Trí Thức Trẻ | 24/12/2018 04:18 PM
Ngày 14/12, VinSmart vén màn tới 4 model smartphone, trong đó phiên bản cao cấp nhất sử dụng chip Snapdragon 660 và 4GB. Điểm đáng chú ý nhất về phiên bản này: Mức giá chưa đầy 6 triệu đồng!
Chắc chắn sự so sánh với một mẫu smartphone đình đám khác của Việt Nam là không thể tránh khỏi. Mùa hè vừa qua, BKAV đã vén màn mẫu Bphone 2018 với giá thành lên tới gần 10 triệu đồng. Dù có mức chênh lệch 4 triệu đồng, Bphone 3 Pro và VSmart Active 1+ sử dụng cùng 1 con chip, cùng dung lượng RAM và nhiều thông số tương đồng khác. Thiết kế giữa 2 máy có nhiều khác biệt (đặc biệt là ở "tai thỏ" của Smart và cái "trán" dày của Bphone 3 Pro), tính năng cũng khác (Bphone 3 có kháng nước IP68). Thế nhưng, sẽ là không có gì bất ngờ nếu tốc độ và trải nghiệm sử dụng được đánh giá là ngang tầm.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao cấu hình gần giống nhau, VSmart lại có thể bán rẻ, thậm chí rẻ hơn cả điện thoại Trung Quốc, còn BKAV thì không?
Trước khi đi đến câu trả lời mà có lẽ ai cũng biết, chúng ta cần nhắc lại một sự thật quan trọng: smartphone là một cuộc đua thực sự khốc liệt. Trên thị trường smartphone quốc tế, chỉ có duy nhất Apple và Samsung là đạt lãi đáng kể, trong đó Apple gần như luôn luôn chiếm quá nửa lợi nhuận của cả ngành công nghiệp smartphone.
Chính bản thân BKAV cũng hiểu điều này hơn ai hết. Năm 2015, mới ra mắt Bphone 1, BKAV đạt lãi chỉ 5,7 tỷ đồng. Năm 2016, BKAV lỗ 5,3 tỷ đồng và đến 2017 lãi 8,7 tỷ đồng. Kể cả nếu có lãi thì những con số này vẫn quá nhỏ khi so sánh với khoản tiền 500 tỷ đồng mà BKAV đã đầu tư vào smartphone.
Trả lời phỏng vấn, CEO Nguyễn Tử Quảng nêu ra khó khăn lớn nhất của BKAV khi sản xuất BPhone:
Khó khăn của BKAV rồi cũng sẽ là khó khăn của VinSmart, bởi đơn giản là VinSmart rồi cũng sẽ cần một chuỗi cung ứng. Khi ngay cả Samsung cũng phải than phiền về chuỗi cung ứng tại Việt Nam, gần như chắc chắn VinSmart cũng sẽ tiêu tốn không ít tiền cho khâu cung ứng.
Mức giá rẻ như hiện tại lại càng là dấu hiệu cho thấy VinGroup sẽ phải chịu lỗ. Ví dụ, VSmart Joy 1 có giá rẻ hơn cả 2 chiếc smartphone cùng dùng Snapdragon 435 là Redmi 4x và OPPO F3. Xiaomi năm nay 2 lần lỗ 1 tỷ USD và 1 lần lãi 500 triệu USD, OPPO thì tuyệt nhiên chưa bao giờ dám nhắc gì đến "lợi nhuận".
Bởi thế, câu hỏi chính xác của chúng ta phải là:
Chỉ bởi VinGroup có tiền thôi ư? Không, VinGroup có tiền nhưng không thừa tiền để "đốt". Tập đoàn này nổi tiếng là làm ăn "chắc tay", có lãi thì mới tham gia. Chính sự thờ ơ của VinGroup dành cho Adayroi trong những năm vừa qua là minh chứng điển hình: tập đoàn số 1 Việt Nam hiểu rõ sự khốc liệt của mảng bán lẻ điện tử, và VinGroup sẽ không tự thiêu đốt cho một cuộc đua không thể có kẻ thắng.
Bởi thế, tham vọng smartphone của VinGroup chắc chắn không chỉ dừng ở chiếc smartphone. VinGroup đã nhìn thấy một tương lai, nơi vài trăm tỷ đồng "đốt" cho smartphone có thể mang tới vài nghìn tỷ đồng trong những lĩnh vực khác. Một vài ví dụ đầu tiên có thể nghĩ đến: thanh toán/tài chính, dịch vụ du lịch, dịch vụ y tế, quản lý ngôi nhà thông minh, kết nối xe hơi thông minh, dịch vụ du lịch/nhà hàng... là những ứng dụng có thể được cung cấp/cải thiện dễ dàng thông qua smartphone.
Nhìn ra ngoài những gì VinGroup đang có, cắn răng chịu lỗ để bán rẻ smartphone tới hàng triệu người Việt có thể giúp VinGroup đẩy mạnh phát triển bất cứ lĩnh vực nào mà tập đoàn này muốn hướng tới. Hãy nhớ rằng smartphone đang là loại hình thiết bị thông minh phổ biến nhất thế giới, và cứ nắm trong tay hàng triệu người dùng là nắm trong tay một khối lượng dữ liệu thị trường cực kỳ quý báu.
Những kẻ đi trước VinGroup dĩ nhiên đã nghĩ đến cách phát triển "hệ sinh thái". Đơn cử, Xiaomi cũng chịu lỗ khi bán smartphone để tìm kiếm tương lai qua ứng dụng và dịch vụ Internet. Apple, Samsung, Huawei... cũng không chỉ bán smartphone mà còn tìm cách đẩy thêm các phụ kiện hoặc dịch vụ đi kèm.
Nhưng không một tên tuổi nào, dù là tầm vóc thế giới hay Việt Nam lại có thể nghĩ đến chuyện dùng smartphone làm giàu cho bất động sản hay bán lẻ được. Dùng VSmart làm bàn đẩy thanh toán di động sẽ đem lại lợi ích rõ rệt cho VinMart. Dùng VSmart làm kênh nghiên cứu các dịch vụ tài chính/cho vay sẽ đem lại tiềm năng khách hàng rất lớn cho VinHomes hay VinFast.
Hiển nhiên, BKAV cũng không thể mơ đến một tương lai tương tự. Bphone bán chạy thì cũng chỉ có thể thúc đẩy doanh thu phần mềm hay cùng lắm là thiết bị smarthome mà thôi. Bởi thế, BKAV không thể, và cũng không nên cắn răng chịu lỗ "khủng" để chạy đua giá với VSmart.