Giờ đây, VR thực sự lên ngôi và đã xuất hiện phổ biến hơn trong các gia đình ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
“Giống như hầu hết các loại thuốc gây nghiện, Facebook, game, VR cũng không ngoại lệ khi nó có khả năng tăng sự tập trung những sự khoái cảm ở não bộ. Nếu cường độ tăng dần cũng có thể khiến cho người dùng bị bệnh tâm thần”, bác sĩ Ablow phát biểu.
Ông cũng đưa ra một giả thiết rằng kính VR Oculus Rift ra đời cũng có thể làm cho tình hình phức tạp hơn. Với cái giá bán 599 đô la Mỹ, có vẻ như mọi gia đình trên khắp đất nước Mỹ sẵn sàng bỏ tiền ra để bàn tay của họ được chạm vào những sự vật ảo.
reSTART Center for Technology Sustainability là một trung tâm cung cấp những giải pháp cho công nghệ bền vững tại Mỹ và cũng là nơi điều trị tâm lý cho những người bị nghiện internet, game hoặc một số thiết bị công nghệ.
Trong suốt 7 năm quan sát và thăm dò thị trường, reSTART đã đưa ra kết luận rằng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số (trò chơi điện tử, điện thoại di động, mạng xã hội) đang có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tâm thần của con người, làm phức tạp thêm các triệu chứng như trầm cảm, lo âu, rối loạn tập trung, tự kỷ. Trong đó, theo bác sĩ Ablow thì nhóm đối tượng trẻ em dễ dàng bị tác động nhất.
reSTART và bác sĩ Ablow đồng quan điểm rằng VR có thể gây hại cho sự phát triển của não bộ khi hiện nay vẫn chưa có một số liệu khoa học nào chứng minh sự an toàn khi sử dụng VR.
Mặc dù, VR đã có những đóng góp tích cực trong giáo dục, y tế, thiết kế kỹ thuật hoặc giải trí. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, các hãng công nghệ và nhà sản xuất nội dung, ngoài mang đến những cảm giác giải trí tạm thời, VR có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều chứng bệnh về tâm thần.
Hiện tại, VR đã có mặt tại phòng khách, phòng ngủ gia đình, ký túc xá sinh viên và cả những tổ chức học thuật trên toàn thế giới. Nó là cuộc chạy đua của các hãng công nghệ như Oculus Rift của Facebook, The Vive của HTC và Valve, Morpheus của Sony, Hololens của Microsoft, Gear của Samsung….
Để phát huy tối đa công dụng của VR, các nhà sản xuất đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ để xây dựng nội dung thể hiện như lập trình game, phim ảnh, các tour du lịch ảo, buổi hòa nhạc hay thậm chí là những giáo án dạy học.
Jeremy Bailensonm, giám đốc sáng lập ra phòng thí nghiệm về sự tương tác của con người với môi trường thực tế ảo thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về chủ đề “Sự Ghi nhận những thông tin sai lệch của trẻ em khi ở trong môi trường thực tế ảo”.
Trong báo cáo của mình, Jeremy Bailensonm nói rằng: “Não của trẻ em không thể biết được sự khác biệt giữa thực tế và thực tế ảo”. Trong trường hợp này, trẻ sẽ bị mất phương hướng, không thể kiểm soát được hành vi, bị ám ảnh từ những nội dung kinh dị hoặc quá nhạy cảm.
Bên cạnh những công dụng tích cực, VR còn là môi trường để nhiều nội dung nguy hại phát triển, trong đó sẽ nổi lên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp giải trí người lớn có liên quan đến bạo lực, tốc độ và tình dục.Pha trộn giữa bạo lực và tình dục, một số nội dung của video game có thể mang đến những trải nghiệm trung thực, gây sự hiếu kỳ ở trẻ em, thậm chí gây nghiện mạnh cho người chơi, tương tự với các chất kích thích như rượu, ma túy.
Theo tiến sĩ Ablow, nhiều trò chơi nhập vai có tính bạo lực khiến trẻ em nghĩ chúng là những người hùng hoặc kẻ giết người nên phải tiêu diệt kẻ thù trong môi trường thực tế ảo để chiến thắng trong trò chơi. Lâu ngày, sự bất phân thật giả và bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh bạo lực, VR sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý và hành vi trẻ em, một phần làm gia tăng hành vi phạm tội nếu trẻ không được kiểm soát và hướng dẫn sử dụng VR đúng đắn.
Theo Tuổi Trẻ Online