Đánh giá card màn hình GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING: Ranh giới giữa FullHD và 4K

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 15/09/2016 03:57 PM

Về cơ bản, chỉ cần nhìn vào thì bạn sẽ thấy rằng GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING là dòng card đồ họa cao cấp và đắt tiền bởi kích thước của nó

GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING là một trong những phiên bản custom của GTX 1070 cao cấp nhất mà bạn có thể mua được tại Việt Nam. So với các những phiên bản thông thường, nó có tản nhiệt khủng hơn, thiết kế ngầu hơn và dĩ nhiên là hiệu năng cũng cao hơn đôi chút. Tuy nhiên với mức giá 14 triệu đồng, liệu chúng ta có nên lựa chọn phiên bản cao cấp này so với những phiên bản thông thường, hay cố chút nữa lên GTX 1080 hoặc hạ hết cỡ xuống GTX 1060 hay không?

Thông tin sản phẩm

Thông số kỹ thuật

Tên sản phẩm: GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING

Chip đồ hoạ: Nvidia GeForce GTX 1070

Xung nhịp (OC): 1695 MHz/1898 MHz (Boost)

Bộ nhớ: 8 GB GDDR5 256 bit

Xung nhịp bộ nhớ: 8316 MHz

Cổng cấp nguồn phụ: 8+6 pin

Bộ nguồn đề xuất: tối thiểu 500W

Bảo hành 4 năm

Giá tham khảo tại Việt Nam: 14 triệu đồng

GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING là một trong những phiên bản custom cao cấp nhất của GTX 1070 trên thị trường hiện nay. So với những phiên bản thông thường, điển hình là G1 GAMING cũng của GIGABYTE, linh kiện của XTREME GAMING cao cấp hơn, tản cũng khủng hơn và hiệu năng cũng cao hơn (xung nhịp ép sẵn cao hơn). Bên cạnh đó, khả năng ép xung của XTREME GAMING về lý thuyết cũng tốt hơn do các chip đồ hoạ đều được tuyển chọn là loại tốt nhất (theo công bố của hãng). Đó cũng là lý do mà phiên bản này có giá khoảng 14 triệu, cao hơn 2 triệu so với giá trung bình của GTX 1070.

Thiết kế hầm hố, tản nhiệt khủng, tối ưu cho VR

Về cơ bản, chỉ cần nhìn vào thì bạn sẽ thấy rằng GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING là dòng card đồ họa cao cấp và đắt tiền bởi kích thước của nó, hay nói đúng hơn là tản nhiệt cực khủng mà nó sở hữu. Tương tự như phiên bản GTX 1080 XTREME GAMING mà mình trên tay cách đây vài tháng, GTX 1070 XTREME GAMING cũng có ngoại hình rất hầm hố với sự phối hợp giữa 3 tông màu đen, trắng, cam và hệ thống đèn LED RGB (có thể tuỳ biến màu sắc theo ý muốn của bạn).

Vẫn là hệ thống tản nhiệt WindForce 3X với 3 quạt đường kính 100 mm, tuy nhiên khối tản nhiêt của GTX1070 XTREME GAMING có kích thước khiêm tốn hơn cũng như chỉ sử dụng 3 thay vì 5 ống đồng dẫn nhiệt so với người anh em 1080. Cơ mà nếu so với những dòng bình thường, nó vẫn lớn hơn rất nhiều, đồng nghĩa với khả năng tản nhiệt cũng hiệu quả hơn.

Điểm đặc trưng của series XTREME GAMING của GIGABYTE là sự tối ưu cho việc hỗ trợ thiết bị VR. Hãng vẫn trang bị loạt cổng kết nối tiêu chuẩn của GeForce 10 series bao gồm: 3 DisplayPort 1.4, 1 HDMI 2.0 và 1 DVI-D, tuy nhiên ở phiên bản cao cấp này chúng ta còn có 2 cổng HDMI hướng ra phía trước card. Bạn có thể sử dụng 2 cổng này để kết nối dễ dàng hơn với các kính thực tế ảo như HTC Vive hay Oculus Rift (trực tiếp hoặc thông qua phụ kiện VR Link của GIGABYTE). Nếu như bạn là người quan tâm đến VR, các dòng card thuộc series XTREME GAMING có thể nói là lựa chọn tốt nhất hiện nay về mặt thiết kế.

So với mặc định 1 đầu cấp nguồn 8 pin của Nvidia, phiên bản từ GIGABYTE sử dụng thiết lập 8+6 pin cho phép điện năng cấp tối đa trên lý thuyết là 350 W. Kết hợp bo mạch được thiết kế lại với linh kiện chất lượng tốt hơn và hệ thống tản nhiệt hiệu năng cao, ngay từ đầu xung nhịp mặc định của GTX 1070 XTREME GAMING đã là 1898 MHz, cao hơn 200 MHz so với bản tham chiếu của Nvidia. Chip sử dụng được hãng công bố là đã qua tuyển chọn loại tốt nhất nên thậm chí còn có thể ép cao hơn nữa. Trên thực tế, khi dùng ứng dụng XTREME của GIGABYTE thì card sẽ được tự động ép xung "nhẹ" lên khoảng 2050 MHz, tức là hơn khoảng 350 MHz so với mặc định từ Nvidia.

Ở GeForce 10 series, Nvidia chỉ hỗ trợ chạy SLI tố đa 2 card và GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING cũng không phải là ngoại lệ. Cầu nối HB SLI (phải mua riêng) sẽ sử dụng cùng lúc cả 2 khe cắm SLI, nên bạn không thể kết nối kiểu bắt cầu như các dòng card Nvidia thế hệ trước. Nhưng dù gì đi nữa thì thà cho SLI còn hơn không, GTX 1060 hiện tại đã bị cắt mất tính năng này.

Đánh giá hiệu năng

Để đánh giá hiệu năng của GTX 1070 XTREME GAMING, mình sử dụng hệ thống thử nghiệm có cấu hình như sau: CPU Intel Core i7-6900, mainboard MSI X99A GAMING PRO CARBON, 8 GB DDR4-2400 MHz, 128 GB Intel SSD 520, Windows 10.

Cũng cần lưu ý là ứng dụng XTREME của GIGABYTE khi bạn đặt ở chế độ OC sẽ tự động ép xung card lên trên khoảng 2050 MHz, tức là thậm chí còn cao hơn so với công bố của nhà sản xuất. Trên thực tế không chỉ GIGABYTE mà một số hãng khác như MSI (dòng GAMING X kết hợp với GAMING APP) cũng có tính năng tương tự, mức xung nhịp khi để các ứng dụng đi kèm ép tự động cũng vào khoảng này. Như vậy nếu như bạn sử dụng ở điều kiện thông thường (không bị vấn đề về điện hay nhiệt độ) thì đây chính là mức hiệu năng mà bạn sẽ đạt được thực tế.

Trong screenshot bạn có thể xem ở góc trái phía trên thông số thực tế của card khi chơi game được lấy từ ứng dụng Afterburner (tốc độ khung hình, nhiệt độ, % điện năng, xung nhịp). Ở đây mình đánh giá bằng game với góc độ của người dùng cuối và không đặt nặng về tính kỹ thuật. Quan điểm của mình là mua card về để chơi game chứ không phải để hành hạ hay cày, do đó trong danh sách thử nghiệm của mình sẽ không có Furmark.

3DMark TimeSpy

GTX 1070 XTREME GAMING (trái) và GTX 1060 G1 GAMING (phải) ​ Lưu ý, trong so sánh này thì do CPU khác nhau nên bạn chỉ nên quan tâm đến điểm Graphic Score. Qua đó GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING đạt được 6223 điểm, cao hơn khoảng 50% so với GIGABYTE GTX 1060 G1 GAMING. ​

The Witcher 3: Wild Hunt

The Witcher 3: Wild Hunt là trò nặng nhất trong số game mà mình thử nghiệm. Vì vậy GTX 1070 XTREME GAMING chỉ đạt trung bình vừa đủ 68 fps khi max setting (không bật khử răng cưa) ở độ phân giải FullHD. Lên 4K thì chỉ dao động trên dưới 47 fps. Đối với game nhập vai, 47 fps cũng không phải là tốc độ khung hình quá tồi.

Overwatch

GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING đạt trung bình 151 fps ở độ phân giải FullHD và 86 fps ở 4K ở mức thiết lập hiệu ứng tối đa trong Overwatch. Không có gì để phàn nàn về hiệu năng của nó cả. Fallout 4 gtx1070xfalloutf.jpggtx10170xfallout4.jpg FullHD (trái) và 4K (phải) ​ Trung bình 117 fps và 42 fps cho Fallout 4 ở độ phân giải FullHD và 4K ở mức thiết lập hiệu ứng đồ hoạ cao nhất.

Doom (2016)

Dựng hình bằng DirectX, Doom (2016) đạt trung bình 120 fps ở FullHD và 58 fps ở 4K. Chuyển qua Vukan, tốc độ khung hình tăng đáng kể lên 153 fps ở FullHD và 64 ở 4K. Do Afterburner chưa hỗ trợ Vulkan nên ở hình screenshot bạn sẽ không thấy thông số hiển thị của card.

Rise of the Tomb Raider

Sử dụng chế độ dựng hình bằng DirectX 12 với thiết lập hiệu ứng tối đa, Rise of The Tomb Raider đạt trung bình 118,83 fps ở FullHD và 40,37 fps ở 4K. Do Afterburner vẫn chưa hỗ trợ DirectX 12 nên bạn sẽ không thấy thông số hiển thị ở góc, tương tự như Doom (Vulkan).

Nhiệt độ hoạt động, độ ồn và khả năng ép xung

Đây là thông số mình lấy trong lúc chơi game Fallout 4 ở độ phân giải 4K, thứ tự lần lượt của mục GPU là: định mức điện tăng tiêu thụ (80%), nhiệt độ (56 độ), tải (100%, full load), tốc độ quạt (36%) và xung nhịp (2050 MHz). Hệ thống được test trong môi trường phòng máy lạnh đặt ở 20 độ. Nhìn chung đây là kết quả rất tốt, độ ồn trong lúc hoạt động cũng không đáng kể.

Với mức xung nhịp 2050 MHz, chúng ta có thể thấy là card vẫn chưa sử dụng hết hạn mức điện năng mà GIGABYTE đặt ra (còn gần 20%) và nhiệt độ cũng rất mát (56 độ). Về cơ bản bạn hoàn toàn có thể đẩy lên cao hơn nữa. Dĩ nhiên, một yếu tố rất quan trọng quyết định khả năng ép xung là bản thân của GPU. Bên GIGABYTE họ chỉ đảm bảo là xung nhịp tối thiểu là 1898 MHz, đẩy được cao hơn thì sẽ phụ thuộc vào từng con chip. Tuy nhiên vì đây là dòng cao cấp, lên được 2000 MHz là chuyện khá dễ dàng mà ngay cả chế độ ép xung tự động của hãng cũng có thể làm được.

Kết luận

Tóm tắt ưu nhược điểm của GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING

Ưu điểm

Thiết kế hầm hố với đèn LED RGB

Tản nhiệt hiệu quả cao

Xung nhịp ép "nhẹ nhàng" lên 2050 MHz

Hiệu năng cực tốt ở FullHD

Có thể lên 60 fps ở 4K một số trò nếu giảm hiệu ứng

Nhược điểm

Giá hơi cao so với những phiên bản khác

60 fps max setting ở 4K gần như là không thể đối với các game bom tấn mới

Vậy GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING là dành cho đối tượng nào? Câu trả lời là cho các bạn game thủ vẫn chưa hài lòng với độ phân giải FullHD và muốn được trải nghiệm những độ phân giải cao hơn như QHD hay 4K, tuy nhiên không đủ kinh phí để lên thẳng GTX 1080. Trên thực tế thì với sức mạnh nhỉn hơn GTX Titan X (Maxwell), GTX 1070 XTREME GAMING vẫn đủ để bạn có thể chơi các trò bom tấn với tốc độ khung hình trên 30 fps, cũng không quá tệ.

Một góc độ khác là nếu bạn muốn trải nghiệm các trò chơi ở tốc độ khung hình cao ở độ phân giải FullHD, tận dụng tối ưu các dòng màn hình chơi game có tầng số quét cao như 120/144 Hz. GTX 1060 có thể đủ sức để bạn chơi mượt mà các trò bom tấn ở 60 fps, tuy nhiên muốn lên được 100 fps thì không phải là chuyện dễ (trừ khi bạn giảm hiệu ứng).

Và dĩ nhiên, thiết kế hầm hố, tản nhiệt khủng, linh kiện bền hơn cũng là một trong những điểm tạo sự khác biệt giữa GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING với những phiên bản thường (G1, Winforce OC). Ngoài ra nếu như bạn muốn trải nghiệm VR một cách thuận tiện nhất thì các dòng card XTREME GAMING cũng rất đáng cân nhắc nhờ thiết kế đưa 2 cổng HDMI ra phía trước cũng như hỗ trợ thiết bị VR Link, cho phép kết nối kính thực tế ảo ngay trước thùng máy thay vì phải luồng dây ra phía sau khá phiền phức.

GTX 1070 vs GTX 1060 vs GTX 1080

Sự lựa chọn giữa 3 dòng card này phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu và điều kiện của bạn. Nếu tiền không thành vấn đề và bạn muốn sở hữu dòng card màn hình đơn nhân mạnh nhất (chỉ sau GTX Titan X Pascal, nhưng dòng này thì giá quá trên trời) thì GTX 1080 sẽ là gương mặt sáng giá nhất. Trong khi đó bạn cảm thấy độ phân giải FullHD với mức khung hình tối thiểu 60 fps là hạnh phúc thì GTX 1060 là sự lựa chọn tiết kiệm với tỉ lệ p/p rất cao.

Còn nếu như bạn ở giữa đôi đường, vừa muốn trải nghiệm 4K nhưng lại không muốn (hay không có điều kiện) lên GTX 1080 thì GTX 1070 là dòng card dành cho bạn. So với GTX 1060, GTX 1070 cho phép bạn chạy SLI nên một ngày đẹp trời nào đó có nhã hứng nâng cấp hệ thống thì bạn sẽ có thêm lựa chọn mua 1 card nữa gắn vào thay vì phải bỏ card cũ mua card mới.

(Tham khảo Tinh Tế)