- Theo Trí Thức Trẻ | 13/06/2016 12:16 PM
Trong các bộ phim chiến tranh kinh điển như Tam Quốc hay thậm chí cả trong các phim mang bối cảnh khá "Âu hóa" như Game of Thrones, Gladiator... chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những đội cung thủ đồng loạt bắn tên châm lửa hủy diệt những công trình, thành quách hay thậm chí là thiêu đốt cả quân lính phía đối phương. Những cảnh chiến trường hỗn loạn, lửa cháy khắp nơi hay binh lính chạy tán loạn vì bị lửa đốt đều đã trở thành thương hiệu và khiến cho khán giả nghĩ rằng cung tên hay nỏ châm lửa luôn là thứ vũ khí lợi hại trong các cuộc chiến.
Thế nhưng, trên thực tế thì các nhà khoa học đã chứng minh được rằng loại vũ khí cung tên châm lửa như thế này không hề hiệu quả và có thể gây nên sự hỗn loạn lớn trên chiến trường như chúng ta từng thấy trên màn ảnh. Cụ thể như sau:
Độ hiệu quả của một cung tên bình thường được căn cứ vào 3 yếu tố là: tầm bắn, độ chính xác và khả năng xuyên phá giáp của đối phương. Một cung thủ trên chiến trường sẽ phải lựa chọn vị trí để thỏa mãn cả 3 yếu tố trên một cách tốt nhất. Còn với cung tên lửa thì bạn sẽ phải hi sinh đi một, thậm chí cả 3 yếu tố trên chỉ để có được một đốm lửa trông khá... "ngầu" ở phía đầu mũi tên.
Cung lửa trong phim và thực tế
Bởi lẽ để có thể giữ được lửa trên đầu mũi tên, người ta sẽ phải quấn nguyên liệu tẩm chất đốt vào đầu mũi tên, khiến cho nó mất đi hình dáng cơ học thuận tiện nhất để bay xa hay xuyên phá đối thủ. Để khắc phục điều này, bạn có thể kéo cung căng hơn nhằm tăng lực bắn nhưng điều này sẽ làm đầu mũi tên (đang có lửa) bị kéo sát vào cung, khiến tay của cung thủ bị thương và có thể bắt lửa cả vào cây cung của họ nữa.
Nếu bạn khắc phục điều này bằng cách làm mũi tên dài hơn thì lại vướng phải vấn đề khác, đó là trọng lượng mũi tên sẽ bị tăng lên và như thế thì... tầm bắn lại bị giảm xuống. Nếu bạn làm mũi tên dài nhưng mỏng manh hơn để giữ trọng lượng lý tưởng thì lại làm giảm độ bền và khả năng xuyên phá của mũi tên. Như vậy thì có thể thấy rằng dù làm cách nào đi chăng nữa, việc châm thêm một ngọn lửa vào đầu mũi tên cũng sẽ khiến cho độ hiệu quả của thứ vũ khí này giảm đi khá nhiều.
Nói đến đây, nhiều độc giả sẽ cho rằng sự kém hiệu quả về tầm bắn, sức xuyên phá của mũi tên lửa sẽ được bù lại bằng khả năng tạo lên sự hỗn loạn, châm lên những mồi lửa lớn để phá hủy công trình phía đối phương hay bám dính trên bộ giáp khiến đối thủ chết vì bỏng. Nhưng một lần nữa, khoa học lại chứng minh rằng khả năng bắt lửa của loại vũ khí này không tuyệt vời như trên phim.
Trên phim ảnh, bạn có thể thấy cảnh hàng loạt cung thủ bắn tên lửa vào các tòa thành, khiến mái nhà bốc cháy, các mũi tên lửa trúng vào quân lính là ngay lập tức tạo nên ngọn lửa bao trùm lấy họ....
Thực tế thì các nhà khoa học đã thử nghiệm với tất cả các loại vật liệu gây cháy có thể sử dụng để đặt vào đầu mũi tên. Và kết quả cho thấy chỉ 2% số mũi tên bắn ra có thể làm bén lửa lên mục tiêu bị bắn mà thôi. Điều này có nghĩa là trong 100 mũi tên lửa bạn bắn ra sẽ chỉ có 2 mũi tên bắt lửa vào lính đối phương nhưng tên lính đó cũng sẽ chẳng bị lửa thiêu đốt như trên màn ảnh mà hắn có thể dễ dàng gỡ tên và dập lửa trong một nốt nhạc mà thôi.
Và không phải nói nhiều thì bạn cũng thấy rằng cái tỉ lệ bắt lửa chỉ chiếm 2% như vậy là quá thấp và không hiệu quả để sử dụng rộng rãi.
Nói đến đây, nhiều độc giả sẽ lại thắc mắc rằng tại sao một thứ vũ khí hiệu quả kém như vậy lại vẫn thường xuất hiện trong các ghi chép về những cuộc chiến thời xưa. Chưa kể đến việc có nhiều bằng chứng cho thấy cả các chiến lược gia vĩ đại cũng từng cho binh lính sử dụng cung tên lửa.
Câu trả lời đã được đưa ra, đó là vào thời trung cổ thì các cuộc chiến có sự hiện diện của cung tên lửa luôn đi kèm với các vật liệu dễ cháy, dễ phát nổ nằm ngay bên trong lòng địch. Đó có thể là kho rơm rạ cho ngựa, kho thuốc súng... Khi tấn công những mục tiêu này thì với số lượng tên bắn ra lớn, chỉ cần 2% trong số đó bắt lửa là cũng có thể đạt mục đích phá hủy tài nguyên của địch đúng như yêu cầu.
Như vậy thì cung tên lửa sẽ chỉ được sử dụng khi tấn công vào những nơi chứa vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa của địch mà thôi chứ không dùng để tấn công trên chiến trường rộng lớn như chúng ta từng thấy trên màn ảnh. Và một lần nữa, các nhà làm phim đã định hướng sai cho trí tưởng tượng của khán giả, khiến chúng ta tưởng nhầm rằng cung tên lửa là thứ vũ khí cực kì mạnh, được sử dụng phổ biến trên mọi chiến trường.