- Theo Trí Thức Trẻ | 18/06/2016 11:00 AM
Vào năm 2003, bộ phim hoạt hình Finding Nemo đã tạo nên một cơn sốt thực sự trong làng điện ảnh thế giới, mang về doanh thu lên tới 936 triệu USD cho Pixar trong khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 96 triệu USD. Không những thế, phim còn đạt danh hiệu tựa phim hoạt hình có bản DVD bán chạy nhất trong lịch sử với 40 triệu bản DVD được bán ra trên toàn thế giới. Tuy thành công là vậy nhưng phải tới 13 năm sau, khán giả và người hâm mộ mới được tiếp tục tham gia vào thế giới vui nhộn dưới lòng đại dương bằng phần tiếp theo mang tên Finding Dory.
Trong phần mới này, nhân vật chính sẽ không phải là bố con nhà Nemo nữa mà lại chính là cô nàng cá Dory với căn bệnh trí nhớ ngắn hạn của mình từng mang đến rất nhiều tình huống dở khóc dở cười cho khán giả trong phần 1. Xuất hiện ở phần 2, Dory của chúng ta đã bất ngờ nhớ lại đôi chút về quãng thời thơ ấu, về bố mẹ của mình và cô nàng này quyết tâm phải đi tìm lại quê hương, tìm lại gia đình của chính mình.
Thế nhưng, cuộc hành trình tưởng chừng như đơn giản này lại trở nên vô cùng khó khăn bởi Dory của chúng ta vốn mắc bệnh đáng trí nên bố con nhà Nemo đã phải đi theo tháp tùng để tránh cho cô nàng này khỏi bị lạc đường. Cẩn thận là vậy nhưng những biến cố vẫn cứ liên tục xảy ra khiến các nhân vật chính lâm vào các tình huống bi hài cực kì "khó đỡ".
Điểm cộng đầu tiên phần phim này đó là cốt truyện gần như độc lập hoàn toàn so với phần phim đầu tiên Finding Nemo. Tuy rằng phim cũng có đôi chút liên quan và nhắc lại phần 1 nhưng các cảnh này không nhiều và những khán giả nào chưa từng xem phần 1 cũng vẫn có thể thoải mái trải nghiệm phim một cách trọn vẹn, nhất là khi phần 1 đã được chiếu từ cách đây 13 năm, một quãng thời gian quá dài để người ta có thể nhớ và liên hệ nó với phần này.
Cốt truyện của phim khá đơn giản nhưng vẫn đủ sức lôi cuốn người xem, khơi gợi được sự tò mò của khán giả khi các chi tiết về quá khứ của cô nàng Dory cứ liên tục được hé lộ trong suốt cuộc hành trình, cho bạn cảm giác như đang chơi một trò chơi xếp hình đầy bí ẩn và lôi cuốn.
Đan xen với những khoảnh khắc về trí nhớ của Dory là các tình tiết hài hước được cài cắm liên tục trong phim khiến người xem phải bật cười trước những hình tượng nhân hóa ngộ nghĩnh của các loài sinh vật biển cùng những hành động vô cùng dễ thương của chúng.
Trong phần phim này thì có lẽ nhân vật nổi bật và được yêu quý nhất không phải là cô nàng Dory của chúng ta mà chính là anh chàng bạch tuộc Hank. Với tính cách của một anh chàng láu cá, tinh ranh nhưng ẩn sâu bên trong vẫn là một anh chàng tốt bụng, Hank thực sự sẽ khiến bạn phải bật cười trước những hành động khác người nhưng lại được nhân hóa vô cùng hài hước của mình. Bật mí thêm đôi chút là khi xem xong hãy nán lại rạp đôi chút để thưởng thức thêm các đoạn phim riêng về anh chàng này nhé.
Khác với các phim hoạt hình khác với phần âm thanh thiên về các bản nhạc vui nhộn thì Finding Dory lại tập trung vào khía cạnh lồng tiếng cho các nhân vật, các bản nhạc phim cũng có xuất hiện nhưng tần xuất không cao. Bù lại thì những đoạn lồng tiếng của các nhân vật trong phim rất nhộn và ngộ nghĩnh, thể hiện được tính cách cũng như sự hài hước của từng nhân vật, dễ dàng để lại ấn tượng cho người xem.
Nhìn chung thì nếu bạn đã cảm thấy chán những bom tấn kĩ xảo hành động đầu mùa hè 2016 thì Finding Dory thực sự sẽ mang đến cảm giác tươi mới, vui vẻ cho bạn cùng người thân. Lưu ý đôi chút là sự hài hước của phim đến phần nhiều từ lời thoại của nhân vật nên nếu có trẻ em đi cùng thì bạn nên chọn loại phim lồng tiếng để chúng hiểu hơn về phim cũng như các tình tiết gây cười trong đó.