Với tính năng "Đồ thị tri thức", Google "thông minh" đến nhường nào?

PV  | 20/05/2012 0:00 AM

Vào ngày 16/5 vừa qua, Google đã trình làng thêm tính năng mới “Knowledge Graph” hứa hẹn sẽ giúp công cụ tìm kiếm của hãng trở nên “thông minh gấp 1000 lần”, trở nên "người" hơn, trở thành một cuốn bách khoa toàn thư đồ sộ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin vô tận của người dùng Internet. Hãy cùng GenK trải nghiệm tính năng thú vị này!

Như GenK đã gửi đến bạn đọc trong một bài viết gần đây, vào ngày 10/5, Microsoft đã chính thức công bố giao diện tìm kiếm mới của dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Bing - đứa "con cưng" của hãng. Điểm nổi trội trong lần “thay máu” này của Bing là sự tích hợp với các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter... được thể hiện ở thanh công cụ Sidebar; đồng thời chức năng “People Who Know” của Bing cũng được khá nhiều người ưa chuộng vì tính công bằng hơn so với kết quả tìm kiếm của Google.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Bing, Google dĩ nhiên không thể ngồi im nhìn Bing "giành" người dùng của mình như vậy được. Vào ngày 16/5 vừa qua, hãng đã trình làng thêm tính năng mới “Knowledge Graph” (Đồ thị tri thức) cho công cụ tìm kiếm của mình. Việc ra đời tính năng này hứa hẹn sẽ giúp Google trở nên “thông minh gấp 1000 lần”, trở nên "người" hơn, trở thành một cuốn bách khoa toàn thư đồ sộ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin vô tận của người dùng Internet. Hãy cùng GenK trải nghiệm tính năng thú vị này qua bài viết dưới đây!


Đồ thị tri thức là gì?

“Đồ thị tri thức” sẽ cung cấp thông tin phù hợp với từ khóa truy vấn của người dùng trong một khung nội dung riêng biệt, bên cạnh những kết quả tìm kiếm của Google như trước đây. Nói một cách đơn giản, khi sử dụng tính năng mới này, không cần nhấp chuột vào liên kết nội dung được đưa ra bởi Google, người dùng vẫn có được thông tin tìm kiếm chi tiết qua hộp nội dung này. Ban đầu, tính năng mới này sẽ được hãng cung cấp thử nghiệm tại Mỹ nhưng trong thời gian gần nhất, công cụ sẽ đến với người dùng của Google trên toàn cầu. 


Tại sao Google lại công cụ này là “Đồ thị tri thức”? Đồ thị là thuật ngữ mô tả việc liên kết các đối tượng, thực thể được kết nối với nhau thông qua một mối quan hệ nào đó. Google đã sử dụng một “đồ thị” như vậy để liên kết các trang nội dung với nhau, từ đó xác định những nội dung tìm kiếm phổ biến có liên quan tới từ khóa truy vấn để trả thông tin tìm kiếm được chọn lọc đó về cho người dùng. Facebook cũng sử dụng một đồ thị như vậy để “kết nối” cư dân mạng lại với nhau. Còn “đồ thị” của Google sẽ xác định mối liên hệ giữa thông tin về người, sự vật, nơi chốn... trên các trang nội dung khác nhau, chọn lọc nội dung phù hợp, tổng hợp lại và báo cáo kết quả chọn lọc đó tới người dùng.


Hồi tháng 1 năm nay, Google đã bổ sung tính năng “ Search Plus Your World” vào công cụ tìm kiếm của mình, gợi ý cho người dùng những nội dung tìm kiếm hữu ích từ các trang nội dung của bạn bè của họ trên các mạng xã hội của Google như Picasa hay Google+. Tính năng này đã khiến Google mất điểm rất nhiều trong mắt người dùng vì dường như Google đang ưu tiên cho “đứa con cưng” của mình hơn (trong khi Bing thì không như vậy) nên kết quả tìm kiếm theo tính năng này chưa mang tính đại diện cho toàn bộ thế giới mạng.


Vì vậy, Google rất hy vọng rằng sự ra mắt của tính năng “Đồ thị tri thức” lần này phần nào sẽ “kéo” người dùng vốn đã quá thân quen với công cụ tìm kiếm Bing về cho hãng. Liệu Google có thực hiện được?


“Đồ thị tri thức” hoạt động như thế nào?


Đôi khi, người dùng mạng cảm thấy rất khó chịu khi kết quả tìm kiếm của Google không khiến họ thỏa mãn, có thể là bởi đường link kết quả tìm kiếm liên kết họ tới các trang nội dung không hữu ích đối với việc tìm kiếm; hay đã duyệt qua nhiều trang liệt kê kết quả tìm kiếm của Google mà họ vẫn chưa thể tiếp cận được thông tin đích họ đang nhắm tới.


“Đồ thị tri thức” sẽ giúp người dùng giải quyết vấn đề này. ‘Đồ thị tri thức” sẽ lựa chọn ra những thông tin hữu ích đối với người dùng dựa trên tính phổ biến của những thông tin này trong việc tìm kiếm của số lượng lớn người dùng trước đó. Google sẽ hiển thị tất cả những thông tin này trong một hộp tin tổng hợp, và có thể người dùng sẽ không cần phải tìm kiếm trong từng trang nội dung riêng biệt khác nếu kết quả tìm kiếm trong truy vấn tổng hợp này đã khiến họ thỏa mãn.


Ví dụ trong hình chụp dưới đây, khi tìm kiếm thông tin về nữ bác học Marie Curie, bên cạnh kết quả tìm kiếm truyền thống, “Đồ thị tri thức” sẽ hiển thị một hộp thông tin nhỏ nằm bên phải những kết quả này; trong đó là những thông tin chọn lọc nhất về nữ bác học được Google tổng hợp dựa trên những truy vấn phổ biến trước đó của nhiều người dùng như: ngày sinh, ngày mất, giáo dục, gia đình, các phát minh, công trình nghiên cứu nổi bật….của Marie. 


Để có thể làm được điều này, Google đã thu thập, tổng hợp và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu mới hơn 3,5 tỷ sự kiện về khoảng 500 triệu đối tượng là các cá nhân, nơi chốn, sự vật….khác nhau. 

Những thông tin tổng hợp được Google xuất ra hộp thông tin này có thể giống nhau hoặc khác nhau tùy thuộc vào đối tượng tìm kiếm. Hãy xem hai hộp thông tin tìm kiếm sau. Hộp thông tin thứ nhất là thông tin về nhà văn Matt Groening, tác giả của cuốn sách “The Simpson”, còn hộp thông tin thứ hai về kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Bạn thấy hai hộp đều có thông tin về nơi sinh, năm sinh, năm mất, và sự giáo dục của hai người. Những thông tin còn lại sẽ khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của đối tượng. Ở khung nội dung bên dưới, do Groening là nhà văn nên những cuốn sách mà ông là tác giả được liệt kê. Trong khi đó, Frank là một kiến trúc sư nên những công trình kiến trúc tiêu biểu được ông thiết kế sẽ xuất hiện.


Trang tin Searchengineland đã thực hiện một số tìm kiếm tương tự để thấy được những sự khác nhau này. Với tìm kiếm về Disneyland, những hành trình tiêu biểu sẽ xuất hiện. Với thông tin về các nhà du hành vũ trụ, nơi đến và thời gian họ có mặt ngoài không gian vũ trụ sẽ được hiển thị. Với tìm kiếm thông tin về cung điện Buckingham, những kích thước về các tầng sẽ được liệt kê. Với thông tin về Larry Page và Mark Zuckerberg, giá trị tài sản khổng lồ của họ sẽ xuất hiện.

Dưới cùng, người dùng có thể thấy mục “People also search for”. Ở vị trí này, Google sẽ liệt kê những người, địa danh hay sự kiện có liên quan tới đối tượng tìm kiếm. Ví dụ, trong hộp thông tin về Groening, ta thấy có sự xuất hiện của David X. Cohen vì ông là người đồng sáng tạo ra nhân vật Futurama (trong The Simpson) cùng với tác giả Groening.


-So sánh với Bing: Tuy nhiên, so sánh với tính năng tìm kiếm được Bing đưa ra vào tuần trước, ta thấy “Đồ thị tri thức” của Google vẫn chưa hữu ích bằng Bing trong một số trường hợp. Chẳng hạn, khi người dùng cần tìm kiếm thông tin về cung điện Buckingham để đặt vé cho tour du lịch của mình, trong hộp tin của “Đồ thị tri thức” không xuất hiện giá vé (thông tin đang cần tìm kiếm). Trong khi, ở mục “Snapshots” của Bing dễ dàng giúp người dùng có thể tìm kiếm được thông tin này nhờ nội dung tổng hợp về giá vé, bản đồ,….được hiển thị một cách chi tiết. Tuy nhiên, Google cũng sẽ sớm điều chỉnh và nâng cấp hộp tin này, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm đa dạng của người dùng.


Dự đoán kết quả tìm kiếm

“Đồ thị tri thức” của Google cũng có một công dụng hữu ích khác, đó là phân tích các kết quả để dự đoán xem người dùng thật sự đang cần tìm kiếm nội dung gì. Có thể hiểu nôm na là việc khi bạn gõ từ Taj Mahal thì Google có thể đoán xem bạn đang tìm kiếm thông tin về một ngôi đền, một ca sĩ hay một nhà hàng ở Ấn Độ….và đưa ra những từ khóa kế tiếp cần thiết hữu ích cho việc tìm kiếm.


Ví dụ ở kết quả tìm kiếm cho từ “Andromeda” trong hình chụp dưới đây. Google có thể dự đoán là người dùng đang tìm kiếm thông tin về thiên hà tên "Andromeda Galaxy", chương trình TV hay ban nhạc rock Thụy Điển cùng tên và đưa những thông tin này vào hộp tin “See results about”. Đây được coi như hộp thông tin định hướng, giúp người dùng có lựa chọn tìm kiếm đúng đắn nhất.


Tính năng Báo cáo lỗi sai


Cũng như từ điển trực tuyến Wikipedia, thông tin trong “Đồ thị tri thức” của Google vẫn có thể có sai sót. Đó là lí do dưới hộp tin có mục “Report a problem”, cho phép người dùng khi thấy có sự sai sót trong thông tin có thể báo cáo với nhóm phát triển của Google.


Người dùng và nhà phát triển website - "Đồ thị tri thức" ưu tiên ai?


Không ít người lo ngại một điều rằng, một khi “Đồ thị tri thức” của Google đã mang tới cho người dùng lượng thông tin khá tổng hợp và đầy đủ; liệu người dùng có còn truy cập vào các website theo kết quả tìm kiếm truyền thống? (Ví dụ: Khi gõ “GenK alexa” vào thanh tìm kiếm của Google, tại hộp tin này đã xuất hiện thứ hạng của GenK trong Alexa thì người dùng sẽ không vào Alexa để truy vấn thông tin này nữa).

Khi thông tin tìm kiếm ở “Đồ thị tri thức” đã đủ thỏa mãn người dùng, họ sẽ không vào website nguồn; và với một lượng lớn người dùng cùng thực hiện như vậy, chắc chắn lượng truy cập và quyền lợi của các nhà phát triển site (như lợi ích từ việc click vào quảng cáo) sẽ không đảm bảo so với trước. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, tính năng này của Google lại hướng tới người dùng hơn cả vì mang tới cho họ cái nhìn tổng quan nhất về thông tin, giúp họ tiết kiệm thời gian và giảm bớt những tìm kiếm quá phiền phức. Đây có thể được coi là yếu tố giúp công cụ tìm kiếm của Google “ghi điểm” trong mắt người dùng.

Bức tranh tương lai

Có thể coi, đây là lần “sửa lỗi” của Google khi mà tính năng “Search Plus Your World” ra mắt hồi tháng 1 năm nay của hãng gây ra quá nhiều tranh cãi và không được nhiều người hưởng ứng. “Đồ thị tri thức” ít xâm phạm riêng tư và hữu ích với người dùng hơn.


Tuy nhiên, do cả giao diện mới của Bing và “Đồ thị tri thức” của Google đều chưa ra mắt chính thức người dùng nên rất khó để “đong đếm”, lượng hóa tỉ lệ người dùng ưa chuộng mỗi công cụ tìm kiếm. Giao diện, tính năng mới của Bing rất tốt, đầy tiềm năng để phát triển; nhưng Google vẫn chiếm ưu thế hơn khi sự ra mắt của “Đồ thị tri thức” lần này càng thêm chứng tỏ tham vọng trở thành “bộ não điện tử biết tuốt” của Google đang trở nên lớn hơn bao giờ hết. 


Tham khảo: Searchengineland