- Theo Trí Thức Trẻ | 22/08/2016 07:00 AM
Khi còn nhỏ, tôi, vốn là một đứa con trai thứ, luôn phải ngồi nhìn anh trai mình chơi điện tử. Những tựa game thời đó không có chế độ chơi hai người như Contra ngày trước, mà cũng chưa tân tiến đến mức có split screen thời PS2. Hồi đó máy PS1 với những game kinh dị luôn khiến tôi phát khiếp. Nhưng càng khiếp sợ, tôi lại càng muốn xem anh mình dấn thân vào những cơn ác mộng đó ra sao.
Rất nhiều năm sau, giờ đây chúng tôi vẫn coi đó là khoảng thời gian tuyệt nhất. Không có tranh giành xem ai được chơi và ai ngồi nhìn, mà thực tế là tôi cũng sợ phát khiếp và chắc chắn mẹ cũng chẳng cho chơi những trò chơi nhìn đâu cũng thấy quái vật máu me như vậy đâu.
Giờ đây, thú vui tưởng chừng kỳ dị một thời của tôi hóa ra lại là một ngành công nghiệp triệu Đô trên internet. Những anh chàng, cô nàng chơi game rồi quay clip lại chia sẻ cho cộng đồng game thủ trên khắp thế giới đã và đang kiếm bộn tiền trên YouTube, Twitch hay tất tần tật những kênh stream game nổi tiếng. Làm cách nào những kẻ còn rất trẻ như Markiplier hay PewDiePie mỗi năm kiếm ra cả triệu Đô chỉ bằng việc ngồi trước màn hình máy tính gào thét cho người khác xem?
Và câu hỏi quan trọng hơn, vì sao người ta vẫn thích xem kẻ khác chơi game mà không tự chơi?
Khoảng 3 4 năm về trước tôi bắt đầu xem những video clip theo kiểu "Let's Play", nôm na là bạn chỉ ngồi xem một người chơi game và theo dõi những sắc thái khuôn mặt của tác giả đoạn clip. Thời gian rảnh không biết làm gì, anh em bạn bè khi xưa chơi game cùng thì đã mỗi người một ngả. Chơi một mình mãi cũng đâm chán, vậy là bắt đầu lên YouTube kiếm những đoạn clip xem người khác chơi như thế nào.
Show đầu tiên tôi bị cuốn hút là The Game Grumps. Nó cũng giống một show truyền hình vui vui, hai người ngồi chơi game và tán dóc, kể chuyện cười cho nhau nghe. Khi đó họ cùng chơi Super Mario Sunshine trên GameCube, tôi vẫn nhớ rất rõ.
Chính những đoạn clip chỉ vài phút đồng hồ như thế này đã khiến ký ức tuổi thơ của tôi ùa về. Cái cảm giác ức chế khi mãi không qua được một chướng ngại trên màn chơi, hay cả tiếng đồng hồ chỉ cố gắng nhảy qua một chỗ khó, tất cả đều hiện diện khi xem trên YouTube. Giờ muốn chơi lại tựa game đó, nghĩa là phải đi mua một cái máy GameCube cũ, và tìm một đĩa game, mà ở cái xứ PS2 thống trị như thế này khó chẳng khác gì lên trời.
Có thể nói, chính cái xã hội nơi con người thường khép vào vỏ bọc trên internet đã khiến những YouTuber như PewDiePie trở nên thành công. Chính thứ thế giới ảo mà ai cũng muốn có mặt đã tạo ra một bộ phận khán giả nhiệt thành, đông đảo và trung thành của những người dám thử những cái mới vào thời bấy giờ.
Ở thời điểm ai cũng một mình một màn hình, sự sáng tạo, xóa nhòa ranh giới của một ngôi sao được nhiều người theo dõi, một nhà phê bình và quan trọng hơn cả là một diễn viên hài đã khiến những người stream game có được thu nhập ai cũng ước mơ.
Không chỉ dừng lại ở đó, những streamer có duyên thậm chí còn trò chuyện, trả lời các câu hỏi của người xem, bông đùa cùng họ, cùng lúc vẫn tập trung ngồi chơi game. Không phải ai cũng là gosu, nhưng nếu muốn xem gosu chơi game, chúng ta sẽ tìm đến các giải đấu, chứ không phải những kênh stream mang tính giải trí cao, nơi có những người thậm chí cố tình throw game để mua vui cho khán giả.
Hóa ra, người ta không phải tìm đến YouTube để "chơi" những tựa game mà máy tính của họ không đủ sức mạnh phần cứng xử lý một cách mượt mà. Thứ họ cần chẳng khác gì các bà các mẹ ngày ngày bật TV xem "Cô Dâu 8 Tuổi" cả: Giải trí. Và đó cũng là lúc những streamer khắp nơi trên thế giới tìm được thành công.