- Theo Helino | 27/01/2020 06:31 PM
Lưu Bị (161 – 223) là một thủ lĩnh quân phiệt và cũng là Hoàng đế khai quốc của nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới gia quyến của vị quân chủ này, hầu hết các tài liệu chính sử đều viết rằng ông có 4 người con trai. Trong số đó, người lớn nhất là con nuôi Lưu Phong, còn lại 3 người con trai ruột, lần lượt là Lưu Thiện, Lưu Vĩnh và Lưu Lý.
Thế nhưng điều đáng nói lại nằm ở chỗ, vào thời điểm lựa chọn người kế thừa đại nghiệp, Lưu Bị lại quyết định truyền ngôi cho người con có tư chất bình thường nhất là Lưu Thiện.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, việc để một người ngốc nghếch, nhu nhược như Lưu Thiện kế vị chính là một trong những lựa chọn sai lầm nhất của Lưu Bị và nhà Thục Hán. Thế nhưng sự thực liệu có phải như vậy?
Vén màn thân thế 4 người con trai của Lưu Thiện
Ảnh minh họa.
Trong số 4 người con trai được chính sử ghi lại của Lưu Bị, nhân vật lớn tuổi hơn cả phải kể tới Lưu Phong. Ông vốn mang họ Khấu, mẹ ruột là dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, được Lưu Bị nhận nuôi khi mới hơn 10 tuổi.
Đi theo Lưu Bị từ khi người cha nuôi này còn nam chinh bắc chiến gây dựng thế lực, Lưu Phong cũng từng được rất mực trọng dụng. Thế nhưng ở vào thời điểm Quan Vũ thua chạy tại Mạch Thành, thay vì ra tay giúp đỡ, ông đã khoanh tay đứng nhìn vị hổ tướng này bị đẩy vào cửa tử.
Chính quyết định sai lầm ấy đã khiến Lưu Phong thất sủng và bị chính cha nuôi Lưu Bị ban cho tội chết.
Trong số những người con trai ruột còn lại của Lưu Bị, Lưu Thiện là người nổi tiếng hơn cả, thế nhưng không rõ ông là con thứ mấy của Tiên chủ.
Lưu Thiện ra đời vào năm 207 do Cam phu nhân sinh hạ. Vào thời điểm này, cha ông đã 45 tuổi và còn đang nương nhờ vào thế lực Lưu Biểu ở đất Kinh Châu.
Sau này, Lưu Thiện được Lưu Bị truyền ngôi và trở thành vị Hoàng đế thứ hai của nhà Thục Hán, sử cũ gọi là Hậu chủ.
Tới khi Thục Hán bị diệt, Lưu Thiện bị áp tải tới Lạc Dương và được Tào Ngụy phong làm An Nhạc công.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh Lưu Thiện, Lưu Bị còn có 2 người con trai khác được chính sử ghi chép lại là Lưu Vĩnh và Lưu Lý.
Lưu Vĩnh là em trai khác mẹ của Lưu Thiện. Mẹ ruột của ông không được sử liệu ghi chép về xuất thân. Lưu Vĩnh trước được phong làm Lỗ Vương, sau phong làm Cam Lăng vương.
Sau này, vì bất hòa với sủng thần của Lưu Thiện là hoạn quan Hoàng Hạo, ông liền bị chính anh ruột lạnh nhạt. Tới khi Thục Hán bị diệt, Lưu Hạo cũng buộc phải chuyển tới Lạc Dương, được Tào Ngụy phong làm Đô úy, hưởng tước Hương hầu.
Lưu Lý là em trai khác mẹ với Lưu Thiện, Lưu Vĩnh. Vị phu nhân sinh ra ông cũng không được chính sử ghi chép về xuất thân. Năm xưa, Lưu Lý được phong làm Lương vương, sau trở thành An Bình vương, nhưng vì yểu mệnh qua đời sớm mà được ban thụy hiệu Điếu vương.
Ngoài những người con này, Lưu Bị còn có 2 người con gái từng đi theo trong trận Trường Bản. Tuy nhiên sau đó cả hai người đều bị quân Tào bắt làm tù binh và buộc phải gả cho con trai Tào Thuần.
Cũng có tài liệu cho rằng, vào khoảng năm Kiến An thứ nhất (năm 196), Lưu Bị ít nhất đã từng có một người con trai. Tuy nhiên giả thiết này cho tới ngày nay vẫn chưa được kiểm chứng chính xác.
Hai nguyên nhân khiến Lưu Bị buộc phải truyền ngôi cho Lưu Thiện
Cho tới ngày nay, có không ít ý kiến cho rằng việc Lưu Bị truyền lại ngôi báu cho người con có tư chất bình thường như Lưu Thiện có thể xem là một trong những quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời ông.
Tuy nhiên theo quan điểm của chuyên trang lịch sử Qulishi (Trung Quốc), đây thực chất là quyết định hợp lý nhất của Tiên chủ vào thời điểm đó vì 2 lý do dưới đây.
Thứ nhất, quan niệm lập trưởng không lập thứ của Trung Hoa thời cổ đại.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Vào năm 226 sau thất bại ở trận Di Lăng trước Đông Ngô, Lưu Bị u uất mà lâm bệnh nặng. Trước lúc qua đời, ông đã quyết định đem ngôi báu truyền lại cho người con trai lớn nhất là Lưu Thiện.
Bấy giờ, Lưu Thiện dù vẫn chưa bước qua tuổi 20, thế nhưng chung quy vẫn lớn tuổi hơn so với hai người em trai cùng cha khác mẹ là Lưu Vĩnh và Lưu Lý.
Mặc dù cho tới ngày nay, các nguồn sử liệu vẫn còn nhiều tranh cãi ngôi thứ của Lưu Thiện trong số những người con trai của Lưu Bị.
Thế nhưng dù cho ông là người con thứ mấy, thì ở vào thời điểm lựa chọn người kế vị, Lưu Thiện vẫn là người lớn nhất về phương diện tuổi tác và có thể xem như con trưởng, nhất là khi người con nuôi cả là Lưu Phong đã bị ban chết từ trước đó.
Ở Trung Hoa vào thời phong kiến, quan niệm lập trưởng không lập thứ từ lâu đã trở nên thâm căn cố đế và càng được hoàng tộc các vương triều xem nặng.
Do đó việc Lưu Bị lập Lưu Thiện kế vị cũng có thể xem là hợp tình hợp lý nếu dựa trên quan niệm thời bấy giờ.
Thứ hai, Lưu Bị đã sớm tìm người trải đường cho tương lai của Lưu Thiện và nhà Thục Hán.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).
Trên thực tế ở vào thời điểm để lại di ngôn nối ngôi, Lưu Bị đã ủy thác con trai cho hai trọng thần cốt cán của Thục Hán khi ấy. Đó chính là Thừa tướng Gia Cát Lượng và đại thần Lý Nghiêm.
Là một trong những nhân vật phò tá Lưu Bị từ thuở gây dựng sự nghiệp, tài năng và công lao của Gia Cát Khổng Minh từ sớm đã vang danh Tam Quốc. Vì vậy việc Lưu Bị gửi gắm con trai cho trọng thần này cũng không phải là điều khiến người đời ngạc nhiên.
Bên cạnh đó, một đại thần khác được giao trọng trách phò tá Tân đế chính là Lý Nghiêm – người được chính Gia Cát Lượng khen ngợi là sở hữu tài năng không kém gì so với tướng Lục Tốn của Đông Ngô.
Do đó mặc dù Lưu Thiện sở hữu tư chất bình thường, thậm chí có ý kiến còn cho rằng ông là người ngốc nghếch, nhu nhược, thế nhưng với sự phò tá của hai nhân tài đắc lực này, tương lai của Tân đế và nhà Thục Hán trong vài thập kỷ sắp tới cũng không phải là điều đáng lo ngại.
Và có lẽ, Tiên chủ Lưu Bị cũng nhìn thấu điều này nên mới có thể an tâm nhắm mắt khi đặt đại nghiệp vào tay người con không có mấy phần nổi bật ấy.
Nhìn lại của đời của Tiên chủ Lưu Bị, không khó để nhận thấy ông là một trong số những nhân vật gặt hái thành công tương đối muộn trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Phải tới năm 60 tuổi, Lưu Bị mới có được đế nghiệp, thế nhưng chung quy vẫn chưa thể hoàn thành đại nghiệp thống nhất.
Hơn nữa, Lưu Bị cũng khác với những nhân vật như Chu Nguyên Chương thời nhà Minh hay Khang Hi thời nhà Thanh, không có con cháu đầy đàn để có thể tùy ý lựa chọn người kế vị. Đây chính là một trong những tiếc nuối trong cuộc đời của vị Hoàng đế ấy.
Cũng bởi vậy mà ở vào thời điểm tìm người nối ngôi, Lưu Thiện là một trong những lựa chọn ổn thỏa nhất, cũng là quyết định hợp lý nhất mà Lưu Bị đã dùng hết tâm sức lúc cuối đời để đắn đo, cân nhắc.
*Theo quan điểm của Qulishi.
Theo Trí thức trẻ