Đánh giá phim Hoả ngục: Hành trình tự đi vào địa ngục của con người

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/10/2016 04:11 PM

“Hoả ngục” dẫn dắt khán giả đi vào một chuyến phiêu lưu với tầng tầng lớp lớp bí ẩn chồng chất bí ẩn. Dù dưới danh nghĩa của một thiên tài, một tên tội phạm, một đấng cứu thế hay một kẻ diệt chủng; luôn là chính bản thân con người tự đẩy mình vào địa ngục trần gian.

“Hoả ngục” dẫn dắt khán giả đi vào một chuyến phiêu lưu với tầng tầng lớp lớp bí ẩn chồng chất bí ẩn. Dù dưới danh nghĩa của một thiên tài, một tên tội phạm, một đấng cứu thế hay một kẻ diệt chủng; luôn là chính bản thân con người tự đẩy mình vào địa ngục trần gian. Bản thân nó là một bộ phim hay, nhưng có đem lại sự thoả mãn hay không còn tuỳ vào bạn là ai: một người yêu thích phim ảnh đơn thuần hay là fan của Dan Brown, tác giả của tiểu thuyết mà phim được chuyển thể.

“Hoả ngục”, tên tiếng anh là “Inferno”, là phần thứ 3 trong loạt phim về giáo sư Robert Langdon được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dan Brown. Tuy nhiên do mỗi phần là một câu chuyện độc lập, bạn cũng không nhất thiết phải xem 2 phần trước là “Thiên thần và Ác quỷ” (Angels and Demons) và “Mật mã Da vinci” (Da vinci Code).

Đứng ở góc độ phim hành động-phiêu lưu, mình đánh giá “Hoả ngục” là một bộ phim hay. Kịch bản của phim dù bị thay đổi kha khá so với nguyên tác, nhưng về cơ bản vẫn giữ được phần nào sự “thiên tài” mang đậm thương hiệu của Dan Brown. Phim đưa người xem vào một cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn với những bí ẩn chồng chất lên nhau, nhưng được sắp xếp hợp lý để gợi lên sự tò mò cho người xem mà không gây cảm giác choáng ngợp. Cái hay của phim là những chi tiết gợi ý được rải đầy từ lúc bắt đầu cho đến khi bí ẩn được giải đáp, nếu bạn là người tinh ý thì có thể dần dần tìm được lời giải đáp. Còn nếu bạn là một người thông thường xem phim để thưởng thức thì sẽ cảm thấy bất ngờ thú vị khi sự thật được phơi bày. Còn giả sử bạn thấy phim tuyến tính nội dung dễ đoán thì… ừa, bạn thật là tinh tế :”>

Trong các tác phẩm của mình, Dan Brown luôn thể hiện cái sự “thiên tài” bằng những triết lý “cao siêu”; những tình tiết tưởng chừng “phi lý” nhưng lại kết nối với nhau một cách “có lý”. " Hoả ngục " đặt ra nhiều câu hỏi cho chúng ta về sự tồn tại của con người. Ranh giới giữa một kẻ thiên tài và một tên tội phạm cũng mỏng manh như là giữa một đấng cứu thế và một kẻ diệt chủng. Ẩn sau những tình tiết của "Hoả ngục" là những triết lý sâu xa, nặng nề mà không phải ai trong chúng ta cũng dễ dàng thấu hiểu ngay cả khi từ tốn đọc truyện, chứ chưa nói đến chỉ có vỏn vẹn 2 giờ xem phim.

Âu chăng đó là lý do mà kịch bản của “Hoả ngục” được "điện ảnh hoá". Một số tình tiết được thay đổi để giúp nhịp phim trở nên nhanh hơn, đẩy mạnh hơn những phân cảnh hành động. Fan trung thành có thể không thích, nhưng thực tế thì nó giúp cho đoạn đầu phim mạch lạc, cuốn hút hơn truyện. Dù vậy không khó để thấy rằng nhằm tăng phần kịch tính và giản lược bớt những triết lý “hơi hại não” của Dan Brown, đoạn cuối phim đã bị viết lại hoàn toàn. Dẫu cũng tương đối ổn nhưng nó mất đi phần nào sự đặc sắc như trong truyện. Bù lại chúng ta có một cái kết mang đậm chất phim hành động và khán giả có thể ra về trong thanh thản với lượng chất xám vẫn được bảo toàn.

Điểm mình đánh giá cao nhất ở “Hoả ngục” đó chính là cách dẫn dắt câu chuyện rất hấp dẫn, lôi cuốn thậm chí là hơn cả nguyên tác. “Hoả ngục” mặc dù là một tiểu thuyết bán rất chạy với hơn 6 triệu bản đã đến tay độc giả, nhưng nó không phải là không có nhược điểm. Đặc biệt là đoạn đầu cách dẫn dắt không thật sự xuất sắc, bạn phải ráng đọc đến nửa sau mới cảm nhận hết cái hay của truyện. Ở phương diện này, phim xuất sắc hơn rất nhiều. Cái lôi cuốn trong cách dẫn của phim đến từ sự xen kẽ giữa những phân cảnh hành động và giải đố được bố trí rất hợp lý, giúp khán giả cân bằng giữa cảm giác “tăng động” và “hại não” khi xem.

Các nhân vật trong phim, đặc biệt là Seinna, được thể hiện tuyến tính hơn rất nhiều so với tiểu thuyết. Và hành động của họ cũng bị thay đổi cho phù hợp với hướng mô tả này. Tuy nhiên về cơ bản nó không được chặt chẽ, logic như trong truyện nên nếu tinh ý bạn có thể dễ dàng thấy rằng đôi lúc nhân vật sẽ có những hành động đi ngược lại với triết lý của chính mình, nhất là ở đoạn cuối. À, và đúng với phong cách phim Hollywood là một cuộc tình lãng xẹt được đưa vào với mục đích tăng chút sắc hồng cho phim.

Sự hấp dẫn của “Hoả ngục” cũng có đóng góp không nhỏ của bộ đôi nhân vật chính do nam tài tử Tom Hanks (Langdon Robert) và mỹ nhân Felicity Jones (Seinna Brooks) thủ vai. Tom Hanks vẫn là Tom Hanks với khả năng diễn xuất tuyệt vời, thể hiện được cái thần thái “giáo sư” của Langdon Robert: thông minh, tinh tế và đầy quyết đoán. Trong khi đó Felicity Jones dẫu rằng có đôi chỗ diễn xuất hơi “cứng” nhưng nhìn chung cũng khá tròn vai. Đặc biệt là gương mặt khả ái cùng thân hình bốc lửa luôn được các “thợ máy” tôn vinh bằng những góc quay đẹp mắt. Mối liên kết giữa “giáo sư” và “bác sĩ” cũng được xây dựng rất tinh tế qua lời đối thoại hài hước nhưng vẫn thể hiển được trình độ trí tuệ cũng không phải dạng vừa. Bên cạnh đó, các nhân vật phụ của phim cũng được đưa vào một cách hợp lý, có chủ đích. Điều này giúp bạn nhẹ nhõm tinh thần khi bước ra khỏi rạp, không phải tự hỏi rằng “nhân vật ABC thật ra có vai trò trong phim”.

Trailer Inferno

Điều giúp “Hoả ngục” hơn hẳn những bộ phim phiêu lưu-hành động “rẻ tiền” khác là bởi vì nó được sản xuất bởi Columbia Pictures, một trong lục đại studio của Hollywood, vốn nổi tiếng về độ chịu chi (ngay cả đối với những dự án mà khả năng thất bại cực cao). Mặc dù có rất nhiều trường hợp bị lạm dụng, “Hoả ngục” là một trong những phim sử dụng rất thành công hiệu ứng CG để thu hút khán giả. Đứng ở góc độ công bằng, việc Columbia Pictures đổ tiền vào để làm hiệu ứng “địa ngục” hoành tráng cho phim không ảnh hưởng gì nhiều đến kịch bản tổng thể của phim, thậm chí không có cũng chẳng ảnh hưởng hoà bình thiên hạ. Nhưng nó tạo được ấn tượng mạnh mẽ, đặc biệt là trong các đoạn trailer giúp “thu hút” khán giả đến xem phim. Điều quan trọng là bản thân phim rất ổn, chứ không chỉ câu khách bằng hiệu ứng “rẻ tiền”. Nhạc phim theo mình thấy thì không ấn tượng lắm, chỉ dừng ở mức nghe được. Hiệu ứng âm thanh thì khá hơn, nhưng ngoài trừ những phân đoạn mô tả hoả ngục với CG hoành tráng thì phần còn lại cũng không có gì đặc biệt so với hằng hà sa số phim hành động phiêu lưu khác.

Tóm lại nếu như thích phim hành động phiêu lưu, “Hoả ngục” là một bộ phim hay đáng để bạn dành thời gian ra rạp để thưởng thức. Tuy nhiên trong trường hợp bạn là một fan của Dan Brown, đây chưa chắc là một bộ phim có thể làm hài lòng bạn (vì bạn khó tính thôi chứ không phải vì phim không hay).

(Theo Tinhte)