Rốt cuộc cũng đã tròn 6 năm kể từ ngày Mafia II ra mắt. Nói một cách công bằng, cộng đồng game thủ tuy chẳng yêu thích gì tựa game có thế giới "mở mà không mở" này nhưng lại thực sự bị ấn tượng bởi cốt truyện có chiều sâu với cuộc chiến giữa các băng đảng Mafia Ý tại thành phố New York, cùng lúc lại ẩn chưa đầy những âm mưu, thủ đoạn của chính những kẻ mang danh cùng một gia đình nhưng luôn có toan tính riêng để trục lợi.
Mafia 3 lại nằm ở một thái cực khác. Nếu như Vito Scaletta của Mafia II bị cuốn vào cuộc chạy đua cơm áo gạo tiền với ước vọng làm giàu nhanh chóng kể từ lúc trở về sau cuộc chiến tranh, thì Lincoln Clay lại bị ám ảnh trả thù cho gia đình, người thân, anh em, bạn bè chiếm lấy tâm trí. Nhưng không như Mafia II, nơi bạn chỉ có thể trở thành một "made man", một thành viên chính thức của gia đình Falcone, thì ở Mafia 3, Lincoln Clay, với khao khát trả thù và sự tàn nhẫn, chính xác được trui rèn trong chiến tranh sẽ biến hắn ta trở thành một ông trùm thật sự của thành phố New Orleans.
Bản thân tôi cực kỳ mong chờ Mafia 3. Cốt truyện của phẩn 2 gần như quá hoàn hảo, có lẽ chỉ xếp sau kiệt tác của nhà văn Mario Puzo, vì thế chẳng có lý do gì mà không chờ đợi vào phép màu của Hangar 13 tạo ra với Mafia 3 cả. Thế nhưng trước khi được tận tay trải nghiệm, hàng loạt những đánh giá tiêu cực về tựa game đã khiến tôi chùn tay, và chìm vào thế giới ảo của Mafia 3 một cách hết sức cẩn trọng, không để kỳ vọng biến thành thất vọng.
Và nói một cách ngắn gọn, thì trong khi biến Mafia trở thành một tựa game thế giới mở đúng nghĩa đen, Hangar 13 vẫn làm rất tốt việc nhào nặn một câu chuyện đầy kịch tính, với những nút thắt và diễn biến tâm lý nhân vật ở mức xuất sắc. Nhưng đó, tiếc thay, lại là tất cả những gì mà game có thể làm được.
Tựa game bắt đầu với cảnh Lincoln Clay trở về sau thời gian nhập ngũ. Chào đón anh là cậu em Ellis và ông bố nuôi Sammy, vốn là ông trùm của băng đảng gốc Phi tại New Orleans. Sau khi hạ gục băng nhóm người Haiti, và giúp đỡ Sal Marcano trong một phi vụ lớn, bất ngờ gã mafia người Ý trở mặt, giết hại những người thân thiết nhất của Clay. Tỉnh dậy với vết sẹo dài trên đầu, hắn quyết định không chỉ hạ gục Sal Marcano để trả thù, mà còn gián tiếp tự biến mình trở thành ông trùm của cả thành phố New Orleans.
Và để làm được điều này, hắn nhờ tới sự trợ giúp của Cassandra, người phụ nữ trở thành bà trùm mafia Haiti sau cái chết của Baka, ông trùm cũ, phũ phàng thay lại chết dưới chính bàn tay của Lincoln. Kẻ thứ hai không ai khác hơn chính là Vito Scaletta, một kẻ bị đầy đọa sau cái kết thúc đầy kịch tính của Mafia II, và cuối cùng là Thomas Burke, ông trùm chìm vào rượu chè sau cái chết của con trai, vốn cũng là "tác phẩm" của việc Marcano phản bội để tiến thân.
Đến đây, diễn biến của game chẳng khác gì Assassin's Creed Syndicate, nếu không muốn nói là y hệt. Bạn sẽ phải đi phá những nơi Mafia Ý làm ăn, mục đích là để lùa những kẻ làm việc dưới quyền Sal Marcano ra và sát hại, từ đó chiếm lại địa bàn cho chính mình. Bạn có thể giữ lại địa bạn cho riêng mình quản lý, hoặc giao cho một trong ba "underboss" dưới quyền của mình. Dĩ nhiên cái gì cũng sẽ đem lại tác động riêng. Nếu giữ riêng cho bản thân bạn sẽ có nhiều tiền hơn nhưng đồng nghĩa với việc Cassandra, Thomas và Vito sẽ làm phản để đòi quyền lợi.
Thế giới rộng lớn của New Orleans cũng cho phép bạn làm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau chứ không riêng gì nhiệm vụ chính tuyến. Có thể bạn sẽ được nhờ vả một số việc "lặt vặt" để làm tăng sự tin tưởng với những ông bà trùm dưới trướng, nhưng hầu hết, chúng không đem lại nhiều ấn tượng và đủ sức hút. Bản thân gameplay với báo thù của Lincoln Clay cũng không gắn kết. Người chơi không có cảm giác thỏa mãn sau một nhiệm vụ mà thay vào đó chỉ chơi để cho qua màn, tiếp tục với cốt truyện chính mà thôi. Đối với những người quan tâm tới gameplay, đây là điểm trừ rất lớn.
Thế nhưng chính phần này là mắt xích yếu nhất của Mafia 3. Nó không đủ ấn tượng và lôi cuốn để giữ chân những game thủ đã quen với GTA V hay nhiều game thế giới mở khác. Cách chơi có phần nhàm chán, lặp đi lặp lại cộng với những hình ảnh nhợt nhạt, thiếu sức sống đã khiến nhiều người quay lưng lại với tựa game, bỏ qua giá trị cốt truyện, thứ vốn được chăm chút nhất trong mỗi phiên bản Mafia.
Thật vậy, thành phố New Orleans trong game mô tả một cách hoàn hảo cách nhìn của một người da màu trong thời kỳ đó, với những bất công, những hành hạ và căm ghét mà người da trắng dành cho họ. Bản thân đoạn cắt cảnh nơi Lincoln Clay đi gần một người đàn bà và mụ nhăn mặt giữ chặt lấy túi xách như thể gã cựu binh là một giống loài ghê tởm là những hình ảnh đanh thép nhất về một thời kỳ đầy sóng gió mà bất kỳ người Mỹ nào cũng muốn quên đi.
Bản thân Hangar 13 cũng đem tới cho người chơi một thông điệp ngay từ những giây đầu tiên game bắt đầu: "Chúng tôi cho rằng nếu không đề cập tới những trang sử có thật và vô cùng đáng hổ thẹn này, thì đó sẽ là xúc phạm tới những người đã và đang phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức".
Không chỉ mô tả cuộc chiến đẫm máu giữa những băng đảng, Mafia 3 còn khiến bạn như đắm mình vào thế giới ảo của 50 năm về trước, nơi nếu bạn không phải người da trắng, bạn sẽ phải chịu biết bao cùng cực, khó khăn. Bản thân những kẻ nhân vật phản diện của game đôi lúc cũng có những đoạn hội thoại với tư duy bản thân chúng là "chủng tộc đứng phía trên", và coi người dân da đen như nô lệ dù rằng chế độ nô lệ đã kết thúc cả trăm năm trước đó.
Lồng ghép một cách tuyệt vời với bối cảnh và cốt truyện chính là phần âm thanh của game. Nếu như hình ảnh trong game là điểm trừ, thì giống như mọi phiên bản Mafia trước, âm nhạc và diễn viên lồng tiếng lại khiến game thủ hài lòng hơn cả. Nếu không quá khó tính, thì âm thanh và cốt truyện Mafia 3 hoàn toàn có thể bù đắp cho một tựa game với thế giới nhạt nhòa dù đòi hỏi cấu hình không hề nhẹ nhàng chút nào.
Chỉ cần bước vào một chiếc xe, tiếng dò sóng radio xẹt xẹt rồi những bản nhạc nằm ở tầm huyền thoại của thời kỳ đó, với những cái tên như Elvis Presley, The Animals hay bộ đôi Sam and Dave cất lên, cùng với đó là những mẩu quảng cáo truyền thanh hay những bản tin nóng hổi, thật ra hầu hết toàn đưa tin những vụ xả súng mà... chính bạn là tác giả vài phút trước đã tạo ra một không khí quá đỗi ấn tượng trong Mafia 3.
Tổng kết lại, nếu muốn bắt đầu với Mafia 3, bạn sẽ phải cực kỳ, cực kỳ nhẫn nại. Nếu là một người thích những game có lối chơi giàu chiều sâu, thu hút thì đây hoàn toàn không phải một sản phẩm dành cho bạn. Bản thân gameplay của Mafia 3 chỉ là một công cụ vừa đủ để truyền tải những câu chuyện, những thông điệp tới người chơi mà thôi. Còn lại, những điều đặc sắc luôn nằm ở phía sau, nếu bạn chấp nhận cách chơi tương đối nhàm và lặp lại nhiều lần.
Chỉ cần thay đổi một chút xíu, thêm vào những nhiệm vụ phụ không liên quan tới băng đảng, hay đơn giản nhất là tạo ra một bộ cánh đồ họa ấn tượng, không nhiều lỗi và xấu xí như hiện tại, Mafia 3 đã có thể có cơ hội trở thành một trong những siêu phẩm dịp cuối năm 2016 rồi. Tiếc rằng đời không như mơ, và giống như mọi lần trước, Mafia 3 vẫn đòi hỏi bạn kiên nhẫn để tìm ra vẻ đẹp ẩn sâu trong tựa game này.