Có thể bạn chưa biết: Thương hiệu Pokemon đã được bắt đầu như thế nào?

Tùng  - Theo Helino | 22/09/2019 11:59 AM

Hành trình kéo dài hơn 2 thập kỷ của Pokémon bắt đầu từ một cậu bé tên là Satoshi Tajiri – người sau này trở thành CEO của Game Freak.

Pokémon, trải qua hơn 20 năm phát triển không ngừng, đã trở thành một thương hiệu truyền thông khổng lồ xuất hiện trên nhiều sản phẩm và loại hình giải trí như video game, anime truyền hình, truyện tranh, trading card, đồ chơi và các sản phẩm giải trí gia đình khác. 

Ngoài trụ sở chính của The Pokémon Company tại Tokyo, công ty còn có các chi nhánh con khác hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên để đạt được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết được thương hiệu Pokémon đã xuất phát khó khăn như thế nào.

Hành trình kéo dài hơn 2 thập kỷ của Pokémon bắt đầu từ một cậu bé tên là Satoshi Tajiri – người sau này trở thành CEO của Game Freak.

Tiểu sử Satoshi Tajiri

Tajiri sinh ra ở vùng ngoại ô Tokyo. Cha là nhân viên bán hàng, mẹ là nội trợ. Thuở nhỏ, sở thích của Tajiri là khám phá thiên nhiên và sưu tập côn trùng. Cuối thập niên 70, khi đồng ruộng ao hồ dần trở thành những đô thị, trung tâm mua sắm, niềm đam mê của Tajiri chuyển sang video game và arcade.

Có thể bạn chưa biết: Thương hiệu Pokemon đã được bắt đầu như thế nào? - Ảnh 1.

Thời còn đi học, Tajiri rất mê game, thậm chí cúp học để chơi game. Cha mẹ ngăn cấm, sợ ông nghiện game mà bỏ học nhưng không ngăn được đam mê tìm tòi của ông. Về sau Tajiri tốt nghiệp khóa đào tạo 2 năm tại Đại học Công nghệ Quốc gia Tokyo. Cha muốn ông trở thành một kĩ sư cơ khí, nhưng đó không phải là ước mơ của Tajiri.

Năm 16 tuổi, Tajiri đạt giải ở một cuộc thi do Sega tài trợ. Một năm sau (1982), ông cùng với vài người bạn xuất bản tạp chí trò chơi điện tử mang tên Game Freak. Với giá bán khiêm tốn, tạp chí Game Freak nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng game.

Sự ra đời của Game Freak

Tajiri càng nghiên cứu về game, ông lại càng đam mê hơn. Ông cảm giác thị trường game còn có thể phát triển thêm nữa. Tajiri tự tháo rời các thiết bị điện tử của Nintendo để xem cách thức nó hoạt động và tìm cách lập trình. Ngôn ngữ lập trình ban đầu ông dùng là Family BASIC của Famicom. Năm 1987, Tajiri phát hành tựa game đầu tiên, Quinty (Mendel Palace). Hai năm sau, ông chính thức thành lập công ty Game Freak, tiếp tục thực hiện nhiều dự án game khác như Smart Ball (1991), Yoshi (1991), Mario & Wario (1993), và Pulseman (1994).

Có thể bạn chưa biết: Thương hiệu Pokemon đã được bắt đầu như thế nào? - Ảnh 2.

Bốn nhân vật trên hình là bốn thành viên kỳ cựu đã góp tay xây dựng lên Game Freak từ lúc mới thành lập: Satoshi Tajiri - nhà sáng lập Game Freak; Ken Sugimori - họa sĩ minh họa, người đã sát cánh với Tajiri từ khi Game Freak còn là một tạp chí; Junichi Masuda - đạo diễn âm thanh, về sau trở thành người kế nhiệm của Tajiri; cuối cùng là Shigeki Morimoto - cha đẻ của Mew, nhân tố có vai trò quan trọng với thành công của hai bản game đầu tiên.

Capsule Monster và cửa ải đầu tiên: Nintendo

Một lần, Satoshi Tajiri tình cờ thấy hai đứa trẻ dùng Link Cable để kết nối Game Boy với nhau, kí ức tuổi thơ ùa về, khiến ông liên tưởng đến hình ảnh côn trùng di chuyển bên trong dây nối giữa hai máy. Tajiri cũng rất yêu thích bộ phim Ultraseven, vì nhân vật chính triệu hồi quái vật khổng lồ từ bên trong chiếc lọ nhỏ để chiến đấu cùng anh ta. Hai gợi ý này đã khiến ông nảy sinh ý tưởng về một trò chơi gọi là Capsule Monster, với mong muốn mang niềm vui thuở nhỏ của ông đến với những đứa trẻ. Năm 1990, ông bắt tay vào việc phát triển ý tưởng này và nộp cho Nintendo.

Nintendo là một công ty thiết bị điện tử console, sở hữu bề dày lịch sử phát triển không tưởng (từ năm 1889), thành công vang dội với những thương hiệu trò chơi điện tử khổng lồ như Mario (1981), Legend of Zelda (1986) và sau đó là Pokémon (1996)... Nintendo được ghi nhận là một trong những nhà sản xuất video game lớn nhất thế giới, với 2 tỉ trò chơi điện tử được phát hành trên toàn thế giới.

Sau khi xem qua ý tưởng của Tajiri, Nintendo không mấy hứng thú. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn hết lần này đến lần khác, Nintendo chấp nhận cấp cho Game Freak một khoản vốn và phân công một studio (tiền thân của Creatures) đến hỗ trợ và giám sát việc thiết kế game. Vì vấn đề bản quyền, Tajiri phải đổi tên game, đầu tiên là rút gọn thành CapMon, sau đó đổi thành Pocket Monster.

Shigeru Miyamoto - người chắp cánh cho Pokémon

Có một người rất quan tâm đến ý tưởng của Tajiri, đó là Shigeru Miyamoto. Ông được coi là người đã tạo nên cuộc cách mạng game điện tử đầu thập niên 1980 đồng thời ông cũng được xem là một trong những bộ óc sáng tạo nhất trong ngành công nghiệp game. Shigeru Miyamoto cũng chính là cha đẻ của Mario và Legend of Zelda, những quả trứng vàng của Nintendo, vì vậy ông rất có tiếng nói trong công ty. Ông đồng ý giúp đỡ Tajiri hoàn thiện Pocket Monster. Đối với Tajiri, Miyamoto như một tiền bối đáng kính, đồng thời cũng là một đối thủ để ông phấn đấu.

Có thể bạn chưa biết: Thương hiệu Pokemon đã được bắt đầu như thế nào? - Ảnh 3.

Miyamoto là người đưa ra ý tưởng phát hành 2 bản game cùng lúc. Để nhấn mạnh mục tiêu gắn kết cộng đồng, mỗi bản game đều bị khuyết, đòi hỏi nhiều người chơi kết nối với nhau mới có thể hoàn thành game. Sau khi hoàn chỉnh, Tajiri nộp lại ý tưởng cho Nintendo một lần nữa. Lần này với sự thuyết phục của Shigeru Miyamoto, Nintendo đã chấp thuận ý tưởng của Tajiri. Ông và những người cộng sự chính thức bước vào khoản thời gian khó khăn nhất với mục tiêu hoàn thành trò chơi trong mơ của họ.

Thành công của Pokémon Red & Pokémon Green

Có thể bạn chưa biết: Thương hiệu Pokemon đã được bắt đầu như thế nào? - Ảnh 4.

Sau 6 năm trời ròng rã, làm việc quần quật, và xoay sở với vấn đề tài chính khiến Game Freak gần như phá sản. Nhiều người phải rút lui vì điều kiện không cho phép. Bản thân Tajiri nhiều lúc phải làm việc không công trong nhiều giờ đồng hồ liên tục. Những nỗ lực suốt 6 năm cuối cùng đã cho ra đời Pokémon Red và Pokémon Green, được phát hành tại Nhật vào tháng 2 năm 1996, trên hệ máy Game Boy của Nintendo. Ban đầu doanh số của game khá khiêm tốn, mãi cho đến sự xuất hiện bất ngờ của "Mew".

Trước ngày phát hành 2 tuần, Shigeki Morimoto thấy vẫn còn đủ dữ liệu để thêm vào một Pokémon nữa, nên anh tạo ra Mew. Đa số người chơi cho rằng Mew chỉ được nhắc tới trong câu chuyện của Mewtwo. Dường như chẳng ai nghĩ rằng nó thực sự tồn tại trong game, ngay cả Nintendo (bởi vì họ kiểm duyệt game trước khi Mew được sinh ra). Thế nhưng nhờ một lỗi lập trình, Mew đột ngột xuất hiện trước mặt một số người chơi. Tin tức về Pokémon thứ 151 bắt đầu lan truyền khắp thế giới, và người ta bắt đầu đổ xô chơi Pokémon để tìm Mew.

Có thể bạn chưa biết: Thương hiệu Pokemon đã được bắt đầu như thế nào? - Ảnh 5.

Sự cố này không gây ra rắc rối gì, ngược lại còn làm doanh thu của game tăng gấp 3-4 lần, một tốc độ kinh ngạc, đặc biệt sau sự kiện "Legendary Pokémon Offer", trao tặng Mew cho 20 người may mắn, chính thức ra mắt Pokémon thứ 151. Ban đầu họ dự đoán khoảng 3.000 người tham gia nhưng con số lại nhảy vụt lên 78.000! "Sự cố" mang tên Mew đã nâng thương hiệu Pokémon lên một tầm cao mới, kéo theo một loạt thành công tiếp nối sau này.