- Theo Trí Thức Trẻ | 27/05/2016 06:12 AM
Ở thời đại công nghệ hiện nay, khi thiết kế bo mạch chủ chuẩn với size ATX đã quá cũ kỹ khi đã được Intel giới thiệu cách đây 21 năm, thì những chuẩn thiết kế mới như BTX được giới thiệu vào năm 2004 lại chưa thật sự tạo được ấn tượng với người sử dụng cũng như các nhà phát triển phần cứng, và rồi thiết kế BTX bị loại bỏ và các nhà sản xuất vẫn tiếp tục tin dùng chuẩn ATX cho những chiếc máy tính thế hệ mới nhất bây giờ.
Nhưng rồi với thiết kế chuẩn ATX quá khó để có thể sáng tạo ra một chiếc case máy tính nhìn bắt mắt và độc đáo hơn thì các nhà phát triển đã dần dần tìm đến những size bé hơn như Micro-ATX hay Mini-ITX mà vẫn cố gắng giữ lại đầy đủ tất cả những cổng cắm xuất hiện y hệt trên size chuẩn ATX.
Và người đầu tiên tạo ra một thiết kế mới mẻ hoàn toàn trên thị trường máy tính đó chính là Apple với chiếc “thùng rác” Mac Pro vào năm 2013. Điểm trừ duy nhất của Mac Pro có lẽ là việc không thể thay thế các linh kiện bên trong, nhưng dù sau với thiết kế module mới – việc liên kết bo mạch chủ với các phần cứng trong chiếc máy tính thông qua các hình thức khác nhau chứ không phải cắm trực tiếp, ít nhiều đã tạo được dấu ấn thiết kế đầu tiên của những chiếc case độc đáo hơn sau này.
Phiên bản Vortex mà MSI Việt Nam cho chúng tôi mượn để viết bài đánh giá chi tiết này là phiên bản có cấu hình mạnh nhất với tên mã G65 6QF.
Cấu hình của MSI Vortex 6QF:
CPU: Core i7-6700K
Chipset: Z170
RAM: 4x8GB DDR4-2133
Card đồ họa: Hai card nVIDIA GeForce GTX980 chạy kênh đôi SLI
Ổ cứng: 1TB 2.5" HDD + Super Raid 4 256GB
LAN: 2 x Killer E2400 Gigabit Ethernet and Killer Shield
Wireless LAN: Killer Wireless-AC 1535 (MU-MIMO support)
Bluetooth: Bluetooth v4.1
HDMI: 2(v1.4)
USB 3.0: 4 x USB 3.0 Type-A
USB 3.1: 2 x USB 3.1 Type-C
Thunderbolt 3: USB3.1 Type-C interface, 4K output, 3A output charging
Mini-Display Port: 2 (v1.2)
Mic-in/Headphone-out: 1/1 plus SPDIF Out x1
Ưu điểm
- Thiết kế cực đẹp, nhỏ gọn, nhẹ nhàng, dung tích chỉ 6 lít
- Tiện lợi trong vận chuyển chẳng kém gì laptop
- Phần cứng mạnh, chơi game độ phân giải 1080p không thành vấn đề
- Hệ thống đèn LED ấn tượng, tùy chỉnh đơn giản
- Tản nhiệt chạy ổn định, êm ái
- Rất nhiều phần mềm tiện ích cho game thủ được cài đặt sẵn
Nhược điểm
- Chơi game ở độ phân giải 4K bị "hụt hơi"
- Giá thành còn cao
Thiết kế
MSI Vortex, một case máy tính với thiết kế khác hoàn toàn so với những chiếc case PC khác xuất hiện trên thị trường, hay chúng ta có thể gọi đơn giản hơn là phiên bản Gaming của chiếc Mac Pro mà chúng tôi có nói ở trên. Cùng thiết kế hình trụ tròn, và có rất nhiều điểm chung ở thiết kế bên ngoài nhưng so với chiếc Mac Pro ở năm 2013 thì MSI Vortex tập trung vào sức mạnh cũng như hiệu năng chơi game cao hơn rất nhiều lần.
Mổ bụng
Ở bên trong MSI Vortex thì sao? Có lẽ sẽ là một đống những linh kiện cao cấp mà MSI đã cố gắng gắn chúng lại với nhau trong một chiếc case khá là chật hẹp này và đương nhiên mọi thứ đều được MSI thiết kế lại để phù hợp với những khoảng không gian bên trong chiếc “thùng rác” đầy sức mạnh này.
Hai chiếc GTX 980Ti được gắn hai bên ngay khi bạn vừa tháo mặt nạ của chiếc case này ra và việc tản nhiệt của chúng cũng khác hẳn so với những chiếc card đồ họa thông thường khi MSI sử dụng một chiếc quạt cỡ lớn gắn ở phía trên nóc để hút toàn bộ khí nóng bên trong chiếc case MSI Vortex này ra ngoài.
Và nếu như chỉ chạy những tác vụ nhẹ nhàng thì gần như bạn sẽ không nghe thấy bất kỳ một âm thanh nào phát ra từ Vortex, và một điểm cộng đó chính là dù có chơi game nặng đến mấy thì những chiếc quạt tản nhiệt của MSI Vortex cũng không tạo ra tiếng ồn quá lớn và gây khó chịu cho người sử dụng.
Phải thừa nhận rằng, chúng tôi rất thích cách mà MSI tạo ra chiếc case MSI Vortex này: Họ chọn ra những linh kiện cao cấp nhất và thay đổi chúng hợp lý nhất để có thể và nhét vào bên trong một chiếc case nhỏ gọn hơn rất nhiều so với kiểu case PC truyền thống mà bạn từng biết đến.
Cho dù bạn có không thích vẻ bề ngoài của chiếc MSI Vortex này thì bạn cũng sẽ phải khẳng định một điều rằng, “nội thất” của MSI Vortex đã được MSI làm quá ấn tượng. Và MSI cũng khẳng định Vortex sẽ là một bước đột phá lớn so với những chiếc case truyền thống của ngày xưa. Nhưng thật ra thì, nó mới chỉ làm được một phần mà thôi chứ chưa thể thật sự tạo ra một bước ngoặt lớn, dù rằng “phần” này cũng rất ấn tượng rồi
Phần mềm
Và nếu như MSI Vortex chỉ dừng lại ở phần cứng thì có lẽ sẽ không quá đặc sắc so với những chiếc PC truyền thống, hệ thống phần mềm mà MSI tích hợp cho MSI Vortex cũng khá bá đạo với những phần mềm như liên quan đến âm thanh thì có Nahimic: Military X Gaming với điều chỉnh âm thanh 3D giúp cho các game thủ phán đoán tốt hơn. Nhưng hệ thống âm thanh vẫn chưa là gì so với hệ thống mạng Killer Network cùng với trung tâm điều khiển mang cái tên rất kêu: Dragon Center.
Các dòng bo mạch chủ Gaming của MSI hiện nay đều được tích hợp hệ thống mạng Killer Network với các tính năng như chọn đường truyền ưu tiên cho game, giảm lag cũng như ổn định đường truyền trong khi chơi. Thì với MSI Vortex, hãng sản xuất sử dụng một hệ thống Killer với cái tên Killer DoubleShot-X3 Pro trong đó có hai cổng Killer LAN và hệ thống Wi-Fi Killer AC 1535, hoàn toàn là những linh kiện mới nhất đến từ phía hãng sản xuất Killer Network.
Với ba đường truyền cùng được sử dụng, MSI đảm bảo rằng sẽ có riêng một đường truyền dành cho Game và hai đường truyền còn lại sẽ chia đều ra các ứng dụng phải sử dụng đến Internet, đảm bảo chất lượng cũng như sự ổn định khi đang “quẩy” trong thế giới ảo của các game thủ. Và một thứ khá mới mẻ được MSI đưa vào bên trong MSI Vortex và cũng của hệ thống mạng Killer với cái tên là Killer Shield K9000, đảm bảo giảm giật lag xuống mức tối thiểu và cũng đây là lần đầu tiên Killer Shield được xuất hiện trên thị trường.
Dragon Center, cái tên dành cho trung tâm điều khiển mới xuất hiện trên MSI Vortex với các chức năng như mở nhanh ứng dụng, kiểm tra hệ thống, điều chỉnh LED, … Và hệ thống LED của MSI Vortex cũng khá đầy đủ và lung linh khi có rất nhiều các chế độ như Breathing, Rainbow, Flashing, … và đảm bảo một chiếc “thùng rác lung linh là lên luôn” trong căn phòng của bạn.
So với những chiếc PC truyền thống, việc sở hữu LED đòi hỏi bạn phải “chế cháo” chứ không “mỳ ăn liền” giống như với MSI Vortex, ngoài ra với chiếc “thùng rác” này thì bạn còn có thể điều chỉnh LED tùy theo phần mềm mà bạn đang chạy, ví dụ như CS:GO thì LED đỏ, Dota 2 thì LED cam, …. Tất cả đều xuất hiện ở bên trong trung tâm điều khiển Dragon Center của MSI.
Hiệu năng
Đầu tiên phải nói đến mức giá mà MSI Vortex so với một chiếc case PC truyền thống với cấu hình cao ngang ngửa MSI Vortex. Thay vì bỏ ra một số tiền lên đến gần trăm triệu thì với một số tiền chỉ hơn một nửa chỗ đó một tẹo bạn đã có thể sắm cho mình một chiếc case có sức mạnh ngang ngửa với MSI Vortex rồi.
Thêm vào đó, chiếc card đồ họa GTX 980 được Nvidia cung cấp thông tin sử dụng đến 165W và nhà sản xuất cũng đề nghị người dùng sử dụng những bộ nguồn có mức công suất thực từ 500W đổ lên, vậy mà hai chiếc card đồ họa GTX 980 cắm trong MSI Vortex lại chỉ sử dụng nguồn 450W, và theo một suy luận logic khá đơn giản thì hai chiếc card đồ họa GTX 980 sẽ có sức mạnh yếu hơn so với bản chuẩn trên máy tính để bàn ở các case truyền thống.
Bù lại, việc sở hữu 8GB RAM trên mỗi chiếc card đồ họa GTX 980 bên trong MSI Vortex cũng sẽ phần nào hỗ trợ sức mạnh cho chiếc case MSI Vortex này.
Một điểm nữa đó chính là hiệu năng của hai chiếc card đồ họa GTX 980 này chúng tôi dự đoán sẽ bung sức mạnh ở cổng cắm PCIe Gen3 x8 trên mỗi chiếc card nhưng thực tế thì lại khác. Theo như GPU-Z và cả Control Panel của Nvidia thì hai chiếc card đồ hoạ này lại chỉ chạy ở kênh PCIe Gen2 x8 1.1 và bạn có thể hiểu đơn giản đó chính là Gen2 x8 1.1 chỉ bằng Gen3 x2 mà thôi.
Chi tiết hiệu năng MSI Vortex:
Ý tưởng ấn tượng đến từ MSI
Nói đi vẫn phải nói lại, chúng tôi vẫn cực kỳ thích những gì mà MSI đã làm được với Vortex. Nhỏ gọn, chất lượng cao và có một phần “nội thất” cực kỳ ấn tượng đến từ nhà sản xuất MSI. Và chỉ khi được sờ tận tay thì bạn mới có thể hiểu được MSI đã cố gắng như thế nào để tạo ra một sản phẩm như MSI Vortex. Thêm vào đó, sự xuất hiện của những cổng cắm thế hệ mới nhất như USB-C hay Thunderbolt còn giúp cho MSI Vortex có thể cắm tới tận 6 chiếc màn hình cùng lúc, MSI có vẻ rất muốn tối ưu hóa hiệu năng của chiếc “thùng rác” này thì phải.
Nhưng cũng như những gì chúng tôi đã nói ở trên, MSI đã không thể tận dụng hết hiệu năng của hai chiếc card đồ họa cao cấp gắn bên trong MSI Vortex. Và cũng theo như MSI thì hai chiếc card đồ họa này sử dụng module giống với module card đồ họa trên những chiếc laptop, và nếu như bạn có ý định nâng cấp thì chúng tôi cũng khuyên là đừng nên vì những chiếc card module này có giá còn đắt hơn cả những chiếc card đồ họa gắn trên máy tính để bàn đấy nhé.
Tổng kết
Mức giá niêm yết của sản phẩm này rơi vào khoảng 89 đến 90 triệu Đồng, một mức giá khá cao để bỏ ra mua một chiếc máy tính All-in-One như MSI Vortex khi mà chỉ với 2/3 số tiền bỏ ra thì bạn cũng có thể tậu cho mình một chiếc PC truyền thống với sức mạnh ngang ngửa, nhưng đương nhiên là không thể nào nhỏ gọn hơn chiếc MSI Vortex này được vì như chúng tôi đã nói ở trên, MSI đã làm quá tốt trong khâu thiết kế sản phẩm này rồi.
Có lẽ trong thời gian tới, khi mà MSI ra những bản cập nhật mới và tối ưu được hiệu năng của hai chiếc card đồ họa bên trong MSI Vortex thì có lẽ việc bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu cỗ máy này sẽ hợp lý hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.
Xin chân thành cám ơn MSI Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi về mặt sản phẩm để hoàn thành bài viết này.
Những game thủ quan tâm có thể tham khảo sản phẩm tại đây: http://www.anphatpc.com.vn/msi-vortex-g65-6qf-059xvn_id20134.html