Đánh giá card màn hình MSI GTX 1070 GAMING X: Thiết kế ngầu, hiệu năng ấn tượng

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/06/2016 01:00 AM

Chúng ta cùng đánh giá MSI GTX 1070 Gaming X, một trong những phiên bản GTX 1070 custom có hiệu năng và độ hoàn thiện cực tốt hiện nay.

Với hiệu năng được xem là cao hơn cả GTX Titan X nhưng giá chỉ chưa đến phân nửa, không có gì ngạc nhiên khi GTX 1070 là một trong những cái tên được mong đợi nhất đối với các bạn game thủ hiện nay. Và để tìm hiểu thực lực của dòng GPU này ấn tượng đến mức nào, mình sẽ đánh giá MSI GTX 1070 Gaming X, một trong những phiên bản GTX 1070 custom có hiệu năng và độ hoàn thiện cực tốt hiện nay.

Thông số kỹ thuật

- Chip đồ hoạ: GP104 (Pascal)

- Số bóng bán dẫn: 7,2 tỷ

- Tiến trình sản xuất: TSMC 16 nm

- Số nhân CUDA: 1920

- Xung nhịp: 1506 MHz/1582 MHz/1607 MHz (Silent/Gaming/OC Mode)

- Xung nhịp (Boost): 1683 MHz/1771 MHz/1797 MHz (Silent/Gaming/OC Mode)

- Bộ nhớ đồ hoạ: 8 GB GDDR5 256 bit

- Xung bộ nhớ đồ hoạ: 8108 MHz (OC Mode)

- Quà tặng kèm: Chưa rõ, mình sẽ cập nhật khi có thông tin

- Giá bán lẻ tại Việt Nam: 12 triệu đồng

GTX 1070 GAMING X là dòng card sử dụng chip GeForce GTX 1070 cao cấp nhất của MSI vào thời điểm hiện tại. Về cơ bản, dòng card này có 4 điểm khác biệt chính so với phiên bản GTX 1070 Founders Edition: Bo mạch được thiết kế lại với linh kiện tốt hơn Dùng đầu cấp nguồn phụ 8+6 pin (Founders Edition chỉ dùng 1 đầu 8 pin) Tản nhiệt Twin Froz VI do MSI phát triển thế cho tản lồng sóc của Nvidia Chip đồ hoạ được ép xung ngay từ đầu (xung nhịp cao hơn Founders Edition)

Hiện tại, các nhà phân phối đã hạn chế (nếu không muốn nó là ngưng) nhập về các dòng card Founders Edition và ưu tiên các dòng card custom. Vì vậy bạn sẽ dễ dàng mua hơn khi quyết định lựa chọn các dòng card custom như MSI GTX 1070 GAMING X. Bên cạnh đó, phiên bản custom luôn có xung nhịp mặc định cao hơn đồng nghĩa với hiệu năng cũng tốt hơn. Ngoài ra việc sử dụng tản nhiệt custom với hiệu năng cao (thật ra là tuỳ trường hợp, nhưng thường thì vẫn sẽ mát và êm hơn tản lồng sóc của Nvidia ), bo mạch được thiết kế lại với linh kiện cao cấp và pha nguồn 8+2 và tăng số lượng đầu cấp nguồn lên 8+6 pin cho phép bạn có thể ép xung lên cao hơn bản Founders Edition (giả sử như 2 chip đồ hoạ bên trong tốt như nhau). Bạn có thể tìm hiểu thêm về các dòng card GTX 1070 của MSI trong bài: MSI giới thiệu dòng card GTX 1070, hiệu năng cao hơn Titan X.

Thiết kế cách điệu tạo ấn tượng mạnh ngay từ cái nhìn đầu tiên

Những chiếc card màn hình của MSI trong tâm trí của các game thủ luôn gắn liền với hiệu thống tản nhiệt Twin Froz nổi tiếng. Dù trải qua 6 thế hệ, MSI vẫn trung thành với thiết lập tản nhiệt 2 quạt của mình và ngày càng hoàn thiện nó lên một tầm cao mới. MSI GTX 1070 Gaming X được trang bị tản nhiệt Twin Froz VI, phiên bản mới nhất và tốt nhất của MSI vào thời điểm hiện nay.​

Bộ sản phẩm của MSI GTX 1070 GAMING X bao gồm card màn hình, sách hướng dẫn và đĩa chứa driver. Hãng không tặng kèm cầu nối HB SLI mới, vì vậy nếu muốn chạy thiết lập SLI thì bạn sẽ cần phải mua thêm với giá khoảng 800.000 đồng. Cũng cần lưu ý là chuyện không kèm theo cầu nối SLI không phải chỉ riêng MSI mà còn tất cả hãng khác. Ngay cả đối với GTX 1080, chỉ có những bản siêu cao cấp đắt tiền thì mới được tặng kèm cầu nối SLI.

​

Trong số tất cả các hãng sản xuất card màn hình phổ biến tại Việt Nam, MSI nổi bật với thiết kế cực kỳ đẹp mắt và chăm chút đến từng chi tiết nhỏ. Ngôn ngữ thiết kế của tản nhiệt Twin Froz VI gói gọn trong 2 chữ "tương phản". Bạn có thể dễ dàng thấy sự tương phản ngay từ sắc màu với hai màu sắc chủ đạo là đen và đỏ. Sự tương phản được nối tiếp bởi các chi tiết chìm nổi được chia đều ở 2 nửa mặt nạ. Nếu tinh ý hơn nữa, bạn sẽ thấy ngay cả bề mặt của card cũng thể hiện triết lý tương phản trong thiết kế của MSI với 2 dạng bóng (bên màu đỏ) và nhám (bên màu đen) và trung hoà bằng một đoạn vân (mũi tên ở giữa). Ở giữa mỗi nửa đỏ đen là một quạt TORX 2.0 với logo rồng đặc trưng của MSI. Quạt TORX được thiết kế với nhiều cánh mỏng sát nhau, giúp tăng cường lượng gió tạo ra cũng như êm hơn khi quay ở tốc độ cao. Dù bạn thích hay không thích phong cách này, không thể phủ nhận nó tạo cảm giác hầm hố và cực kỳ ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Twin Froz VI sử dụng một đế tiếp xúc làm bằng đồng đưa nhiệt lượng từ GPU ra 5 ống dẫn nhiệt đường kính 8 mm, từ đó phân tán ra một khối tản nhiệt được cấu tạo bởi rất nhiều các lá nhôm. Một điểm mà mình đánh giá cao trong thiết kế của MSI là dù đế tiếp xúc và ống dẫn nhiệt làm bằng đồng, hãng mạ Nickel bạc giúp nó tạo được sự đồng nhất với phiến lá tản nhiệt. Đầu ống dẫn nhiệt đều được giấu đi (trừ một cái lộ ra ở bên dưới nhưng được vuốt nhọn và mạ rất đẹp) để tránh gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ tổng thể. Nếu chú ý kỹ, bạn sẽ thấy một số linh kiện trên bo mạch của MSI GTX 1070 GAMING X có khối tản nhiệt riêng màu đen, giúp nó hoàn lẫn vào màu đen của bo mạch.

Sự chăm chút trong thiết kế của MSI tiếp tục thể hiện qua phần ốp lưng (back plate) với biểu tượng rồng bóng bẩy được khắc lên nền mặt nhám. Bên cạnh đó là một loạt các lỗ hình mũi tên đem lại cảm giác rất phong cách. Ốp lưng này cho phép bảo vệ các linh kiện phía sau bo mạch của card cũng như giúp nó không bị cong khi gắn vào thùng máy kiểu úp quạt xuống phổ biến. Nói chung, vào thời điểm hiện tại thì trang bị ốp lưng là yếu tố gần như bắt buộc với các dòng card màn hình cao cấp. Thậm chí ngay cả các dòng card Ref (hay Nividia gọi một cách mỹ miều là Founders Edition) cũng còn được tích hợp. Tuy vậy do khoảng cách giữa ốp và bo mạch tương đối nhiều, có vẻ nó sẽ không hỗ trợ tản nhiệt như ở Founders Edition, vốn có phần ốp gần như dính vào bo mạch.​

Về phần kết nối, MSI vẫn giữ nguyên mặc định của Nvidia với 3 cổng DisplayPort 1.4, 1 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng DVI-D (chỉ hỗ trợ tín hiệu digital). Ở góc nhìn này, chúng ta có thể thấy được hệ thống tản nhiệt của MSI GTX 1070 GAMING X cũng chiếm 2 slot tương tự như Founders Edition.​


Card sử dụng chuẩn chân cắm PCIe 3.0.

Card sử dụng chuẩn chân cắm PCIe 3.0.

​

Nhìn từ phía trên xuống (góc hướng ra ngoài khi bạn gắn vào thùng máy), nổi bật nhất chính là logo rồng MSI. Logo này được tích hợp đèn LED RGB, cho phép bạn có thể điều khiển màu sắc tuỳ ý muốn. Nếu các bạn để ý trong hình, các vạch đỏ trên mặt nạ của MSI GTX 1070 GAMING X cũng có đèn, tuy nhiên bạn sẽ không điều chỉnh được.

Ở phiên bản này, MSI không chỉ thiết kế lại bo mạch với chất lượng linh kiện tốt hơn mà còn bổ sung thêm một đầu cấp nguồn 6 pin, kết hợp với đầu cáp nguồn 8 pin theo mặc định của Nvidia. Điều này về lý thuyết cho phép bạn tăng điện đi vào và ép xung cao hơn mức mặc định của Nvidia. Dĩ nhiên, thực tế thì phải xem vào kỹ năng và độ may mắn của bạn nữa. Nếu bạn may mắn có được chip tốt thì có thể ép xung cao hơn nữa, còn không thì bạn phải chấp nhận với mức xung mặc định mà MSI thiết lập (cũng cao hơn kha khá so với Founders Edition rồi).​

Mặc dù vẫn có 2 chân cắm SLI, Nvidia khuyến cáo chỉ nên chạy SLI GTX 1070 với 2 card mà thôi. Hãng giới thiệu cầu nối HB SLI mới sử dụng cùng lúc cả 2 chân cắm, tức là kết nối chỉ tối đa 2 card. Bạn vẫn có thể dùng cầu nối SLI đời cũ để nối bắt cầu tới 4 card nhưng tạm thời thì driver của Nvidia vẫn chưa hỗ trợ. Nvidia cho biết trong tương lai hãng sẽ tung ra driver hỗ trợ SLI 3-4 card, nhưng chỉ dùng để benchmark. Chơi game vẫn chỉ hỗ trợ tối đa 2 card. Xét về tổng thể, sự chăm chút đến từng chi tiết của MSI đối với dòng card GTX 1070 GAMING X là rất đáng nể. Từ cách phối màu, kiểu dáng cho đến những yếu tố nhỏ như màu sắc của tản nhiệt cũng đều được MSI tính toán kỹ lưỡng để đem lại vẻ ngoài ấn tượng cho sản phẩm của mình. Và cũng cần nhắc lại rằng đây là GTX 1070, vốn ít khi được chăm chút kỹ như những dòng card GTX 1080 đắt tiền. Cơ mà nếu mình không lầm, MSI sử dụng chính tản nhiệt trên GTX 1080 GAMING X cho dòng này. Tuy vậy nếu khó tính hơn, bạn sẽ thấy rằng năm nay dòng GTX 1080/1070 thiết kế không mấy khác biệt so với thế hệ GTX 900 năm ngoái (hầu hết các hãng đều vậy chứ không riêng gì MSI). Nhưng có lẽ cũng khó trách, bởi thế hệ card hiện nay đã rất hoàn thiện về cả hiệu năng tản nhiệt lẫn thiết kế.

Đánh giá hiệu năng

Để đánh giá hiệu năng của MSI GTX 1070 GAMING X, mình sử dụng hệ thống có cấu hình như sau: CPU Core i7-6900K (3,2 GHz, 8 nhân, 16 luồng), bo mạch chủ MSI X99A Gaming Pro Carbon, 16 GB DDR4-2133 (4 x 4GB), SSD Intel 520 120 GB, PSU FSP Raider 650W, Windows 10 Pro 64 bit. Game thì mình sử dụng dịch vụ Steam. Mỗi bài test sẽ được thử ở độ phân giải FullHD và 4K, thiết lập cụ thể mình sẽ nói chi tiết ở từng phép thử. Mình dùng ứng dụng GAMING APP để thiết lập MSI GTX 1070 GAMING X ở chế độ OC. Mức xung của card sẽ là 1607 MHz/1797 MHz. Nếu bạn không dùng ứng dụng, card sẽ ở mức xung GAMING là 1582 MHz/1771 MHz và hiệu năng sẽ thấp hơn đôi chút. Một điều thú vị là dù hãng công bố mức xung tối đa là 1797 Mhz nhưng xung nhịp mà Afterburner đo được khi chơi game có lúc lên đến 1850 MHz. Trong khi đó GPU-Z 0.88 cũng không có đủ thông tin về chip sử dụng trong card này (chỉ nhận là GTX 1070). Mình nghĩ điều này có lẽ là do đây là dòng card thử nghiệm chứ chưa phải bản chính thức bán ra thị trường nên BIOS chưa được hoàn thiện. Vì vậy kết quả ở đây chỉ mang tính tham khảo mà thôi.

3DMark

Hệ thống đạt được 4569 điểm ở bài thử Fire Strike Ultra, riêng GPU đạt 4475 điểm. Đây là một con số rất ấn tượng.

Metro Last Light Redux

Metro Last Light Redux là cái tên mặc dù không quá quen thuộc như Call of Duty hay Battlefield, tuy nhiên đây là một trong những trò được xem là tiêu chuẩn để benchmark thể loại bắn súng góc nhìn người thứ nhất. Nói chung là cân được Metro Last Light thì các trò bắn súng khác cũng sẽ không thành vấn đề. Ở mức thiết lập Very High, khử răng cưa 2X và tắt Motion Blur thì tốc độ khung hình luôn giữ được mức trên 75, nói chung là đảm bảo trải nghiêm của bạn sẽ rất mượt mà. Tuy nhiên khi lên 4K thì mức khung hình trung bình chỉ còn 33 fps, rất chậm so với một trò bắn súng. Nhưng đây là cũng là điều dễ hiểu vì thật ra ngay cả GTX 1080 cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu.

- FullHD: Max 102 fps – Min 75 fps – Trung bình 89 fps

- 4K: Max 40 - Min 26 - Trung bình 33 fps

Bioshock Infinite

Bioshock Infinite nhìn chung không phải là đối thủ của GTX 1070 khi dù 4K hay FullHD thì tốc độ khung hình luôn vượt ngưỡng 60 fps ở mức thiết lập Ultra DX11 DOF. Lưu ý là trình benchmark tích hợp của Bioshock Infinite có vấn đề về việc đo tốc độ khung hình thấp nhất (min), vì vậy bạn chỉ nên tham khảo giá trị tối đa (max) và trung bình.

- FullHD: Max 312 fps – Min 19 fps – Trung bình 144 fps

- 4K: Max 181 - Min 27 - Trung bình 62 fps

Fallout 4

Fallout 4 là game nhập vai theo phong cách góc nhìn người thứ nhất, với đồ hoạ thuộc hàng đỉnh. Ở mức thiết lập Ultra/1080p, MSI GTX 1070 dễ dàng vi vu với tốc độ khung hình trên dưới 100 fps ngay cả ở những cảnh bắn nhau dữ dội nhất, xài luôn Fat Man nếu bạn muốn. 4K nhìn chung max setting cũng khá ổn với tốc độ khung hình dao động trong khoảng 50 fps. Nếu bạn thích xài V.A.T để đánh nhau thì tốc độ khung hình như vầy cũng không ảnh hưởng đến trải nghiệm. Lưu ý nếu khung hình vượt quá 60 fps thì Fallout 4 khi chơi sẽ bị lỗi vật lý, vì vậy tốc độ khung hình cao chỉ để test sức mạnh cho vui thôi.

- Ultra: Max 173 fps – Min 94 fps – Trung bình 133 fps

- 4K: Max 67 - Min 44 - Trung bình 56 fps

The Witcher 3: Wild Hunt

The Witcher 3: Wild Hunt là trò chơi điển hình của thể loại sandbox RPG, cho phép bạn thoải mái chơi trong một thế giới rộng lớn với góc nhìn người thứ 3. Mức độ đầu tư vào đồ hoạ cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật là rất cao, vì vậy cấu hình đòi hỏi cũng cực khủng. Với thiết lập hiệu ứng Ultra và bật tất cả Post Process (kể cả Nvidia HairWork), tốc độ khung hình ở 1080p của GTX 1070 chỉ vừa đủ cầm cự ở mức 60 fps. Lên 4K thì dao động trên dưới 40 fps. Nói chung là không tệ, đối với game nhập vai thì tốc độ khung hình thấp một chút cũng không thành vấn đề.

- FullHD: Min 58 - Max 76 - Trung bình 67

- 4K: Min 38 - Max 55 - Trung bình 47

Tomb Raider 2013

Tomb Raider 2013 thì mình dùng luôn benchmark có sẵn, max hết thiết lập trừ tính năng khử răng cưa là để ở FXAA. FullHD vẫn không thể làm khó GTX 1070 nhưng lên 4K thì 60 fps vẫn là nhiệm vụ bất khả thi.

- FullHD: Max 188 fps - Min 108 fps - Trung bình 153 fps

- 4K: Max 56 - Min 32 - Trung bình 45

Nhiệt độ và tiếng ồn

Ở phòng máy lạnh đặt ở 20 độ, nhiệt độ theo ứng dụng Afterburner đo được không bao giờ quá ngưỡng 70 độ khi GPU ở 100% tải. Tốc độ quạt khi fullload là khoảng 60% trong điều kiện mình thử nghiệm, khá êm. Kích thử lên 100% thì quạt kêu lớn, khá khó chịu. Tuy vậy khi sử dụng ở điều kiện thường không máy lạnh thì mình chưa bao giờ thấy quạt phải chạy hết công suất, do đó điều này cũng không ảnh hưởng lắm.

Kết luận

Tóm tắt ưu nhược điểm của MSI GTX 1070 GAMING X

Ưu điểm

- Thiết kế đẹp, hầm hố Tản nhiệt Twin Froz VI với 2 quạt

- Hoàn thiện tốt, chăm chút từng chi tiết nhỏ Hiệu năng tốt trong tầm giá

- Tích hợp đèn LED RGB Chạy êm, mát ngay cả khi fullload

- Mượt mà ở độ phân giải FullHD

- Giá rẻ hơn Founders Edition

- Đầu cấp nguồn 8+6 pin cho khả năng ép xung tốt (trên lý thuyết)

- Bộ nhớ được ép xung sẵn

Nhược điểm

- Không có sự đột phá trong thiết kế (so với các dòng GAMING X 900 series)

- Max setting 60 fps ở 4K là nhiệm vụ bất khả thi ở các trò chơi đồ hoạ đỉnh

Vậy ai là đối tượng của MSI GTX 1070 GAMING X?

Trong tầm giá 12 triệu đồng, MSI GTX 1070 GAMING X là sự lựa chọn không thể tốt hơn đối với các game thủ vào thời điểm hiện tại. Với thiết kế cực đẹp và hiệu năng ấn tượng của mình, rõ ràng chủ nhân của dòng card này có thể hài lòng về trải nghiệm (ở độ phân giải FullHD) mà nó mang lại cũng như tự tin khoe hàng bộ máy của mình (với logo rồng toả sáng).​

​

Một điểm cộng của MSI là hãng không giấu hàng, vẫn đưa ra sản phẩm với mức độ hoàn thiện cao nhất ngay cả khi giá bán tương đương với đối thủ (12 triệu) và thấp hơn so với Founders Edition (12,5 triệu). Điển hình là việc trang bị hệ thống tản nhiệt Twin Froz VI phiên bản hoàn chỉnh vốn được sử dụng trong bản GTX 1080 GAMING X. Vì vậy hiệu năng và mức độ hoàn thiện đều cực tốt, chay êm mát ngay cả ở fullload. Bo mạch cũng được thiết kế lại và sử dụng đầu cấp nguồn 8+6 pin hỗ trợ tối ưu ép xung. Có lẽ điều này là vì tính đến thời điểm hiện tại, GAMING X vẫn là dòng card cao cấp nhất của MSI cho GeForce 10 series. Trong khi đó thì các đối thủ của họ đều đã sẵn sàng tung ra đợt card cao cấp hơn, với giá dĩ nhiên cũng đắt đỏ hơn.

Vì sao chọn GTX 1070 thay vì RX480 và GTX 1080?

Sau đây mình sẽ chia sẻ một số ưu điểm cơ bản khi bạn chọn GTX 1070 thay vì GTX 1080 hay RX 480.

- So với GTX 1080

- Giá rẻ hơn khá nhiều (12 triệu so với khoảng 18 triệu)

- Hiệu năng không mấy chênh lệch (mình sẽ có bài so sánh chi tiết sau)

- P/P tốt hơn

- Nếu chỉ chơi ở FullHD thì GTX 1070 là đủ GTX 1080 cũng chỉ có thể 4K max setting 60 fps ở một số trò nhất định

Dựa trên các bài benchmark (chưa được xác nhận) và thông số kỹ thuật chính thức từ AMD, tỉ lệ giá/hiệu năng của RX 480 hứa hẹn sẽ là cực tốt, tốt hơn rất nhiều so với bộ đôi GeForce 10. Nhưng bạn cũng cần phải nhớ rằng xét về hiệu năng thuần, GTX 1070 vẫn sẽ cao hơn. Bạn bỏ nhiều tiền hơn để có được hiệu năng cao hơn là điều bình thường (đặc biệt là ở phân khúc cao cấp, tiền thêm thì nhiều mà mạnh hơn chẳng được bao nhiêu đã là một quy luật). Bên cạnh đó, sớm nhất là ngày 29/6 AMD mới chính thức bán RX 480 (Việt Nam thì vẫn chưa rõ) còn GTX 1070 thì bạn có thể sắm ngay bây giờ. Đó là chưa kể đến việc giá ở Việt Nam tương đối loạn, phải chờ đến khi bán chính thức thì chúng ta mới biết được liệu tỉ lệ hiệu năng/giá của RX 480 nó thật sự tốt như mong đợi hay không.

Theo Tinh Tế