Đã dùng Windows lậu thì đừng phán xét người khác chơi game crack

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/11/2016 02:28 AM

Việc chơi game crack xấu, nhưng những kẻ lên mạng mạt sát, chê bai những người mà họ nghĩ rằng đang chơi game crack lại là một vấn nạn hoàn toàn khác

Chẳng riêng gì làng game Việt, từ trước tới nay bản quyền game là một vấn đề không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ không chỉ với ngành game mà còn là cả ngành giải trí nói chung. Từ những bộ phim, những cuốn sách, những bản nhạc, đến cả những sản phẩm giải trí tương tác đã và đang được truyền tay nhau một cách miễn phí, gây thất thu cho các hãng sản xuất.

Trong hai cuộc điều tra vào năm 2007 và 2011, Việt Nam chúng ta có tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền lần lượt là 85% và 81%, với tổng giá trị nội dung số vi phạm bản quyền ước tính lên đến 395 triệu USD. Đến tháng 05/2016 vừa qua, tỷ lệ vi phạm bản quyền đã giảm xuống còn 78%. Có thay đổi, nhưng vẫn là một tỷ lệ quá khủng khiếp chứ không còn chỉ là đáng báo động nữa. Hiểu một cách đơn giản, con số 78% này có nghĩa cứ 5 người cài cùng 1 phần mềm thì có 1 người chịu mua key bản quyền hoặc cài đặt phiên bản chính thức của các hãng. Trong khi đó, tỷ lệ vi phạm bản quyền trên toàn thế giới là 39%.

Nói vậy có nghĩa là Việt Nam vẫn đang là một trong những vùng trũng về vấn đề bản quyền phần mềm, nội dung số, phim ảnh, và đương nhiên là cả game nữa.

Một thực tế đáng buồn ở thời điểm hiện tại chính là, mặc cho phong trào game bản quyền đang ngày một phát triển mạnh tại đất Việt, với những cộng đồng mua key game để thưởng thức thay vì sử dụng phiên bản crack do những nhóm như 3DM hay Skidrow tạo ra và chia sẻ miễn phí, thì một số lượng không hề nhỏ những game thủ sở hữu máy tính khủng lại lựa chọn cách download game không có bản quyền về máy để chơi.

Khoảng 6 7 năm trở lại đây, game bản quyền đã và đang tạo ra một làn sóng mới trong cộng đồng game thủ Việt. Trào lưu này, may mắn thay, lại nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người. Đầu tư thực sự có, hùa theo và… mặc kệ thị trường cũng có, thế nhưng dù ít hay nhiều, việc game thủ chịu bỏ tiền thưởng thức các sản phẩm có bản quyền như Counter Strike: Global Offensive, Fallout 4 hay Overwatch đã cho thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sẵn sàng đầu tư nếu game có chất lượng.

Việc chơi game crack xấu, nhưng những kẻ lên mạng mạt sát, chê bai những người mà họ nghĩ rằng đang chơi game crack lại là một vấn nạn hoàn toàn khác, một bộ mặt xấu xí của game thủ Việt trên mạng internet.

Cứ lên Facebook là đập vào mắt vài cái post mấy cậu thanh niên trẻ, lắm người vẫn còn đang tuổi cắp sách đến trường, từ ngữ còn đầy tính trẻ trâu và ngây ngô đăng đàn lên Facebook mắng chửi những người lỡ đề cập tới việc họ chơi game crack. Họ dùng những từ ngữ mà nhiều người cũng cực kỳ hạn chế sử dụng, và thậm chí là chẳng bao giờ dùng ngay cả khi có bực bội và nóng giận đến đâu đi chăng nữa.

Chẳng biết ngoài đời thực họ ra sao, những trên mạng internet, họ giống như những bà hàng tôm hàng cá mạt sát những người khác, với lý do đơn giản nhất là vì những người dùng game crack không làm theo đúng ý muốn của những cậu bé kia.

Việc chơi game crack giống như một nhiếp ảnh gia làm một cái ảnh đẹp như mộng, rồi ai đó tìm thấy và in lên áo và bán kiếm lời trong khi anh chàng nhiếp ảnh đáng thương kia chẳng có một xu tiền bản quyền nào cả. Rồi khi phàn nàn thì họ lại nói đây là ảnh kiếm trên internet, mặc cho việc anh ta có đầy đủ bằng chứng sở hữu bức hình đó.

Chơi game crack cũng như vậy. Download một bộ game trên torrent về chỉ tốn tiền internet và tiền điện chứ chẳng mất xu nào tiền bản quyền cả. Làm như vậy chính là giết chết game bản quyền và cả các hãng game, nhất là những studio game indie tiền nong có bao nhiêu đổ hết vào làm một sản phẩm để đời nhưng lại chẳng ai mua mà toàn đi crack.

Crack, vi phạm bản quyền là xấu, điều này không cần bàn cãi. Thế nhưng những anh chàng game thủ cậy có chút tiền mua key game bản quyền để lấy nó làm lý do chê bai kẻ khác kia lại đáng lên án gấp bội. Đến Windows, Photoshop, Internet Download Manager trong máy họ đều là phiên bản crack download trên các trang diễn đàn công nghệ, họ chỉ tìm đến game bản quyền vì hai lý do.

Một, những tựa game đó không thể crack. Có thể nhà sản xuất game dùng Denuvo chẳng hạn. Và hai, những tựa game đó đều là những game chơi mạng tuyệt hay phải mua key mới được chơi, vì nếu crack sẽ bị cấm vào server do DRM quản lý rất chặt. Đương nhiên vẫn có những trường hợp kết hợp cả hai, ví dụ Battlefield 1 và Titanfall 2 năm nay chẳng hạn. Chơi multiplayer tuyệt hay nhưng cùng lúc lại ứng dụng Denuvo để bảo vệ bản quyền.

Một khi trong máy tính vẫn còn những thứ nội dung số vi phạm bản quyền, thì cần khẳng định một cách công bằng, những game thủ đó hoàn toàn không có quyền phán xét người khác chơi game crack, vì chính bản thân họ cũng đang đi crack, không phải game thì là âm nhạc, phần mềm, vô vàn những thứ khác.