Cốt truyện đơn giản nhưng vẫn thắng lớn, Kimetsu no Yaiba liệu có đang bị overrated?

DS  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/03/2022 01:41 PM

Ngay từ khi chưa được chuyển thể, Kimetsu no Yaiba đã bị chê bai vì cốt truyện quá đơn giản. Tuy nhiên, đây lại chính là yếu tố làm lên thành công của manga lẫn anime.

Một trong số những điểm bị chỉ trích nhiều nhất của Kimetsu no Yaiba là cốt truyện của nó quá đơn giản. Gia đình Tanjiro Kamado bị lũ quỷ thảm sát và cậu cùng cô em gái Nezuko là hai người duy nhất còn sống sót. Tuy nhiên, Nezuko lại hóa quỷ khiến Tanjiro buộc phải bắt đầu cuộc hành trình giúp em gái trở lại làm người. Không thể phủ nhận rằng cốt truyện của Kimetsu no Yaiba khá thẳng thắn, đây cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm.

Nguyên tác manga và anime chưa bao giờ tập trung vào các thiết lập thế giới, phần lớn quy tắc lẫn thế giới của Kimetsu no Yaiba đều được giới thiệu ngay từ đầu và dường như không hề thay đổi cho đến tận thời điểm câu chuyện kết thúc. Thay vào đó, Kimetsu no Yaiba tập trung vào việc khai thác mối quan hệ giữa các nhân vật, tiết lộ những thông tin quan trọng một cách nhỏ giọt ở mỗi arc truyện.

Cốt truyện đơn giản nhưng vẫn thắng lớn, Kimetsu no Yaiba liệu có đang bị overrated? - Ảnh 1.

Ngay từ đầu, Kimetsu no Yaiba đã định hướng cho người xem lẫn độc giả về mục đích lẫn kết thúc của nó, khi Giyu Tomioka nói với Tanjiro rằng cơ hội duy nhất để biến Nezuko trở lại làm người là cậu bé phải gia nhập Sát quỷ đoàn. Trong một vài chương tiếp theo, quá trình huấn luyện của Tanjiro đề cập đến kỹ thuật Hơi Thở Tập Trung Tuyệt Đối, phong cách thở và việc diệt quỷ. 

Tất cả các thông tin liên quan đến thiết lập thế giới được gói gọn trong arc huấn luyện Tanjiro và sau khi arc này kết thúc, các nhân vật không nhắc lại về nó nữa. Bằng cách này, Kimetsu no Yaiba đã có thêm đất diễn cho các nhân vật thay vì phải phân tích, mổ xẻ các khái niệm cơ bản. Mạch truyện của Kimetsu no Yaiba diễn ra rất nhanh, nhưng giữa các sự kiện đều có một khoảng nghỉ hợp lý. 

Chẳng hạn, ở chương thứ hai của manga hay anime tập 2, thậm chí những lo sợ về quỷ lẫn sự tồn tại của chúng còn không được đề cập đến. Việc đưa vào đoạn đối thoại hài hước giữa Tanjiro và bác nông dân về chiếc giỏ, cảnh cậu đan giỏ cho em gái cũng như hỏi đường lên núi. Rõ ràng là ngay từ lúc đầu, câu chuyện đã được định hướng là nói nhiều về nhân vật hơn là phát triển sức mạnh. Cảnh Tanjiro trả tiền rồi tự ngồi sửa chiếc giỏ giúp khán giả hiểu được giá trị của cuộc hành trình mà cậu bé sắp trải qua.

Cốt truyện đơn giản nhưng vẫn thắng lớn, Kimetsu no Yaiba liệu có đang bị overrated? - Ảnh 2.

Nội dung diệt quỷ để tìm phương pháp chữa trị không phải điều gì quá mới mẻ, nhưng khi được sử dụng trong Kimetsu no Yaiba, nó không tạo cảm giác nhàm chán cho người xem nhờ vào các nhân vật độc đáo. Sau khi các nhân vật chủ chốt như Tanjiro, Nezuko, Zenitsu và Inosuke xuất hiện, câu chuyện tiếp tục giới thiệu cửu trụ của Sát quỷ đoàn và một số lượng đáng kể các nhân vật phụ ở cả phe chính diệt lẫn phản diện. 

Để giữ cho các nhiệm vụ diệt quỷ luôn hấp dẫn, nhóm Tanjiro lần lượt được đồng hành với các trụ cột khác nhau. Điều này bổ sung và tạo ra nhân tố thu hút mới cho câu chuyện, khi các kỹ thuật hơi thở trở nên quá quen thuộc với khán giả. Các trụ cột được khai thác lần lượt, họ sẽ tạo các tương tác mới với dàn nhân vật chủ chốt để giữ cho mọi thứ luôn sống động, khiến khán giả phải theo dõi để khám phá thêm tính cách, backstory… của trụ cột. Cách xây dựng này tỏ ra hiệu quả khi qua hai arc là Mugen Train và Entertainment District, hai trụ cột Kyojuro Rengoku và Tengen Uzui đều để lại ấn tượng mạnh, thậm chí lấn át cả dàn nhân vật chính.

Kimetsu no Yaiba có chiến thuật rất không ngoan khi tập trung vào từng nhân vật trong mỗi arc thay vì phân bổ thời gian dàn trải. Viêm trụ Kyojuro Rengoku có màn chào sân khá mờ nhạt và cũng chỉ xuất hiện trong arc Mugen Train, nhưng anh vẫn trở thành điểm nhấn cho cả bộ truyện, nhận được sự yêu thích từ khán giả. Tính cách, backstory, lý tưởng của Rengoku được gói gọn trong Mugen Train, thông qua các tương tác với nhóm Tanjiro trước khi cuộc chiến bắt đầu và màn đối thoại với thượng huyền tam Akaza. Như vậy, khán giả thực sự quan tâm đến Rengoku vì họ thích tính cách lẫn suy nghĩ của anh thay vì chỉ dựa vào vẻ bề ngoài.

Cốt truyện đơn giản nhưng vẫn thắng lớn, Kimetsu no Yaiba liệu có đang bị overrated? - Ảnh 3.

Một điểm mạnh khác ở Kimetsu no Yaiba là việc khai thác tối đa các tình huống hài hước, giúp khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn về nhân vật, ngay cả khi nhân vật đó không hài hước. Tiếng cười, trò đùa giúp không khí trong truyện dịu xuống và khơi gợi sự lạc quan, thay vì tạo ra bầu không khí quá đau buồn. Nếu khán giả yêu thích một nhân vật, họ sẽ quan tâm đến tất cả những gì diễn ra xung quanh nhân vật đó, bất kể câu chuyện diễn ra theo hướng nào. 

Đây là điều sẽ rất khó đạt được nếu tạo ra một cốt truyện quá phức tạp. Có thể thấy rằng Kimetsu no Yaiba đã làm rất tốt việc thu hút khán giả quan tâm và yêu thích các nhân vật một cách nhanh chóng, đến mức họ gần như không quá để tâm đến nội dung đơn giản, thiếu sáng tạo đột phá của nó.

https://gamek.vn/cot-truyen-don-gian-nhung-van-thang-lon-kimetsu-no-yaiba-lieu-co-dang-bi-overrated-20220324134115938.chn