- Theo Trí Thức Trẻ | 10/03/2017 03:36 PM
Được quảng cáo rầm rộ là tựa phim bom tấn Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam, Kong: Skull Island hiện đang là cái tên thu hút được rất nhiều sự chú ý của người yêu điện ảnh trên cả nước. Ai cũng háo hức muốn chờ đón xem phim sẽ đưa những cảnh quay nào của Việt Nam vào trong cốt truyện hay mối liên hệ giữa phim với đất nước, con người tại Việt Nam như thế nào? Và theo cảm nhận của người viết thì về phần hình ảnh phim chắc chắn sẽ thỏa mãn được đại đa số khán giả nhưng còn nội dung của phim cùng diễn xuất của các nhân vật thì khó có thể khiến bạn hài lòng.
Cốt truyện của Kong: Skull Island tương đối đơn giản và được coi là bước đệm để tạo ra vũ trụ điện ảnh toàn quái vật khổng lồ cho hãng Legendary. Nội dung phim xoay quanh một đoàn thám hiểm được chính phủ Mỹ tài trợ cho phép tới khám phá một hòn đảo kì bí, nơi được chụp ảnh từ vệ tinh nhưng lại chưa hề được khám phá bởi xung quanh hòn đảo bị bao quanh bởi một đám mưa giông vĩnh cửu.
Khi tới đây, đoàn thám hiểm đã bất ngờ khi phát hiện ra sự tồn tại của một giống loài cổ xưa mang dáng vóc khổng lồ, chính là Kong, vị chúa đảo của Skull Island. Không những vậy, đoàn thám hiểm còn phát hiện ra cả sự tồn tại của loại Thằn Lằn Xương mang kích thước to lớn không khác gì Kong, vốn là thứ sinh vật hiếu chiến nhưng luôn bị Kong kiềm hãm để không thể gây hại cho toàn bộ hòn đảo này.
Như đã nói ở trên thì cốt truyện của phim vô cùng đơn giản, mang sự khác biệt hẳn so với phiên bản King Kong năm 2005 trước đây. Và phim tập trung vào việc giới thiệu tới khán giả một khía cạnh viễn tưởng hơn, tập trung hơn vào sự tồn tại của Kong, một sinh vật khổng lồ, kẻ thống trị đích thực trên Trái Đất chứ không phải nhân loại chúng ta. Do đó nếu ai mong muốn được xem lại những cảnh phim về mối quan hệ tình cảm giữa con người (thưc ra là một em gái xinh) với Kong thì chắc sẽ thất vọng vì nó không xuất hiện trong phim đâu nhé.
Điểm mạnh của Kong: Skull Island chính là phần hỉnh ảnh được xử lý khá tốt. Những khung cảnh hùng vĩ được quay tại chính quê hương Việt Nam chắc chắn sẽ khiến bất kì khán giả trong nước nào cũng phải thốt lên vui sướng. Bên cạnh đó, những cảnh đánh đấm giữa Kong cùng đối thủ của mình là đám Thằn Lằn Xương cũng vô cùng mãn nhãn và hoành tráng.
Mỗi cử động của Kong đều mang sức mạnh, đều truyền đến cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Kết hợp cùng với âm thanh sôi động và những khoảng lặng trong những thước phim về đại cảnh núi rừng cũng đã giúp làm nổi bật nên sự vĩ đại của Kong.
Tuy nhiên, dù ngợi khen về hình ảnh hùng vĩ, hoành tráng thì cũng phải nói lại là phim có một số cảnh quay mà phần hậu cảnh được ghép vào tương đối thô, mang đến cảm giác giả và người xem rất dễ phát hiện được đây là cảnh ghép.
Không những thế, nhược điểm chí mạng của phim nằm ở sự lộn xộn trong kịch bản, xây dựng nhân vật mờ nhạt cũng khiến cho khán giả khó có thể hiểu được dụng ý của người làm phim khi đưa hàng loạt nhân vật vào trong phim.
Cả đoàn thám hiểm của chúng ta trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ của phim chẳng để lại được chút ấn tượng nào cho người xem và thậm chí còn không thể hiện được vai trò của mình trong đoàn thám hiểm. Nữ diễn viên Brie Larson trong vai nữ phóng viên Mason Weaver thì chẳng thể hiện chút kĩ năng gì của một cô phóng viên ngoài việc giơ máy lên chụp hết thổ dân cho tới Kong. Cách nói chuyện của cô với anh chàng hoa tiêu James Conrad do Tom Hiddleston thủ vai cũng có chút gì là của một nữ phóng viên phản chiến thực thụ cả.
Nhắc đến Tom Hiddleston thì anh cũng chẳng có nhiều đất diễn. Khi xem phim thì khán giả sẽ chỉ thấy được vẻ lãng tử, phong thái chậm rãi rất quý tộc của anh chứ chẳng thấy được chút hoang dã, kinh nghiệm nào của một chiến binh, một hoa tiêu thực thụ cả. Ngay như cô nàng xinh đẹp Cảnh Điềm đưa vào phim cũng chỉ để câu khán giả đại lục chứ cô nàng này chẳng đóng góp được gì nhiều ngoài vài cảnh xuất hiện 1-2 giây làm mặt dễ thương hay thể hiện sự sợ hãi (trông khá giả) rồi thốt lên một vài câu tiếng Anh lơ lớ.
Điểm sáng duy nhất có lẽ chỉ có nam diễn viên Samuel L. Jackson trong vai cựu binh Preston Packard là ổn nhất. Diễn xuất kinh nghiệm cùng vẻ ngoài nghiêm nghị, tác phong đậm chất lính của Samuel L. Jackson vẫn được đánh giá cao và là người mang lại sắc màu tuyệt vời nhất cho phim.
Một nhược điểm khác của Kong: Skull Island chính là phần thoại tương đối lê thê và không tập trung. Đôi khi những lời thoại này thậm chí còn chẳng có chút ý nghĩa gì và khiến bạn phải giật mình vì không hiểu đạo diễn đưa nó vào phim với mục đích gì. Đơn cử như cảnh những anh lính đang định... làm điều xấu (điều gì thì bạn xem phim để biết thêm nhé), cô phóng viên Mason Weaver cùng anh chàng hoa tiêu James Conrad bỗng xuất hiện, cô phóng viên thốt ra chỉ 1 câu mà nói thật là nó chẳng có chút ý nghĩa gì trong hoàn cảnh đó cả.
Và thế là sau một hồi gãi đầu gãi tai cố gắng hiểu được câu nói "thông não" của cô phóng viên xinh đẹp, các anh lính không biết có hiểu gì không nhưng cũng trở giáo quay về với lẽ phải như thật, mặc cho bao khán giả vẫn còn đang thắc mắc là cô nàng vừa thốt lên câu gì vô nghĩa như thế không biết?
Nhìn chung thì Kong: Skull Island mang đến cho người xem những trải nghiệm về hình ảnh tương đối tốt, những cảnh núi non hùng vĩ, cảnh chiến đấu hoành tráng giữa Kong và quái vật tuyệt vời nhưng bù lại thì dàn nhân vật trong phim tương đối mờ nhạt và chẳng để lại được chút ấn tượng gì cho người xem. Nhắc thêm bạn một chút là phim cũng có After Credit, tiết lộ về một thế giới chung của các quái vật khổng lồ trên màn ảnh. Thế nên dù xem phim xong có cảm thấy thế nào thì cũng nán lại xem thêm After Credit cho hết nhé!