- Theo Helino | 20/12/2017 04:00 PM
Cơn sốt PlayerUnknown’s Battlegrounds
Chắc chắn chúng ta đã không còn xa lạ với cái tên PlayerUnknown’s Battlegrounds nữa đúng không? Với những thành công gần đây, không thể phủ nhận 2017 chính là năm dành cho PUBG.
Không cần nghi ngờ, PUBG hiện tại là tựa game hot nhất thế giới kể từ hồi tháng 3. Nó đã bán được gần 26 triệu bản game và có khoảng 2,5 triệu người chơi cùng lúc cũng như vượt qua mọi tượng đài khác trên Steam để trở thành tựa game được quan tâm nhất năm 2017 tính đến cuối tháng 10 vừa qua.
Và với việc khép lại Early Access cũng như ra mắt bản đồ mới, hứa hẹn trong tương lại PUBG sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vương của mình và ngày càng vươn xa hơn nữa. Chúng ta hãy cùng đếm ngược thời gian chờ đợi phiên bản chính thức 1.0 của PUBG sắp được ra mắt nhé.
Steam áp dụng tiền thanh toán bằng VND
Sau 14 năm kể từ ngày ra mắt, cuối cùng thì Steam đã chính thức cập nhật VND như một loại tiền tệ quan trọng trong các giao dịch thông qua cổng phát hành này. Càng bất ngờ hơn khi hàng loạt tựa game đã đồng loạt giảm giá sau khi được niêm yết bằng VND. "Các game trên Steam sẽ được định giá bằng đồng Việt Nam. Nếu tài khoản Steam của bạn còn số dư USD, nó sẽ được chuyển đổi sang VND theo tỷ giá thị trường (bắt đầu từ ngày 13/11)” Đây chính là thông báo chính thức mà Steam gửi đến người dùng tại Việt Nam qua Email.
Đây được xem là thông tin không thể vui hơn với game thủ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017. Bởi lẽ điều này sẽ giảm thiểu được tình trạng lừa đảo khi giờ đây việc tự tay mua game bản quyền trên Steam sẽ dễ dàng chẳng kém việc mua từ các cửa hàng bán game lúc trước.
eSports được công nhận tại Olympic
Sau rất nhiều năm chờ đợi, cuối cùng eSports đã được công nhận như một bộ môn thể thao chính thống. Theo thông báo của Hội đồng ủy ban Olympic Châu Á (OCA), thể thao điện tử - eSports sẽ trở thành một bộ môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao Châu Á (Asian Games) bắt đầu từ năm 2022. Trước đó, tại Á vận hội 2018 được tổ chức tại Jakarta, Indoesia, thể thao điện tử sẽ được thi đấu như một bộ thử nghiệm không có huy chương.
Xét về quy mô, Asian Games là đại hội thể thao lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Thế vận hội Olympic. Tại kỳ đại hội gần nhất vào năm 2014, Asian Games đã quy tụ được 10.000 vận động viên tham dự. Đây là con số ấn tượng nhất sau 17 kỳ Á vận hội.
Và vào tháng 8 vừa qua, theo lời ông Tony Estanguet, đồng chủ tịch của Ủy ban Olympic Paris, ban tổ chức của thế vận hội 2024 đang xem xét để đưa eSports vào với tư cách là một bộ môn để tranh chấp huy chương. Ông Estanguet cho biết Ủy ban Olympic thế giới (IOC) đang làm việc tích cực với các tổ chức eSports để hiểu rõ hơn về loại hình thể thao mới này. Nếu tiền trính này tốt đẹp, việc eSports xuất hiện tại Paris 2024 là hoàn toàn có khả năng.
World Cyber Games chính thức hồi sinh
Trong một động thái có phần bất ngờ, World Cyber Games Inc., đơn vị tổ chức các giải đấu của Smilegate vừa mua lại từ Samsung vào hồi tháng 1, đã chính thức công bố giải đấu thể thao điện tử huyền thoại những năm đầu thập niên 2000 sẽ trở lại với mùa giải tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào 4 ngày, từ 26/04 đến 29/04/2018 tới đây.
Nếu bạn còn nhớ, World Cyber Games từng là cái đích của mọi game thủ chuyên nghiệp, kể cả những cái tên đình đám của Việt Nam trước đây như ProArmy hay 1st Gaming, với những huyền thoại của làng eSports Việt ở nhiều bộ môn như StarCraft, FIFA hay CS 1.6. Kể từ lần tổ chức đầu tiên tại Yongin, Hàn Quốc vào năm 2000, cho tới lần cuối cùng tại Côn Sơn, Trung Quốc năm 2013, WCG luôn là sự kiện eSports được đánh giá là có quy mô lớn nhất. Và với việc được SmileGate Holdings mua lại, WCG đang sẵn sàng cho sự trở lại hoành tráng nhất có thể.