Đánh giá card đồ họa GeForce GTX 1080 – Ông vua mới là đây chứ đâu!

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/05/2016 09:49 AM

Mạnh mẽ, giá rẻ, ăn ít điện, chẳng còn gì đáng để lăn tăn khi chúng ta gọi mẫu card đồ họa mới GTX 1080 cái tên đầy kính nể: “nhà vua”.

Kể từ khi chính thức được giới thiệu tại sự kiện GTC Event vào tháng 04 vừa qua, ngay lập tức GTX 1080 đã trở thành một cơn sốt đúng nghĩa đen với sức mạnh chưa từng có, ăn đứt cả GTX Titan X về sức mạnh xử lý của một mẫu card đồ họa đơn nhân, cùng lúc đó sở hữu độ tiêu thụ điện năng cực thấp, chỉ ở tầm của GTX 980 và mức giá chỉ khoảng 700 USD, tương đương 14 triệu Đồng. Chỉ nhiêu đó đã kịp khiến biết bao con tim thuộc về “đội xanh” phải thổn thức. Thậm chí nhiều ông vốn thuộc đội đỏ, với con quái vật từng vô đối, R9 295X cũng đã phải rục rịch chuyển nhà vì GTX 1080 quá bá.

Nhắc lại lịch sử một chút. Kể từ giai đoạn 2012 với kiến trúc Kepler, sau đó là Maxwell của năm 2014, mãi đến bây giờ Nvidia mới có một cuộc cách mạng về giá và điện năng tiêu thụ dựa trên hiệu năng hoạt động như nền tảng Pascal. Bắt đầu với GTX1080, mẫu card đồ họa sẽ ra mắt vào ngày 27/05 tới đây, kế đến là GTX 1070 vào ngày 10/06 tới.

Vào ngày hôm qua, trang TechPowerUp đã có bài đánh giá chi tiết mẫu card đồ họa cực chất này với phiên bản Founder’s Edition do chính Nvidia tạo ra. Vậy cơn sốt liệu có phải là sự thật, GTX 1080 liệu có phải nhà vua mới hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

Pascal là gì, có ăn được không?

Câu trả lời là có. GTX 1080 được dựa trên mẫu GPU lớn thứ nhì từng được tạo ra, GP 104 Pascal, chỉ đứng sau kiến trúc GP100, mà nhiều người mê phần cứng máy tính và “fan đội xanh” biết đến với cái tên Tesla. Vấn đề nằm ở chỗ, card đồ họa Tesla là những mẫu phần cứng hỗ trợ tính toán đa luồng phục vụ cho siêu máy tính và những tác vụ liên quan đến khoa học, kỹ thuật chứ không phải render đồ họa 3D như Pascal của GTX 1080.

Bỏ qua những lý thuyết mà game thủ thường chẳng mấy quan tâm như CUDA cores hay SM (Streaming Multiprocessors), vì chúng ta chỉ cần biết card lắp vào máy tính bật game chạy hết cấu hình có được 60 FPS hay không mà thôi. Vì thế hãy chuyển qua bộ nhớ mà GTX 1080 sử dụng. Đây là mẫu card đồ họa đầu tiên sử dụng chip nhớ GDDR5X.

Điều này có nghĩa là gì? Tốc độ băng thông xử lý thông tin của GDDR5X nằm ở mức 14GHz tối đa. Đó là lúc bạn overclock. Còn ở phiên bản tiêu chuẩn, RAM clock được đặt ở tốc độ 10 GHz. Kết hợp với nền tảng 256-bit, thì băng thông xử lý của GTX 1080 nằm ở mức 320GB/s. Hiểu một cách đơn giản, so với GTX 980, thì tốc độ băng thông xử lý các tác vụ của GTX 1080 cao gấp 1,7 lần.

Với nền tảng DirectX 12 của Windows 10 mới ra mắt gần đây, những ứng dụng, hay nói đúng hơn là game tối ưu cho DirectX 12 cũng mặc định sẽ tối ưu với cả những chế độ SLI hay Crossfire của các mẫu card đồ họa, miễn là chúng hỗ trợ tốt API của hệ điều hành mới. Và Nvidia cho rằng cầu nối SLI để lắp cùng lúc nhiều card đồ họa chiến game độ phân giải 4K hoặc nhiều màn hình cùng lúc cũng cần thêm băng thông. Và thế là SLI HB (High Bandwidth) ra đời, hỗ trợ tối đa nền tảng Pascal mới ra mắt.

Tóm lại, GTX 1080 được tạo ra với mục đích “em xinh em đứng một mình cũng xinh”, mà càng đông thì lại càng vui. Việc lắp cùng lúc nhiều card đồ họa không hề làm giảm sức mạnh của GTX 1080 ở các tác vụ ngặt nghèo như chơi game độ phân giải cao đến cực cao, hoặc chơi game nhiều màn hình. Điều này chỉ làm “hổ mọc thêm cánh” mà thôi.

Đập hộp

Đủ dông dài lý thuyết suông rồi. Ai cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng chiếc card đồ họa bom tấn. Chiếc hộp đẹp đến từng chi tiết, từ nắp nhấc cho tới lớp xốp chịu lực giữ cố định chiếc card đồ họa ở bên trong:

Lên đồ thôi!

Để thử nghiệm chiếc card đồ họa flagship mới của Nvidia, một hệ thống đủ khỏe cũng là điều cần thiết:

CPU: Core i7 6700K 4,5 GHz

Mainboard: ASUS Maximus VIII Hero Z170

RAM: 16 GB Gskill Trident-Z DDR4 3000 MHz

Ổ cứng: WD Caviar Blue 1TB

Nguồn: Antec HCP-1200 1200W

HĐH: Windows 10 64 bit

Driver: NVIDIA: 365.10 WHQL (tham chiếu), AMD: Crimson 16.4.2 Beta (tham chiếu), GTX 1080: 368.16 Beta

Những tựa game dưới đây được thử nghiệm ở 4 chế độ thiết lập độ phân giải nhưng đều được kéo lên tùy chọn đồ họa cao nhất của mỗi game. Anti Aliasing và Anisotropic Filtering được thiết lập theo game chứ không phải thông qua Nvidia Control Center. Bốn chế độ phân giải bao gồm:

1600 x 900 (Độ phân giải tiêu chuẩn của hầu hết màn hình 17 đến 19 inch) 1920 x 1080 (Độ phân giải tiêu chuẩn của hầu hết màn hình 22 đến 26 inch) 2560 x 1440 (Độ phân giải tiêu chuẩn của hầu hết màn hình 27 đến 32 inch) 3840 x 2160 (4K, càng nhiều tiền màn càng đẹp)

Kết quả thử nghiệm (FPS cao hơn = tốt hơn)

Tất cả nói lên điều gì? Đó là GTX 1080 quá bá đạo. Ở nhiều phép thử 4K, đồ họa ultra all, chiếc card đồ họa vẫn phối hợp nhịp nhàng với cả cấu hình máy tính vốn đã rất mạnh được chúng tôi đề cập ở trên để đem lại chất lượng đồ họa và tốc độ khung hình chơi được với nhiều game. Một số game dao động từ 30 đến 50 FPS. Thế nhưng cần nhắc lại một chút, giờ đây để chiến game 4K đủ 60 FPS, bạn sẽ phải cần hai hoặc vài card đồ họa chạy SLI mới đủ cân. Còn ở những phép thử nghiệm này, Tech Power Up chỉ dùng duy nhất 1 card GTX 1080 mà thôi. Ấy mới thấy khả năng của Pascal bá tới đâu.

Đối thủ duy nhất trong các phép thử nghiệm này của GTX 1080 chính là R9 295X, card đồ họa từng vô đối của AMD với hai GPU chứ không phải đơn nhân như nhân vật chính trong bài viết của chúng ta.

Điện năng, độ ồn, nhiệt độ

Không cần nghi ngờ gì, Pascal nói chung và GTX 1080 nói riêng có thể coi là kiến trúc “ăn” điện hiệu quả và tiết kiệm nhất từng có đối với một mẫu card đồ họa flagship cao cấp. Ở chế độ chơi game thông thường, GTX 1080 chỉ “ăn” có 166W, trong khi đại kình địch R9 295X thì ngốn tới 430W, gần gấp 3 lần! Trong khi đó, ở chế độ full load, thậm chí GTX 1080 còn ngốn ít điện hơn cả GTX 970 và 980 cơ, còn R9 295X thì nhìn như một cơn ác mộng theo nghĩa đen, không có nguồn 1200W thì đừng mơ lắp card khủng của AMD!

Tuy nhiên có một vấn đề với độ ồn của quạt lồng sóc trên GTX 1080 phiên bản Founder’s Edition. Ngay cả ở chế độ nghỉ, quạt vẫn quay và chưa thể tùy chỉnh theo ý muốn của game thủ được. Cùng với đó, ở chế độ full tải, card khá nóng khi chạm ngưỡng 80 độ C.

Nhưng đây thật ra không phải vấn đề lớn, vì các hãng lớn như MSI, Asus hay Zotac sẽ sớm tung ra những phiên bản GTX 1080 có clock và tản nhiệt riêng, thậm chí là cả tản nhiệt nước. Điều này không khiến GTX 1080 bớt bá đạo đi tý tẹo nào cả.

Tổng kết

“All hail the king!” Câu nói khi nhà vua bước vào một căn phòng xứng đáng là câu nói thể hiện một cách hoàn hảo những gì GTX 1080 thể hiện trước muôn vàn những con quái vật khác trên thị trường. Từ full HD, 4K, nhiều màn, cho tới những ưu điểm như mạnh mẽ, giá rẻ, ăn ít điện, chẳng còn gì đáng để lăn tăn khi chúng ta đặt cho mẫu card đồ họa mới này cái tên “nhà vua” cả.

Có nên xúc ngay?

Hãy cứ bình tĩnh. Theo những nguồn tin chúng tôi có được, những mẫu card đồ họa GTX 1080 Founder's Edition sẽ cập bến làng game Việt vào tuần sau nhưng với giá ngất ngưởng từ 19 đến 20 triệu Đồng. So với con số 12 đến 14 triệu Đồng phải bỏ ra, thì những vấn đề còn bất cập của phiên bản GTX 1080 đầu tiên này như nhiệt độ cao và quạt không hoạt động hiệu quả là chưa đáng để tậu về.

Cách hay nhất đối với game thủ mà chúng tôi muốn đưa ra chính là chờ đến khoảng tháng 06, khi cả GTX 1080 lẫn 1070 đều có một vài phiên bản custom clock và tản nhiệt để thực sự sở hữu một sản phẩm mà p/p ngon tới mức chẳng còn card đồ họa nào đủ sức cạnh tranh nữa.

Ưu:

- Quá khỏe, quá bá

- Tiêu tốn cực ít điện so với những card đồ họa cùng phân khúc

- Bộ nhớ GDDR5X

- Nhồi nhét đủ công nghệ mới toanh của Nvidia

- Giá không thể nào rẻ hơn

Nhược:

- Vẫn còn khá nóng và quạt chưa tùy chỉnh được, sẽ khắc phục được khi các bản custom ra mắt

- Quạt tản nhiệt ồn, không chạy game mà quạt vẫn quay

- Giá phiên bản Founder's Edition quá cao so với mức giá Nvidia giới thiệu, dù chẳng có gì khủng hơn