- Theo Trí Thức Trẻ | 31/07/2017 10:23 AM
Shin - Cậu bé bút chì (Crayon Shin - chan) là một trong những thương hiệu hoạt hình nổi tiếng tại Nhật Bản. Nhân vật chính, cậu bé hiếu động Shinosuke, đã trở thành một ký ức khó quên với khán giả say mê truyện tranh - hoạt hình Nhật tại Việt Nam cùng những câu chuyện bá đạo mang xu hướng giáo dục giới tính.
Tuy nhiên, những tập phim điện ảnh của Shin - Cậu bé bút chì chưa từng được chiếu ở Việt Nam. Tập phim Cuộc xâm lăng của người hành tinh Shiriri cũng là tập phim mới nhất và lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam. Với những khán giả trót "nghiện" những trò bá đạo do cu Shin bày ra thì chắc chắn đây là cơ hội tuyệt vời để thưởng thức.
Gia đình Nohara của Shinosuke vẫn như mọi ngày với những câu chuyện thường nhật của cu Shin, em gái, ông bố hay tia người đẹp và người mẹ "bụng ba ngấn" quán xuyến gia đình. Một hôm nọ, chiếc dĩa bay của người hành tinh "đi lạc" rồi đáp xuống nhà Nohara.
Từ chiếc dĩa bay, một người hành tinh "mặt mông" tên Shiriri xuất hiện khiến gia đình Nohara một phen lao đao. Thật ra Shiriri là một cậu bé bị lạc bố trong chuyến viếng thăm Địa Cầu. Vì quá hoảng sợ khi gặp người Địa cầu nên Shiriri phóng ra tia năng lượng khiến bố và mẹ Shin bị biến thành con nít. Tréo ngoe thay, chỉ có bố của Shiriri biết cách biến họ trở lại như cũ. Thế là cả gia đình Shin, bao gồm cả chú chó Shiro và Shiriri, phải lên đường tìm cha của Shiriri mà không hể biết rằng họ đang phải đối mặt với một âm mưu xâm lăng kì quặc.
Điểm cộng của Shin - Cậu bé bút chì: Cuộc xâm lăng của người hành tinh Shiriri chính là cốt truyện tuy không mới nhưng có nhịp điệu nhanh, dồn dập, tiếng cười và cảm xúc được đan xen khá tốt. Giống như một bộ phim hành trình, gia đình Shin phải trải qua nhiều địa điểm, nhiều thử thách cùng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ việc hình hài bất tiện của bố mẹ Shin, bị trộm mất hành lý đến cuộc chạm trán gã say mê người hành tinh kì quặc đều có những gia vị được nêm nếm đậm đà. Khiến cho không chỉ câu chuyện được thúc đẩy mà chính các nhân vật cũng có sự thay đổi về tâm lý.
Nổi bật trong đó chính là tình bạn của Shin và Shiriri. Đều là hai đứa nhóc cứng đầu và tính cách gần như trái ngược. Shin thì vô lo, vô tư còn Shiriri lại hơi nhút nhát và dè chừng nhưng cả hai dần dần hòa hợp qua những thử thách trên chuyến hành trình. Những chi tiết như Shiriri thích ăn nước tương, thích chui vào mông Shin để trốn sẽ là các tràng cười rất sảng khoái, bá đạo mà chỉ ở Shin - Cậu bé bút chì mới có. Chuyến hành trình riêng của hai người khi bị lạc khỏi gia đình cũng là một điểm nhấn quan trọng, tạo ra không khí ấm áp nhưng không hề sến xẩm cho bộ phim.
Bên cạnh đó, nhân vật bố của Shin cũng được ưu ái trong tập phim điện ảnh này. Dù bị biến thành con nít nhưng ông Nohara vẫn chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, một trụ cột gia đình mà theo lời của Shin là "đi làm để trả nợ" vẫn quan trọng như thế nào. Một mình ông đứng trong mưa bắt xe xin đi nhờ, ông luôn là người bọc hậu trong những cuộc tẩu thoát khỏi kẻ xấu, và ông cũng chính là người dũng cảm đối đầu với "trùm cuối". Đây là một điểm rất hay ho của tập phim kì này, khi mà ngoại trừ những tình tiết cuốn hút, những tiếng cười bá đạo thì câu chuyện của gia đình chính là sự mềm mại được chêm vào, tạo ra tổng thể hài hòa.
Tất nhiên, điểm yếu của phim cũng chính là những điểm yếu muôn đời của các series phim hoạt hình Nhật. Đó là những tình tiết, nút thắt được giải quyết khá dễ dàng, hay ca ngợi sức mạnh tinh thần, niềm tin... những điều mà các bộ phim hoạt hình của Hollywood luôn tránh né. Nhưng đây cũng là một điểm rất đặc trưng của không chỉ hoạt hình Nhật mà cả điện ảnh Nhật. Có thể với những khán giả lớn tuổi, điều này sẽ vô tình gây ra sự nhàm chán nhưng với trẻ nhỏ thì như thế là đủ để vui, để hào hứng và mơ mộng.
Tóm lại Shin - Cậu bé bút chì: Cuộc xâm lăng của người hành tinh Shiriri là một phim hoạt hình rất đáng để thưởng thức, đặc biệt là với các khán giả trót si mê cậu bé hay bày trò Shinosuke. Đặc biệt, phiên bản lồng tiếng Việt với những câu thoại được Việt hóa hợp ngữ cảnh khiến cho không khí hài hước càng được tăng lên. Đây cũng là định dạng duy nhất được trình chiếu ở Việt Nam.