- Theo Trí Thức Trẻ | 20/04/2016 11:35 AM
Thị trường Việt Nam vốn đã quá quen thuộc với những loại bàn phím cơ sử dụng switch Cherry hay các clone của sản phẩm này. Từ các hãng lớn tới hãng nhỏ, hàng xách tay, đủ mọi thương hiệu gần như đều áp dụng bởi chất lượng tốt, lại đồng bộ từ keycap tới LED, bo mạch...
Thế nhưng, đối với nhiều game thủ thích sự khác biệt mới mẻ thì rõ ràng những sản phẩm phổ thông đã quá quen thuộc trên sẽ không còn đem lại nhiều sự hứng thú. Hôm nay, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc phần đánh giá của một chiếc bàn phím cơ tương đối 'lạ miệng' với gamer Việt Nam, đó là chiếc Logitech G310.
Đầu tiên, về mặt thiết kế bên ngoài thì Logitech G310 đã rất hầm hố và lạ mắt rồi, chiếc bàn phím cơ này có layout Tenkeyless cùng một phần quai xách, kết hợp với trọng lượng siêu nhẹ chỉ khoảng 7 lạng, hướng đến tính di động cho game thủ.
Tuy vậy, chiếc bàn phím cơ này lại hoàn toàn không 'gọn gàng' chút nào khi có thiết kế dàn trải, layout phím rộng rãi và thậm chí còn có một phần chiếu nghỉ tay nhỏ, chống mỏi cho tay trái. Điều này khiến cho game thủ phải sắm một chiếc túi to hơn đôi chút nếu muốn mang sản phẩm đi khắp mọi nơi.
Vỏ trên của phím được làm bằng nhựa nhám, phần kê tay bên trái lớn, đủ nâng đỡ cổ tay trái cho game thủ khi sử dụng dãy phím WASD và phím number thông dụng. Phần kê tay này có bề mặt sần bám tay rất tốt. Layout của phím có dạng ANSI tenkeyless chuẩn, dãy phím Multimedia được tích hợp trên dãy phím F và kiều khiển thông qua phím Fn. Nút khóa phím Windows và nút chỉnh LED được tách riêng.
Keycap của Logitech G310 với 3 cạnh cao lên, tạo cảm giác ôm lấy đầu ngón tay khi gõ, giúp người dùng gõ đúng trọng tâm phím hơn, ngoài ra keycap phím được build khá, mặt trên phủ coating giống như đa số các phím cơ có LED khác. LED trắng xuyên qua keycaps xanh Blue cho màu LED rất dịu và đẹp.
Một điểm cần lưu ý là loại keycap này hết sức... độc và gần như game thủ sẽ không thể nào kiếm được một bộ có kết cấu tương tự để gắn thay vào!
Tiến vào bên trong một chút, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về switch của Logitech G310, cũng lại là một thứ khác lạ nữa so với các dòng sản phẩm của Cherry đang ngập tràn trên thị trường. Đó là loại Romer-G đặc biệt do Logitech và tập đoàn sản xuất công tắc của Nhật là Omron cùng nghiên cứu. Loại switch này có tốc độ phản hồi tín hiệu nhanh, thiết kế led ở giữa thông minh, toả ánh sáng rất tốt, đẹp và đều.
Tiếp đến chính là phần trải nghiệm sản phẩm. Logitech G310 đem đến cảm giác gõ phím tương đối lạ tay, nhất là đối với những người đang quen sử dụng các loại switch của Cherry bởi hành trình phím tương đối ngắn chỉ 3mm, khi ấn xuống có cảm giác hơi 'kẹt' một chút rồi qua nấc đó mới trơn, tương tự như brown switch của Cherry vậy.
Khi sử dụng để typing (soạn thảo văn bản, sử dụng cho các công việc văn phòng), bạn sẽ cảm thấy tương đối khó chịu bởi hành trình phím tương đối ngắn, kết hợp với loại keycap tuy êm nhưng các đường vát chéo ôm ngón tay quá mức khiến cho tốc độ gõ bị giảm, chuyển qua lại giữa các nút bấm không được mượt và nhanh như phím trơn hơi võng bình thường.
Rõ ràng là chiếc bàn phím cơ Logitech G310 này không được thiết kế để dành cho dân văn phòng ngồi gõ cả trang giấy dài lê thê mà dành cho các game thủ, nên trải nghiệm typing sẽ không được trú trọng nhiều.
Để đánh giá toàn cảnh hơn về Logitech G310 thì cần phải thử nghiệm chiếc bàn phím này khi chơi game, và tôi đã chơi thử một vài game hot hiện nay như DOTA 2 và CS:GO.
Khi được sử dụng đúng mục đích thì sản phẩm đem lại một cảm nhận hoàn toàn khác. Hành trình phím ngắn giúp cho cảm giác sử dụng skill trong DOTA 2 hay di chuyển trong CS:GO tương đối nhanh hơn, dễ hơn một chút.
Thiết kế keycap ôm trọn ngón tay giúp cho việc chỉ phải ấn các nút QWERAH trong DOTA 2 tương đối dễ dàng, tương tự với cụm WASD của CS:GO. Phần chiếu nghỉ nhỏ đủ để giúp game thủ có thể để yên tay trái trong một thời gian khá lâu mà không bị mỏi, khá là hữu ích.
Nhìn chung, Logitech G310 là một chiếc bàn phím vô cùng lạ miệng, đáng thử qua đối với những game thủ đang muốn tìm cho mình một thứ gì đó mới mẻ lạ lẫm, tách biệt với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lường trước một số bất cập như keycap không thể thay được và gần như đi đâu cũng phải mang theo vì rất khó để làm quen lại với những loại bàn phím khác.
Xin cảm ơn Logitech Việt Nam đã hỗ trợ sản phẩm để thực hiện bài viết!
Một số hình ảnh khác: