- S-Fone vẫn chưa triển khai kế hoạch chuyển đổi sang 3G (HSPA) chủ yếu vì vấn đề nguồn vốn. - Công ty chủ quản SPT liên tục lỗ trong 3 năm gần đây, tổng số lỗ đến giữa năm 2011 là 186 tỷ đồng. - Cổ đông lớn nhất là Saigontel cũng lỗ 113,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2011. - S-Fone đã làm việc và đàm phán với một đối tác viễn thông lớn tại khu vực châu Á, có trụ sở chính tại Malaysia và một đối tác mang quốc tịch Anh. |
Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), công ty chủ quản mạng S-Fone đang triển khai một số kế hoạch nhằm tiếp cận các nguồn tài chính khác để đầu tư cho mạng S-Fone.
Mặc dù đã có được sự chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang HSPA (3G), nhưng đến thời điểm này, S-Fone vẫn chưa công bố bất cứ thông tin nào về kế hoạch chuyển đổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Tiến Thịnh, Tổng giám đốc S-Fone cho biết, “vì một số lý do, S-Fone chưa thể công bố chi tiết về kế hoạch chuyển đổi công nghệ tại thời điểm này”. Tuy nhiên, ông Thịnh khẳng định, quá trình chuyển đổi công nghệ của S-Fone đã và đang được lên kế hoạch chi tiết, khoa học và hợp lý, đảm bảo tối đa cho quyền lợi của khách hàng cũng như hiệu quả đầu tư cho S-Fone.
Theo nhận định của giới chuyên môn, điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi công nghệ của S-Fone hiện nay là nguồn vốn, vì theo kinh nghiệm chuyển đổi công nghệ của Vietnamobile, đối tác nước ngoài đã phải rót thêm khoản tiền khá lớn. Trong khi đó, với trường hợp của S-Fone, có thể thấy đơn vị chủ quản mạng này là SPT rất khó có đủ nguồn lực để “hà hơi thổi ngạt” cho S-Fone.
Theo báo cáo tài chính của SPT, trong 3 năm liên tiếp (từ 2008 – 2010), Công ty đều hoạt động trong tình trạng lợi nhuận âm. Tính sơ bộ, tổng số lỗ của SPT đến giữa năm 2011 đã lên đến con số gần 186 tỷ đồng.
Vậy các cổ đông lớn của SPT có đủ lực để hỗ trợ S-Fone? Cổ đông lớn nhất của SPT hiện là SaigonTel (nắm 30% vốn điều lệ của SPT), mới đây cũng đã phải gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình về khoản lỗ 113,79 tỷ đồng trong năm tài chính 2011.
Như vậy, có thể nói S-Fone không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực tài chính từ đơn vị chủ quản hay các cổ đông lớn có cổ phần trong SPT, mà phải tiếp tục “ngậm sâm” để tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Theo ông Thịnh, “SPT đã và đang triển khai một số kế hoạch nhằm tiếp cận các nguồn lực tài chính khác để trực tiếp đầu tư vào mạng S-Fone. Do vậy, chiến lược phát triển của S-Fone cũng không phụ thuộc nhiều vào SaigonTel”.
Ông Thịnh cho biết thêm, SPT đang trong quá trình trao đổi và làm việc với một số đối tác trong nước cũng như nước ngoài, tuy nhiên vì một số điều khoản thỏa thuận giữa các bên, nên chưa thể công bố danh tính của đối tác.
S-Fone đã làm việc và đàm phán với một đối tác viễn thông lớn tại khu vực châu Á, có trụ sở chính tại Malaysia và một đối tác mang quốc tịch Anh, theo báo Đầu tư.
Ngay cả khi S-Fone tìm được Mạnh Thường quân bạo tay chi tiền cho việc chuyển đổi công nghệ thì tại thời điểm này, S-Fone cũng đang ở trong cuộc chơi mạo hiểm. Trước tiên là hiện vai vế trên thị trường viễn thông Việt Nam đã được phân chia, tỷ lệ thuê bao được coi là bão hòa, với con số thuê bao di động tính đến hết quý I/2012 là 118,7 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn khá lạc quan khi đưa ra nhận định, công nghệ 3G không còn là mới mẻ, nhưng dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách với các nước và là mảng kinh doanh nhiều tiềm năng.
“S-Fone sẽ cân nhắc áp dụng một số mô hình đã triển khai thành công trên thế giới để tối ưu hóa chi phí đầu tư, trong đó, nếu biết tận dụng lợi thế tần số 850Mhz (tần số hiện có của S-Fone), chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu cung cấp dịch vụ tiên tiến nhất, chất lượng tốt nhất với chi phí đầu tư thấp nhất, và điều này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sự hài lòng của khách hàng”, ông Thịnh nói.
Khó khăn tiếp theo của S-Fone là, sau một thời gian dằng dai chuyển đổi mô hình hoạt động, nhà mạng này đã mất đi phần lớn số thuê bao và vùng phủ sóng bị thu hẹp. Hiện S-Fone chỉ còn ngót nghét 3 triệu thuê bao và chưa đầy 1.000 trạm phát sóng. Chắc chắn, SPT và các nhà đầu tư quyết bỏ vốn vào S-Fone sẽ phải tính toán nát óc để phát triển thuê bao, mở rộng vùng phủ sóng ngay trong điều kiện các “ông lớn” khác đang thị uy sức mạnh.
Theo Báo Đầu tư