- Theo Trí Thức Trẻ | 29/05/2022 06:43 AM
Bài phát biểu rất đa dạng của hãng đến từ những nhân sự chủ chốt: Phó Chủ tịch NVIDIA về Điện toán tăng tốc Ian Buck, Phó Chủ tịch Cấp cao về Kỹ thuật phần cứng Brian Kelleher, Giám đốc quản lý sản phẩm về Điện toán tăng tốc Ying Yin Shih, CTO Michael Kagan, Phó Chủ tịch Cấp cao của GeForce Jeff Fisher, Phó Chủ tịch Điện toán biên và tích hợp Deepu Talla.
Sức mạnh cho gaming và nhà sáng tạo nội dung được tăng cường tối đa
Mảng kinh doanh mang tính truyền thống của NVIDIA do ông Jeff Fisher trình bày, nhà sản xuất GPU này sẽ không bao giờ quên các game thủ cũng như những nhà sáng tạo nội dung. Họ luôn luôn tìm cách tăng cường sức mạnh phần cứng tối đa để đem đến cho người dùng những trải nghiệm mới thật mượt mà cũng như những khung hình đẹp tuyệt vời trong thế giới ảo.
Theo chia sẻ của ông Fisher thì trong hơn 20 năm qua, NVIDIA đã luôn nỗ lực hết mình trong việc xây dựng nền tảng tốt nhất cho gaming và creating. Không chỉ với sức lực của bản thân họ mà còn kết hợp cùng các đối tác khác trong ngành bao gồm những nhà phát triển game, phần mềm nhằm tạo ra môi trường ảo tốt nhất.
Từ năm 2018 khi NVIDIA RTX được giới thiệu và tạo tiếng vang lớn, cải thiện chất lượng đồ họa vượt trội với phần cứng hỗ trợ ray-tracing theo thời gian thực cho tới nay 2022 thì mọi thứ luôn liên tục được phát triển một cách tiên tiến hơn.
Cụ thể thì hiện tại đã có tới hơn 250 tựa game đình đám cũng như cả loạt phần mềm thiết kế, 3D… đã hỗ trợ và ứng dụng công nghệ RTX. So sánh với cùng kỳ Computex năm ngoái thì con số đã tăng gấp 2. Bên cạnh đó thì NVIDIA DLSS - công nghệ tăng chất lượng khung hình tuyệt vời của họ đã được tích hợp vào hơn 180 trò chơi và tạo ra một tiêu chuẩn cao cấp mới trong làng game thế giới.
Nổi bật nhất chính là tựa game HITMAN 3 vốn được cả game thủ cũng như các nhà phê bình đánh giá cao đã thông báo rằng họ sẽ thêm NVIDIA DLSS cùng ray-tracing vào game để tăng chất lượng hình ảnh phản xạ, đổ bóng, ánh sáng vào game từ 24/05.
Không chỉ tập trung vào mặt hình ảnh, đồ họa truyền thống NVIDIA còn tích hợp thêm công nghệ Reflex giúp giảm độ trễ cho cả khâu nhập lẫn xuất tín hiệu, đem lại một trải nghiệm hoàn hảo hơn cho game thủ. Cụ thể thì các loại chuột, bàn phím, màn hình sẽ có khả năng vận hành không delay, mọi thứ đều vô cùng chính xác và mượt mà.
Hiện tại thì NVIDIA Reflex đã hỗ trợ 38 tựa game, 22 loại màn hình và 45 loại chuột. Có tới hơn 20 triệu game thủ trên toàn thế giới đang chơi với Reflex ON hàng tháng, biến nó trở thành một trong những công nghệ thành công nhất của NVIDIA từ trước tới nay.
Điểm hấp dẫn nhất của công nghệ Reflex năm nay chính là loạt sản phẩm mới cực đỉnh ra mắt hỗ trợ, điển hình như màn hình 500Hz đầu tiên của ASUS là ROG Swift 500Hz cùng Acer là Predator X28 G-Sync. Cùng với đó là 2 chú chuột gaming MM310 và MM730 của Cooler Master.
Về mảng laptop gaming, hiện tại NVIDIA đang tỏ rõ sức mạnh vượt trội của mình trong lĩnh vực này với các GPU của hãng được trang bị công nghệ Max-Q thế hệ thứ 4. Giờ đây những chiếc máy tính xách tay rất mỏng rất nhẹ nhưng vẫn có hiệu năng vô cùng ấn tượng. Theo chia sẻ của ông Fisher thì hiện có hơn 180 mẫu laptop gaming trang bị GeForce RTX, đây là những chiếc có hiệu suất cao nhất và tính di động tốt nhất từ trước tới nay.
Với những người dùng cuối sử dụng máy tính hiệu năng cao để làm các công việc sáng tạo, NVIDIA Studio đang hỗ trợ họ tốt nhất có thể khi đem tới khả năng tăng tốc ứng dụng cũng như các công cụ sáng tạo một cách hoàn hảo. Bên cạnh đó thì nền tảng "đa vũ trụ" NVIDIA Omniverse có khả năng xây dựng một thế giới ảo 3D kết nối với nhau cũng đang phát triển nhanh chóng mặt.
Hiện tại Omniverse đang được cập nhật một số tính năng nền tảng để tăng tốc quy trình làm việc cho người dùng. Cụ thể là Omniverse Cloud Simple Share cho phép gửi cảnh chỉ bằng một cú nhấp chuột. Audio2Emotion sẽ sớm chuyển thành Audio2Face có khả năng thay đổi biểu cảm khuôn mặt dựa trên âm thanh nhờ vào AI hỗ trợ.
Nền tảng Omniverse cũng sẽ có thực tế ảo khi NVIDIA Omniverse XR App đã ra mắt phiên bản thử nghiệm. Với phần mềm này, người dùng có thể tận hưởng một thế giới 3D ảo như thật, được nhập vai và trải nghiệm một cách chân thực.
Cuối cùng thì Omniverse Machinima đã được cập nhật để giúp các nhà sáng tạo đồ họa 3D có thể tạo ra những đoạn phim hoạt hình vô cùng dễ dàng.
Ông Fisher cho biết Omniverse chính là tương lai của ngành sáng tạo nội dung 3D và thế giới ảo trong thời gian tới.
Trung tâm dữ liệu siêu việt
Trí tuệ nhân tạo chính là chìa khóa của tương lai và NVIDIA rõ ràng sẽ tập trung rất nhiều tài nguyên vào các trung tâm dữ liệu, thứ sẽ là cơ sở để xây dựng hay chuyển đổi thành "nhà máy AI". Điều này được thể hiện rõ khi Ian Buck – Phó chủ tịch của NVIDIA về Hyperscale và HPC đã chia sẻ về vấn đề này ngay thời điểm bắt đầu buổi hội thảo.
Ông cho biết: "Sự chuyển đổi của các trung tâm dữ liệu đơn thuần thành nhà máy AI đòi hỏi NVIDIA phải định hình lại Trung tâm dữ liệu ở mọi cấp độ từ phần cứng tới phần mềm, từ chip xử lý tới cơ sở hạ tầng của hệ thống". Nói một cách đơn giản thì các trung tâm dữ liệu sẽ phải trở nên ‘siêu việt’ hơn trước nhiều lần.
NVIDIA Hopper GPU, NVIDIA Grace CPU và NVIDIA BlueField DPU là các khối cơ sở sẽ được kết nối với nhau bởi NVIDIA Quantum cùng Spectrum switch để tạo ra một Trung tâm xử lý dữ liệu tân tiến. Trong đó các thiết bị Quantum cùng Spectrum sẽ là nền tảng cho nhà máy AI trong tương lai.
Hãng đã xây dựng nhiều công nghệ riêng biệt cho hệ thống máy chủ với các chức năng khác nhau. Cụ thể thì NVIDIA CGX cho cloud gaming, OVX cho digital twins, HGX Grace và HGX Grace Hopper cho khoa học, phân tích dữ liệu và AI. Những hệ thống đầu tiên với nền tảng sức mạnh là NVIDIA Grace CPU Superchip và Grace Hopper Superchip sẽ ra mắt vào đầu năm 2023 tới đây.
Một điểm thú vị nữa là các GPU A100 PCIe sẽ được làm mát bằng chất lỏng trực tiếp, hỗ trợ các máy chủ phổ thông sẽ chính thức được bán từ Q3 năm 2022 này. Với cơ sở hạ tầng đỉnh cao thì máy chủ có thể triển khai hoạt động 24/7 một cách vô cùng ổn định.
Về cơ bản, theo chia sẻ của Ian Buck, NVIDIA có nền tảng phần cứng và phần mềm mở cho nhiều nhu cầu, hoàn chỉnh để xây dựng các nhà máy AI của tương lai.
Công nghệ AI và máy chủ, trung tâm dữ liệu này có khá nhiều ứng dụng trong cả hoạt động sản xuất công nghiệp lẫn nhu cầu phổ thông như gaming. Ví dụ như một máy chủ để chạy game online hay sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng tốc phần cứng như DLSS mà NVIDIA đã triển khai hiện tại.
Cuộc cách mạng ngành robot với AI
Nhìn một cách tổng quan, AI đang tiếp cận đời sống thường nhật của chúng ta một cách sâu sắc. Đặc biệt trong các ngành công nghiệp, chế tạo… Một trong số đó chính là ứng dụng vào các con robot thông minh.
Deepu Talla, Phó chủ tịch Điện toán biên và tích hợp của NVIDIA đã có những chia sẻ về việc thúc đẩy tự động hóa khiến robot trở thành công cụ quan trọng với ứng dụng của AI. Hiện tại đã có hơn 30 doanh nghiệp lớn trên toàn cầu được lên danh sách cung cấp NVIDIA Jetson AGX Orin tân tiến nhất cho edge AI, AIoT và robot.
NVIDIA Jetson AGX Orin sử dụng kiến trúc Ampere, là một CPU Arm Cortex-A78AE có khả năng tăng tốc xử lý hình ảnh, học sâu, băng thông bộ nhớ cực nhanh và hỗ trợ cảm biến đa phương thức. Đây sẽ là mảnh ghép quan trọng để đưa các thiết bị thông minh hơn vào thế giới thực - đời sống hàng ngày của chúng ta.
Về cơ bản thì nền tảng xây dựng robot của NVIDIA được ghép lại bởi 4 "trụ cột" chính bao gồm:
- Tạo ra AI để điều khiển, tự học, tự vận hành.
- Mô phỏng hoạt động trong thế giới ảo trước khi triển khai.
- Xây dựng robot vật lý hoàn chỉnh.
- Quản lý đội robot.
Theo tính toán thì các robot có thể vận hành hoàn hảo trong cả chục năm trước khi kết thúc vòng đời của mình. Và khâu quan trọng nhất chính là tạo ra một trí thông minh nhân tạo tuyệt vời để chúng có khả năng nhận thức được tốt, từ đó đảm bảo chức năng trong thời gian dài.