- Theo Trí Thức Trẻ | 11/04/2016 03:31 AM
RoG G20 là chiếc máy tính để bàn chuyên chơi game, thiết kế nhỏ gọn vừa được ASUS đem về thị trường Việt Nam. Chiếc máy này sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với những cái tên như Alienware x51 hay MSI Vortex G65. Phiên bản G20 mình mượn được từ ASUS có cấu hình gần max và chúng ta hãy cùng xem G20 có hiệu năng như thế nào qua bài đánh giá dưới đây:
Thiết kế:
ASUS RoG G20 có thiết kế khá độc đáo và viễn tưởng. Vỏ máy được chế tạo bằng nhựa cứng, hoàn thiện dạng nhám. Tổng thể thiết kế hầm hố với nhiều đường cắt, vát sắc cạnh đi kèm các họa tiết được lấy ý tưởng từ các kiến trúc Maya cổ.
RoG G20 thuộc form tower với thiết kế thuôn nhọn từ dưới lên. Phần đáy rộng khoảng 104 mm, trong khi phần đỉnh chỉ rộng 61 mm, 2 tấm panel 2 bên nghiêng theo, nhờ đó khi đặt RoG G20 trên bàn, chiếc máy có thể trụ rất vững trên mặt bàn, tránh tình trạng bị lật nghiêng sang bên. Thiết kế hẹp cũng khiến RoG G20 tiết kiệm được nhiều diện tích, có thể đặt cạnh TV tương tự máy chơi game console.
Phần đáy và đỉnh của G20 được chia đôi theo kiểu thiết kế cách điệu từ chữ X. Kẹp giữa 2 khối đen là phần khung nhựa màu đỏ chạy từ trước ra sau. Tương tự những chiếc máy để bàn chuyên game khác, RoG G20 cũng được trang bị hệ thống đèn LED trang trí. Hệ thống này bao gồm 2 dải đèn phía trước, ẩn bên dưới các họa tiết điêu khắc và 2 dải đèn ẩn bên dưới, gần cạnh sau thùng máy.
Đèn LED có thể được tủy chỉnh theo dải màu sRGB cũng như các chế độ sáng như nhấp nháy, nháy theo nhạc qua phần mềm ASUS AEGIS II nhưng điều đáng tiếc là hiệu quả chiếu sáng của hệ thống đèn này chưa tốt. Ánh sáng phát ra khá yếu và chưa làm nổi bật được vẻ dữ dằn của một chiếc máy bàn thiết kế độc đáo như G20. 2 dải đèn phía sau trông khá chìm và không tạo nên điểm nhấn đáng kể nào cho chiếc máy.
RoG G20 có hệ thống tản nhiệt khá nhỏ gọn nếu so với các mẫu desktop chuyên game cùng phân khúc. ASUS thiết kế các lưới tản nhiệt tại đỉnh máy. Luồng khí nóng sẽ được giải phóng phía trên sau khi được luân chuyển qua 2 quạt tản nhiệt. Ngoài ra do được trang bị card đồ họa kích cỡ dual-width dùng trên máy tính để bàn thông thường nên chiếc card này cũng sở hữu các quạt tản nhiệt riêng, đẩy hơi nóng ra sau.
Kết nối:
Các cổng kết nối được ASUS bố trí trong phần "lõi" màu đỏ của tháp G20. Panel trước ngoài ổ quang lắp dọc còn có 2 cổng USB 3.0. Panel sau thì có thêm 2 cổng USB 3.1 màu xanh lá, 2 cổng USB 3.0 màu xanh dương, 2 cổng USB 2.0 màu đen, LAN, các cổng âm thanh 7.1, cổng HDMI tích hợp trên bo mạch (dùng cho card đồ họa tích hợp). Riêng card đồ họa GTX 980 thì bổ sung thêm một loạt các cổng xuất hình ảnh như 3 cổng DisplayPort, 1 cổng HDMI và 1 cổng DVI.
Điều đáng chú ý trên RoG G20 là 2 cổng nguồn. Chiếc máy này được trang bị một bộ AC adapter thiết kế khá lạ với 2 chiếc adapter nhỏ hơn (giống loại dùng cho laptop) ghép vào nhau. 2 chiếc adapter này lần lượt cấp 2 nguồn vào gồm 180 W và 230 W cho G20.
Khả năng nâng cấp:
Mình đã thử mở RoG G20 ra để xem nội tạng, cách mở thì khá đơn giản, chỉ cần tháo một con ốc dưới đáy, gỡ tấm lưới nhựa trên khe tản nhiệt và trượt ra là có thể thấy được các thành phần bên trong. Điều đáng chú ý là các thành phần phấn cứng được xếp rất gần nhau để tiết kiệm diện tích, mỗi thành phần đều được đặt trong một khung nhôm riêng gắn nhiều ốc cố định. Do đó, để nâng cấp GPU, CPU, RAM, ổ cứng hay chỉ đơn giản là tò mò tháo ra thì chúng ta sẽ mất khá nhiều thời gian để tháo ốc.
Trên chiếc máy mình mượn được, GPU được trang bị là GTX 980 double-width và là phiên bản stock với tản nhiệt 1 quạt và hệ thống các lá nhôm khuếch tán tiêu chuẩn của Nvidia thay vì 1 phiên bản tùy biến như ASUS Strix. RAM thì ASUS dùng RAM SODIMM DDR4 của laptop.
Tiếp theo, máy dùng bo mạch chủ tùy biến, dùng chipset Intel H170. Điều thú vị là để kết nối GPU và bo mạch chủ với vị trí thiết lập là bo mạch và GPU song song với nhau thì ASUS đã dùng một chiếc card nối, chức năng hoạt động thì cũng tương tự những những loại cáp nối PCIe cho GPU thông thường.
Thành phần bạn có thể gắn thêm mà không cần tháo hết máy là ổ cứng. ASUS đã bố trí một khoang chứa ổ cứng 2.5" và có sẵn đầu cắm SATA, bạn có thể gắn ổ SSD hoặc HDD 2.5" bình thường. Các thành phần còn lại thì đều nằm ẩn bên dưới hệ thống tản nhiệt.
Như vậy, xét về phương diện nâng cấp thì chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp hầu hết các thành phần chính của máy bởi bản chất G20 vẫn là một chiếc desktop. Chỉ là hơi mất thời gian để tháo ốc và … mất thêm tiền thôi.
Cấu hình:
Phiên bản mình mượn được từ ASUS có tên đầy đủ là RoG G20CB và được trang bị cấu hình gần max với:
CPU: Intel Core i7-6700 (Skylake), 4 lõi, 8 luồng, tốc độ 3,4 GHz (Turbo Boost 4 GHz), 8 MB Cache, TDP 65 W; GPU: Nvidia GeForce GTX 980 (Maxwell 2 - GM204), 2048 nhân CUDA, tốc độ 1126 MHz (Boost 1216 MHz), 4 GB GDDR5 + Intel HD Graphics 530; RAM: 16 GB DDR4-2133 MHz dual-channel (2 x 8 GB SK Hynix SODIMM trên 2 slot); Ổ cứng: 1 ổ Samsung SM951 M.2 2280 NVMe 256 GB + 1 ổ Toshiba DT01 3,5" 7200 rpm 1 TB; Kết nối không dây: Wi-Fi ac.
Ngoài ra ASUS còn cung cấp nhiều tùy chọn cấu hình khác với CPU Core i5 4 lõi, nhiều phiên bản GPU như Nvidia GeForce GT 740, GTX 745/950/960/970/980 và AMD Radeon R9 380. RAM tối đa 32 GB DDR4, ổ cứng bên cạnh ổ SSD M.2 256 GB còn có tùy chọn ổ SSD 512 GB 2,5" SATA III và ổ HDD tối đa 3 TB.
Hiệu năng:
Với cấu hình trên, RoG G20CB có thể chạy tốt hầu hết các tựa game nặng hiện nay. Trước khi đến với phần thử nghiệm game thực tế thì mình cũng thử so sánh điểm số benchmark của RoG G20CB với những chiếc máy laptop chơi game mạnh nhất hiện nay với số liệu benchmark từ Notebookcheck. G20CB cũng là chiếc desktop chuyên game đầu tiên mình đánh giá nên chưa có số liệu benchmark của những hệ thống tương tự như Alienware X51 R3 hay MSI Vortex để so sánh.
Những chiếc laptop được chọn gồm ASUS GX700 có OC, Eurocom Sky DLX7 và Schenker XMG U726. Chúng đều có cấu hình rất mạnh và đều sử dụng GPU Nvidia GeForce GTX 980 dành cho laptop (còn gọi là GTX 980MXM). Phiên bản này mang hiệu năng của GTX 980 desktop lên laptop khi sở hữ thông số tương tự như dùng chip GM204 Maxwell 2, 2048 shader, xung nhịp tối đa 1228 MHz, 4 GB GDDR5 3500 MHz, hỗ trợ OC sẵn nhưng tiêu thụ điện năng thấp hơn đôi chút.
Về phần CPU thì Core i7-6700 là phiên bản Core i7 thế hệ thứ 6 dành cho desktop mạnh thứ 2 hiện nay chỉ sau phiên bản mở khóa xung là 6700K. Core i7-6700 có 4 lõi 8 luồng với xung nhịp cơ bản 3,4 GHz (Turbo Boost lên 4 GHz). Trong những mẫu máy mình chọn thì có 2 chiếc máy barebone gồm Eurocom Sky DLX7 và Schenker XMG U726 dùng CPU của desktop, lần lượt là Core i7-6700K và Core i7-6700. Các mẫu máy còn lại đều dùng CPU của laptop thông thường với phiên bản Core i7-6820HK. Riêng chiếc ASUS GX700 đã được OC với hệ thống đi kèm nên con Core i7-6820HK trên máy chạy ở xung nhịp 4 GHz.
Về RAM, tất cả những chiếc laptop được so sánh và RoG G20CB đều dùng chuẩn RAM DDR4, tốc độ 2133 hoặc 2400 MHz, thiết lập kênh đôi. Ổ cứng đều là SSD dùng giao tiếp PCIe x4 NVMe, chuẩn M.2 2280. Trong số các mẫu laptop này thì có 2 chiếc máy chạy 2 ổ với thiết lập RAID 0. Như vậy có thể nói đem RoG G20CB ra so với những chiếc laptop khủng này cũng không quá khập khiễng.
Đầu tiên là bài test Cinebench chấm điểm hiệu năng xử lý đa lõi và đơn lõi của CPU. Kết quả ASUS RoG G20CB đạt 807 điểm đa lõi và 161 điểm đơn lõi. Điểm số này rất sát với chiếc máy Schenker dùng cùng 1 loại CPU Core i7-6700, cao hơn chiếc MSI GT72S nhưng lại thua khá nhiều chiếc Eurocom chạy Core i7-6700K hay ASUS GX700 với Core i7-6820HK đã OC với xung nhịp cao hơn 600 MHz.
Tiếp theo khi thử nghiệm với PCMark 8 và PCMark 7, kết quả cũng cho thấy hiệu năng tổng thể của RoG G20CB vẫn rất tốt qua từng nội dung. Trong tất cả các bài test thì ASUS GX700 với thế mạnh là khả năng OC đã đẩy xung nhịp CPU và GPU lên cao hơn, chưa kể là ổ cứng chạy RAID 0 cho tốc độ truy xuất trên 2900 MB/s đã vượt qua tất cả những chiếc laptop còn lại và kể cả RoG G20CB vốn là desktop. Ở nội dung Work, chúng ta có thể thấy rõ vai trò của ổ cứng chạy RAID 0 khi mang lại điểm số cao hơn cho ASUS GX700 và MSI GT72S so với những hệ thống dùng ổ SM951 NVMe PCIe x4 nhưng không chạy RAID.
Chuyển sang nội dung 3DMark 11 và 3DMark 13 đánh giá hiệu năng đồ họa, G20CB với card đồ họa GTX 980 desktop cho hiệu năng khá tương đồng với phiên bản GTX 980 trên laptop. Ở nội dung test nặng nhất là Fire Strike, RoG G20CB và các mẫu máy còn lại đều đạt điểm số trên 11000 điểm, RoG G20CB dẫn đầu với 11203 điểm. Ở nội dung Fire Strike Extreme với nội dung render chạy ở độ phân giải QHD, RoG G20CB đạt 5822 điểm và ở nội dung Fire Strike Ultra đánh giá khả năng chơi game ở độ phân giải 4K, RoG G20CB đạt 3053 điểm, bám sát điểm số với các mẫu máy còn lại.
Tuy nhiên, tại một số nội dung test nhất định thì điểm số của G20CB lại tỏ ra thua kém khá nhiều, đặc biệt là ở những nội dung vốn đòi hỏi không nhiều hiệu năng xử lý của phần cứng đồ họa như Ice Storm hay kiểu test cũ như 3DMark 11.
Về tốc độ ổ cứng SSD, RoG G20CB được trang bị ổ Samsung SM951 chuẩn M.2 2280 dùng giao tiếp NVMe PCIe x4. Chiếc ổ cứng này cho tốc độ đọc ghi rất cao với 1910 MB/s đọc liên tục và 1185 MB/s ghi liên tục (Sequential). So với những hệ thống dùng cùng ổ Samsung SM951 như Eurocom Sky DLX7, Schenker XMG U726 thì tốc độ đọc ghi khá tương đương nhau. Riêng những chiếc máy dùng 2 ổ chạy RAID 0 thì tốc độ đọc sẽ thường trên 2000 MB/s, chẳng hạn như ASUS GX700 có tốc độ đọc đến trên 2900 MB/s hay MSI GT72S là 2500 MB/s. Một điều đáng chú ý là tốc độ ghi của ổ Samsung SM951 trên RoG G20CB lại thấp nhất trong số những chiếc máy được so sánh và thấp hơn cả những chiếc máy dùng cùng ổ.
Hiệu năng chơi game thực tế, tất cả các game đều được chơi ở độ phân giải Full HD.
Call of Duty Advanced Warfare:
Texture Quality: Automatic; Antisotropic Filtering: Low; Shadow: On (High); Post Process: High, Ambient Occlusion: HBAO+; Anti-aliasing: SMAA T2x, Supersampling: Off > trung bình 130 fps Texture Quality: Extra; Antisotropic Filtering: High; Shadow: On (High); Post Process: High, Ambient Occlusion: HBAO+; Anti-aliasing: SMAA T2x, Supersampling: 16x > trung bình 18 - 22 fps Metro Last Light:
Quality: Very High; SSMA: 6x; Texture Filtering: AF 16x; Tesselation: Very High > trung bình 24 fps Quality: Very High; SSMA: 2x; Texture Filtering: AF 4x, Tesselation: Very High > trung bình 52 - 60 fps Raibow Six Siege:
Texture Quality: Very High; Texture Filtering: Antisotropic 16x; LOD Quality: Ultra; Shading Quality: High; Shadow Quality: Very High; Ambient Occlusion: HBAO+; Post Process Ani-Aliasing: T-AA; Multisample Anti-Aliasing: TXAA 4x > trung bình 48 - 54 fps Far Cry 4:
Texture: Ultra; Shadow: Ultra; Post FX: Ultra; Geometry/Vegetation/Terrain/Water/Environment: Ultra; Lightning: High; Ambient Occlusion: HBAO+; Anti-Aliasing: TXAA 4x; Godrays: Volumetric fog > trung bình 50 - 60 fps.
Qua bảng so sánh kết quả và tỉ lệ khung hình, điều mình thắc mắc là tại sao G20CB với phần cứng mạnh như vậy nhưng điểm số và hiệu năng chơi game vẫn chưa cao như mong đợi. Vậy điều gì khiến RoG G20CB chạy "dưới sức"? Mình chắc chắn là do hiệu quả tản nhiệt của hệ thống không cao khiến CPU lẫn GPU không thể chạy với công suất tối đa.
G20 được trang bị hệ thống tản nhiệt khí 2 quạt. Hệ thống này gồm 2 ống đồng dẫn nhiệt trực tiếp từ CPU ra hệ thống lưới nhôm lớn, xếp theo hàng chạy dọc theo cạnh trên của máy. Luồng nhiệt từ CPU được truyền đến hệ thống lưới nhôm và được giải phóng bởi 2 quạt. 2 chiếc quạt này hoạt động rất êm dù ở tình trạng tải nặng và có thể quay theo nhiều tốc độ khác nhau tùy theo nhu cầu tản nhiệt. Tuy nhiên, để đổi lấy sự êm ái thì G20CB phải hy sinh hiệu năng, cụ thể:
Khi chạy không tải, nhiệt độ của CPU trung bình khoảng 41 độ C, nhiệt độ GPU khoảng 35 độ C. Khi tải nặng, điển hình như chơi game thì nhiệt độ CPU khoảng 68 - 70 độ C, nhiệt độ GPU cao nhất 81 độ C. Như vậy, có thể nói hiệu quả tản nhiệt của hệ thống này không cao khiến CPU nhanh chóng leo lên mốc nhiệt độ hoạt động tối đa theo thiết kế là 71 độ C. Do đó, Core i7-6700 chưa thể chạy max xung 4 GHz, thường chỉ nằm ở khoảng 3,5 đến 3,6 GHz.
Chưa kể là ASUS trang bị cho máy card đồ họa GTX 980 stock của Nvidia với chỉ 1 quạt tản nhiệt, không gian bên trong rất hẹp, thiếu khí. Khi thử chạy 3DMark 13, nhiệt độ GPU tăng vọt lên 81 độ và giảm chậm khiến GPU không thể chạy với công suất tối đa. Do đó, khi chơi game với thiết lập đồ họa cao, tỉ lệ khung hình mà máy đạt được vẫn chưa xứng với hiệu năng thật sự của GTX 980.
Kết luận:
ASUS RoG G20CB là một chiếc máy bàn chuyên game có thiết kế lạ mắt, hầm hố và đậm chất RoG. G20CB cũng nhỏ gọn, tiết kiệm diện tích đáng kể trong khi vẫn sở hữu phần cứng mang sức mạnh của một chiếc máy bàn bình thường. Tuy nhiên, với một số tựa game đốt cấu hình G20CB vẫn chưa thể cho phép chúng ta chơi với thiết lập đồ họa tối đa bởi những hạn chế của hệ thống tản nhiệt. Do đó, chúng ta buộc phải cân bằng thiết lập đồ họa để giữ khung hình.
Điểm mình thích ở ASUS RoG G20CB là chúng ta vẫn có thể nâng cấp phần cứng cho máy về sau mà không quá lệ thuộc vào hãng sản xuất. Các phần cứng của RoG G20CB rất tiêu chuẩn và khá dễ tìm trên thị trường. ASUS cũng hỗ trợ bảo hành 2 năm theo dịch vụ VIP Service cho RoG G20CB.
Với cấu hình trên, ASUS RoG G20CB có giá 49 triệu 990 ngàn đồng, một mức giá rất cao và hơi khó tiếp cận. Ở tầm giá này, anh em thích máy bàn chơi game sẽ có rất nhiều lựa chọn. Với 50 triệu đồng thì anh em sẽ có thể build được thùng máy có cấu hình tốt hơn với tùy chọn GPU GTX 980Ti, tản nhiệt tốt hơn, case cũng nhiều lựa chọn, và thậm chí có thể sắm thêm màn hình và gaming gear.
Nếu so với laptop chơi game có hiệu năng tương tự như 4 chiếc máy mình chọn ở trên thì RoG G20CB dĩ nhiên rẻ hơn nhiều (GX700 có giá trên 80 triệu đồng trong khi những chiếc máy barebone như Eurocom hay Schenker có giá đến 100 triệu đồng). Dĩ nhiên, chúng ta vẫn cần phải mua thêm màn hình để sử dụng G20CB, bàn phím và chuột ASUS có tặng kèm nhưng khá "chuối" nên hẳn anh em sẽ ưu tiên những chiếc phím cơ và chuột game.
Ưu điểm:
Thiết kế đẹp, gọn, đậm chất gaming;
Đầy đủ kết nối, nhiều tùy chọn cấu hình;
Hiệu năng khá cao;
Có thể nâng cấp phần cứng.
Nhược điểm:
Dàn đèn LED đẹp nhưng hơi thiếu sắc;
Tản nhiệt chưa hiệu quả ảnh hưởng đến hiệu năng;
Giá thành cao.
Theo Tinhte.