Cùng đến với Simon Lucas, người thổi hồn vào những mô hình "nghệ thuật" LEGO

zhimzhim  - Theo Helino | 23/02/2018 0:00 AM

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu công việc của Simon Lucas, giám đốc sáng tạo của công ty đồ chơi nổi tiếng LEGO.

Theo như cách nhìn của Simon Lucas – nhân vật chính trong bài phỏng vấn này, anh chàng là người khá may mắn. Và quả thật, chúng tôi cũng đồng ý với nhận định trên. Tất nhiên, thành công của anh không phải chỉ trông chờ vào may mắn, Simon còn là một người chăm chỉ, và sống với khát vọng xây dựng nên những mô hình LEGOS hợp thời và phong cách nhất dành cho trẻ nhỏ. Chính những yếu tố kể trên đã đưa Simon tới với trụ sở chính của LEGO ở Billund, Đan Mạch và trở thành giám đốc sáng tạo cấp cao của công ty như hiện tại. Hãy cùng thử tìm hiểu đôi chút về công việc cũng như những chia sẻ của một con người nhiệt huyết như Simon nhé.


Simon Lucas – giám đốc sáng tạo của LEGO

Simon Lucas – giám đốc sáng tạo của LEGO

Công việc thực sự của bạn là gì?

Khi mới tới với LEGO, tôi là một nhà thiết kế cấp cao, và gần như dành trọn quỹ thời gian của mình để tạo ra và xây dựng những mô hình LEGO từ những bước cơ bản nhất. Đồng thời, tôi cũng cần phải tìm ra được những mô hình tốt nhất hiện có, liên tưởng tới việc đám trẻ sẽ chơi và hào hứng với chúng như thế nào. Bây giờ công việc của tôi có đôi chút khác biệt, khi thay vì bắt tay vào làm, tôi chỉ còn giám sát, lãnh đạo đội ngũ thiết kế đồng thời quyết định những dòng sản phẩm cuối cùng.

Con đường sự nghiệp của bạn ở LEGO đã bắt đầu như thế nào?

Tôi đã ở LEGO được 7 năm rồi đấy nhỉ. Nhớ hồi đầu tới đây, tôi vẫn chỉ là một chàng trai nhút nhát thì phải. Trước đó, tôi sống ở Anh, và chuyên làm cố vấn thiết kế cho nhiều mẫu sản phẩm cho trẻ em. Tôi đã từng làm một cặp kéo thương hiệu Mỹ, được gọi là Acme. Điều đó giúp tôi khá nhiều trong kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm vật lý thực tế. Tôi cũng đã cố vấn để thiết kế một chiếc ghế đẩy cho Mamas and Papas. Thậm chí, tôi còn từng làm cho thương hiệu giày dép trẻ em lớn nhất tại Anh, Clarke’s đấy. Tất cả những nơi kể trên đều có những nét tương đồng với LEGO, và giúp ích khá nhiều cho công việc của tôi sau này.

Bạn có thể tiết lộ về một số thiết kế của mình trong quá khứ với LEGO không?


Nhân vật Lego với hình tượng của Lucas Simon

Nhân vật Lego với hình tượng của Lucas Simon

Khi mới bắt đầu, tôi gia nhập đội Bionic của LEGO. Nó không phải là giá trị cốt lõi của LEGO, khi nó thiên về việc tạo ra những anh hùng, những nhân vật hành động hơn. Đó là lý do mà tôi bắt đầu thiết kế theo dòng Hero Factory. Sau đó, tôi chuyển sang xu hướng LEGO truyền thống, và làm việc với các lâu đài. Một trong số những tác phẩm đáng để tự hào nhất của tôi là vào năm 2013, với một lâu đài LEGO lớn, những hiệp sĩ, những con rồng. Cực kỳ tráng lệ luôn. Tôi cũng đã là người phụ trách dự án Ninjago từ năm 2012 nữa.

Làm thế nào để bạn có những ý tưởng khác nhau cho mỗi thiết kế của mình?

Chắc chắn rằng bạn luôn phải bắt đầu với thứ gì đó mang tính biểu tượng. Ví dụ với dòng LEGO lâu đài, bạn cần có các hiệp sĩ, có lâu đài và những kẻ xấu… Và mục đích của chúng khi tới với lâu đài thường là thứ gì đó quý giá, kho báu chẳng hạn. Rồi bạn xây dựng một thế giới xung quanh chúng. Chúng tôi luôn bắt đầu với những khái niệm cơ bản, rồi cùng ngồi xuống với nhau, tưởng tượng mình là những đứa trẻ để rồi đoán xem cảm nhận của chúng. Nếu bọn trẻ có thể hiểu câu truyện thông qua những bộ LEGO, điều đó tốt. Nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nếu chúng biến câu truyện ấy thành của riêng mình. Chúng tôi luôn cố gắng khơi gợi tối đa trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, và đó cũng là động lực đưa tôi tới những ý tưởng thú vị hơn sau này.

Bạn có bộ LEGO yêu thích nào không?

Đương nhiên là có chứ, đó là Ninjago City, tác phẩm lớn nhất về Ninjago mà chúng tôi đã thực hiện. Thực tế thì tôi cũng đã có một bộ ở nhà rồi đấy, có tới 4467 miếng ghép LEGO để cho ra đời được Ninjago City đấy.

Câu hỏi cuối, có điều gì tồi tệ hơn việc dẫm vào một bộ LEGO không?

Có chứ, chắc chắn đó là tiếng chửi thề sau hành động đấy của bạn. Xót thì ít thôi, nhưng đau thì nhiều đấy. Dẫm vào LEGO chẳng bao giờ là dễ chịu cho chân bạn cả đâu.