần tiếp cận, biết hạn chế và sử dụng súng một cách hiệu quả chứ không phải là cứ cậy "aura nhân vật chính" và xông vào giữa làn đạn, xả bừa cũng giết được người.

Các cảnh đấm đá của Jason Bourne cũng kế thừa sự chân thực này và chủ yếu thể hiện những đòn đánh hiểm hóc mà hiệu quả chứ không hề phô trương. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các đòn thế hiểm như đánh vào cổ, vào vết thương của đối thủ cùng hàng loạt đòn hạ sát đúng chất của các đặc công, sát thủ với mục tiêu là hạ gục đối phương một cách nhanh chóng nhất. Đó là những điểm làm nên nét chân thực mang thương hiệu của Jason Bourne.

Bên cạnh việc thể hiện những cảnh đánh đấm đẹp mắt thì các pha truy đuổi của phim cũng diễn ra liên tục với tốc độ cao khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn ảnh do sợ bỏ lỡ những thước phim tuyệt đẹp này. Cảnh rượt đuổi ở cuối phim được đánh giá khá cao nhờ mức độ hoành tráng cùng cảm xúc mà nó mang lại cho người xem. Đây có lẽ là đoạn gây ấn tượng mạnh nhất mà bạn không nên bỏ qua.

Về diễn xuất của các diễn viên thì phải dành sự ưu ái cho bộ đôi Matt Damon cùng Vincent Cassel khi hai nam diễn viên này đóng vai đối thủ của nhau quá xuất sắc. Matt Damon thì đã trở thành thương hiệu với vai diễn Jason Bourne rồi nên không còn gì để nói ngoài hai chữ tuyệt vời, anh vẫn là một Bourne trầm lặng nhưng vô cùng mạnh mẽ, khuôn mặt không vui không buồn thâm sâu khó đoán của Bourne ngày nào vẫn không hề mờ nhạt.

Vincent Cassel trong vai sát thủ Asset thì lại thể hiện được sự lạnh lùng, dứt khoát của một gã sát thủ kiên định, luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ của mình.

Alicia Vikander trong vai Heather Lee thì không gây được ấn tượng nhiều lắm bởi vẻ ngoài cùng diễn xuất của cô phù hợp với hình ảnh một nữ đặc vụ thiếu kinh nghiệm hơn là một con người mưu mô, nhiều tính toán như Heather Lee. Còn nam diễn viên kì cựu Tommy Lee Jones thì do không được xuất hiện nhiều cho lắm nên đất diễn của ông còn hơi ít.

Tóm lại, nếu bạn là một fan hâm mộ của thể loại phim hành động điệp viên, đã cảm thấy chán những cảnh hành động hào nhoáng đậm chất hư cấu kiểu James Bond hay Mission Impossible thì hãy đến với Jason Bourne để cảm nhận được sự chân thực, kịch tính của cuộc sống điệp viên thực sự.