- Theo Helino | 16/09/2019 11:59 PM
Từ trước tới nay, đa phần chúng ta đều luôn biết tới các tựa game nổi tiếng thường có xuất xứ từ nước ngoài, và rất hiếm sản phẩm của người Việt, do người Việt làm ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, ở đâu đó, vẫn có rất nhiều tựa game nổi tiếng, quen thuộc với chúng ta hóa ra lại được nhào nặn, chế tác bởi bàn tay của chính những người con tới từ dải đất hình chữ S đấy.
Counter-Strike
Ít người nghĩ rằng Counter Strike là tựa game do người Việt tạo ra
Tựa game mang đầy dấu ấn của tuổi thơ và có lẽ không thể nào phai nhạt trong tâm trí của các game thủ thế hệ 8x hay 9x đời đầu, ít người biết lại có xuất phát điểm được tạo ra bởi anh Lê Minh, còn được biết đến bởi nickname trên mạng là Gooseman, là một nhà sản xuất trò chơi máy tính người Canada gốc Việt. Cụ thể, chính anh, cùng với người đồng nghiệp Jess Cliffe là những người đã sáng tạo nên bản mod Half-Life nổi tiếng Counter-Strike vào năm 1999.
Anh Lê Minh (trái) là cha đẻ của Counter Strke
Điều đáng chú ý mà có thể ít người biết, đó là anh đã thực hiện công việc này ngay khi vẫn ngồi trên ghế giảng đường và được biết, Lê Minh đã giành tới 20 tiếng mỗi tuần cho bản mod. Để rồi kết quả như thế nào thì các bạn cũng biết rồi đấy, Counter Strike trở thành một trong những biểu tượng không thể thay thế của làng game bắn súng, và là nền tảng để phát triển lên những tựa game như CS2 hay CS:GO. Về sau, cũng chính Lê Minh đã sử dụng engine này để làm nên một tựa game mới của studio cá nhân, mang tên Tactical Intervention. Và nên nhớ, anh cũng từng được IGN bầu chọn trong top 100 những nhà làm game vĩ đại nhất.
Toy Odyssey
Có lẽ chẳng nhiều người nghe tới tựa game này, nhưng bản chất Toy Odyssey có thể coi là đứa con tinh thần của Hiker Games, một siêu phẩm thuần Việt.
Toy Odyssey - siêu phẩm thuần Việt
Được phát hành trên Steam và Xbox vào 9/2016, và cho tới đầu năm 2017, nó đã xuất hiện trên nên tảng PS 4. Về mặt lối chơi, Toy Odyssey được thiết kế theo phong cách đi cảnh cuôn màn hình ngang cổ điển nhưng kết hợp thêm các yếu tố hiện đại như hội thoại, nâng cấp trang bị, craft vũ khí và giải đố. Game được xếp hạng "rất tích cực" trên Steam và có giá khoảng 15$.
Và có lẽ chúng ta cũng chẳng quá xa lạ với cái tên studio Hiker Games, tiền thân trước đây là Emobi Games khi đó cũng là cha đẻ của các tựa game thuần Việt khác như Gleam, Eraser hay cả 7554, tựa game lấy đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Flappy Bird
Đương nhiên, tựa game từng một thời nổi đình nổi đám nhờ vào sự đơn giản, hấp dẫn mà nó mang lại cũng như những tranh cãi xung quanh tác giả Nguyễn Hà Đông đã khiến cho cái tên này chẳng còn xa lạ với bất kỳ ai trong số chúng ta. Và ở thời đỉnh cao của mình, siêu phẩm Flappy Bird của Việt Nam chỉ mất 26 ngày để từ vị trí thứ 1454 lên top 1 cả Android và iOS.
Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của Flappy Bird
Thế nhưng sau thành công của Flappy Bird, cái tên Nguyễn Hà Đông bất ngờ hiếm khi xuất hiện hay có các sản phẩm mới nữa.