- Theo Trí Thức Trẻ | 14/05/2021 06:53 PM
2021 là một năm vô cùng bận rộn với các tuyển thủ CS:GO chuyên nghiệp. Kể từ đầu năm tới nay, có không dưới 8 giải đấu lớn với tổng tiền thưởng trên 100,000 USD được tổ chức, và dự kiến sẽ có khoảng 3-4 giải đấu quan trọng sẽ được tổ chức kể từ nay tới kỳ nghỉ hè của player vào giữa tháng 7 tới. Đây là một con số rất ấn tượng trong bối cảnh Esports thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cho thấy tiềm năng của CS:GO trong mắt các nhà tài trợ, đơn vị tổ chức giải đấu lẫn người hâm mộ.
Trận chung kết DreamHack Masters Spring 2021 giữa Na`vi và Gambit đã thu hút tới hơn 551,000 người theo dõi trực tiếp, cao nhất trong lịch sử hệ thống giải đấu này
Vào chiều qua, BLAST và ESL - 2 đơn vị tổ chức giải đấu hàng đầu ở thời điểm hiện tại - đã đưa ra một thông báo chung về việc điều chỉnh lịch thi đấu của các giải trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể, ESL Pro League Season 14 sẽ diễn ra từ ngày 16/8 - 12/9 (thay vì 8/9 - 10/10 như kế hoạch ban đầu), biến đây trở thành giải đấu đầu tiên sau kỳ nghỉ hè và dự kiến sẽ được tổ chức tại một studio tại Malta. Cùng với đó, 2 giải đấu khác là BLAST Premier Fall Group và IEM Fall cũng đã có những thay đổi về thời gian diễn ra, cụ thể:
BLAST Premier Fall Group: 16/9 - 26/9
IEM Fall 2021: 28/9 - 10/10
Ngay sau khi thay đổi này được công bố, không ít tuyển thủ chuyên nghiệp đã có những phản ứng trái chiều. Nổi bật nhất chắc chắn là cadiaN, IGL của Heroic khi anh cho rằng thay đổi này sẽ khiến họ phải cắt ngắn kỳ nghỉ hè để tập luyện và chuẩn bị cho các giải đấu, cùng với việc các giải đấu diễn ra liên tục, nối tiếp nhau sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của các player.
"Hãy chuẩn bị cùng tôi tận hưởng kỳ nghỉ 14 ngày nào:
ESL One Cologne kết thúc vào ngày 18/7.
ESL Pro League sẽ bắt đầu vào ngày 16/8.
Thêm vào đó, sẽ có 4 giải đấu nối tiếp nhau (EPL, BLAST Premier Fall Group, IEM Fall và BLAST Premier Fall Showdown), chưa kể tới kỳ Major. À, lịch trình này cũng không hề nhắc tới 2 giải đấu RMR sắp được tổ chức nữa." - cadiaN.
Trước một số ý kiến cho rằng Heroic có toàn quyền từ chối không tham dự các giải đấu (do Heroic không phải là partner team của ESL và BLAST), cadiaN đã đáp trả rằng đây đều là những giải đấu quan trọng và ảnh hưởng tới thứ hạng của họ trên BXH của HLTV/ESL, qua đó ảnh hưởng tới những tấm vé mời tham dự trực tiếp ở các giải đấu sau. Không chỉ thế, các đội tuyển Esports cũng bị ràng buộc bởi những hợp đồng với các nhà tài trợ và từ chối tham dự các giải đấu có thể khiến họ gặp nhiều vấn đề về tài chính.
Dev1ce, player mới chuyển sang thi đấu cho NiP cũng đã có những chia sẻ: " 'Bão hòa' là từ phù hợp nhất để mô tả việc này và các player sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng tôi không phải là những cỗ máy và nếu tình trạng này không được cải thiện thì sẽ tiếp tục có những player phải thông báo tạm ngừng thi đấu chuyên nghiệp vì stress."
Đến lượt dev1ce lên tiếng về tình trạng này
"Stress", "kiệt sức",... không còn là những từ quá xa lạ với giới CS:GO chuyên nghiệp trong khoảng 2 năm vừa qua. Trong năm 2020, đã có hàng loạt cái tên đình đám phải thông báo tạm rời xa đấu trường chuyên nghiệp vì các vấn đề sức khỏe, có thể kể đến ở đây Gla1ve, Xyp9x (Astralis), ALEX (cựu thành viên Vitality), hay apEX,.. Để tránh tình trạng này và đảm bảo phong độ, một số đội tuyển đã thử nghiệm đội hình với 6 thành viên và đã đạt được một số thành công, tuy nhiên Valve đã nhanh chóng dập tắt ý tưởng này khi cập nhật bộ luật RMR vào đầu năm nay, trong đó các đội tuyển sẽ bị phạt 20% số điểm kiếm được nếu thay player giữa các trận.
Gla1ve, bộ não của Astralis từng phải tạm nghỉ thi đấu chuyên nghiệp trong 4 tháng để lấy lại phong độ
Trong một báo cáo được đưa ra vào tháng 5/2020, CSPPA (Hiệp hội các game thủ chuyên nghiệp CS) đã thừa nhận rằng trong thời gian gần đây nhiều player đã liên hệ với họ với những mô tả về hàng loạt những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như "buồn bã, lo lắng, tuyệt vọng, rối loạn giấc ngủ hoặc lạm dụng thuốc". CSPPA cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình, như hợp tác cùng các team và đơn vị tổ chức giải đấu để có một lịch trình phù hợp hơn, thiết lập một đường dây nóng hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho các tuyển thủ,... nhưng có vẻ chúng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Những vấn đề này một lần nữa làm dấy nên những kêu gọi CSPPA vào cuộc một cách quyết liệt hơn và đóng nhiều vai trò hơn nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho các player, thay vì chỉ mang tính chất hình thức như hiện tại. Thêm vào đó, các bên có liên quan cũng cần phối hợp một cách chặt chẽ hơn để có thể mang tới một lịch trình khoa học, tránh chồng chéo và giúp các tuyển thủ có thể duy trì phong độ tốt nhất và mang tới những trận đấu đỉnh cao, hấp dẫn.