Đánh giá card đồ họa Asus Strix RX 470 - Món ngon cho game thủ Việt dịp cuối năm

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/09/2016 03:57 PM

RX 470 có hiệu năng đủ mạnh để chơi tốt các game offline ở độ phân giải Full HD với chất lượng đồ họa cao nhất

Trong khi RX 460 được AMD thiết kế cho nhu cầu chơi game eSports thì mẫu RX 470 lại chứng tỏ sức mạnh ở phân khúc tầm trung, có thể chơi tốt các game offline ở độ phân giải Full HD mà vẫn vượt con số 60 fps (khung hình mỗi giây), ngưỡng tối ưu mà game thủ hướng đến với chất lượng đồ họa cao nhất.

Bên cạnh đó, RX 470 còn được tích hợp một số công nghệ quan trọng như bộ tăng tốc giải mã video chuẩn 4K ở cấp phần cứng. Hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 12 tích hợp sẵn trong Windows 10 lẫn bộ thư viện Vulkan của AMD. Công nghệ FreeSync có tác dụng đồng bộ tốc độ dựng hình của card với tần số quét màn hình để loại bỏ hiện tượng giật, xé hình trong các game đồ họa nặng.

Trong bài viết, chúng ta sẽ có dịp đánh giá thực tế sức mạnh của AMD RX 470 qua mẫu card Asus ROG Strix RX 470 OC, dựa trên cùng các công cụ benchmark tiêu chuẩn và một số tựa game phổ biến hiện nay. Sản phẩm có giá tham khảo 5,75 triệu đồng, bảo hành 3 năm.

Thiết kế, tính năng kỹ thuật

Như đề cập trên, thiết kế mẫu card Asus dựa trên nhân đồ họa RX 470 và được ép xung khi xuất xưởng nên năng lực xử lý đồ họa và số khung hình trong game cũng nhỉnh hơn so với nguyên mẫu của AMD. Cụ thể xung nhịp GPU có thể đạt mức 1.270 MHz ở chế độ OC so với 1.206 MHz của bản tiêu chuẩn.

Nói thêm về RX 480 thì đây là mẫu GPU cao cấp của AMD được thiết kế hướng đến nhu cầu chơi game ở độ phân giải 1440p và trải nghiệm công nghệ thực tế ảo với chi phí vừa phải. Trong khi đó, RX 470 được thiết kế cho nhu cầu chơi game ở chuẩn 1080p với đồ họa chất lượng cao.

Vì vậy, dù vẫn sử dụng nhân đồ họa Polaris 10 tên mã Ellesmere nhưng mẫu GPU tầm trung này chỉ có 32 compute unit (cụm xử lý tính toán) với tổng số stream processing unit (bộ xử lý dòng) là 2.048. Thấp hơn một chút so với RX 480 là 36 CU và 2.304 stream processing unit. Card cũng trang bị 4GB bộ nhớ GDDR5, giao tiếp 256 bit với tổng băng thông 224 GB/s, tương đương RX 480 bản 4GB GDDR5 xét về mặt bộ nhớ đồ họa.

Bên cạnh đó, Asus RX 470 OC còn được tích hợp một số công nghệ quan trọng không kém của thế hệ card mới như bộ tăng tốc giải mã video chuẩn 4K ở cấp phần cứng. Hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 12 được tích hợp sẵn trong Windows 10, OpenCL 2.0, bộ lập trình ứng dụng Vulkan. Công nghệ FreeSync có tác dụng đồng bộ tốc độ dựng hình của card với tần số quét màn hình để loại bỏ hiện tượng giật, xé hình trong những game đồ họa nặng.

Đặc biệt bộ công cụ quản lý điện năng Radeon WattMan, được phát triển dựa trên công nghệ AMD OverDrive, cho phép người dùng tinh chỉnh chi tiết thông số card. Giao diện đồ thị mới giúp dễ dàng theo dõi hoạt động, mức xung nhịp GPU, RAM, nhiệt độ và cả tốc độ quạt.

Bộ tản nhiệt DirectCU II với bộ đôi quạt làm mát cỡ 100 mm và 2 ống dẫn nhiệt tiếp xúc trực tiếp bề mặt GPU, không chỉ tăng hiệu quả tản nhiệt khoảng 30% mà còn giảm tiếng ồn phát sinh, giúp GPU chạy ở chế độ ép xung tốt hơn do nhiệt độ luôn thấp so với tản nhiệt tiêu chuẩn.

Các ngõ xuất tín hiệu hình ảnh gồm 2 DVI, ngõ HDMI 2.0b và DisplayPort 1.4. Thông qua các kết nối tiêu chuẩn tiên tiến, RX 470 có khả năng xuất tín hiệu hình ảnh, âm thanh dạng nén lẫn không nén qua cổng HDMI với độ phân giải 4K, tần số qét 60Hz hoặc 4K HDR @120Hz qua DisplayPort.

Về số pha cấp nguồn, RX 470 sử dụng mạch nguồn 4+1 pha, đầu cắm +12V PCIe 6 chân với công suất yêu cầu chỉ 120W. Như vậy, bạn không phải lo lắng về mức công suất yêu cầu của card vượt quá khả năng cấp nguồn tối đa (75W, theo lý thuyết) của khe PCI Express như với mẫu card tham chiếu RX 480 của AMD vừa qua.

Cấu hình thử nghiệm

Để đánh giá sức mạnh mẫu RX 470 của Asus, Tinhte xây dựng cấu hình thử nghiệm dựa trên nền tảng Haswell-E với bo mạch chủ Asus X99 Deluxe, CPU Intel Core i7-6950X Extreme Edition, bộ nhớ DDR4 Adata XPG Z1 16GB, bus 2.400MHz, SSD Intel 730 480GB chạy ở RAID 0 và nguồn FSP Aurum PT 1000W đạt chuẩn 80 Plus Platinum.

Bên cạnh những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng là 3DMark và Heaven Benchmark 4.0, Tinhte cũng kiểm thử khả năng chiến game ở độ phân giải Full HD (1080p) và QHD (1440p). Quá trình thử nghiệm, hệ thống chạy với thông số thiết lập mặc định của nhà sản xuất và kết quả các phép thử chỉ được ghi nhận sau ba lần test.

Riêng The Witcher 3: Wild Hunt và Doom 2016 mình chỉ ghi nhận kết quả chứ không đưa vào bài viết. Cần thời gian kiểm chứng sự nhất quán, ổn định và đáng tin cậy trước khi dùng làm công cụ benchmark.

Hiệu năng

Kết quả bên dưới cho thấy hiệu năng Asus Strix RX 470 khá tốt và chỉ thấp hơn một chút so với mẫu card tham chiếu RX 480. Chẳng hạn trong công cụ benchmark 3DMark Fire Strike, cấu hình thử nghiệm đạt 9.785 điểm tổng thể và riêng Graphic đạt 10.716 điểm, chỉ thấp hơn khoảng 11,3% so với điểm đồ họa RX 480, đạt 12.077 điểm.

Tương tự trong phép thử TimeSpy dùng được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, hệ thống đạt 3.491 điểm, trong đó chip Core i7-6950X đạt 3.262 điểm và đồ họa RX 460 là 3.535 điểm.

Với Heaven Benchmark, phép thử đồ họa có nhiều nét tương đồng với 3DMark nhưng nhấn mạnh công nghệ Tessellation, khả năng dựng hình của Asus RX 470 đạt 86,9 fps và giảm còn 45 fps khi thiết lập chất lượng đồ họa Extreme. Xem chi tiết kết quả trong biểu đồ so sánh trên.

Ở khía cạnh game thủ, mẫu card Asus đủ để chinh phục tất cả game theo kịch bản Tinhte xây dựng ở độ phân giải Full HD mà vẫn đảm bảo số khung hình vượt con số 60 fps (khung hình mỗi giây), ngưỡng tối ưu mà game thủ hướng đến với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất.

Thậm chí ở độ phân giải WQHD (2.560 x 1.440 pixel), tốc độ xử lý hình ảnh vẫn vượt mức cơ bản 30 fps với thiết lập đồ họa High. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu thiết kế của AMD hướng đến những cấu hình game tầm trung, mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất với các game offline ở độ phân giải Full HD.

Cụ thể với Rise of the Tomb Raider, phiên bản hỗ trợ DirectX 12 và được làm lại từ bản game cùng tên ra mắt người dùng vào năm 2013. Cấu hình thử nghiệm đạt đến 91,7 fps ở 1080p và giảm còn 62,39 fps khi đẩy chất lượng đồ họa lên mức cao nhất. Tương tự số khung hình cao nhất ở chuẩn 1440p là 60,4 fps và thấp nhất đạt 41,7 fps.

Với Ashes of the Singularity thuộc thể loại game chiến thuật vĩ và cũng là một trong những tựa game đầu tiên hỗ trợ đồ họa DirectX 12. Asus RX 470 vẫn chứng tỏ được sức mạnh với kết quả luôn cao gấp đôi RX 460 ở cả 1080p lẫn 1440p; trong đó số khung hình cao nhất là 52,3 fps và thấp nhất là 35,4 fps.

Trong khi đó Batman: Arkham Knight, dù sử dụng engine đồ họa Unreal 3 cũ kĩ nhưng vẫn là tựa game có chất lượng đồ họa đẹp và không hề thua kém những tựa game mới khác. Cấu hình thử nghiệm đạt trung bình 79 fps ở chuẩn 1080p và giảm còn 54 fps ở 1440p, thiết lập đồ họa Normal.

Nhiệt độ, công suất tiêu thụ

Kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark, nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường khoảng 26 độ C.

Ở chế độ không tải, nhiệt độ GPU dao động ở mức 44 độ C, mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm là 158,8W, tính theo trị số trung bình cộng. Trong phép thử đồ họa 3DMark và game, nhiệt độ cao nhất của GPU chỉ 64 độ C và mức công suất cao nhất là 314,7W.

Nếu so với hai phiên bản Sapphire Radeon RX 460 và AMD Radeon RX 480 mình từng thử nghiệm thì nhiệt độ Asus RX 470 thấp hơn đáng kể. Điều này cũng phần nào thấy được hiệu quả của hệ thống tản nhiệt DirectCU II đặc trưng so với tản nhiệt truyền thống dạng hộp kín lồng sóc.

Tổng quan sản phẩm

Với kết quả trên, có thể nhận thấy AMD đã tạo được đối trọng với Nvidia khi ra mắt mẫu RX 470 có tỷ lệ hiệu năng/giá tốt hơn hẳn so với Asus Strix GTX 960 (giá 5,79 triệu đồng). Đây cũng là tin vui cho fan của AMD khi có thêm một lựa chọn card đồ họa tầm trung có giá trị sử dụng tốt nhất trong khả năng tài chính.

Sản phẩm có hiệu năng đủ mạnh để chơi tốt các game offline ở độ phân giải Full HD với chất lượng đồ họa cao nhất. Thậm chí một số game không đòi hỏi cấu hình cao vẫn chơi mượt ở độ phân giải WQHD khi tắt chế độ khử răng cưa và một số hiệu ứng đồ họa nâng cao khác.

Tuy nhiên xét về mức tiêu thụ điện năng thì RX 470 vẫn cần cải thiện nhiều hơn do thiết kế dựa trên nền tảng kiến trúc đồ họa Graphics Core Next. Chính vì vậy mức tiêu thụ năng lượng của card AMD vẫn luôn cao hơn so với card Nvidia Maxwell khi chạy ở mức tải cao.

Ưu điểm

Tỷ suất hiệu năng/giá hấp dẫn.

Trang bị 4GB RAM GDDR5.

Linh kiện chất lượng cao, mang lại sự tin cậy và ổn định.

Chơi tốt game ở độ phân giải Full HD.

Tản nhiệt hiệu quả.

Khuyết điểm

Giá cao hơn so với một số card RX 470 khác.

(Tham khảo Tinh Tế)