Quả thực 2019 là một năm rất thú vị, chứng kiến nhiều những điểm thay đổi về thiết kế smartphone. Trong các bài viết trước, chúng ta cũng đã điểm qua những xu hướng thống trị thị trường vào năm ngoái, trong đó có màn hình tràn viền 'đục lỗ', camera selfie xoay lật và mặt lưng màu đặc biệt. Song, tất cả những thay đổi này vẫn dựa vào một 'bản vẽ' cơ bản của một chiếc smartphone, có lẽ chỉ là những bước hoàn thiện cuối cùng của thiết kế smartphone cơ bản: 1 thanh dài gồm 2 tấm kính 'kẹp' một tấm kim loại ở giữa.
Đó chính là lý do mà sự xuất hiện của những smartphone màn hình gập (foldable) trở nên thật thú vị. Đây là những sản phẩm được tích hợp công nghệ màn hình dẻo, có thể gập gọn lại để cho vào túi nhưng mỗi khi mở ra ta lại có màn hình to gấp 2 lần smartphone thông thường. Nếu như hỏi những người trong quá khứ rằng họ tưởng tượng sản phẩm công nghệ trong tương lai sẽ như thế nào, chắc chắn họ sẽ miêu tả loại smartphone dạng gập độc đáo này!
Royole Flexpai
Thế nhưng thị trường smartphone màn hình gập đã bắt đầu bằng những 'biến cố' không đáng có, gồm nhiều những sản phẩm gặp lỗi hoặc chậm trễ trong việc bán ra. Chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên trên Thế giới không phải là từ một hãng lớn, thậm chí đây còn là một hãng mà không bất cứ ai nghe tới tên: Royole với chiếc Flexpai. Chắc chắn hãng này ra sản phẩm chỉ để 'giữ chỗ' đầu tiên, chứ không thực sự có giá trị sử dụng trong mắt người dùng.
Đây là một chiếc máy to lớn, thô kệch, phần bản lề rất khó gập và thậm chí tạo ra tiếng động lớn, hệ điều hành chưa thực sự tối ưu cho thiết kế...cùng muôn vàn những điều khó chịu khác khiến Flexpai trở thành một sản phẩm không đáng mua, nhất là khi mức giá khuyến nghị lên tới 30 triệu Đồng. Royole Flexpai xứng đáng được đặt ở bảo tàng các thiết bị công nghệ với danh hiệu sản phẩm 'gen 1' tệ nhất thị trường hơn là trên tay người dùng!
Huawei Mate X
Tiếp theo là chiếc Huawei Mate X, một sản phẩm có cùng thiết kế màn hình gập theo hướng ra ngoài nhưng với chất lượng hoàn thiện tốt hơn rất nhiều. Nhưng có lẽ ta cũng phải nhìn lại thiết kế này để thấy được những khuyết điểm trong quá trình sử dụng thực tế: nếu như gập màn hình (có lớp bảo vệ bằng nhựa) về cả 2 phía thì sẽ vô cùng dễ xước, thậm chí hỏng hóc. Và quả thực trên thực tế nhiều người đã thông báo rằng chiếc Mate X của mình bị hỏng màn hình, chỉ sau một thời gian ngắn được 'tậu' về với mức giá $2600.
Đó là còn chưa kể tới việc Huawei vẫn đang nhận những lệnh trừng phạt khắt khe của Mỹ, cấm hãng này sử dụng những dịch vụ của Google. Đối với người dân Trung Quốc thì đây không phải vấn đề lớn, vì họ cũng đã có những dịch vụ tương đồng thay thế, nhưng với những thị trường khác thì đây là điều không chấp nhận được, Android mà không có Google thì mất đi rất nhiều sự hữu dụng.
Motorola Razr
Sản phẩm được người dùng chờ đợi nhất là chiếc Motorola Razr. Thay vì là một sản phẩm hoàn toàn mới, chiếc Razr được xây dựng trên nền của chiếc điện thoại nắp gập đã được rất nhiều người yêu quý cũng với tên Razr từ 2004. Ai mà không thích một phiên bản 'remake' của một chiếc smartphone họ đã dùng trong tuổi thơ, với một công nghệ vô cùng hiện đại như màn hình gập chứ? Điều mà những người được trên tay đầu tiên phàn nàn về Razr đó là cấu hình tầm trung ở mức giá $1500, nhưng tất cả đều khen về thiết kế cổ điển và phần bản lề chắc chắn.
Nhưng điều đáng tiếc là Motorola đã chưa thể bán ra Razr, xin 'thất hứa' với người dùng và nói rằng sẽ bán ra 'trong năm 2020'. Hiện không ai biết rõ rằng lý do gì mà Motorola chưa bán ra sản phẩm này, liệu rằng hãng đã gặp những khó khăn trong quá trình sản xuất hàng loạt, hay Razr khi được sử dụng thực tế cũng sẽ gặp lỗi màn hình giống như Mate X?
Samsung Galaxy Fold
Chiếc smartphone màn hình gập 'khả quan' nhất trong thời điểm hiện tại là Samsung Galaxy Fold. Nói như vậy không có nghĩa là con đường đến tay người dùng của sản phẩm này hoàn toàn 'thuận buồm xuôi gió', điều ngược lại mới là đúng. Trong lần ra mắt đầu tiên với những người đánh giá, Youtuber, Galaxy Fold gặp 2 lỗi 'chí mạng' đó là để lộ lớp bảo vệ làm người dùng tưởng đó là 1 lớp có thể bóc ra, khiến màn hình hỏng và khe màn hình lớn, khiến bụi chui được vào bản lề.
Điểm khác biệt giữa Samsung và những nhà sản xuất khác đó là hãng dám thừa nhận lỗi, trở lại với bàn thiết kế để ra mắt một sản phẩm hoàn thiện hơn trước khi bán ra tới người tiêu dùng. Sau một thời gian ngắn, Galaxy Fold đã trở lại với những biện pháp gia cố màn hình, che đi khe hở giúp nó không gặp những lỗi ban đầu nữa. Đây là sản phẩm duy nhất được bán chính thức tại Việt Nam, mặc dù với số lượng nhỏ và đã được bán hết chỉ trong vài giờ.
Nói một cách thật lòng, thì không bất cứ smartphone gập nào được ra mắt trong 2019 có thể gọi là 'hoàn hảo', kể cả chiếc thành công nhất là Galaxy Fold. Trong 2020 và những năm sau nữa, các hãng vẫn sẽ phải tìm cách hoàn thiện thiết kế, tăng sự bền bỉ và trên hết là giảm giá bán để dễ tiếp cận người dùng hơn. Hãng có tiềm năng làm điều này chắc chắn vẫn là Samsung - hiện vừa có dây chuyền sản xuất màn hình AMOLED dẻo vừa có tiềm lực tài chính để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
Liệu rằng Galaxy Fold 2 là chiếc 'foldable' có khả năng ;chấm dứt' smartphone truyền thống? Ta sẽ chờ xem để có câu trả lời chính xác.