Có bố mẹ khó tính thì nên chơi game như thế nào để không “chướng tai gai mắt”

Axium Fox  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/05/2020 01:44 PM

Mỗi nhà mỗi cảnh mỗi người mỗi khác, có những anh em gamer cực kỳ may mắn khi có bố mẹ dễ tính, phóng khoáng, thích chơi game như nào cũng được.

Nhưng song song với đó là những anh em gamer có bố mẹ có phần khắt khe, cực ghét game và luôn phàn nàn về việc chơi game của anh em, và mình là một trong số đó. 

Tuy nhiên, anh em mình phải biết cách sống chung với lũ, làm sao để có thể hòa thuận với bố mẹ mà vẫn đảm bảo nhu cầu chơi game. Đó là một việc không dễ, nhưng mình đã tìm ra được một vài điểm mấu chốt để có thể thực hiện, vậy nên, nếu anh em đang lâm vào tình cảnh tương tự, hãy xem qua những chia sẻ sau đây của mình nhé.

CÂN BẰNG GIẢI TRÍ VÀ HỌC TẬP

Đối với bố mẹ có phần cổ hủ, thì việc học là việc tối quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, nhấn mạnh là con người chứ không phải riêng gì anh em. Thế nên người ngoài là đã bị bố mẹ đánh giá qua thành tích học tập, thì bản thân anh em phải "đạt" được cái "chuẩn" đó thì mới mong bình yên chơi game được. Mặc dù học tập mỗi người mỗi khác, không phải ai cũng đều đều mỗi năm mang tấm bằng giỏi về được. Vậy nên chúng ta sẽ sử dụng kế cần cù bù thông minh, phải thể hiện ra là mình chăm học, siêng học, hay ít nhất là hoàn thành đầy đủ trách nhiệm học tập như làm bài tập về nhà, đi học đầy đủ các kiểu, thì mới mong có được sự hiệu quả. Cái này thì mỗi anh em có một kế khác nhau, bản thân mình thì dùng kế này, anh em thấy được thì quất.

Có bố mẹ khó tính thì nên chơi game như thế nào để không “chướng tai gai mắt” - Ảnh 1.

Cách của mình, là làm sao để bố mẹ thấy mình học bài nhiều nhất có thể, làm sao để cứ mỗi nhầm "chạm mặt" nhau là mình đều trong tình trạng cắm mặt vào sách. Cụ thể, mình để ý thói quen của bố mẹ, sáng đi học không nói rồi nhá, chiều về cơm no chè chén xong, bố mẹ mình hay ngồi dưới nhà xem TV. Nhận biết được thói quen này, mình chơi game ngay trong giờ này cho nó khuây khỏa cái đã, đến độ 9 giờ là hết phim, không cần biết có kiểm tra hay không, mình lên giường nằm làm bài tập. Xem hết phim thì bố mẹ không biết làm gì, thường là đi lòng vòng trong chờ có gì làm nấy, mà đa phần là đi kiểm tra mình, nên mình mà bật game chơi lúc này là toang. 

Mấy pha này bình thường chỉ mong tránh xa, giờ thì phải đợi vào phòng để thấy đang "học bài", mà một khi đã thấy rồi là chỉ số "tín nhiệm" của anh em lại tăng, đợi bố mẹ ngủ thì lại bật game chơi tiếp. Còn cuối tuần, ở nhà cả ngày, thì mình luôn luôn chơi game vào buổi trưa, buổi bố mẹ ngủ, và buổi tối như ngày thường, còn lại là sách vở cắm mặt hết. Cái mốt chốt ở đây là anh em tình được thói quen của bố mẹ, đâu là khoảng thời gian hợp lý để chơi, đâu là lúc nên trá hình, để bố mẹ có thể thấy được sự cân bằng trong giải trí và học tập, sau này có bắt gặp chơi game thì cũng nhớ đến những lúc anh em học bài, chắc chắn là không ý kiến.

LỰA CHỌN THỂ LOẠI GAME PHÙ HỢP

Đối với phụ huynh cổ hủ, dễ dàng tin vào những "lời đồn" sai sự thật về game vào những năm trước, thì trong đầu của họ anh em mà cứ chơi game MMO kiếm hiệp tựa tựa Võ Lâm là bị nghiện, mà chơi game bắn súng dạng Đột Kích là dễ bạo lực. Đó, hai thể loại được mang ra chỉ trích nhiều nhất trên những bảng tin ngày xưa (giờ thì hết rồi). Vậy nên, nếu có bố mẹ ở nhà, có khả năng cao là bị gank, anh em hãy chọn những thể loại game nó lạ lạ chút. Mấy con game kiểu game indie này, game góc nhìn thứ ba, game chiến thuật, miễn sao đừng nhìn giống Võ Lâm với Đột Kích là được, cá nhân mình thấy vậy.

Có bố mẹ khó tính thì nên chơi game như thế nào để không “chướng tai gai mắt” - Ảnh 2.

Bố mẹ mình cứ nghĩ ngành game là có mỗi 2 con game đó thống lĩnh, thằng nào chơi là auto nghiện ấy. Có đợt chơi Kiếm Thế, bố mẹ bảo chơi cái này bán nhà bán cửa mua đồ phải không, nạp tiền vô chơi phải không, nói chung là siêu phiền. Mà mình chơi mấy con đậm chất bạo lực, như The Witcher hay GTA, thì lại hỏi mình đang xem phim gì thế, chắc do đồ họa đỉnh quá anh em ạ, phát hiện ra thêm một mánh là chơi game đồ họa xịn cũng là một lời thế, mặc dù lát thấy mình bấm bấm cũng biết chơi game rồi, vào gank đúng lúc cutscene thì lại tưởng là phim nên lâu lâu lại thoát được. Vậy nên, anh em phải để ý xem bố mẹ đang "dị ứng" với cái thể loại nào, thì mau mau chọn kiểu khác để có thể nhận được ánh mắt tạm chấp nhận của bố mẹ khi bị bắt gặp chơi game nhé.

LÀM MỘT ĐỨA CON NGOAN

Cái này thì chắc mình không phải nói, đã làm con ngoan thì xin trời cũng được chứ nói gì là chơi game. Mình thấy có một vài thằng bạn, bố mẹ nhắc nhở chơi game ít thôi rất nhẹ nhàng tình cảm,  nhưng rất "chịu khó" lật kèo để rồi cãi nhau, hệ quả là máy không có mà chơi, giường cũng chả có mà nằm. Đùa chút thôi chứ nó bỏ nhà qua nhà mình anh em ạ, thế nhưng đó là cách tiếp cận rất sai lầm về sẽ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Có bố mẹ khó tính thì nên chơi game như thế nào để không “chướng tai gai mắt” - Ảnh 3.

Cái anh em cần làm là thể hiện mình là một đứa con mà bố mẹ đã nuôi dạy tốt, điều này tưởng là rất khó nhưng lại siêu dễ, chỉ cần anh em chịu "làm màu" thôi. Ví dụ nhé, lâu lâu ăn cơm với cả nhà xong, anh em xong phong rửa bát, công việc mà chắc chắn là mẹ rất ghét. Chỉ cần một tuần anh em rửa bát 2 lần thôi, là 2 lần đó mẹ sẽ được tựa lưng thoải mái xem TV trong tình trạng vui vẻ, công trạng đó cũng sẽ được ghi nhớ lâu hơn. Hay nhiều lúc anh em chịu khó dậy sớm, lau cái nhà dưới cho mát mẻ, bố mẹ xuống thấy thơm tho, thằng con thì đang cầm cây lau nhà, nó là một hình ảnh rạng ngời vang danh tổ quốc. Thậm chí anh em chỉ cần vâng dạ, đi biết thưa về biết chào, là cũng được lắm rồi. Như mình này, cứ như thế chả ai dám nói gì mình cả, từ lúc áp dụng mấy cách trên mình chả lo việc gì cả anh em ạ, chơi đúng giờ đúng giấc, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân vừa được chơi game trong thái độ tích cực chả sợ ai làm phiền.

Đó là những cách mà mình đã áp dụng, để không chỉ được phép chơi game trong nhà, mà còn giúp cho những phụ huynh cổ hủ, khó tính của mình cảm thấy dễ chịu hơn khi thấy mình chơi game. Còn với anh em thì sao, anh em có cách nào hay thì hãy chia sẻ với chúng mình, để còn áp dụng nhé.

Theo Gearvn