"Sóng" mobile

PV  | 29/05/2012 11:18 AM

Làn sóng di động đang làm xôn xao nước Mỹ khi Facebook bỏ 1 tỷ USD mua Instagram hay Zynga mua OMGPOP với giá 100 triệu USD. Làn sóng mobile ấy ở thế giới có gì khác Việt Nam, và các công ty internet, lập trình viên nước ta phải làm gì trước làn sóng đó?

Vào những ngày tháng 3, năm 2012, trong khi cả thế giới đang ồn ào về vụ IPO lịch sử sắp diễn ra trên sàn NASDAQ và nhẩm tính xem sẽ có thêm bao nhiêu tỷ phú xuất hiện thì Mark Zuckerberg có một mối bận tâm khác hẳn: Facebook đang phải đối mặt với một môi trường mà nó không được thiết kế từ đầu để phát triển – môi trường di động. Số người dùng Facebook trên mobile ngày càng tăng và tại thị trường quan trọng nhất là nước Mỹ đã vượt qua số người dùng MXH này trên web. Trong khi ứng dụng Facebook trên di động vẫn chỉ là một bản thu nhỏ của web, thiếu thốn một loạt những tính năng cốt lõi và, tệ hơn, vẫn chưa tìm ra mô hình kiếm tiền phù hợp nào cho bản này.
 


Công ty “cộng sinh” của Facebook — Zynga — đã nhanh tay mua lại một công ty game trên mobile với giá gần 200 triệu USD ngay khi ứng dụng thành công nhất của nó “Draw Something” đạt 10 triệu người dùng trong thời gian ngắn kỷ lục. Một không khí vừa phấn kích, vừa hoảng loạn lan nhanh tại Thung lũng Sillicon và ít người ngạc nhiên khi nghe Facebook mua lại Instagram, ứng dụng chia sẻ ảnh đang có hơn 50 triệu người dùng, với giá nếu vào thời điểm khác có thể sẽ bị coi là “điên rồ”: 1 tỷ USD — số tiền được trả có một công ty chỉ có 13 nhân viên và một ứng dụng duy nhất mới phát triển trong vòng hơn 1 năm.

Thương vụ mua Instagram mang nặng dấu ấn của tỷ phú công nghệ trẻ Mark Zuckerberg, hội đồng quản trị chỉ được thông báo khi thương vụ đã hoàn thành, còn các luật sư thì chờ ngoài cửa để hoàn thành thủ tục trong khi Mark thương thảo với đối tác. Dù vậy, khác với “truyền thống” là giới truyền thông sẽ xông vào “xỉa xói” bất kỳ cái gì Facebook làm, lần này các bình luận đưa ra khá thận trọng vì ngày nay không còn ai dám đánh giá thấp những bước đi của ông chủ Facebook nữa.

Instagram chỉ là thương vụ nổi bật nhất trong lĩnh vực mobile, thực ra Facebook đã mua một loạt các công ty di động khác trong thời gian gần đây như Lightbox, Glancee, TagTile và Karma. Mr. Zuckerberg đã sớm nhận ra rằng mobile vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn với Facebook và nếu không nhanh chân, với tốc độ phát triển người dùng khủng khiếp, có thể một ứng dụng mobile sẽ hoàn toàn thay thế Facebook trong vòng 1 – 2 năm, nhanh hơn nhiều so với bất kỳ “sóng” công nghệ nào từng xảy ra. Việc mua một loạt các công ty chuyên làm mobile không phải là để ngăn chặn hay thủ tiêu những đối thủ tiềm tàng (như một số người tin) mà tôi cho rằng để giúp Facebook có một đội ngũ phát triển hiểu mobile, có tư duy làm mobile — một cách nhìn hoàn toàn khác so với tư duy làm web truyền thống.

Tư duy Mobile
 


Việc mobile sẽ trở thành môi trường thống trị đã được dự đoán từ lâu, nhưng nó đã không trở thành mối đe dọa lớn với web cho đến khi nó cho người dùng những trải nghiệm khác hẳn. Một ứng dụng trên web có thể được thiết kế để làm việc mà Instagram làm nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn chỉ chìa mỗi mặt mình cho cái camera trên laptop chụp đi chụp lại. Bạn cũng có thể dùng laptop để check-in vào Foursquare nhưng tất nhiên bạn không bao giờ làm thế khi đã có một con điện thoại nhỏ gọn trong túi của mình và nó lại hơn hẳn con PC trong trường hợp này vì nó có tích hợp sẵn bộ định vị toàn cầu GPS.
 
Những trường hợp kể trên thì rõ ràng mobile là sát thủ của liên minh PC – Web;  những ứng dụng mobile như Instagram hay FourSquare tung hoành mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào, giới hạn chỉ là khả năng sáng tạo của người làm sản phẩm. Trong hầu hết các trường hợp khác, mobile đóng vai trò kẻ quấy rối rất khó chịu vì nó hiện diện dễ dàng trước mắt người dùng, mọi lúc, mọi nơi và con đường từ kẻ quấy rối đến kẻ tiêu diệt cũng chẳng xa xôi mấy — người dùng có thể thấy thiếu thốn vài tính năng khi dùng mobile so với web nhưng sự tiện lợi sẽ khiến họ tha thứ hết.

Ngày nay, hầu hết các trang báo điện tử đều đã có bản riêng cho mobile và thậm chí một số đã có bản riêng cho smartphone (bản touch) nhưng cái chúng ta thấy vẫn chỉ là một phiên bản thu nhỏ của trang web lớn: vẫn ở đó một thanh cuộn dài vô tận và những link được thu nhỏ mà nếu bạn không có bàn tay nhỏ nhắn như em bé thì việc bấm vào link này nhưng lại ra trang khác là chuyện thường tình. Những trang web mobile này không tạo ra giá trị sử dụng gì mới và người ta dùng nó cũng chỉ vì không có lựa chọn nào khác hơn.

May mắn, không phải tất cả mọi người đều hài lòng với các trang web tí hon và (nếu không) cũng không chọn cách “khắc phục” bằng việc mua dòng "điện thoại" 5 - 7inch như Dell Streak hay Galaxy Note, mà họ tìm cách làm những sản phẩm phù hợp với môi trường mobile hơn — môi trường có không gian màn hình phổ biến dưới 4 inches và ở đó người dùng thích sử dụng duy nhất ngón tay cái để xem, lật, bấm – và một trong số những sản phẩm “cho mobile, vì mobile” nổi bật nhất là ứng dụng đọc tin trên iPad/iPhone (gần đây đã có bản cho các dòng điện thoại Android cao cấp): Flipboard.
 
Trên smartphone, Flipboard loại bỏ hoàn toàn việc cuộn trang theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc và bạn có thể hoàn toàn thao tác việc xem tin, tiến lùi bằng ngón tay to nhất của mình, ngón tay cái. Sau khi dùng Flipboard thì người ta sẽ có cảm giác mọi thanh cuộn trên giao diện mobile đều là lố bịch, mọi hyperlink bé xíu đều là phế tích và ngay cả những nút bấm “Yes, No” cũng chỉ là di sản văn hóa một thời. Những người làm ra ứng dụng này đã tiến xa hơn hầu hết mọi người trong cách tư duy và đã làm cho thế giới hiểu rõ một sản phẩm cho mobile tốt phải được làm như thế nào.
 

Sử dụng dễ dàng Flipboard chỉ bằng một ngón tay cái.
 

Điều thú vị nhất của Flipboard so với Instagram hay Foursquare là nó không “làm cách mạng” bằng cách dựa vào nhưng thay đổi trong phần cứng riêng có của thiết bị mà  nó thay đổi cách con người sử dụng những cái đã có: ai cũng có thể làm được ứng dụng đọc tin cho smartphone, Flipboard chỉ là người làm ra cái phù hợp nhất cho smartphone. (Xin nói thêm, cách đây hơn 1 năm Flipboard đã được định giá 200 triệu USD, chỉ 9 tháng sau khi ra mắt phiên bản đầu tiên.)

 
Cũng không thể không nhắc tới hệ điều hành mobile mới của  Microsoft nhưng vẫn dưới cái tên cũ kỹ là Windows + Phone. Đây là một HĐH được thiết kế từ đầu cho môi trường mobile với các nút bấm to và định hướng kiểu lật trang (khá giống của Flipboard) khiến cho người dùng cũng có cảm giác rất dễ chịu khi sử dụng. Theo tôi, nếu liên minh Microsoft – Nokia làm tốt về khâu thiết kế, chuỗi cung ứng và kho ứng dụng họ hoàn toàn có khả năng làm cuộc lật đổ các điện thoại Android, trở thành mối đe dọa cho iPhone. Điều đáng ngại duy nhất là trong tay của Microsoft, công ty mà văn hóa làm ứng dụng desktop còn rất mạnh, nó sẽ dễ biến thành “nửa nạc, nửa mỡ”, ngày càng trở nên rắc rối, thêm nhiều tầng, nhiều tính năng vô nghĩa và tính đơn giản, dễ dùng sẽ mất đi sau vài thế hệ.


Thách thức Mobile


Thách thức của sóng công nghệ mobile, bỏ qua những thuật ngữ đao to, búa lớn mà bạn đã (và sẽ tiếp tục) được nghe như sự thay đổi môi trường người sử dụng, môi trường tương tác hay cách mạng truyền thông di động…, lại không nằm trong những thay đổi về công nghệ hay khả năng lập trình mà nằm ở tư duy người làm sản phẩm: người ta luôn có xu hướng cố gọt những cái chân cũ sao cho vừa đôi giày mới dù rằng đôi giầy mới nhỏ hơn, cao hơn, có style khác hoàn toàn đôi cũ thay vì tìm một nhân vật mới phù hợp với đôi giày này.
 

 Facebook trên các dòng ĐT cấp thấp.

Quay trở lại trường hợp của chàng hot-boy Facebook. Hoàn toàn không có chuyện FB lơ là với sóng mobile mà ngược lại họ là người làm mobile chuyên tâm nhất. Chúng ta có bản FB cho hầu hết các loại điện thoại di động từ loại dumbphone đến not-too-smart phone và tất nhiên trên cả các loại điện thoại “cao cấp” như iPhone/Android mới (thậm chí FB còn được tích hợp thẳng vào SIM card cho các dòng điện thoại cơ bản). Nhưng ngay trên những thiết bị tốt nhất, phiên bản FB mobile vẫn không đầy đủ chức năng như bản web.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng một hay vài chức năng (mà rất có thể là do ý đồ riêng) không có ý nghĩa so với việc thiếu sáng tạo trong cách thể hiện trên giao diện mobile. Ứng dụng FB trên mobile thực chất là bản web thu gọn cả phần lõi lẫn phần hồn. Thoạt nhìn có vẻ là điều tốt vì người dùng web sẽ nhanh chóng làm quen với giao diện mobile nhưng nó sẽ khiến cho FB bị trói buộc vào tư duy nền tảng duy nhất mà bỏ qua cơ hội tìm cách tiếp cận hoàn toàn khác với một tập khách hàng khác hoàn toàn.
 
Hệ quả trực tiếp của việc thiếu sáng tạo trong cách thể hiện là FB sẽ rất khó để nhồi nhét quảng cáo vào giao diện vốn đã nhỏ bé của mobile mà vừa không ảnh hưởng tới kinh nghiệm của người dùng vừa thỏa mãn yêu cầu về ấn tượng của các nhà quảng cáo. Trên web, FB có thể là nền tảng cho các social game và hàng ngàn ứng dụng dựa trên sự kết nối, trên mobile FB chỉ là một (nhóm) ứng dụng không hơn, không kém. Xa hơn, nguy cơ bị lật đổ bởi một MXH chuyên cho mobile luôn rình rập và có thể ập tới bất kỳ khi nào. Nếu FB mất 7 năm để có số người dùng hiện nay thì một mạng hội đủ điều kiện trên mobile có thể làm điều ấy trong 2 năm.

Ở mặt khác, tuy vậy, cũng khồng cần quá lo cho FB nếu bạn đặt niềm tin vào tài năng, tầm quan sát của CEO Mark Zuckerberg người đã đưa công ty này qua rất nhiều sóng gió. Điều đáng lo là nằm ở các công ty Internet còn lại, những công ty hoặc chưa bao giờ làm gì trên mobile hoặc đang làm một cách nửa vời, họ có rất ít cơ hội phát triển thậm chí là tồn tại một khi cơn “sóng thần” mobile bắt đầu cuộc tàn phá của mình. Khi tôi đang viết những dòng này thì còi báo động đã vang lên, thời gian thực sự không còn nhiều cho công tác chuẩn bị.
 
Bên kia bờ Thái Bình Dương, những đợt sóng đầu tiên đã tràn tới và ngoài số ít những người đã học cách cưỡi lên nó vui mừng thì phần còn lại đang thực sự lo lắng. Sức ép khiến một số người đã hành động thiếu tỉnh táo, như việc Zynga vội mua OMGPOP có thể nói là thương vụ bị hố; ứng dụng “Draw Something” đã không trở thành “next-big-thing” trên mobile mà ngược lại sau khi vọt lên đang mất dần người dùng vì trò chơi này dù rất thú vị nhưng nó lại đòi hỏi người chơi quá nhiều thời gian, công sức và kỹ năng — những yêu cầu “phản mobile”
 

 
Có thể thấy mobile là thách thức lớn với các công ty đã trưởng thành nhưng cũng là cơ hội có một không hai cho các startup mới, cho các nhà phát triển độc lập để tạo dựng những đế chế mới từ các hầm để xe. Nhưng có lẽ cái chúng ta cần là xem xét các cơ hội và rủi ro của con sóng này tại “môi trường” Việt Nam một cách tỉnh táo và thực tế. 


Sóng Mobile ở Việt Nam

Ở đây tôi sẽ cố gắng không hô những khẩu hiệu sáo rỗng như “Ở đâu có thách thức lớn thì ở đó có cơ hội lớn” vì điều này ai cũng biết rồi. Điều ai cũng biết nữa là chúng ta luôn luôn đi sau và khi cơ hội tới chúng ta luôn bị vuột mất hoặc tự phá hỏng cơ hội của mình; với người Mỹ, thế giới này đã được san phẳng từ lâu, còn với chúng ta thế giới vẫn là ngọn núi cao vời vợi. Làn sóng web 2.0 đã qua đi và chúng ta đã làm được rất ít để tận dụng nó, một trong những thành công hiếm hoi có thể kể đến là sự phát triển của mô hình mua chung (Groupon) có tác dụng phá băng thị trường TMĐT, còn các mảng khác đều vẫn gần như cũ: các trang tin tức vẫn là niềm tự hào của web Việt Nam và hầu hết người dùng vẫn đang sử dụng web theo cách thô sơ nhất: NARO (No Action, Read Only).
 

Vietnam Mobile Day, một trong những sự kiện về mobile lớn ở Việt Nam.
 
Theo tôi, mobile có cơ hội lớn để thay đổi bức tranh không mấy sáng sủa này, dưới đây là những tiền đề cho sự chuyển biến lớn:

- Sự phổ biến của Wifi + 3G: ít có quốc gia nào mà đi đâu cũng gặp wifi miễn phí và giá cước 3G rẻ như Việt Nam.

- Smartphone đang ngày càng phổ cập và trở thành “hàng chợ” tại Việt Nam: giá smartphone đang giảm từng ngày, một điện thoại Android có thể lướt web và chơi Angry Bird tốt đã xuống tới giá mà sinh viên mới đi làm có thể mua được (tầm 4 – 6 triệu đồng).

- Diện tích màn hình nhỏ hẹp, tính cơ động của smartphone và sự phong phú của các ứng dụng trên đó khiến người dùng phải hành động nhiều hơn và dần sử dụng nó như công cụ làm việc, giải trí hơn là thiết bị đọc báo mang đi được.

- Sự phổ biến của các hình thức thanh toán qua mạng khiến người dùng dần bỏ thói quen dùng các thiết bị jailbreak và mua ứng dụng để có trải nghiệm tốt hơn.

- Khi thị trường đã đủ lớn về số lượng và đủ điều kiện để kiếm tiền thì nó sẽ bùng nổ.

Câu hỏi thực tế hơn mà chắc phần lớn các bạn quan tâm là khi nào sóng mobile sẽ tác động thực sự lên các công ty làm Internet truyền thống ở VN và chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cưỡi lên ngọn sóng này:

 1. Tôi cho rằng độ lag của sóng công nghệ với VN vào tầm 2 – 3 năm. Như vậy thị trường mobile sẽ thực sự bùng nổ vào năm 2014 – 2015 ở Việt Nam, khi ấy chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm của traffic vào web, đồng thời với việc đi lên nhanh chóng của nội dung mobile.

2. Với tất cả những ai làm Internet thì không có cách nào tránh né được làn sóng này, chỉ có cách sống chung với nó. Với các lập trình viên thì ngôn ngữ tiếp theo đáng học nhất có lẽ là Objective-C hay (Android) Java, những designer có giá nhất sẽ là những người hiểu rõ UI/UX trên mobile.

3. Với các công ty Internet, thực tế cũng không có nhiều thời gian để suy ngẫm nữa, giờ là lúc phải đổ nguồn lực để tạo ra các nền tảng căn bản cho mobile, đó không chỉ là các ứng dụng mà là một series dịch vụ nền tảng như quảng cáo, TMĐT, thanh toán… trên mobile vì cuối cùng các ứng dụng mobile bằng cách này hay cách khác cũng phải có nguồn lợi nhuận để tồn tại và phát triển.


Bài toán làm mobile ở VN, cũng như nhiều bài toán khác, là bài toán “con gà và quả trứng”. Sẽ có nhiều bạn nói với tôi rằng: Uh, làm mobile thì nghe hay đấy nhưng giờ làm thì cạp đất mà ăn à? Sự thiếu vắng những AppStore đủ mạnh và nền tảng thanh toán tốt cho mobile luôn là vấn đề nhức nhối với các lập trình viên hay các công ty nhỏ để monetize (kiếm tiền) các ứng dụng hay nội dung của mình. Gia nhập các công ty lớn bạn sẽ có nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển sản phẩm hơn, ví dụ, VCCorp đã cam kết dành hết thu nhập đến từ quảng cáo mobile để phát triển mobile và theo số liệu tôi biết thì đây không phải là con số nhỏ (và còn nhiều ưu đãi khác). Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ở “riêng một góc trời” thì việc dành chút thời gian để rèn luyện các kỹ năng cần thiết đón để sẵn sàng đón ngọn sóng này hẳn cũng không thừa.
 
Theo Vũ Hồng Quang
Web2Vietnam.com