- Theo Helino | 16/05/2018 12:10 PM
Nhật Bản được biết tới với vai trò là một trong những ngành công nghiệp game lớn nhất thế giới và trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, đã từng có những giai đoạn ngành công nghiệp game nước này đạt tới thời kỳ hoàng kim kiến cả thế giới phải nể phục. Người Nhật còn được coi là cha đẻ của trò chơi điện tử hiện đại khi mà những dòng game huyền thoại như Super Mario, Zelda hay Final Fantasy đều là những sản phẩm cộp mác Nhật Bản. Tuy nhiên nơi được cho là thiên đường của trò chơi điện tử này cũng có những nốt thăng trầm trong lịch sử phát triển và nhiều người còn cho rằng trò chơi điện tử tại Nhật Bản đang có dấu hiệu thoái trào. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi khám phá một trong những ngành công nghiệp game lớn nhất thế giới này nhé.
Giai đoạn những năm 70, 80 của thế kỷ trước
Nhật Bản là nước đầu tiên đi tiên phong trong lĩnh vực giải trí tại thời điểm này khi mà các nhà làm game phương Tây vẫn đang chật vật tìm cách mở rộng thị phần thì ở Nhật, trò chơi điện tử đang nở rộ khi mà những công ty như Sega, Taito hay Nintendo đang hái ra tiền với những chiếc máy chơi game thùng của mình. Trong giai đoạn này, các nhà làm game chủ yếu tập trung sản xuất game điện tử thùng và Nhật Bản cũng nghiễm nhiên trở thành quốc gia xuất khẩu máy chơi game thùng lớn nhất thế giới.
Trong giai đoạn này, các công ty tại Nhật ganh đua quyết liệt với nhau để chiếm thị phần và đã có vô số những tựa game được coi là huyền thoại được ra đời từ đây như bắn vịt, bắn xe tăng hay những trò đua xe chúng ta vẫn thấy ngày nay.
Thị trường game Nhật Bản cứ thế nở rộ và những cỗ máy chơi game tại gia đầu tiên cũng được ra đời vào giai đoạn này. Máy chơi game Epoch’s TV Tennis Electrotennis được ra mắt năm 1975 hay Electro Tic-Tac-Toe được cho là chiếc máy chơi game cầm tay đầu tiên được ra mắt vào năm 1972.
Trước năm 1981, thị trường máy chơi game thùng tại Nhật Bản có giá trị ước tính gần 8 tỷ đô (tương đương 21.5 tỷ đô vào năm 2017).
Giai đoạn những năm 80 tới đầu thế kỷ 21
Theo sau sự thất bại của thị trường game Bắc Mỹ vào năm 1983 là sự thống trị hoàn toàn của Nhật Bản với sự xuất hiện của máy chơi game thế hệ thứ 3 NES của Nintendo. Và sự thống trị của người Nhật tiếp tục kéo dài thêm gần 2 thập kỷ nữa, cho tới những năm đầu của thế kỷ 21, khi mà thị trường game Bắc Mỹ có sự chống trả quyết liệt dành cho Sony và Nintendo với mẫu máy Xbox của mình. Thời điểm này máy NES của Nintendo đang làm mưa làm gió trên thị trường khi chiếm tới hơn 70% thị phần máy chơi game. Theo phát biểu của chủ tịch Nintendo, ông Hiroshima Yamauchi vào năm 1986, thất bại của máy Atari tại thị trường Bắc Mỹ là do hệ máy này có quá nhiều game do bên thứ 3 phát triển và không phải tựa game nào cũng đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Ngoài những game được phát hành trên các hệ máy console, trong giai đoạn từ năm 1970 cho tới giữa những năm 1990, đã có hàng trăm ngàn tựa game được phát hành cho máy tính cá nhân tại Nhật Bản, khiến nơi đây trở thành thiên đường dành cho game thủ vào thời điểm này.
Những năm 2000
Vào đầu những năm 2000, thị trường game di động tại Nhật Bản nóng hơn bao giờ hết. Trong khi các nước phương Tây vẫn đang loay hoay với việc phát triển game thì tại Nhật Bản đã nở rộ xu thế chơi game trên di động, xu hướng này được cho là đi trước thời đại tới hàng chục năm khi mà cho đến bây giờ, game trên di động mới đang bùng nổ trên toàn thế giới. Có thể thấy, người Nhật luôn biết cách đón đầu xu thế và đôi khi, những đặc điểm của thị trường game nước này khiến nó trở nên khá khác biệt và bí ẩn so với phần còn lại của thế giới. Do đặc thù công việc của người Nhật, những chiếc máy chơi game nhỏ gọn dễ dàng trở thành lựa chọn số một cho việc giải trí.
Vào năm 2002, thị trường game Nhật chiếm hơn 50% thị phần quốc tế. Mặc dù doanh số của những chiếc máy chơi game tại gia có giảm, thế những lợi nhuận thu về thì trò chơi điện tử vẫn ở trên mức 20 tỷ đô la Mỹ, trong đó có đóng góp không nhỏ của game di động.
Những chiếc máy chơi game thùng dần dần được thay thế và những công ty sản xuất những chiếc máy này phải liên kết với nhau để cùng tồn tại.
Giai đoạn thoái trào từ năm 2010 cho tới nay
Năm 2010, các nhà làm game Nhật đã bị giới phê bình chỉ trích nặng nề vì thời gian phát triển game quá lâu của mình. Cùng với đó là sự phát triển một cách chóng mặt của ngành game các nước Châu Âu và đặc biệt là Bắc Mỹ, với những tựa game bom tấn có kinh phí đầu tư không hề thua kém những bộ phim của Hollywood, các nhà làm game Nhật Bản đã bị lép vế trông thấy. Chủ tịch của Square Enix cũng từng phải tuyên bố, khoảng cách giữa họ và các nhà làm game Bắc Mỹ hiện tại là quá xa, nếu người Nhật không có những thay đổi tích cực thì ngành công nghiệp nước này sẽ có nguy cơ sụp đổ.
Thị trường game di động tại Nhật Bản lúc này chiếm ưu thế hoàn toàn so với máy console. Với lợi nhuận gần 10 tỷ đô la Mỹ từ game di động so với chỉ 5.8 tỷ đô la Mỹ đến từ các máy chơi game tại gia.
Kể từ năm 2016, thị trường game tại Nhật Bản đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, và với sự ra đời của chiếc máy chơi game “biến hình” Nintendo Switch cùng với chiếc máy PS4 đang làm mưa làm gió trên thế giới, Nhật Bản đang dần lấy lại vị thế độc tôn ngày nào. Các nhà làm game Nhật cũng có dịp nở mày nở mặt với thế giới khi chứng kiến hàng loạt siêu phẩm như The Legend of Zelda: Breath of The Wild và Super Mario Odessey lần lượt chinh phục game thủ trên toàn thế giới.