Đánh giá Asus Maximus IX Hero - Cặp đôi hoàn hảo cho game thủ Việt với Core i7

HakieS  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/03/2017 08:00 AM

Chiếc bo mạch chủ này của Asus vẫn có đầy đủ những tính năng hoàn hảo của một thiết bị mà bạn phải có trong hệ thống máy tính chơi game tại gia của bản thân

Thế hệ chipset Z270 mới nhất của Intel vừa ra mắt đã chứng kiến sự trở lại không thể tuyệt vời hơn của những chiếc bo mạch chủ đến từ ASUS sau một thời gian dài bị “ngủ quên”, điều dễ dàng chúng ta nhận thấy đó là những chiếc bo mạch chủ với mác ROG Maximus đã trở lại là dòng sản phẩm cao cấp, high-end và đặc biệt dành cho các “dân chơi thứ thiệt”. Và một dòng sản phẩm mang tên ROG Strix sẽ “tiếp quản” phân khúc tầm trung của ASUS.

Vậy điều này có nghĩa lý gì? Thứ nhất, những chiếc mainboard Maximus sẽ đắt tiền hơn một chút, đặc biệt là hai sản phẩm Maximus Ranger và Maximus Gene (trước đây là hai chiếc bo mạch chủ của dòng sản phẩm Maximus có mức giá “dễ thở” nhất) thì được ASUS hạ xuống cùng phân khúc ROG Strix.

Trên thực tế, những sản phẩm Ranger và Gene này có mức giá vẫn không khác xưa là mấy, chỉ là bây giờ không được “ngồi chung mâm” với các chiếc bo mạch Maximus khác thôi. Ví dụ như chiếc Maximus VIII Ranger có mức giá xấp xỉ 5,6 triệu Đồng, thì phiên bản Z270 thay thế mang tên ROG Strix Z270F cũng có giá xấp xỉ tầm 6 triệu Đồng.

Và trong bài viết này, chúng tôi muốn đem đến cho quý độc giả một sản phẩm “bình dân” nhất trong dòng sản phẩm Maximus mới nhất của thế hệ chipset Z270 mang tên Maximus IX Hero, “bình cũ rượu mới” hay một sự thay đổi khác biệt so với những thế hệ Maximus đi trước, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sản phẩm này.

Hiện tại Maximus IX Hero đang được bán trên thị trường Việt Nam với giá 7,8 triệu Đồng.

Những tính năng hot chỉ có ở Maximus IX

Là sản phẩm có mức giá rẻ nhất của dòng sản phẩm Maximus IX, và nếu như bạn là một người hay tìm hiểu về linh kiện máy tính, ít nhiều bạn sẽ thấy điểm tương đồng của chiếc Maximus IX Hero này với chiếc bo mạch VIII Hero Alpha, một trong những chiếc bo mạch chủ được ASUS giới thiệu khá là muộn đối với chipset Z170.

So với Hero Alpha thì phiên bản IX Hero này đã được ASUS lược bỏ đi module wifi, một trong những điểm có thể nâng giá thành của một chiếc bo mạch chủ lên khá nhiều, mà ASUS thì đang hướng chiếc IX Hero tới mức giá rẻ nhất trong dòng sản phẩm Maximus mới này. Bù lại thì IX Hero lại có cho mình chip giải mã âm thanh Realtek ALC1220 trong cái mác ROG SupremeFX S1220, và hệ thống chip giải mã âm thanh này đem đến cho người dùng một chất âm tốt hơn rất nhiều so với chip ALC1150 ở trên những chiếc bo mạch chủ Z170.

Đối với những game thủ yêu nhạc, thì hệ thống giải mã SupremeFX S1220 này thậm chí còn tích hợp 1 DAC ESS Sabre ES9023P và chip op-amp RC4850. Với nhiều game thủ, thông tin này khá khó hiểu, nên chúng tôi sẽ giải thích một chút. ESS Sabre là một thương hiệu DAC được nhiều audiophile biết tới và yêu thích, hiện diện trong nhiều sản phẩm âm thanh cao cấp. Chính vì thế ở chừng mực nhất định, nếu bạn dùng những chiếc tai nghe có chất lượng tốt, mainboard này cắm chay âm thanh vẫn sẽ cực kỳ ấn tượng. Đi cùng với đó là phần mềm Sonic Radar III và Sonic Studio III cho những game thủ thích âm thanh ấn tượng khi chơi game và xem phim.

Bỏ đi những cổng cắm U.2 giống như trên Hero Alpha, ASUS đã tăng them một cổng cắm M.2 khác trên chiếc bo mạch IX Hero này, và dĩ nhiên vẫn sẽ có 6 cổng SATA như những chiếc bo mạch chủ cấp cao khác. Và theo như chúng tôi thấy, việc ASUS loại bỏ đi những cổng cắm U.2 và thay thế bằng cổng M.2 là một bước đi khá đúng đắn, khi mà 6 cổng SATA đã là quá đủ và cùng với đó là công nghệ Intel Optane đang gây được sức hút với người dùng thì việc trang bị hai cổng M.2 sẽ cho phép người dung vừa sử dụng SSD của mình cũng như vừa được “nghịch ngợm” với công nghệ mới của Intel bằng một chiếc SSD M.2 khác.

Và cảm ơn trời khi chiếc bo mạch chủ Maximus IX Hero có nút power, reset và CMOS clear ngay trên main, một trong những điều mà hầu hết những chiếc main Z270 giá rẻ đều không trang bị.

Thật ra mà nói, việc có những nút này thì chỉ tốt dành cho anh em chúng tôi, vì sự tiện lợi của nó mỗi khi phải viết bài trải nghiệm như này khi đặt trên benchtable và có thể làm được mọi việc ngay trên mainboard. Còn khi lắp vào case máy tính thì có lẽ ngoại trừ lúc máy tính gặp trục trặc, chẳng ai đụng tới nó cả.

Và một trong những điểm rất mới đó chính là những miếng nhựa che được in 3D, có rất nhiều vị trí bạn có thể lắp những miếng nhựa này, và bạn hoàn toàn có thể tự chỉnh sửa và đem đi in 3D và biến chiếc bo mạch chủ IX Hero thành một chiếc bo mạch chủ được ký tên và đóng dấu tên bạn.

Khi xu hướng “lập lòe” đi muôn nơi như hiện nay, thì không có lý do gì để ASUS không trang bị cho những chiếc bo mạch chủ Maximus của mình một tính năng mang tên Aura Sync – cho phép bạn kết nối hệ thống LED RGB 16.8 triệu màu của chiếc bo mạch chủ với card đồ họa, bàn phím và cả chuột nữa, đương nhiên là những sản phẩm này phải tương thích với tính năng Asus Aura Sync nhé. Nguyên bộ tone-sur-tone sẽ đảm bảo biến bàn máy tính của bàn thành một hệ thống ánh sang cực kỳ lung linh và chất lượng không thua kém bất kỳ nơi đâu.

Đến với những cổng cắm ở mặt sau, có thể thấy ASUS trang bị cả cổng USB 2.0, USB 3.0 cũng như USB 3.1 để đảm bảo sự tương thích tối đa với tất cả các thiết bị hiện nay, ngoài ra còn một khe M.2 bé bé xinh xinh ở ngay phía dưới hai nút Clear CMOS, Bios Flashback để cắm module Wifi, một trong những thứ mà bạn sẽ phải mua ngoài nếu cần thiết, nhưng theo như chúng tôi thấy thì hiện nay những chiếc USB dùng để bắt Wifi đã có rất nhiều rồi, việc thay thế cổng M.2 đó bằng những cổng USB khác sẽ là một sự lựa chọn hợp lý hơn.

Thử nghiệm hiệu năng

Đầu tiên hãy cùng điểm lại hệ thống phần cứng mà chúng tôi thử nghiệm mẫu mainboard dù có giá rẻ nhất trong số những phiên bản Maximus Z270 tại Việt Nam nhưng vẫn có những tính năng đắt giá vốn chỉ có trên bo mạch chủ cao cấp.

Mainboard: Asus Maximus IX Hero

RAM: 16GB G.Skill Trident RGB 3.200 MHz DDR4

CPU: Intel Core i7 7700K

Card đồ họa: Geforce GTX 1080 Strix

SSD: Crucial MX100 512GB SATA/Samsung 960 Evo 500GB M.2

Nguồn máy tính: Corsair RM850i

Hệ điều hành: Windows 10 64bit

Kết quả thử nghiệm

Tốc độ CPU

Khả năng chơi game

Tốc độ ổ cứng

Điện năng tiêu thụ

Ép xung

Ngay từ mẫu bo mạch chủ ROG Strix Z270F của Asus, chiếc CPU Core i7 7700K của Intel đã có hiệu năng ép xung cũng như nhiệt độ và điện năng tuyệt vời. Đến Maximus IX Hero, nó lại một lần nữa chứng minh được khả năng của nhà sản xuất phần cứng này.

Để i7 7700K đạt được mức xung nhịp 5GHz, bo mạch chủ sẽ phải cấp nguồn 1.34V một cách ổn định. Thực tế thì với nguồn điện như thế này, cộng với khả năng hoạt động siêu mát vốn có của thế hệ CPU Kaby Lake, thì bất kỳ ai OC phần cứng cũng chỉ cần một hệ thống tản nước All In One là đã có thể điều khiển nhiệt độ một cách hoàn hảo rồi.

Kết luận

Maximus đã chính thức được Asus đẩy lên tầm cỡ high end, và mặc dù chỉ có giá chưa đầy 10 triệu Đồng, nhưng chiếc bo mạch chủ này vẫn có đầy đủ những tính năng hoàn hảo của một thiết bị mà bạn phải có trong hệ thống máy tính chơi game tại gia của bản thân, nếu muốn bỏ vài chục triệu sắm máy chơi được mọi game đỉnh trên đời.

Nó có hệ thống kiểm soát nhiệt độ cho tản nhiệt nước, có hệ thống xử lý audio cao cấp, có cổng M.2 phụ, có LED RGB, có bề ngoài đẹp mắt và thực tế không hề thua kém gì những sản phẩm như Formula, Apex, Code hay Extreme xét đến ngoại hình.

Cuối cùng, xin chân thành cám ơn Asus Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi sản phẩm để hoàn thành bài viết này.