CS:GO - 6 người một đội tuyển, lợi hay hại?

500Bros  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/04/2020 06:42 PM

Liệu nước đi này của Astralis và ENCE có phải là một thay đổi mang tính bước ngoặt và mở ra một hướng đi mới cho nền CS:GO chuyên nghiệp?

Vào tối qua ENCE đã bất ngờ thông báo mở rộng đội hình lên 6 thành viên và thành viên mới nhất của họ chính là Jamppi, một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất của CS:GO Phần Lan trong thời gian gần đây. Player mới 18 tuổi này đã được nhiều người biết đến sau khi anh đâm đơn kiện Valve trong nỗ lực gỡ lệnh cấm tham dự Major và các giải đấu do Valve tài trợ sau khi bị phát hiện có liên quan tới một tài khoản bị VAC Ban. Anh sẽ thay thế vị trí xseveN trong các giải đấu sắp tới, trừ ESL One: Road to Major do lệnh cấm tham dự kể trên.

CS:GO - 6 người một đội tuyển, lợi hay hại? - Ảnh 1.

Tài năng trẻ Jamppi đã chính thức gia nhập ENCE vào đêm qua

Vào đầu tháng này Astralis, một trong những tổ chức hàng đầu thế giới cũng đã thông báo sẽ tăng số lượng thành viên trong team lên 6 người với sự gia nhập của es3tag từ ngày 1/7 tới, sau khi anh hết hạn hợp đồng với Heroic. Thương vụ này cũng đã tốn không ít giấy mực của báo chí khi ông Erik Askered, CEO của Heroic đã tuyên bố trên Twitter rằng họ sẽ có những hành động pháp lý khi cho rằng Astralis đã hành động một cách thiếu tôn trọng và khiến FunPlus Phoenix rút lại quyết định mua lại đội hình của Heroic.

Bỏ những drama kể trên sang một bên thì một mô hình đội tuyển với 6 thành viên là điều chưa từng thấy trong CS:GO khi trước đây các đội tuyển đều chỉ có 5 thành viên chính thức và đôi khi là một số thành viên không chính thức ở dạng ngồi trên ghế dự bị hoặc là ngừng thi đấu. Việc Astralis chiêu mộ thành công est3ag và thông báo về một đội hình gồm 6 thành viên đã dấy nên nhiều tranh cãi và hoài nghi về khả năng thành công của mô hình mới này. Về lý thuyết thì một đội hình như này hoàn toàn là khả thi khi trong bộ luật của các đơn vị tổ chức giải đấu như BLAST hay ESL đều nêu rõ các đội tuyển có quyền có thêm thành viên dự bị và có thể thay đổi người không chỉ giữa các trận mà còn giữa các map thi đấu.

CS:GO - 6 người một đội tuyển, lợi hay hại? - Ảnh 2.

Các điều luật của BLAST và IEM liên quan tới việc thay đổi đội hình thi đấu

Tuy nhiên không biết vô tình hay cố ý nhưng trong thông báo mới nhất về hệ thống tính điểm cho Major ESL One Rio vào tháng 11 tới này thì Valve đã bất ngờ đưa vào những điều luật mới liên quan tới việc thay đổi thành viên trước và trong các giải đấu được họ tài trợ. Cụ thể, Valve đã nêu rõ nếu một đội tuyển thay thế thành viên (tối đa là 2 thành viên, nếu nhiều hơn số điểm sẽ bị reset) TRƯỚC khi tham dự một giải đấu thì họ sẽ bị trừ 20% số điểm RMR cho mỗi thành viên họ thay thế. Nếu một đội tuyển cho coach vào thi đấu chính thức TRONG khi giải đấu đang diễn ra thì họ cũng sẽ bị trừ 20% số điểm kiếm được cho mỗi lần thay đổi.

Tất nhiên các quy định trên chỉ dành cho các giải đấu thuộc hệ thống RMR, còn các đơn vị thứ 3 tổ chức như BLAST, ESL hay Flashpoint vẫn chưa có thông báo gì về các thay đổi (nếu có) trong bộ luật của mình nhưng nó chắc chắn sẽ khiến các đơn vị tổ chức giải đấu lẫn các đội tuyển cân nhắc về quyết định của mình.

CS:GO - 6 người một đội tuyển, lợi hay hại? - Ảnh 3.

5 thành viên Astralis tại sân khấu BLAST Premier Spring Series

Trong thế giới Esports không hiếm tựa game có những đội tuyển có nhiều hơn 5 thành viên như League of Legends hay Liên Quân Mobile... Việc có nhiều thành viên sẽ giúp đội tuyển đó tránh được tình trạng các player phải thi đấu quá nhiều dẫn tới phong độ tuột dốc và cho phép các đội tuyển có phương án dự phòng khi một sự cố bất ngờ xảy ra (giống như trường hợp của Astralis khi dev1ce từng gặp vấn đề về sức khỏe tại giải LAN trong quá khứ). Hơn thế nữa, nó sẽ cho phép các đội tuyển mở rộng các chiến thuật và khiến họ trở nên khó đoán, khó bắt bài hơn trong giai đoạn ban pick map lẫn khi thi đấu.

Tuy nhiên nó cũng có những mặt hạn chế khi đội tuyển có càng đông thành viên thì các chi phí vận hành và quỹ lương sẽ càng gia tăng và bản thân player dự bị cũng khó có thể duy trì một phong độ ổn định nếu không được thi đấu một cách thường xuyên, liên tục. Không chỉ vậy, chúng ta đều biết rằng CS:GO là một tựa game đồng đội và ở đấu trường chuyên nghiệp thì khả năng phối hợp nhuần nhuyễn với các đồng đội là rất quan trọng; vậy nên chỉ cần một mắt xích yêu hoặc tỏ ra lạc lõng cũng hoàn toàn có thể khiến cả cỗ máy gặp trục trặc và không hoạt động hiệu quả.

CS:GO - 6 người một đội tuyển, lợi hay hại? - Ảnh 4.

Es3tag hay Jamppi sẽ có rất nhiều việc phải làm để có thể hòa nhập vào đội hình mới của mình

Tuy nhiên chúng ta đều biết Astralis là một đội tuyển nổi tiếng với khả năng làm việc một cách khoa học và hợp lý; cách vận hành và hoạt động của những người Đan Mạch đã trở thành một hình mẫu để các đội tuyển khác nghiên cứu và học hỏi theo. Liệu nước đi này của Astralis và ENCE có phải là một thay đổi mang tính bước ngoặt và mở ra một hướng đi mới cho nền CS:GO chuyên nghiệp? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này.