- Theo Helino | 05/01/2018 03:00 PM
Trước đây, chúng ta vẫn thường định nghĩa hacker là những kẻ hoạt động với mục đích chẳng mấy tốt đẹp, nếu không phải cố gắng đánh cắp thông tin, thì cũng là làm sập server, hay gây ra những tổn hại cho người khác. Trong các tựa game cũng vậy, nhắc tới hacker là ngay lập tức, chúng ta hình dung ra những kẻ lợi dụng những thủ thuật, hay lỗ hổng game để tận tình khai thác, gây nên sự ức chế cho không chỉ game thủ chân chính mà cả nhà phát hành nữa.
Hãy cứ nhìn sang những tựa game đời đầu của VTC, đang hay là vậy bỗng chốc sập và trở nên nhàm chán tới cùng vì vấn nạn hack, như Đột Kích chẳng hạn. Hay cũng chẳng cần đâu xa, ngay cả những tựa game MOBA nổi tiếng bây giờ như LMHT, CS.GO và cả PUBG nữa, những hacker cũng đang và đã từng làm loạn trong một quãng thời gian cơ mà. Thậm chí cả một tựa game mobile như Liên Quân Mobile cũng từng xuất hiện tình trạng hack lag khá đau đầu. Nhìn chung, trên thế giới, và trong làng game, hacker là một thứ gì đó xấu xa, không nên xuất hiện và cần bị loại bỏ triệt để.
Đến cả tựa game như PUBG cũng xuất hiện hack
Thế nhưng, hacker cũng có khá nhiều loại, và không phải ai cũng hoạt động với mục đích xấu đâu nhé. Thậm chí, một số hacker còn giúp bạn khám phá ra thêm rất nhiều điều bổ ích, những điều mà nếu không có họ, chắc chắn bạn có dò dẫm mãi cũng sẽ chẳng bao giờ biết được đâu. Hãy đến với thực tế của tựa game Bloodborne – thuộc dòng game Dark Souls khá nổi tiếng, bạn sẽ thấy hết sự hữu ích khi có một hacker cũng đam mê tựa game này.
Thế nhưng với Bloodborne, có vẻ các game thủ lại được hưởng lợi nhờ hack
Cụ thể, sau khi ra mắt 3 năm và nhận được khá nhiều những phản hồi tích cực từ phía người hâm mộ, thế nhưng Bloodborne cũng đồng thời gây nên vô số thắc mắc, cũng như nghi ngờ về gameplay của mình. Nguyên nhân chính tới từ hệ thống Charlie Dungeon – khi những hầm ngục được tạo nên từ sự random ngẫu nhiên của máy chủ.
Cũng vì thế, người chơi sẽ có điều kiện gặp rất nhiều loại boss khác nhau, với những tính năng đặc biệt. Và chỉ khi nào may mắn, họ mới có cơ hội tiếp cận với những boss cuối thuộc dạng hiếm, thậm chí là chưa ai từng gặp bao giờ. Điều đó đặt nên câu hỏi, liệu phải làm thế nào mới có thể thông thuộc hết các boss của Bloodborne, và số lượng boss là có giới hạn hay không.
May mắn thay cho các game thủ Bloodborne, là có vẻ cũng nhiều hacker cảm thấy tò mò với câu hỏi này. Và họ đã thử bẻ khóa kho dữ liệu của Bloodborne. Tại đây, những hacker phát hiện ra rằng, có vô số NPC, cũng như boss đã bị nhà phát hành loại bỏ trong quá trình phát hành game.
Không hiểu vì lý do gì, mà những NPC cũng như boss ấy đã xuất hiện trong các bản test, nhưng cuối cùng lại không tới tay người hâm mộ và các game thủ. Thậm chí có không ít những con boss mà chỉ cần đọc tên thôi cũng chẳng có game thủ nào cảm thấy quen tai cả, dù có là những người chơi lâu năm, và trung thành nhất với Bloodborne.
Còn bao nhiêu boss chưa tới tay các game thủ
Khi tạo ra các Chalice Dungeon, người chơi cần dùng Glyph – một loại code quen thuộc với những game thủ Bloodborne. Và sau khi các hacker vào cuộc, có vô số Glyph được tuồn ra ngoài, nơi người chơi có thể sử dụng để khiêu chiến, vào các phụ bản với những con boss mới lạ. Thậm chí có những hình ảnh đã từng xuất hiện trong trailer của game, nhưng lại chẳng có bất kỳ người chơi nào có cơ may gặp được. Cũng may, nhờ các hacker chân chính, mà giờ đây Bloodborne – sau 3 năm ra mắt, tiếp tục trở thành một trong những tựa game kỳ bí, và thu hút game thủ bậc nhất.
Hacker cũng không phải chỉ toàn mặt xấu đâu nhé
Thậm chí sau khi thông tin này xuất hiện, có nhiều người còn quyết tâm comeback và try hard lại Bloodborne để thỏa mãn trí tò mò của mình nữa cơ. Trên các diễn đàn, thậm chí nhiều người còn nghĩ rằng bản chất hacker có khi nằm trong nội bộ của nhà phát hành, và đây không khác gì một chiêu câu kéo game thủ nhằm tạo lại sức hút cho Bloodborne vậy.