Đánh giá card màn hình Asus GTX 1050 Ti Expedition: Tối ưu độ bền, hiệu năng khá nhưng giá quá cao

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/11/2016 04:34 AM

Asus GTX 1050 Ti Expedition đáng ra phải là một dòng card phổ thông giá mềm. Tuy nhiên mức giá hiện tại của nó lại quá cao, khoảng 4 - 4,5 triệu thì hợp lý hơn.​​

Asus GTX 1050 Ti Expedition được giới thiệu với tư cách là một dòng card màn hình có độ bền cao, tối ưu cho việc hoạt động liên tục 24/7 của các phòng net chơi game. Vì vậy mình hoàn toàn có thể hiểu được ngoại hình đơn giản và hiệu năng dừng lại ở mức khá của sản phẩm này. Âu chỉ có một điều mình không hiểu là mức giá khó tin 5,4 triệu; thậm chí còn cao hơn rất nhiều so với những dòng card đầu bảng từ những hãng khác. Mà dĩ nhiên, Expedition không phải là dòng cao cấp nhất của Asus; danh hiệu đó vẫn thuộc về dòng Strix.

Thông tin về Asus GTX 1050 Ti Expedition

Asus GTX 1050 Ti Expedition là sản phẩm thuộc dòng Expedition mới của Asus, hướng đến đối tượng là các phòng net chơi game. Trong môi trường này, độ bền và sự ổn định được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên những dòng card này cũng thường được các game thủ quan tâm nhờ mức giá mềm (dĩ nhiên không phải là lần này) và hiệu năng tốt.

Thông số kỹ thuật

Tên sản phẩm: Asus GTX 1050 Ti Expedition

Chip đồ hoạ: Nvidia GeForce GTX 1050 Ti

Tiến trình sản xuất: 14 nm

Số nhân CUDA: 768

Xung nhịp: 1290 MHz/1392 MHz boost

Bộ nhớ đồ hoạ: 4 GB GDDR5 128 bit

Chuẩn giao tiếp: PCIe 16x 3.0

Cổng cấp nguồn phụ: không cần

Bộ nguồn đề xuất: 300 W

Bảo hành: 3 năm

Giá bán tham khảo tại Việt Nam: 5.399.000 đồng

Nếu bạn là một game thủ thông thường chỉ quan tâm đến tốc độ khung hình cao nhất mà mình có thể đạt được với số tiền bỏ ra thì dòng Expedition là chắc chắn sẽ bị loại ngay từ vòng so giá.

Về cơ bản, Expedition đáng lẽ là dòng giá hợp lý của Asus nhưng chẳng hiểu vì sao mà về Việt Nam giá lại bị đội lên cao đến như vậy. Tuy nhiên trước khi vội vàng kết luận, chúng ta sẽ xem thử Asus mang lại những gì cho game thủ (và các quán net) với GTX 1050 Ti Expedition.

Thiết kế đơn giản

Linh kiện cao cấp

Asus GTX 1050 Ti Expedition đưa chúng ta trở lại quá khứ, thời điểm mà tất cả các card tầm trung đều được thiết kế rất đơn giản. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là thiết kế của nó xấu, chỉ là so với phiên bản cao cấp hơn như Strix thì chênh lệch có hơi bị xa. Thậm chí so với dòng Dual giá tương đương thì bản Expedition này cũng chẳng mấy ấn tượng. Nhưng đứng ở góc độ tích cực hơn, một khi gắn vào thùng máy thì bạn sẽ nhanh chóng quên đi thiết kế của nó... với điều kiện bạn không mua thùng máy có nắp hông trong suốt.

Mặt nạ của Asus GTX 1050 Ti Expedition sử dụng tông màu đen chủ đạo, với thiết kế góc cạnh điểm thêm một số chi tiết màu đỏ. Chính diện thì nhìn cũng khá ổn nhưng chuyển qua 2 cạnh thì thật sự mình hơi thất vọng vì nó thiếu sự chăm chút ở các chi tiết, gây cảm giác hơi rẻ tiền (thật ra khá hợp lý vì đây là dòng card giá rẻ, nhưng... bị đội giá nên chẳng còn rẻ nữa).​

Hệ thống tản nhiệt của Asus GTX 1050 Ti Expedition sử dụng 2 quạt để làm mát. Khối tản nhiệt bên trong kích thước trung bình, chiếm 2 slot. Tuy vậy so với Strix, tản của Expedition chỉ là một khối nhôm với lá tản nhiệt lớn (nhiều lá nhỏ thì hiệu quả hơn ít lá lớn) được áp vào GPU , không sử dụng ống dẫn nhiệt nên hiệu quả thấp hơn.​

Và chúng ta cũng không có ốp lưng (back plate), chỉ một bo mạch pcb đen như bao bo mạch pcb khác. Nếu bạn chú ý kỹ hơn một chút, bo mạch này là bản custom. Asus khá tự hào về việc sử dụng các linh kiện cao cấp, giúp card có thể hoạt động 24/7 và quảng cáo rằng tất cả các card Asus GTX 1050 Ti Expedition đều được test chạy suốt 150 giờ. Ngặt nỗi điều này chỉ có thời gian mới chứng minh được, và chúng ta cứ hãy tạm tin rằng điều này không chỉ đơn thuần là chiêu tiếp thị.​

Ở bên góc của bo mạch bạn sẽ thấy một phần cắt như trên hình. Đứng ở góc độ "tiêu cực", hãng hơi thiếu sự chăm chút về thiết kế. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nhìn ở góc độ "tích cực", bo mạch này được thiết kế với linh kiện đủ chuẩn để ép xung cho nên nó hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu khiêm tốn của chip trong Asus GTX 1050 Ti Expedition. Phần bị cắt là vị trí đầu cấp nguồn phụ 6 pin mà bạn sẽ thấp ở dòng Strix.

Kết nối cũng khá khiêm tốn với 1 cổng DisplayPort, 1 HDMI và 1 DVI. Nhưng về cơ bản vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của hầu hết các bạn game thủ thông thường. Cũng cần lưu ý là cổng DVI ở đây là DVI-D, tức là chỉ xuất tính hiệu kỹ thuật số nên bạn sẽ không dùng được các đầu chuyển DVI sang VGA giá rẻ.​

Trái ngược với sự đơn giản của thiết kế, phần chân cắm PCIe 16x 3.0 của Asus GTX 1050 Ti Expedition lại có thiết kế khá cầu kỳ. Điều này là vì nó sử dụng bo mạch custom cao cấp (nhưng bị cắt giảm đầu cấp nguồn). Đứng ở góc độ công bằng, Asus GTX 1050 Ti Expedition hướng tới chủ yếu là các phòng net nên việc hãng không quá quan tâm đến ngoại hình là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bo mạch của dòng Expedition là loại custom, nhiều khả năng dùng chung với Strix, nên cũng tương đối có cơ sở khi hãng quảng bá về độ bền cũng như khả năng hoạt động 24/7 của card. Dù vậy nó thật sự chưa tương xứng với mức giá 5,4 triệu đồng.

Đánh giá hiệu năng

Cấu hình thử nghiệm

Hệ thống thử nghiệm lần này mình sẽ vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng Skylake cho thân thiện với mọi người:

Cấu hình chi tiết bao gồm: CPU Intel Core i7-6700, bo mạch chủ Asus Z170A, RAM 16 GB Gskill DDR4-3200, 120 GB Intel 520 SSD, PSU FSP Raider 650 W, driver và phiên bản game mới nhất vào thời điểm mình viết bài.

Cách thử nghiệm

Đối với các trò có benchmark tích hợp thì mình sẽ dùng luôn, còn một số game không có thì mình sẽ chơi một đoạn (chi tiết đoạn nào thì mình sẽ nói bên dưới) rồi xem log để tính fps trung bình. Thiết lập đồ hoạ được đặt ở mức cao nhất, không bật khử răng cưa (nếu như không phải là mặc định). Một số trường hợp đặc biệt thì mình sẽ đưa thêm kết quả ở mức thiết lập thấp hơn.

Lưu ý, điểm số sử dụng công cụ benchmark có sẵn (Rise of The Tomb Raider, Rainbow 6: Siege) và 3DMark thì bạn có thể dùng nó để so sánh với những dòng card khác mà mình từng đánh giá trước đây. Còn những trò chơi mà mình tính trung bình bằng log fps thì chỉ mang tính chất tham khảo, giúp bạn đánh giá được tầm khả năng của card. Những điểm số này khi so sánh chỉ là tương đối. Bạn có thể tham khảo trạng thái của card ở góc trên bên trái, được lấy bằng ứng dụng After Burner.

Kết quả

3Dmark Time Spy

3D Mark Firestrike Ultra

Rise of The Tomb Raider

Điểm trung bình lấy từ công cụ benchmark tích hợp. Game khuyến cáo là chỉ nên chọn thiết lập High cho card có bộ nhớ 4 GB nhưng kết quả của Very High cũng không đến nỗi tồi. Dĩ nhiên, khi chơi chỗ nào cần RAM nhiều thì bạn có thể sẽ gặp hiện tượng lag, đứng hình,...

Rainbow Six: Siege

The Witcher 3: Wild Hunt

Do game không có công cụ benchmark sẵn nên mình chọn khúc đánh mấy con ghoul ngay sau đoạn cắt cảnh mở đầu game. Witcher 3: Wild Hunt trong những game nặng nhất hiện nay mà ngay cả những dòng cao cấp như GTX 1080 còn điêu đứng nên không có gì bất ngờ khi GTX 1050 Ti cũng chịu không thấu khi max setting. Bởi vậy mình bổ sung thêm kết quả ở thiết lập Low để các bạn tham khảo.​

Doom (2016)

Battlefield 1

Skyrim Special Edition (2016)

Tốc độ khung hình tính từ lúc mở đầu game cho đến khi nhân vật chính được thả tự do. Bethesda mặc định V-Sync nên tốc độ khung hình tối đa bị giới hạn ở 60 fps, vì vậy cũng ảnh hưởng đôi chút đến việc tính tốc độ khung hình trung bình. Thật ra bạn vẫn có thể vào file hệ thống chỉnh sửa để tắt V-Sync nhưng nó khá phiền, cũng như chạy cao hơn 60 fps thì Skyrim rất dễ bị dính lỗi vật lý như Fallout 4 trước đây.

Overwatch

Tốc độ khung hình trung bình mình tính bằng cách lập một màn chơi custom và loạn đả với 9 con bot Anna.

Nhiệt độ hoạt động, độ ồn, điện năng tiêu thụ

Hệ thống thử nghiệm của mình đặt trong phòng máy lạnh 24 độ, nhiệt độ khi hoạt động trung bình là 82 độ, khá nóng. Mặc định tốc độ quạt lúc này là 60%, tuy nhiên khi mình kích lên 100% (bằng After Burner) thì nhiệt độ vẫn không được cải thiện. Như vậy vấn đề nằm ở khối tản nhiệt, do thiết kế với các lá nhôm lớn cũng như không sử dụng ống dẫn nhiệt (để rút nhiệt từ GPU nhanh hơn) nên nó không hiệu quả cho lắm. Được cái quạt khá êm, 60% thì không gây ra tiếng ồn đáng kể ở khoảng cách 1,5m. Kích lên 100% thì bắt đầu hú hơi khó chịu đôi chút, nhưng mình đã nói ở trên thì chẳng mang lại hiệu quả gì cả.

Nói về xung nhịp thì hơi phức tạp một chút. Về cơ bản, khi cấp đủ 100% định mức điện năng thì xung nhịp của card sẽ lên được vào khoảng 1658 Mhz. Tuy nhiên mức này chỉ giữ được ở một thời gian ngắn do hệ thống tản nhiệt chịu không nổi. Định mức giới hạn nhiệt độ của card là 82 độ, khi nhiệt độ chạm ngưỡng này thì xung nhịp sẽ tự độ hạ xuống, đồng thời hiệu năng cũng giảm luôn. Mức giới hạn xung nhịp là 1291 MHz, chạm ngưỡng này thì giới hạn nhiệt độ đẩy lên 94 độ.

Trong môi trường thử nghiệm thì xung nhịp ổn định của card vào khoảng 14xx MHz, nhưng nếu như bạn dùng trong môi trường thông thường có thể sẽ thấp hơn nữa. Đây cũng là lý do mà bạn sẽ thấy khi benchmark (3D Mark, RoTR và Rainbow Six: Seige) điểm số khá cao, chỉ thấp hơn đôi chút so với dòng cao như G1. Thế nhưng khi chơi thực tế khoảng 10 phút thì xung nhịp bắt đầu hạ, tạo ra sự chênh lệch nhiều hơn trong các phép thử còn lại.

Do card sử dụng hoàn toàn điện năng lấy từ khe PCIe 16x 3.0, tối đa là 75 W, nên mình khuyến cáo là không nên ép xung. Mà thật ra có muốn cũng chả ép được vì tản nhiệt của card ngay từ đầu đã không chịu nổi nhiệt toả ra của mức TDP mặc định.

Bảng tổng hợp kết quả và so sánh

Do mình bổ sung thêm một số tựa game mới ra cũng như chuyển qua cách tính tốc độ trung bình mới nên tạm thời chỉ có kết quả của 3DMark và Rise of The Tomb Raider là so được với những bài đánh giá trước. Trong thời gian tới mình sẽ cập nhật lại kết quả để chúng ta so sánh được nhiều trò hơn.

Lưu ý: để cho dễ xem thì mình nhân 100 cho điểm fps của Rise of the Tomb Raider và Rainbow Six: Siege, chẳng hạn như 8220 tương đương với 82,20 fps Các dòng card trong bảng so sánh: ASUS GTX 1050 Ti Expedition, GIGABYTE GTX 1050 Ti G1 GAMING, GIGABYTE GTX 1060 G1 GAMING và GIGABYTE GTX 1070 XTREME GAMING.

Kết luận

Nếu chỉ xét về mặt hiệu năng, Asus GTX 1050 Ti Expedition đáp ứng tốt kỳ vọng của các bạn game thủ về một dòng card "phổ thông": có thể max setting hầu hết các trò chơi mới ở độ phân giải FullHD với tốc độ khung hình khá mượt (có thể hơn 60 fps). Card không cần nguồn phụ cũng là một điểm cộng đối với các tiệm net hay các bạn game thủ muốn xây dựng hệ thống tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên vấn đề nằm ở hệ thống tản nhiệt của card không được xuất sắc như mong đợi, khiến nhiệt độ hoạt động cao và hạn chế GPU bên trong thể hiện hết khả năng. Mức giá 5,4 triệu đồng quả thật là rất cao, ngay cả đối với một thương hiệu lớn như Asus.

Tóm tắt ưu nhược điểm của Asus GTX 1050 Ti Expedition

Ưu điểm

Sử dụng bo mạch PCB custom

Linh kiện chất lượng cao

Không cần nguồn phụ

Quạt êm Bền, có thể hoạt động liên tục 24/7 (theo hãng giới thiệu, cái này mình không test được)

Nhược điểm

Thiếu sự chăm chút về thiết kế

Nhiệt độ hoạt động cao (82 độ trong môi trường máy lạnh 24 độ)

Tản nhiệt giới hạn khả năng của GPU

Giá quá cao

Vậy Asus GTX 1050 Ti dành cho ai?

Với mức giá như hiện tại, mình thật sự cũng chẳng biết là bên hãng họ hướng đến đối tượng nào nữa. 5,4 triệu đồng là quá cao so với một dòng card GTX 1050 Ti, mà thậm chí đây không phải là dòng cao cấp nhất. Thiết kế thiếu sự chăm chút và nhiệt độ hoạt động cao; kết hợp với hiệu năng cũng chỉ dừng lại ở mức khá (trong môi trường mát mẻ, còn bạn bỏ trong thùng máy đối lưu không khí không tốt thì hiệu năng còn giảm xuống nữa).

Cứu cánh duy nhất của sản phẩm này là linh kiện sử dụng là loại tốt, phần nào giúp cho giới thiệu về độ bền của hãng có cơ sở. Nhưng đây là điều rất khó để đánh giá, trừ khi bạn sử dụng lâu dài. Nói tóm lại, Asus GTX 1050 Ti Expedition đáng ra phải là một dòng card phổ thông giá mềm. Tuy nhiên mức giá hiện tại của nó lại quá cao, khoảng 4 - 4,5 triệu thì hợp lý hơn.

(Tham khảo Tinh Tế)