Đã là 2019 rồi nhưng người Nhật vẫn thích dùng loại đĩa lưu trữ từ thập niên 90

Danny  - Theo Helino | 04/01/2019 04:20 PM

Đây được xem như một trong những biểu tượng đặc trưng của nước Nhật những năm 90 và đến tận bây giờ vẫn được người dân yêu thích.

Mini-Disc hay MD chỉ được sử dụng riêng cho thị trường Nhật Bản. Thậm chí cả nước Mỹ chỉ nghe tên, chứ hầu như không được phổ biến về công nghệ này. Đây được xem như một trong những biểu tượng đặc trưng của nước Nhật những năm 90 và đến tận bây giờ vẫn được người dân yêu thích. Vậy bí mật của Mini-Disc là gì ?

Đã là 2019 rồi nhưng người Nhật vẫn thích dùng loại đĩa lưu trữ từ thập niên 90 - Ảnh 1.

Ra mắt vào năm 1991, MD từng là những chiếc đĩa tuyệt vời nhất. Nó giống như một đĩa compact thông thường, nhưng nhỏ hơn (do đó, mang tên Mini-Disc). Không giống như đĩa CD, đĩa MD cực kỳ bền và chất lượng khá tốt. Bạn cũng có thể đem theo Mini-Discs khắp mọi nơi, để chỗ nào cũng được vì MD được bọc trong một lớp nhựa, tránh trầy xước.

Nếu là game thủ bạn sẽ nhận ra ngay UMD của PSP chính là một phiên bản MD cải tiến. Theo một bài báo gần đây của tờ LiveDoor News, thời kỳ hoàng kim của Mini-Disc ở Nhật Bản là vào năm 2000.

Vài năm sau đó Ipod ra mắt.

IPod đã không thể ‘đánh chiếm’ thị trường Nhật Bản (iPhone cũng không). Khi tôi đến Nhật Bản vào năm 2001, tôi đã mua một dàn âm thanh của Sony sử dụng đĩa MD. Tôi cũng phát mệt vì sự bất tiện của CD, nên ‘tậu’ thêm một em MD Player và chép cho mình một chiếc đĩa MD. Âm thanh không thể chê vào đâu được, sự tiện lợi và chất lượng của MD nhanh chóng ‘quyến rũ’ tôi.

Đã là 2019 rồi nhưng người Nhật vẫn thích dùng loại đĩa lưu trữ từ thập niên 90 - Ảnh 2.

Đầu đọc Mini Disc

Khi âm nhạc kỹ thuật số bắt đầu thống trị, đĩa MD dần chìm vào quên lãng. Đĩa MD đã phải đương đầu với những đối thủ quá mạnh, hệ thống truyền thông hiện đại và âm nhạc số chất lượng cao. Nhưng trong mắt tôi MD mang tinh thần của Samurai, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng chứ không hề dừng bước.

Mặc dù chính Sony đã tuyên bố ngừng bán các máy MD Player vào năm 2013, nhưng hãng vẫn tiếp tục sản xuất đĩa MD và hỗ trợ máy nghe nhạc Mini-Disc của mình. Hiện Teac là công ty Nhật Bản duy nhất vẫn còn sản xuất và bán các máy nghe nhạc MD. Tuy nhiên hãng cho biết sẽ chấm dứt dần công việc kinh doanh trong vài năm tới đây.